GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 13 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI

GIA TÀI NGƯỜI MẸ 

Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.

CHƯƠNG 13:




Một điều chắc chắn anh có thể biết, bố và mẹ anh đã hoạt động bí mật với nhau trong nhiều năm cho một mục đích. Mẹ anh còn dấu tích vết tử thương nơi cổ. Anh là một bào thai được nuôi trong nhà tù. Và cũng nhờ cái thai đó mẹ anh được thả ra. Về bố anh, anh nghĩ chắc ông đã bỏ mình ở trong bốn bức tường của trại giam - dù mẹ anh bảo rằng :

- Trong một cuộc đánh phá họ đã thoát ra được.

Mưa bắt đầu lớn, nước có thể ngập lên căn nhà này, em khóc à, em khóc cho em đấy, căn nhà này mỗi đêm đều có kẻ đến, họ cũng như anh. Họ nói những gì với em... chắc họ nói nhiều lắm, họ nói một tương lai cho em nghe với hy vọng, hạnh phúc... Anh thì không. Anh chỉ là một người khách lạ.

Anh trở về đây, đối diện với thực tại để tự hào về dòng máu anh đã mang trong người, tự hào về hoàn cảnh anh đã sinh ra và trưởng thành. Anh về để nhìn một bà mẹ đau khổ ở giữa những người con đang hiềm thù oán ghét nhau. Anh đã ngồi trong một ngôi nhà, nơi bố anh đã sống, một ngôi nhà với bao nhiêu quá khứ đã trả qua, từ viên gạch, chiếc cửa, bức tường và những người có mặt. 

Bà ta đã giới thiệu với anh người anh cùng bố, những người em cùng đứa cháu. Trong những người em có một người em gái lai da đen. Sao em cười, một người em lai đen đâu phải chuyện lạ. Trông em đẹp, trắng, chiếc mũi hơi cao kia biết đâu em không có một dòng máu da trắng trong người? Đất nước ta đã nô lệ bao nhiêu năm, chiến tranh đã hoành hành bao nhiêu năm. 

Trong đó, giữa gia đình những đứa con với ý nghĩ, với tư tưởng khác biệt đối diện với nhau. Bà mẹ bảo anh ở lại, bà nhận anh là một người con, anh được quyền hưởng một phần gia tài của bà. Anh đã cười thưa với bà rằng:

-  Con về không phải để hưởng gia tài 

- Đó là quyền lợi của con 

- Nhưng con có ở lại đâu. 

Người anh chung bố với anh bảo:

-  Em nên ở lại. Em mới chính là con của bố. Chúng nó không có quyền gì ở đây hết. Em ở lại với anh .

- Tôi về không phải để về hùa với anh cho thêm vây cánh. Bố chúng ta không dạy chúng ta thế. Vả lại của cải được chia cũng không ích gì cho tôi. Anh đã nói cho họ hiểu rằng anh trở về đây chỉ là vâng theo ý muốn của mẹ. Ý muốn cho anh biết về gia đình mình.

Em hỏi anh mới nhớ, mẹ anh mất lâu rồi. Bà mất vào một đêm có tiếng súng. Tiếng súng của những người kháng chiến lấy đồn Tây. Anh chẳng hiểu mẹ anh là người thuộc vào gia đình như thế nào, hình như về gia đình đó không có điều gì đáng nói cho mẹ anh nhắc lại, mà biết đâu mẹ anh đã chẳng là một người mồ côi, một người có gia đình bị tàn sát.

Như một vùng đất đai được coi như nhượng địa, một vùng đất đai chung lịch sử, sức mạnh, dân cư bỗng nhiên bị chia cắt, lạ mặt, trôi vào trong vòng xích nô lệ đen tối.

Nhưng dù vậy, sự tù hãm chỉ có được ở thân xác, ở bề ngoài không thể có tác dụng gì đến tâm hồn, đến ý muốn tự do vùng vẫy của họ. Sự giam hãm thể xác un đúc thêm sức quật khởi đòi giải phóng. Em có thấy không. Quá khứ huyền hoặc của mẹ anh và một cái chết anh hùng. Mẹ đã từng mím môi chảy máu vì đời sống chung quanh, giặc giã quấy nhiễu. Trong xứ sở chúng ta những bà mẹ, những người bố kiêu dũng không thiếu. 

Họ đã mang bản thân ra để tìm kiếm tương lai cho chúng ta. Dù tương lai đó đầy xương máu, ảo tưởng. Như mẹ anh đã cùng dân làng tay gậy, tay dao xông vào hàng rào kẽm gai cùng tiếng reo hò của làng nước dù không át nổi tiếng nổ hung hãn của những bom đạn điên cuồng. Nhưng họ đã lao mình lên không tính toán, họ lao mình lên mắc vào hàng rào làm bia đỡ đạn phơi gan ruột và hòa máu vào mạch đất. Anh đã nhìn thấy mẹ anh trong hình ảnh của Đức Chúa Trời căng mình trên thánh giá chịu tội cho nhân loại. Những người chết đó có thật, họ làm có mặt người còn sống, họ tạo không khí cho chúng ta thở, và mở cánh cửa tương lai cho chúng ta tiến lên.

Sự sống vắng mặt ở đây, sự sống không có trong những hang hẻm nhớp nhác dục vọng, tội lỗi... Sự sống hào hùng bốc lên ngút lửa ở những làng xóm xanh màu cỏ dại, rám nắng trên vầng trán, và uất ức nặng đôi chân ngâm dưới ruộng sâu... Em không thể nào hiểu được.

Anh đã cố gắng giảng giải cho bà mẹ cùng những người con nghe rằng: gia tài đích thực của những người chết để lại không phải chỉ là căn nhà đó, hay những của nổi chúng ta cầm được, nhìn thấy. Gia tài của người chết như nước nguồn vĩ đại đang luân lưu, đang bồi đắp, nó là ý chí đời sống những con người còn lại kế tiếp. Gia tài người chết để lại chỉ như một kỷ niệm, một nhắc nhở ý muốn của người chết dành cho chúng ta... Anh về để biết điều đó. Khốn thay sự mù tối của thực tại, của dục vọng, của thành kiến đang làm người sống lạ mặt, thù oán, tranh giành. Sự ti tiện nhỏ mọn trước mắt chúng ta đang làm chúng ta bị cuốn đi trong cơn lốc...

Anh tỉnh táo nhìn sự thực và từ đó anh ra đi lập lấy cho mình một gia tài, đó là ý muốn của cha mẹ anh góp với sức lực của đời sống anh. Em sinh ra để làm vợ, làm mẹ. Anh sinh ra không phải để thù oán, ganh ghét, cạnh tranh một thứ gia tài đã già nua gần như vô ích mà sinh ra để lập lấy gia tài của mình. Dòng nước đang lên cao, cơn bão đang hoành hành, những căn nhà cũ, những gạch ngói đã mòn, thân cây đã mục chắc sẽ bị cuốn đi, nó hết sức chịu đựng rồi. Nó không còn gì để chống đỡ với sự phá phách cuồng loạn hiện nay. Chống lại, giữ được phải là một công trình mới và sức mạnh của cuộc sống phả lên nó hùng vĩ và kiêu dũng. Em có nghe tiếng hát ở trong đầu anh không. Tiếng hát bố mẹ anh để lại dư vang - và anh sắp cất lời...

Nhẫn khom người giắt bốn mép màn một cách cẩn thận rồi nàng hỏi mẹ xem còn cần gì nữa không, bà mẹ mỉm cười và bảo nàng đi ngủ. Sau lần vải màn trắng như sương mù, nụ cười hiền hòa phả ra một vẻ êm đềm bao dung, Nhẫn cảm thấy ấm áp. Nàng tắt ngọn đèn lớn, phủ tấm vải xanh lên chiếc đèn ngủ ở đầu giường. Nàng quyến luyến không muốn đi ra, nàng nhìn mẹ, nhìn khung cảnh gian phòng như cố lưu giữ những gì nàng mến yêu. Nàng đi ra, nhẹ nhàng khép cánh cửa lại rồi bước xuống sân. Nàng ngồi xuống bậc gạch nhìn ra ngọn đèn nhỏ thắp ở đầu nhà bếp, khu vườn im vắng vẻ bí mật, từ trong đó những xôn xao của Nhẫn dấy lên. Nàng thấy không có gì giữ nàng nữa. Mẹ nàng còn sống bao lâu. Khuôn mặt Thạch, Tuấn hiện ra vẻ dữ tợn như vây lấy nàng. Họ có tất cả quyền lực, nàng thì không. Nàng chỉ là sự bất hạnh, nỗi mệt nhọc tính cách thừa thãi, đau đớn của một sự thật đã hiển hiện. Sự hiển hiện đó Nhẫn thấy rồi, nó như một khối đen nặng nề mà trí khôn Nhẫn đã nhận ra. Đã nhận ra mà không thay đổi, làm mất khi sự sống còn. Nàng thấy một không còn quyền được nhờ cậy, van xin, cầu khẩn. Bởi khối đen thực đó là sự sống của nàng và nàng tự thấy phải kết thúc, phá vỡ. Số phận định đặt? Số phận chỉ định đặt được sự sống còn sự chết thì không.

Nàng thử tìm kiếm, dò hỏi xem cái gì đợi nàng. Thôi không nghĩ nữa. Đêm đã xuống lặng im không một tiếng nói. Nàng vào phòng. Nàng tìm chiếc áo màu nâu hoa vàng mặc vào người, chiếc áo đẹp nhất nàng giữ gìn. Nàng chải tóc và soi mặt vào gương, nàng thấy nàng đẹp hơn bao giờ hết. Nàng giải tấm chăn xuống đất rồi bắc chiếc ghế lên trên. Nàng buộc chiếc thường lên xà nhà về tết cái nút một cách kỹ lưỡng. Nàng nhớ nụ cười của mẹ rồi đứng im. Nàng tỉnh táo quàng chiếc thòng lọng vào cổ 

- Lạy mẹ, mẹ tha thứ cho con, con không thể sống để khóc mẹ, đưa đám mẹ và ném mình viên đất xuống huyệt mẹ nữa, mẹ đã khóc vì con nhiều rồi, mẹ sẽ khóc con một lần chót. Con chết vì ý muốn của các anh, vì ý muốn của những dục vọng, tranh giành, thù oán... ý muốn mọi người. Không ai cứu được số phận của con cả, con đã thua. Nhẫn kéo chiếc thòng lọng cho sát cổ họng và khẽ đẩy cho chiếc ghế đổ xuống chiếc mền, nàng nghe rõ tiếng chiếc ghế đổ xuống.

- Lạy mẹ, lạy mẹ...

Trong gian phòng đầy ánh sáng. Nhược ngồi thu mình nơi chiếc ghế ở góc phòng, bên đó u Tám ngồi ôm Dũng ngủ. Thạch ngồi nơi bàn lớn vẻ mặt mệt nhọc :

- Tao muốn giao căn nhà này lại cho mày trông nom. Nhược, mày có nghe tao nói không.

- Anh cứ nói đi, tôi có thể ngồi đây suốt đêm để nghe anh nói.

- Tao giao như vậy không có nghĩa là nó thuộc về mày, tất cả chúng mày không có tí quyền gì về gia tài này. Mày giữ nhà là để nuôi mẹ cho đến khi mẹ chết. Trông nom thằng Dũng cho đến khi nó lớn lên. Rồi sau đó tao sẽ liệu. Tao sẽ đi khỏi đây vì tao không thể nào chịu đựng được cái không khí khó chịu này.

- Sao vậy không ở lại 

U Tám nói 

- Bà yếu lắm rồi, chả gì cậu cũng là con lớn. Cậu có bổn phận với bà một lẽ, cậu còn có bổn phận với các em. Kể cả cậu Tuấn, cậu Nhược rồi cô Nhẫn, bà mất rồi còn trông vào ai ngoài cậu?

- U là người ngoài, u không biết gì cả. Bổn phận là thế nào?

- Tôi là người ngoài nhưng tôi ở trong nhà này nhiều hơn cả tuổi cậu nữa. Cậu đừng tàn nhẫn như thế nếu cậu không muốn sống một mình.

- Tôi một mình cho sướng thân tôi. Tôi không cần bất cứ ai.

U Tám khóc, Nhược ôm đầu gốc vào ngực. Thạch ngả người vào thành ghế. Nhược nói êm đềm :

- U Tám, u đừng khóc. Tôi chịu ơn u như chịu ơn cha mẹ tôi. Tôi không ở lại đây đâu, mẹ mất rồi tôi sẽ kiếm một chỗ ở khác và u đến đó với tôi. Tôi chẳng có tham vọng chi ngoài sự mơ ước có một căn nhà nhỏ được dựng lên nhờ sức làm việc và sự cần kiệm, ở đó không có điều gì phải lo âu phiền não. U về ở đó trông nom các con nhỏ cho tôi, rau cháo sống đời đơn giản và đầm ấm. U hãy coi tôi như con nuôi của u, tôi là con mẹ nhưng u đã nuôi tôi sống. U đừng nói thêm gì, tôi có ý gì để giữ căn nhà này đâu? Tôi chịu đựng ở lại đây vì sự sống của mẹ tôi hơn là tôi... Và u là người nhà hơn cả anh Thạch.

- Mày muốn về hùa với thằng Tuấn phải không?

- Anh nhầm lắm. Tôi chẳng về hùa với ai cả. Tôi đứng riêng ra ngoài cuộc tranh chấp. Sau nữa các anh có thương gì tôi, các anh chỉ nhìn người khác với con mắt quyền lợi, thù oán, đối nghịch. Các anh đứng ở hai đầu mút sự tranh giành mù quáng vì lợi, và vì mình.

Các anh sẽ chẳng ngần ngại gì loại trừ tôi, cả Nhẫn, cháu Dũng ra ngoài cũng như các anh chẳng ngần ngại cầm dao giết nhau thản nhiên. Nếu anh thấy anh có quyền về gia tài này thì anh nên ở lại giữ lấy. Bỡi lẽ với sức khỏe hiện nay mẹ cũng không sống thêm được bao lâu...

Bỗng nhiên có tiếng người chạy, cánh cửa mở tung, Tuấn chạy vào :

- U Tám, u Tám sang đây giúp tôi một tay. Nhẫn nó treo cổ...
truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.