DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 13 HẾT - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI

DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi

CHƯƠNG 13 : AI CÓ CÔNG NHẤT


Chuồn Chuồn Tương chỉ đường cho tôi vào thẳng tận nơi Kiến Chúa. Chỗ lù lù xao ấy là bức tường kiên cố còn sót lại sau trận lụt. Đấy cũng là dinh lũy Kiến Chúa. Tôi xưng tên rồi vào. Hai Kiến Càng dẫn tôi đi. Các hang lúc này đều vẫn xâm xấp nước. Tôi thấy bùn lấm ngang khoeo chân Chúa Kiến.

Chúa Kiến cũng đương làm.

Bà Kiến Chúa tất tả khuân đất đắp lại bờ lũy cửa hang. Kiến Chúa lớn gấp đôi gấp ba Kiến Bọ Dọt, vẻ tháo vát và lanh lợi. Cái đầu đỏ bóng như gỗ gụ, lấp ló trong chiếc khăn vuồn lụa nâu nhỏ. Chân dài và cao, nhanh nhẹn lắm. Dưới đuôi, đeo thanh kiếm nhọn sáng như cây kim. Đôi mắt lúc nào cũng long lanh rực rỡ đụng đậy nhô ra như hai mắt cua.

Trông thấy tôi, Kiến Chúa nói:

- Chúng tôi xưa nay chỉ biết làm ăn, sao các ông độc ác đến sinh sự rồi lại dội nước gây lụt lột đánh đuổi chúng tôi đi?

Tôi ngạc nhiên. Câu chuyện tai nọ sang tai kia cứ lạc đi như thế đấy. Bọn Kiến lầm lì đã gây sự thì có. Tôi bèn trình bày đầu đuôi câu chuyện cho Kiến Chúa nghe, chúng tôi không gây sự, chúng tôi chỉ vụng về không biết hỏi han và để hiểu nhầm. Còn việc lụt lội và việc của người ta, không nên tưởng chúng tôi xui mấy cô bé học trò làm ra mưa gió.

Rồi tôi nói:

- Chị đây lịch lãm, hiểu biết rộng rãi, rất mong thông cảm chúng tôi lặn lội khó nhọc, không quản đi sông về núi, chỉ vì chúng tôi nghĩ đến những việc ích lợi ngoài tấm thân mình.

Nghe tôi nói xong, Kiến Chúa khóc mà rằng:

- Thưa anh, em đã lầm. Em chỉ nghe nói có kẻ cướp đến phá nhà. Mà anh biết, chúng em không bao giờ để ai bắt nạt. Dù là thằng cướp hung dữ nhất có đi qua tổ kiến thì kiến vẫn đốt cho rất đau và đánh đuổi đi như thường. Thế ra không phải các anh đến phá tổ kiến. Chao ôi, việc làm của các anh to lớn khắp thế gian, quý báu thay! Sức chúng em giúp rập được bao nhiêu, xin chẳng từ nan.

Tôi cười, sung sướng và cảm động:

- Các bạn kiến sẽ làm được tất cả, làm được rất nhiều, thế nào chúng ta cũng thành công.

Tôi kể Kiến Chúa nghe những nơi mà Châu Chấu Voi đã đi qua và mục đích chúng tôi đến đất Kiến. Kiến Chúa gật đầu khâm phục và có vẻ nghĩ ngợi khi hình dung ra cái việc quan trọng mà họ sắp ghé vai gánh vác.

Ngay lúc ấy, Kiến Chúa cho mời cả Trũi, cả Xiến Tóc và các bạn Châu Chấu voi vào.

Cũng ngay lúc ấy, câu chuyện quan trọng đã lọt ra. Các bạn Kiến nhanh thế, cả các làng mạng, hang ổ, thành luỹ và ở những nơi đương xây dựng đều đã biết đầy đủ câu chuyện mà Kiến Chúa đương bàn bạc với chúng tôi. Đâu đâu cũng bàn tán sôi nổi, tan hẳn vẻ buồn u ám như lúc tai họa hôm qua.

Chúng tôi còn đương trò chuyện, các bạn kiến ở các hang kéo đến mỗi lúc một nhiều, bỗng nghe ầm ầm bốn phía chân trời. Thì ra cứu viện của chúng tôi do Trũi nhờ các tay Chuồn Chuồn giang hồ bay đi gọi, đã tới.

Rợp trời các loại phi cơ Chuồn Chuồn. Đầy mặt đất những Châu Chấu, Bọ Ngựa, Bọ Muỗm. Và cả cái xóm lầy lội những Rắn Mòng, Ễnh ương, Nhái Bén, Cóc, Ếch...Ếch ồm ộp, Cóc kèng kẹc, Chẫu Chàng chằng chuộc. Ếch Ương uôm oạp. Bọn có càng thì khua càng gõ mõ. ầm cả lên. Chưa hết. Trong lòng suối dưới chân đồi, các loài Cá và chú Rắn Mòng cũng đông đủ đi giúp chúng tôi. Đàn Săn Sắt múa đuôi cờ lên tung tóe mặt nước. Những anh Cua Núi mắt lồi đen kịt như cái tàu bò, lịch kịch lên bờ, đi tìm cứu chúng tôi.

Khi các bạn tới, đã thấy trên mặt đất không phải là cảnh xô xát nữa mà cả làng Kiến kéo ra chào hỏi niềm nở lễ phép. Một quang cảnh chan hòa thân ái diễn ra khắp vùng đồi đương mùa hoa tầm xuân, đến gió thổi cũng đỏ hồng cả không khí.

Tôi nói ra mấy câu kể lại rồi đọc lời hịch mà chúng tôi vừa thảo ra để cổ động thế giới đại đồng "muôn loài cùng nhau kết anh em" thì họ reo ầm ầm, tất cả lại đâu kéo về đấy, vừa đi vừa nhảy múa vui chơi.

Chúng tôi giã từ đất Kiến.

Cảm động quá, đi mấy ngày, lại mấy ngày, rồi đi nhiều ngày nữa cũng thấy đâu đâu bàn tán công việc các loài bây giờ đã thành anh em. Kiến thông tin tới tấp đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Kiến truyền tin! Kiến truyền tin! Trên thế giới không chỗ nào không có Kiến - đâu có khí trời thì đấy có kiến ở, kiến đến đâu thì ở đấy biết tin vui lớn.

Chẳng bao lâu, cả mọi loài, từ rừng xuống biển, đều gửi thư nhắn tin về hoan nghênh và hưởng ứng. Tất cả những nơi tôi đã đi qua, đều hoan hô hết cỡ. Cả cô Nhà Trò yếu đuối, các nàng Bướm và Ve Sầu lười biếng trước kia cũng có thư.

Tiếng vang cuồn cuộn khắp trời đất! Thôi thế đã xong phần công việc quan trọng. Tôi nhẹ nhõm thở một hơi rõ dài. Mấy anh Kiến Kim ngượng và thẹn vì đã hấp tấp choảng chúng tôi để sinh chuyện xích mích cuối cùng - vâng, câu chuyện xích mích cuối cùng đáng tiếc. Từ đấy, các cậu Kiến Kim xấu hổ cứ lang thang kiếm ăn vơ vẩn ngoài đồng, không muốn giáp mặt ai nữa.

Bây giờ chỉ còn lại có Trũi và tôi.

Các bạn đồng tâm đã dời đi mỗi đứa một ngả. Nhưng ai đi đâu cũng không còn cảm tưởng lẻ loi và chỉ thấy rất vui, rất đầm ấm vì đi đâu bây giờ cũng có bạn. Chúng tôi vừa làm được một việc to tát quá.

Tôi và Trũi trở lại quê hương định nghỉ ngơi ít ngày và tôi có ý muốn đưa mẹ tôi đi chơi đây đó giối già một phen.

Trên đường về, tới đâu, tôi và Trũi cũng được đón mời. Ông Ếch Cốm cùng cả xóm ra tận đầu đường tiếp rước. Đám cá ngoài quãng sông cũng bơi vào xin lỗi về việc cũ. Tôi thưa rằng nói về chuyện cũ thì ngày ấy chúng tôi cũng mang lỗi chẳng khác gì các bạn. Chỉ có hôm nay chúng ta đều khác trước rồi.

Ở đâu cũng tưng bừng rộn rịch.

Về tới quê hương, cảnh vật có đổi khác ít nhiều. Bao nhiêu năm xa cách! Vì câu chuyện của chúng tôi đã được các nhà truyền tin kiến đem đến từ lâu nên nghe biết tôi và Trũi trở về, cả vùng bờ nước đi đón.

Anh cả tôi sướng cuồng lên, vì đã có ông em rất quý ( chứ không phải bất hiếu bất mục ) như tôi. Ông kể với bốn bên hàng xóm rằng mùa xuân tới ông cũng đi du lịch và phiêu lưu như "chú Mèn nó" cho mà xem! Cho mà xem.

Ông anh hai ốm yếu thì mất từ lâu.

Nhưng buồn nhất, mẹ tôi cũng đã khuất núi.

Tôi ra viếng mộ người bên đầm nước. Nhớ đến lời người, khi sinh thời. Mẹ ơi! Lá vàng, thì lá rụng, sự xoay vần tự nhiên, muôn loài chưa ai cưỡng lại được, con vì thế mà buồn, nhưng con vẫn ân hận rằng lần này trở về không còn được quỳ ôm đôi càng gầy yếu của mẹ kính mến mà kể lại những ngày luân lạc và những công việc con đã làm ích lợi cho đời để mẹ nghe.

Sau đó, tôi nghỉ lại quê nhà ít lâu. Lòng thư thái, nằm duỗi chân nhìn lên qua khe cỏ ấu, thấy mảnh trời xanh biếc như ước vọng đời mình đương bay xa. Rồi tôi bàn với Trũi một cuộc đi mới.

Ngày nào, cuộc đi mới ấy, cuộc phiêu lưu rời quê hương lần thứ ba ấy xong, bấy giờ, chúng tôi mới thực sự được la đà theo bước chân mình. Đó sẽ là cuộc phiêu lưu hòa bình, chúng tôi sẽ để hết thì giờ xem xét phong tục, nghiên cứu văn hóa và thổ ngơi từng vùng. Chúng tôi có thể thành nhà khảo cổ, nhà địa lý, nhà kinh tế, nhà thơ nổi tiếng cũng nên.

Trong những ngày còn lưu ở quê hương, tôi chép lại cuộc sống trôi nổi vừa qua. Giờ đương mùa thu. Mùa thu, hoa cúc vàng nở lưng giậu. Lối mòn đầy lá đỏ rơi. Từ hôm vào mùa mới, đất trời u ám mưa phùn. Cảnh buồn mà lòng vui.
Thưa bạn đọc yêu quý. Mèn tôi xin phép chấm hết một phần thiên ký sự. Ước ao trong cuộc đi vô cùng hào hứng đương tới, chúng ta còn được gặp nhau.

12-1941 - Nghĩa Đô

Tô Hoài.

THE END!

truyenhoangdung.blogspot.com






No comments

Powered by Blogger.