GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 02 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI

GIA TÀI NGƯỜI MẸ 

Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.

CHƯƠNG 02:


Thạch liệng con thỏ rừng xuống mặt đất một cách mệt nhọc, chàng vươn vai, cầm mũ nơi tay đi vào nhà. Ông Hai từ trong đi ra :

- Tôi kiếm hoài không thấy chú đâu, đi xa vậy?

- Ở khu rừng chuối mà, ông coi, có tới bốn con, một mình tôi không làm gì nổi, thật đáng tiếc. Ông kiếm tôi làm gì?

- Có thư, hình như của mẹ chú thì phải, thư gấp nhắc có chuyện gì cần.

Vừa nói ông Hai vừa đưa thư cho Thạch, chàng đọc một cách vội vàng.

- Chắc chắn chú về hẳn. Con đi biệt tích như thế mẹ gọi là chẳng đêm nào chợp mắt được đâu. Chú có vẻ bất nhẫn, từ hồi ở với tôi cho đến nay chú chưa bao giờ chịu trở về thăm nhà lấy một lần. Chuyến này lại thế sao?

- Về chứ, bây giờ thì phải về.

- Thế à...

Ông Hai quay ra phía con thỏ :

- Thì cũng nhậu đã, chà béo phải biết đấy, có một chai vang mà hầm thì đến Tây cũng ở lại mà giữ lấy thuộc địa cho dù dao kề cổ.

Thạch để tay vào thắt lưng, chàng vội chạy lại cầm chú thỏ lên và rút con dao còn cắm sâu trong bụng con vật, chàng rút mạnh ra. Nơi vết thương rỉ ra một dòng máu đỏ tía, chàng lai mũi dao vào lông con vật rồi soi lên ánh sáng.

- Về thật hay giỡn đấy chú mày?

- Sao lại giỡn?

- Việc cần à?

- Mẹ tôi đau nặng...

- À thế thì về là phải rồi. Chú về bà cụ bắt chú lấy vợ cũng có. Các bà già mà. Nếu có vợ cho theo lên luôn thể tôi coi mặt một chút rồi đi đâu thì đi, tôi không giữ đâu mà sợ...

- Nhất định thế nào tôi cũng lên không lâu đâu...

- Nhớ đấy nghe không.

Tôi chưa muốn đi ngủ, tôi không thể nào ngủ được một cách yên tâm khi ấm thuốc chưa xong, tôi muốn tự coi sóc. Nhẫn nó còn nhỏ phải đi học không thể thức khuya, cũng không thể giao cho u Tám được, u đã già lại còn phải trông nom quá nhiều việc, nhất là cháu Dũng. Vả tôi nghĩ không ai thương mẹ tôi bằng tôi trong gia đình này, các anh tôi, em tôi và có lẽ cháu tôi còn oán mẹ tôi nữa. Tôi thì không. Tin đã gửi đi nhưng tôi tin các anh tôi không trở về, không bao giờ trở về cả. Và thực tôi cũng không mong ước điều đó, tôi muốn giữ độc quyền tình yêu thương của mẹ tôi, tôi thấy tôi xứng đáng hơn hết, đã chẳng phải là tôi ích kỷ lắm sao. Và tôi muốn hưởng tất cả những gì mẹ tôi để lại.

Tôi không thể nhớ được rằng đây là thang thuốc thứ bao nhiêu. Tôi chưa muốn mẹ tôi chết bây giờ, tôi muốn mẹ tôi lập gia đình cho tôi và mẹ tôi được hưởng hạnh phúc, được hưởng sự đền đáp của con cái một phần nào. Các anh tôi đã vì những hiềm khích thù hằn mà bỏ đi. Tôi phận em chẳng biết nói gì. Thực tôi không thể nào hiểu được họ. Tôi không hiểu được họ một mảy may. Hay trong chúng tôi có những giòng máu khác: người có với tôi giòng máu của máu của mẹ, người có với tôi giòng máu của cha, và những quá khứ chúng tôi chịu đựng cũng khác nhau. Hay vì họ có những cao vọng không bao giờ đồng ý với nhau được, điều đó tôi không có.

 Tôi chỉ muốn là một người thường, có lẽ tôi có sẵn điều đó, một người rất thường, sinh ra không thắc mắc tại sao, hoàn cảnh thế nào, sống yên thân với cha mẹ, lớn lên kiếm công ăn việc làm nuôi thân, giúp đỡ cha mẹ được chừng nào hay chừng ấy, rồi lập gia đình, sinh con cái. Đời sống như vậy cần chi phải thắc mắc cho thêm mệt ra. Cái dòng luân lưu êm chảy ấy có ai tránh ra ngoài được. Các anh bảo nhau: nó là một đứa thộn, một đứa an phận vứt đi. Tôi lặng thinh không cần phải nói làm gì cho tốn sức. Thộn, an phận, vứt đi, hay gì đi nữa là chuyện của tôi, nào có can sự gì tới ai đâu. Nhưng có điều tôi hơn họ. Nếu tôi không như vậy thì ai chăm sóc mẹ già, ai nuôi em và cháu. Đó, tôi tự hào vậy đó, tôi đã làm đầy đủ bổn phận của mình. Mà tại sao những bổn phận bé nhỏ đó, cho dù nhỏ bé đi nữa thì cũng là cần thiết, tại sao chúng ta lại quên đi để nghĩ tới chuyện đâu đâu, những ảo tưởng phóng lớn mơ hồ chạy mãi trong tương lai mù mịt. Tôi không đủ sức, tôi tự biết như thế, tôi không đủ sức để dự một cuộc chạy đuổi dai dẳng và tôi cũng khâm phục họ vì thế...

Có thực là tôi đã an phận, hèn yếu hay không điều đó mẹ tôi biết, hình như mẹ tôi cũng buồn tôi về chuyện này, nhưng mẹ tôi không nói ra, mẹ chẳng nói ra vì thương tôi.

Nhưng nếu ở trong đời sống ai cũng là kẻ phi thường cả thì những công việc tầm thường giao cho ai, và khi đó sự phi thường có còn chăng? Tôi chỉ buồn một điều về anh tôi. Nếu anh tôi còn thì những bổn phận của tôi nhẹ nhàng đi bao nhiêu, em và cháu đâu phải chính tôi trông nom nuôi nấng chúng. Gánh nặng của tôi chính là đứa cháu mồ côi và đứa em cùng mẹ khác cha này, một đứa em lai đen, hậu quả của một hành động điên cuồng nơi người đàn ông vô danh khuất mặt để lại và chính bố nó đã giết chết cha tôi một cách tàn nhẫn ác độc, chính nó đã làm cho mẹ tôi bao phen nhục nhã... đời sống chẳng bao giờ đến với chúng ta trong những điều kiện ước muốn mà trong sự lặng lờ vẫn hờn sâu những bất trắc, tàn nhẫn, đen tối...

Bây giờ đáng ra là lúc mẹ tôi phải được hưởng tuổi già thì mẹ tôi lại sắp không được hưởng. Tôi không nghĩ mẹ tôi sắp mất. Mẹ còn sống. Mẹ phải sống thêm nhiều năm nữa. Mẹ chưa già. Va tôi sẽ cưới một người vợ được mẹ tôi ưng ý vui lòng, tôi còn muốn được cha mẹ cưới vợ cho mình. Một người vợ hiền ngoan mang lại hạnh phúc cho tôi. Mẹ sẽ còn khỏe, mẹ sẽ dạy dỗ vợ con tôi, những đứa cháu sẽ ra đời để được bà nội nuông chiều. Nếu không đó chẳng phải là một bất hạnh cho các con và lũ cháu hay sao? Mối hạnh phúc cho mọi người là được sống trong sự bình thường. Trong yêu thương thân thiết của máu mủ, được biết thế nào là tình thương của ông bà, cha mẹ, chú bác mình, nếu không là một thiệt thòi vàng ngọc.

Mẹ tôi chắc chưa ngủ, tôi biết từ lâu nay mẹ tôi mất ngủ, mà tôi không biết làm sao cho mẹ tôi được vui lòng. Tôi khó nói với mẹ tôi. Tôi âm thầm những ý nghĩ dấu kín... Em Nhẫn, từ khi mẹ tôi mệt nó cũng chỉ biết khóc, bởi nó nghĩ rằng ngoài mẹ tôi ra không ai yêu thương nó. Ngay chính tôi cũng còn có lúc thấy ghét nó nữa chứ kể gì các anh tôi.

Tình yêu thương chẳng đến với nó, có chăng là sự thương hại một đứa trẻ xấu số, tôi vẫn tự hỏi: tại sao nó còn sinh ra làm gì, tương lai nó chắc hẳn chỉ có những bất hạnh chờ đón. Có lẽ nó hiểu như vậy nên chỉ còn biết khóc. Làm sao để chúng ta cưỡng lại số mệnh?

Cháu Dũng, tôi yêu thương nó, tôi cầu nguyện cho con tôi sau này đừng xấu số như nó. Nó có tội tình gì mà phải chịu cảnh mồ côi, không được biết thế nào là tình cha mẹ.

Mẹ, mẹ đừng bỏ các con, mẹ sẽ sống thật lâu và sung sướng, các anh con sẽ trở về với mẹ, mẹ chưa thể chết, mẹ còn sống để làm tiêu tan hận thù giữa anh em... để cho các con nghĩ lại, trở về đoàn tụ với nhau, và khi đó mẹ có thể nhắm mắt được... Mẹ sẽ chết với nụ cười mãn nguyện trên môi, một nụ cười chua bao giờ con thấy trên môi mẹ. Mẹ hãy sống với các con mãi.

Nhẫn bước chân vào bếp, than trong hỏa lò đã tàn, siêu thuốc vẫn còn bốc hơi. Nhược ngồi dựa đầu vào vách ngủ từ bao giờ, trên tay còn cầm chiếc que cời than. Nhẫn thấy nghẹn ngào. Đã chẳng phải gì một mình Nhẫn thương mẹ. Nhược còn thương mẹ hơn. Bao đêm nay Nhược đã ngồi cạnh siêu thuốc, mẹ vừa cất tiếng gọi là Nhược đã có mặt ở bên dù ban ngày Nhược phải đi làm. Gương mặt Nhược hốc hác gầy guộc thêm lên dù Nhược vốn đã gầy yếu sẵn. Nhẫn tiến tới gần, nàng đặt tay lên vai Nhược khẽ lay, Nhược choàng mắt dậy một cách hốt hoảng :

- Thôi anh lên nhà ngủ đi.

Nhẫn cầm chiếc giẻ lót tay bắc siêu thuốc ra khỏi hỏa lò, rót thuốc vào chiếc bát ao thử thuốc trong siêu. Còn hơn một lát, chưa được, nàng mở vung, hơi thuốc bắc xông lên ngào ngạt, nàng đổ thuốc vào và bắc siêu lên bếp :

- Còn một chút nữa thì được, thôi để em coi cho, anh mệt rồi đó.

Nhược ngồi yên. Tay vẽ chiếc que xuống mặt gạch, Nhẫn gắp thêm vài miếng than nhỏ bỏ vào trong bếp và khẽ khua cho than tàn lọt xuống phía dưới, Nhược đã thiếp đi lúc nào không biết. Chàng đang ở trong một giấc mơ êm đềm, chàng thấy mình đang nô giỡn trên một bãi cỏ xanh với vợ và các con... Nhẫn đã mang chàng ra khỏi giấc mơ đó, chàng cố nhớ xem khuôn mặt vợ chàng và các con trong giấc mơ nhưng chàng không sao hình dung ra được, càng muốn nhớ hình ảnh càng mờ nhạt tan biến.

- Em để anh coi cho thì hơn, sáng mai em còn đi học sớm. Anh có buồn ngủ đâu...

- Anh vừa ngủ đó thôi, em chẳng thấy buồn ngủ gì cả, mai anh còn phải đi làm mà...

- Nhưng em không biết coi thuốc đâu, em cho lửa bớt đi chút kìa, nếu không cạn hết bây giờ.

- Anh làm như em không biết gì cả. Em lớn rồi, em có thể giúp anh được.

- Anh có bảo em bé đâu, và em vẫn giúp đỡ anh thôi, nhưng thuốc của mẹ phải để anh coi mới được, sai một chút là hỏng... May có em vào nếu không anh ngủ quên thì chết, than cũng tàn nữa...

Nhẫn ngồi xuống bên cạnh, nàng nhìn thấy tỉnh táo lạ thường, nhiều đêm nay nàng khóc cho tới lúc thiếp đi đến sáng. Đôi mắt đỏ hoe và nặng nề. Nàng lo sợ về sức khỏe của mẹ nàng. Nếu có mệnh hệ nào thì nàng còn biết trông cậy vào ai. Nàng mong các anh nàng trở về cho mẹ nàng được vui một chút. Nàng mong vậy thôi, dù nàng biết các anh nàng chẳng bao giờ muốn hỏi han gì tới nàng cả, nàng như một người xa lạ trong gia đình này, hay hơn nữa, nàng còn như dấu tích của một nỗi thù hận. Nàng chỉ còn biết cắn răng chịu đựng và khóc với mẹ thôi.

Nhược nhìn Nhẫn. Mái tóc quăn vàng bù rối, những sợi tóc cứng và quăn không tự nhiên như những chiếc lò so khô cứng. Mái tóc nửa chừng không sao dài ra được. Mái tóc lai một giòng máu rạch mặt. Nhẫn ngồi nghiêng mình vào bếp than hồng, chàng thấy khuôn mặt nghiêng gẫy gập của Nhẫn, ánh sáng hắt từ một phía làm cho nước da sù sì và đen cháy trở thành bợt vàng rất tởm, trên đó những mụn nhỏ mọc. Mũi tẹt sống mũi gẫy gập trên khuôn mặt lưỡi cày, đôi môi dày vẩu ra phía ngoài đen cắn chỉ, phía trong lợt ướt đỏ lòm, đôi lông mày rậm, đôi mắt sâu. Chỉ có đôi mắt có phần nào của mẹ... mắt buồn kín... Sắc đẹp ấy làm mẹ thương nó, rồi một người con trai nào có thể lấy nó, và có đủ can đảm chờ đợi những người con lai ra đời. Nhược không muốn mình nghĩ ngợi hơn nữa bởi chính chàng cũng không sao có thể làm thay đổi cuộc đời của Nhẫn ngoài sự thương hại.

Nhẫn thẫn thờ nhìn những vụn than nổ lép tép bắt đầu cháy trong hỏa lò. Nàng muốn san xẻ một phần nào nỗi lo lắng của anh. Nàng hỏi :

- Anh Tuấn gửi điện tín hôm nay về mà sao chưa thấy. Tin của anh Thạch cũng làm mẹ mong...

- Có lẽ các anh ấy không trở về đâu, anh có cảm tưởng như vậy, mà mẹ thì lại thương các anh ấy hơn anh em mình... tại sao mẹ lại thế.

- Không, các anh thế nào cũng trở về, em tin dù sao các anh cũng còn thương mẹ, dù thương một chút đi nữa, và còn gia tài của mẹ để lại.

- Đó là của anh em mình chứ... Và cháu Dũng, các anh ấy không có can dự gì vào đấy cả, em thử nghĩ xem.

Nhẫn lại khóc, tự nhiên nước mắt trào ra. Nhược ngồi im nhìn hơi nước bốc ra ở nơi vòi siêu thuốc. Tiếng khóc của cháu Dũng vọng từ phòng bên sang. Tiếng u Tám nói mơ hồ :

Cháu lại ngủ mê rồi. Hai đứa đứng nhìn bà mẹ vẫn còn thức nằm im lần tràng hạt trong bóng tối.

- Các con chưa ngủ sao, để thuốc đây cho mẹ. Nhẫn chạy lên gục đầu vào lòng mẹ mà khóc, nàng muốn khóc mãi, khóc cho đến khi không còn nước mắt nữa. Bà mẹ bỏ tràng hạt vuốt tay lên mái tóc khô cứng cằn cỗi thương hại khôn cùng. Nhược để bát thuốc xuống bên cạnh rồi đứng im, chàng thấy choáng váng, căn nhà bắt đầu như quay cuồng đảo lộn trước mặt chàng...

Bây giờ tôi chỉ muốn chết cho xong, tôi chết đi nhiều người sẽ vui lòng. Tôi tưởng tượng ra một khung cảnh, một khung cảnh cho riêng tôi: làm sao cho tôi chết mà trí óc vẫn minh mẫn, mắt vẫn sáng, tai vẫn nghe... Ví dụ tôi chết giả vờ được như thế. Tôi chết cho người ta bỏ mình vào hòm, một chiếc hòm trong suốt như pha lê rồi kêu gào, than tiếc.
truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.