GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 03 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI

GIA TÀI NGƯỜI MẸ 

Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.

CHƯƠNG 03:


Có chắc là mẹ tôi thương tôi thật không? Tôi không muốn nghi ngờ chút nào cả. Nhưng biết đâu mẹ tôi khóc chỉ vì điều tôi chọn để chết, tôi chết vì buồn chán, vì bị hất hủi, vì thiếu tình yêu thương, vì mẹ tôi ghét. Và như thế mẹ tôi còn gì nữa để tự hào vì sự đau khổ, lòng can đảm, chịu đựng và bao dung của người đối với tôi, đối với một giọt máu rơi của kẻ thù để lại, như vậy mẹ tôi còn gì nữa để sống.

 Còn các anh tôi, tôi phải gọi thế thôi chứ họ có muốn là anh em gì với một kẻ thù, họ sẽ để tay trên ngực tôi xem còn thở hay không, khi đã yên tâm chết thật họ sẽ thở dài... đừng vội nghĩ đó là hơi thở dài cắt ruột, buồn phiền mà đó chính là thở ra khoan khoái nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, hay hơn nữa, được giải thoát, được thanh thản vì mối thu đã được trả một cách êm ả không phải mang tiếng tăm ác độc. 

Vì chẳng lẽ họ lại cầm dao rồi mỗi người cắt tôi một miếng thịt cho bỏ ghét. Tôi chắc phải phì cười khi trông thấy họ cố tạo vẻ âu sầu phiền muộn như tiếc thương vô cùng độ một đứa em gái. Điều mà họ muốn tạo ra cho mẹ tôi thấy, cho mọi người, cho linh hồn tôi nếu có một cách ngây thơ thấy, và cho chính họ tưởng như thương yêu tôi thật tình... Ấy đấy, như vậy thì có đáng tức cười không mới được chứ. 

Rồi có người giỏ ra vài giọt nước mắt, thứ nước mắt thừa thãi mà mọi người đều có sẵn một cách rất ư man trá, lừa lọc, họ rụi cho đỏ cả mắt một cách tỉnh táo... Họ đừng bên cạnh quan tài tôi, chưa biết chừng ho đứng để xem nếu tôi sống dậy thì bóp cổ cho chết thật sự đi. Lúc đó tôi sẽ cất tiếng cười, ngồi dậy và tôi nói thôi đừng giả dối, thôi đừng man trá tôi biết thừa tất cả. Tôi chán lắm. Tôi còn sống nhăn răng ra đây. Tôi chết thế nào được. 

Bây giờ thì nhất định là họ muốn tôi chết thật rồi chứ không cần phải tưởng tượng ra nữa cho thêm mệt. Tôi chỉ muốn nói cho họ biết về chính họ thế thôi. Mình ác thì nhận là ác đi, thù ai thì nói ra là thù đi, việc gì phải tạo ra thế này thế khác. Thật tôi không thể nào hiểu được họ. Tôi chẳng có mưu toan ác ý gì cả. Tôi không cần nó. Có nó tôi cũng chẳng thay đổi gì. Tôi còn hơn hay kém gì nữa. Tôi vẫn là tôi trơ ra: một số phận đen.

Tôi đã soi mặt tôi vào tấm gương nhỏ này không biết bao nhiêu lần và lấy làm tủi thân. Tôi ngại ngần soi mặt trước người khác. Hay trước một tấm gương lớn. Tôi lại phải nhìn thấy tôi một cách rõ ràng đầy đủ. Với chiếc gương tròn nhỏ này tôi nhìn tôi một cách lén lút vụng trộm. Chiếc gương bỏ túi này đã quá đủ, nó giúp tôi nhìn những khoảng nhỏ, hay vừa đủ một khuôn mặt bằng ngón tay. Trong khi đó, những đứa con gái bằng tuổi tôi chỉ muốn được ngắm nghía mình một cách không chán mắt, ngắm nghía một cách lộ liễu, và muốn khoa trương ngay cả cái sắc đẹp của họ có một cách lẳng lơ hay đĩ thõa nữa. 

Tôi cũng muốn như thế. Nhưng tôi không có sắc đẹp cho chính tôi ngắm nghía. Bao nhiêu đứa ham mê phấn sáp, vẽ mặt, bôi son, chụp hình, trang điểm... ngắm mình một cách tự tin... Tôi thì không. Tôi còn có gì để ngắm. Tôi, một vật đen thui kỳ quái. Tôi muốn đập bỏ tất cả những tấm gương để tôi chỉ soi thấy tôi một cách mù mịt - khi đó tôi tự cho tôi là đẹp - hoặc không thì tôi phải chọc thủng đôi mắt tôi đang có đây để trở thành một kẻ mù lòa khỏi phải nhìn thấy nhan sắc của chính mình. Và khỏi phải nhìn thấy người khách đẹp đẽ một cách ghen ghét. Nhưng tôi chẳng làm được theo ý tôi muốn. Tôi chẳng thể chống lại chính đời sống đã định đặt?

Tôi đã soi mặt tôi một cách cẩn thận, nước da đen sạm sần sùi như một thứ vỏ cam bị dám, trên đó mặt da rất sốp rõ ra từng lỗ chân lông. Chiếc mũi tẹt, sống mũi gãy đôi, lông mày như một cụm lông heo rừng đen cứng, những sợi tóc như rơm khô vàng ệch. Tôi chẳng giống mẹ tôi một mảy may nào cả. Làm sao tôi có thể tưởng tượng được ra rằng tôi giống bố tôi, mà không giống bố thôi thì tôi còn giống ai nữa. Như vậy tôi làm sao tạo ra được một hình ảnh về bố tôi cho có cảm tình? Dù cho bây giờ bố tôi đến nhận tôi là con tôi cũng không có đủ can đảm để nhận đó là bố đẻ ra tôi. Bởi vì bố tôi phải hiểu rằng một người như bố tôi hay như tôi phải sống trong một xã hội khác, xã hội của những kẻ xấu số, bất hạnh, chứ không thể nào sống được trong một xã hội mà trong đó có nhiều hạnh phúc, vui tươi. Xã hội tôi nên chọn lựa phải là xã hội của những người mọi.

Đã bao nhiêu lần tôi muốn tìm xem tôi thuộc về một giòng giống nào, lẽ tất nhiên không phải giòng giống của mẹ tôi, mà là giòng giống của bố tôi, một giòng giống da đen nào đó. Bố tôi ở vào vùng đất đai nào? Sinh sống ra sao? Lịch sử của họ thế nào? Nhưng vô ích, tôi chẳng thể biết được trên mảnh đất Phi Châu rộng lớn kia bố tôi ở vào vùng nào? Mà có biết chăng nữa thì cũng có ích lợi gì đâu, cần thiết gì đâu. 

Bố tôi chỉ là một kẻ lạ mặt không tên, không hình dáng, không tiếng nói, không hơi thở, chắc đó là một kẻ da đen khốn cùng nô lệ trong một đời sống nhiều đê nhục khốn khổ, và bố tôi cùng những người đồng loại không phải là những người đi chinh phục, chiếm đóng mà chỉ là những người nô lệ, bị trí dưới quyền uy sức mạnh của người da trắng, như chính quê mẹ tôi trước kia. Tôi chỉ buồn bố tôi không hiểu chính thân phận đó, để trong một phút ngông cuồng đã hành động trái với lương tâm của một người có lương tri, mà biết đâu đã có nhiều lần như thế? Làm sao tôi có thể lường được những tội ác của bố tôi? 

Như thế làm sao tôi có thể tha thứ cho được. Có bao giờ bố tôi nghĩ là đã để lại trên xứ Việt Nam này một đứa con là tôi. Một đứa con với số kiếp khốn khổ, đày đọa, đứa con rơi đó chỉ sống bởi lòng bao dung của một người sắp chết, đó là mẹ tôi. Tôi đã khóc nhiều cho mẹ tôi khuyên dỗ. Tôi ở đây nào bố tôi có biết đến. Đó cũng là số phận của bao nhiêu kẻ xấu số khác, những kẻ bé mọn nô lệ trên khắp thế giới này trong mấy thế kỷ nay, và số phận họ còn phải như thế trong bao nhiêu lâu nữa? Họ còn phải chết, phải hy sinh cho đời sống con cháu họ bao nhiêu thế kỷ sau này?

Tôi đã từng nhìn thấy ảnh những người da đen, những hình ảnh khốn khổ, đói rách, chết chóc, tôi đã nghĩ và hình dung ra bố tôi, nhưng đồng thời tôi muốn quên. Tôi không muốn biết vì sao tôi đã sinh ra, tại sao tôi lại có, như thế tôi sẽ không phải khổ tâm. Nhưng tôi không thể nào quên được. Từ hồi tôi biết đến nay tôi chỉ toàn gặp chuyện ghẻ lạnh, ghét bỏ của mọi người.

Hồi nhỏ, khi mẹ tôi còn ở một nơi khác, tôi không nhớ rõ là ở đâu, ở đó những người hàng xóm coi tôi như là một thứ gì ghê sợ không dám gần. Tôi không dám ló mặt ra khỏi nhà, tôi chỉ biết nhìn qua cửa coi những đứa trẻ khác chơi đùa, nghịch ngợm một cách thèm muốn. Không hiểu sao ngày ấy tôi lại đụt đến như thế, nhưng không đụt cũng không làm khác được vì có ai thèm chơi với tôi đâu. 

Nhìn qua khe cửa tôi thấy những kẻ khác tụ năm tụ ba, chúng chơi bịt mắt bắt dê, sao chúng không có vẻ nhanh nhẹn gì cả, có đứa đứng ngay ở trước mặt mà không bắt được, chúng chỉ cần quờ tay ra một chút là tới nơi, trong khi đó phải tìm kiếm một cách bất lực, chơi rồng rắn chúng chỉ cầm bám lấy nhau cho chắc thì thằng thầy thuốc làm sao có thể ăn được cái đuôi ở xa như thế, còn trò ú tim thì chỉ cần chạy cho nhanh trong khi chúng chậm chạp như rùa và ngờ nghệch một cách không thể chịu được. 

Tôi mà chơi thì chúng nó thua, không thể dịch lại. Chúng chạy đuổi lại càng tức cười thêm... những trò bán hàng vui lắm, với những đồng tiền là giấy lộn vứt đi có thể mua được bao nhiêu thứ vật dụng dù cho đó chỉ là những vật dụng giả đi nữa thì cũng đáng thích lắm chứ. Tôi chẳng làm sao quen được với chúng trừ ra vài đứa, những đứa mà tụi trẻ không cho chơi hay không thèm chơi với. 

Tôi nhớ tới người bạn cũ: đó là người bạn bị gãy mất một chân trong một trận ném bom, bố mẹ đều chết, còn nó sống sót với một người chú nghiện hút, một người thím mang bệnh kinh niên. Người bạn đó tha thủi ở bên cống rãnh, tôi chỉ còn có nó để làm bạn, nhưng nó lại gần như không biết chơi đùa gì, không phải riêng gì cái chân què đó mà hình như nó không còn chút trí tuệ nào nữa, nó ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Cho nên tôi chỉ còn biết ngồi xó trong nhà và người bạn đó tha thủi một mình. Sau đó nó bị chó cắn, người ta bảo chó dại cắn, nhưng tôi nghĩ chẳng cần chó dại, một con chó nhỏ thường cắn nhẹ một cái nó cũng đủ chết rồi, chó dại chỉ là cái cớ của ông chú kia bịa ra mong có một món tiền cho ông hút. Tôi chẳng sao quen được chúng và hình như chúng sợ tôi, chúng thấy tôi là chạy trốn, xa lánh như trông thấy tôi là một con chó dại thực thụ. Khi đó tôi có biết đâu rằng tôi là một đứa trẻ da đen. 

Tôi bảo một đứa trông có vẻ hiền lành nhất: 

- Cho em chơi với chị. 

- Tao chị em gì với mày, chị em với ma cà rồng à. 

- Nó là ma bùn chứ. 

- Không phải, nó là ma bồ hóng. 

- Nó là mọi chứ ma gì. Những đứa trẻ chung quanh cười ồ, tôi chỉ còn đứng thần người ra không biết nói năng gì nữa.

 - Chúng mày chạy đi không nó ăn thịt bây giờ. Thế là cả lũ chạy theo và đi chơi nơi khác. 

Tôi ở lại một mình. Tôi chỉ còn biết khóc mà mách mẹ tôi: 

- Mẹ ơi chẳng có đứa nào nó chịu chơi với con cả. 

Mẹ tôi lau mắt bảo tôi: 

- Để mẹ đánh cho mỗi đứa mấy roi, chúng nó cứ trêu con yêu của mẹ.

 Nhưng chắc là mẹ tôi hiểu và khổ tâm về tôi nhiều lắm mà người không nói ra. Tôi đã từng nghe chúng nó nói về tôi, có nhiều điều thật lạ lùng, những điều mà chính tôi cũng không hiểu sao chúng có thể nghĩ ra được. 

-Này sao con đó trông ghê thế nhỉ, nó đen như trôn chảo vậy, chắc mẹ nó ngủ với vua bếp chứ không chơi đâu. 

- Đâu có, nó làm gì cho nó cha mẹ, tao nghe đâu người nuôi nó bây giờ đã nhặt được nó trong một đống bùn, vào một hôm đi chợ bà ta đang đi bỗng nghe tiếng trẻ con khóc, nhìn không thấy ai, mới đầu bà ta tưởng ma định bỏ chạy nhưng bỗng nhìn thấy trong một đống bùn có cánh tay trẻ con ngọ ngoạy, bà ta bới ra thấy một đứa trẻ, mới đầu bà ta nghĩ chắc đây là một người nào đẻ hoang đã nhẫn tâm giết con cho xong, nhưng đứa trẻ tắm rồi mà nó vẫn đen thui. Nghe đâu nó là con của ma bùn ma biếc gì đó chứ đâu có phải là người. 

- Nó vẫn thường ăn trộm đất bùn, đêm đêm nó ngủ mở mắt và kêu như mèo vậy. Chúng mày có thấy lưỡi nó đỏ lòm gớm chết không? Nó cắn đứa nào đứa đó thành đen thui luôn, đứa nào chơi với nó, ngửi hơi thở của nó là dần dần thành ma.

 -Chúng mày không tin hả, cứ thử chơi với nó xem tao nói có đúng không khi đó thì đã thành ma rồi và chỉ chơi với nó mà thôi.

- Ai mà dám chơi với nó họa có bị ma ám ốp rồi. 

-Sao người ta không bắt nó lại nhỉ.

 - Người ta nuôi nó để giữ nhà đó, thay chó và mèo, nó bắt chuột tài lắm, nó chui cống leo tường gì cũng được hết, mà nó chỉ ăn đất bùn thôi không tốn cơm gạo gì cả. 

- Đêm đến mắt nó đỏ lên như đèn vậy. Tụi trẻ không cho tôi là người nữa. Trách nào chúng chẳng chạy trốn, xa lánh và gần như sợ sệt. Chúng chơi với nhau mất cái gì là đổ thừa cho tôi ăn cắp mà mách mẹ tôi. Chúng làm điều gì bậy bạ chúng đổ thừa cho tôi gánh chịu. Chúng ném đá cho tôi chảy cả máu đầu mà cười đùa. Tôi bị xua đuổi như một con vật bẩn thỉu và nguy hiểm. Những người lớn sầm sì to nhỏ với nhau, và chừng như họ xa lánh cả gia đình tôi nữa. Họ bảo xưa kia mẹ tôi làm điếm, có người bảo mẹ tôi ham tiền mà lấy Tây đen, tôi là một bằng cớ.

 Làm sao để có thể giải thích cho họ hiểu, và họ có bao giờ chịu hiểu đâu, nhất nữa giải thích chỉ làm cho mình đau đớn hơn.

Các anh chẳng bao giờ nhận tôi là một người em, tất nhiên như thế, hồi anh Thạch còn ở nhà có người bạn đã hỏi tôi là thế nào, ai dám nhận một đứa em da đen nhỉ, anh ấy đã trả lời: đó là một đứa nhỏ hầu hạ.

Cho tới bây giờ dù tôi đã lớn cũng không có một đứa bạn nào. Tôi đi học lủi thủi ngồi nơi chỗ mình. Tụi bạn trong lớp bảo nhau rằng tôi hôi hám lắm, một mùi hôi của mọi, mà thật nhiều đứa trông đẹp đẽ thật đó lại hôi hám bằng vạn tôi, chúng không muốn làm bạn với kẻ da đen vì có quí báu gì cái đó. Tao chắc nó là dân nô lệ ở Phi Châu, như chúng mình đã học đó, nơi mà người ta mua bán người như súc vật, chắc bố mẹ nó đã bán cho người ta mang đến một nơi nào đó chẳng hạn

 - Nó gớm ghiếc như vật mà sao có người còn chịu nuôi nó nhỉ

 - Thật là điên 

- Hay nó là dân chà già bán vải và cho vay nợ ở đây 

- Dân chà già đâu có đen đến như vậy...

Tôi chẳng trách sự bất công của họ làm gì, họ là những người lạ làm sao họ hiểu được hoàn cảnh của tôi. Có đáng trách chăng chính là những người thân trong gia đình tôi. Tại sao các anh tôi đã chẳng vì hoàn cảnh mà thương hại tôi một chút. Chỉ có thương mẹ tôi, có lẽ vì ít ra mẹ tôi cũng đã hiểu thế nào là khổ, thế nào là công mang nặng đẻ đau ra một đứa con, cùng những miệng tiếng chung quanh ngần ấy năm trời, nhưng bây giờ mẹ tôi sắp mất như vậy tôi còn biết trông cậy vào ai nữa. Chưa biết chừng khu mẹ tôi vừa bỏ vào quan tài là các anh tôi đã tống tôi ra khỏi cửa cho khuất mắt, và họ trông cho tôi chết một cách nhục nhã, để bù lại những tức tối trong lòng họ từ bấy lâu nay.

Tại sao mọi người không thấy tôi là một người như họ, có khác chăng là một kẻ mang nước da màu đen. Tại sao chỉ vì cái bề ngoài này làm cho chúng ta xa cách thù hằn nhau một cách vô ích, và quyền yêu ghét tôi không được hay biết gì nữa...

Tôi là giọt máu của một kẻ thù trong gia đình này. Kẻ thù đó là bố tôi, nhưng có thực bố tôi là kẻ thù đích danh không? Tôi nghĩ có lẽ bố tôi không bao giờ thế. Bố tôi là một nạn nhân, một kẻ đánh mướn mang bản án tù đày chung thân không sao gỡ được với thân phận nhược tiểu ốm o gầy yếu trong thực tại nhân loại. Bố tôi còn sống hay đã chết?

Sống hay chết số phận những người đồng loại với bố tôi đều không thay đổi.

truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.