SỰ TÍCH CON CUA - TRUYỆN CỔ TÍCH

SỰ TÍCH CON CUA




Ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp sống với dì ghẻ. Cô gái nết na, làm đủ mọi việc trong nhà, suốt ngày vất vả. Mụ dì ghẻ có một cô con gái vừa xấu người, vừa xấu nết. Nó đỏng đảnh hết chỗ nói. Lúc nào nó cũng vênh váo, kiêu kỳ, không nghe bất kỳ lời khuyên nào nên chẳng làm được một việc gì. Mẹ nó bảo nó đi lấy tấm cho gà ăn thì nó làm ngược lại, đổ ngô tứ tung ra sân, còn liến thoắng cho rằng: “Gà cồ thì ăn ngô hạt”. Bảo nó đi giặt quần áo thì nó bảo, nó là “cành vàng lá ngọc”, không phải mó tay giặt giũ... Vì vậy, bao nhiêu việc đều đổ lên đầu cô gái con chồng.

Hai cô gái đến tuổi gả chồng. Nhưng bao nhiêu chàng trai đến dạm ngõ đều muốn hỏi cô gái mồ côi, làm cho mụ dì ghẻ tức giận.

Một hôm, thấy cô mồ côi mặc cái váy hoa, mụ dì ghẻ sôi máu, xấn xổ vào cô gái đáng thương:

- Con ranh kia, mày ăn cắp hay gã đàn ông nào cho mày chiếc váy? Đồ lười chảy thây.

Nói rồi mụ dì ghẻ ra đòn, đánh mắng cô gái thậm tệ. Cô gái bị đòn đau mới thưa rằng:

- Mẹ ơi, con chẳng ăn cắp mà cũng chẳng có người đàn ông nào cho con cả. Chiếc váy này của một bà cho con đấy chứ...

- Làm gì có bà già nào tốt bụng thế!

Mụ nghiến răng ken két, bắt cô bé mồ côi khai ra bằng hết.

Cô bé mới kể: Hôm ấy, cô ra sông giặt quần áo, bỗng có bà cụ rách rưới bẩn thỉu đứng bên cạnh cô, xin nước uống. Nước sông đục ngầu nên cô lấy ống nước đem theo cho bà cụ uống. Bà cụ uống xong, liền cho cô gái cái bọc nhỏ, bảo là thưởng cho lòng tốt của cô. Mở ra, cô thấy chiếc váy đẹp. Quay lại không thấy bà già đâu nữa.

Mụ dì ghẻ nghe kể mới nghĩ ngay đến bà tiên. Liền đó, sáng hôm sau mới xui con gái mình ra sông giặt giũ, mong may mắn được gặp tiên. Cứ thế vài lần, một hôm, cô gái đỏng đảnh này bỗng thấy một bà cụ tiều tụy xuất hiện. Bà cụ tới gần bảo:

- Vạt váy của tôi lấm bùn. Cô làm ơn lấy nước gột giúp tôi với.

Cô gái cong môi đáp:

- Cái bà già bẩn thỉu này, hãy đi ra khỏi chỗ này. Thật là ghê tởm, ghê tởm.

Bà già nói:

- Thật đúng là một đứa con gái hư. Con bé này không giống con bé kia.

Nó mới sực nghĩ ra:

- Sao bà biết chị tôi à?

Nó mới định mở miệng xin lỗi thì bà cụ liền bảo:

- Một con người độc ác mà lại ngang ngạnh thì không trở thành cô gái xinh đẹp được.

 Bà cụ nói xong biến mất. Liền sau đó, cô gái đỏng đảnh cũng biến mất.

Chỗ cô ta vừa đứng xuất hiện một con vật nho nhỏ, mình cõng một tảng đá, chân cẳng tua tủa. Nó chính là con cua do bà tiên trừng phạt cô gái xấu bụng mà biến thành. Cô gái lúc là người thì nganh ngạnh, chẳng nghe lời ai nên khi nó biến thành con cua, nó phải bò ngang, chứ chẳng được đi thẳng. Con cua bò ngang, nên sau này người đời thấy kẻ nào ngang bướng là lại ví ngang như cua là vậy.

Từ chuyện con cua có cấu trúc như vậy nên chỉ bò ngang, khác với giống vật khác, nên dân gian khéo vận vào cuộc sống để chỉ những người ngang ngạnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đó cũng là một tính xấu của con người không biết nghe lời hay, lẽ phải cứ làm theo ý mình. Cũng có thể từ đặc tính của con cua mà có chuyện trên để nói về sự tích con cua.


No comments

Powered by Blogger.