DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 12 - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI

DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ

Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi

CHƯƠNG 12 : XA NHAU LẠI GẶP NHAU


Trũi giới thiệu tôi với các bạn:

- Anh Mèn tôi đây. Anh Mèn mà tôi vẫn kể chuyện các bạn nghe đó. Anh ơi Từ khi anh em ta xa nhau. Chắc anh tưởng em chết rồi chứ còn đâu ngày nay. Nhưng không, khi em bị các anh Châu Chấu Voi bắt rồi mang đi thì em hiểu ngay các anh ấy là bạn tốt thế nào. Hôm đánh nhau, nếu chúng ta đừng hấp tấp và chúng ta đừng bị những đứa nhát sợ và nóng nảy cứ đẩy lung tung lên, mà ta chịu khó, bình tĩnh hỏi han trước thì không thể xảy ra sự đáng tiếc và chúng ta đã hiểu nhau ngay từ lúc ấy. Các anh Châu Chấu Voi với chúng ta đều thích giang hồ phóng khoáng.

"Em nghe ra những lời chí lý ấy, em phục lắm. Tuy chẳng lúc nào em quên tình anh em, nhưng em cũng tình nguyện đi với các anh Châu Chấu Voi và em tin chắc ngày kia anh em sẽ gặp nhau. Được ít lâu, em cùng các bạn trở lại rặng dứa dại trên đê, định nói với anh, em tin chắc anh sẽ thích ngay, bởi vì em vẫn nhớ anh đã dạy cho em biết ý nghĩa bước phiêu lưu của anh em mình ngày trước cũng giống thế. Nhưng các bạn Châu Chấu Voi nói anh đã đi tìm em. Em có trình bày cho cả vùng Châu Chấu nghe cái mơ ước mà em đương theo đuổi. Ai nấy vỗ tay, nhảy mừng. Bởi vì nếu mơ ước đó thành sự thật thì không bao giờ trong đời còn gặp rủi ro, chỉ vì đi tìm khe lá tránh rét."

"Rồi em lại đi. Thời gian sau, có lúc chúng em qua chỗ cái chùa, tại gia của bác Xiến Tóc, thấy bác ấy bảo anh đến đây đợi em từ lâu và mấy bữa rày chẳng biết anh đi đâu. Em mừng quá. Nhưng đợi mãi chẳng thấy anh về. Chỉ ở có ít ngày em cũng có thể đoán được tại sao anh đi. Em đã biết tính anh, trước cảnh ăn chơi dông dài anh không chịu được. Thế là không đợi anh về nữa, em lại cùng các bạn Châu Chấu Voi đi."

"Chúng em đương trên đường sang vùng Kiến. May mắn biết bao, gặp anh đây...

Tôi và Trũi nhìn nhau, lúc ấy bỗng nhớ ra và càng thấm thía tâm sự câu thề ngày trước rằng từ đây sống chết có nhau. Một anh Châu Chấu Voi cất tiếng. Tiếng Châu Chấu Voi sang sang như chiêng đồng:

- Phải, các bạn đã nói rất đúng rằng chúng ta đương cùng nhau đi khắp thế giới kết làm anh em.

Trũi cảm động nói:

- Em tin đây cũng là bước đường anh em ta đi, chẳng hay ý kiến anh...

Tôi vui sướng thấy Trũi bây giờ khác hẳn trước. Trũi đã hết tính hấp tấp, nóng nảy, xốc nổi. Trũi giờ nói năng điềm đạm, chắc chắn.

Tôi âu yếm ôm Trũi mà rằng:

- Em yêu quý! Các bạn Châu Chấu Voi tri kỷ ơi! Điều các bạn nghĩ, cũng là điều xưa nay tôi mộng tưởng. Nay tôi xin cùng các bạn đi khắp thế gian, làm cho được những gì ta đương mơ ước.

Cả bọn reo lên. Và lập tức chúng tôi khởi hành.

Có lúc đương đi đường. Trũi dường như lấy làm lạ dừng lại ngắm tôi rồi hỏi tôi:

- Ơ hay! Sao bây giờ anh trắng trẻo như học trò, không đen trậm trụi như xưa.

Tôi cười:

- Vì anh phải tù trong cái hang của lão chim Trả, lâu không biết mấy mùa sương nắng đã qua, nên thân mình anh mới bệch một vẻ công tử bột như thế. Chắc chỉ dầu dãi ít lâu thì lại như thường thôi, bởi vì sức khoẻ anh thì vẫn nguyên và tấm lòng anh thì đương hăng hái lắm.

Đến đây, tôi xin mở dấu ngoặc nói về Châu Chấu Voi.

Đây là những tay có bản lĩnh trước tiên xướng xuất lên những ý nghĩ cao cả về việc đi giang hồ du lịch.

Khi Châu Chấu Voi gặp tôi và Trũi ở vùng cỏ may và khi xảy ra cuộc lưu huyết là lúc Châu Chấu Voi bắt đầu thực hiện chí lớn. Nếu ngày ấy tôi biết thì đã chẳng phiêu bạt đến cái lều cỏ của cư sĩ Xiến Tóc rồi lại đến nỗi phải tù trong hang chim Trả.

Đoàn Châu Chấu Voi cùng Trũi đi đã nhiều đường đất, nhiều nơi. Ơ' đâu, ai ai cũng đều coi tình bạn tốt đẹp ấy là lẽ phải nhất trên thế gian.

Đã qua nhiều vùng, trò chuyện và bạn bè đã nhiều ai cũng nghiệm ra rằng những ai có lòng tốt, đều thích làm ăn yên ổn. Đâu đâu cũng thế, thật phấn khởi. Chỉ có cái khó là bàn chân và cả cánh bay, cũng không thể đi cùng trời cuối đất để mau chóng nói rộng những điều quan trọng ấy ra.

Không ai bảo ai, các bạn đều thấy nếu thế thì không gì hay hơn tìm đến vùng Kiến. Chỉ có anh em Kiến vẫn chịu khó cẩn thận- và khắp thế giới, đâu cũng có Kiến. Đó là cái cớ khiến Châu Chấu Voi và các sang vùng Kiến, đi qua của hang chim Trả vừa rồi.

Từ đấy, trong bọn có tôi cùng đi.

Lại nói về Kiến. Xưa nay, dù cho đấy là một họ Kiến to gồ thì Kiến cũng vẫn là bé nhỏ, mảnh dẻ, tuy vậy, kiến lại sống đông đúc nhất trên toàn cầu. Thử để ý mà xem, từ xó bếp đến bàn ăn, chiếu ăn, mâm ăn, từ đồng ruộng đến rừng núi thành phố không đâu không có kiến. Con kiến rất nhỏ mà ở đâu cũng có, hạt thóc, hạt kê bé li ti là cái nuôi người hàng ngày... Kiến tí hon mà kiến đi khắp thế gian. Nhiều thứ kiến: Kién Gió, Kiến Mun, Kiến Càng, Kiến Cỏ, Kiến Cánh, Kiến Bọ Dọt, Kiến Đen, Kiến Vàng... trăm nghìn chỉ phái nhà kiến nhiều không kể xiết.

Kiến có nhều đức tính: chăm chỉ, cần cù, biết lo xa, và cũng bướng bỉnh nhất trần gian, ở đâu cũng vậy, Kiến xây thành đắp luỹ kiên cố, riêng biệt một nơi.

Kiến đánh nhau với ai thì chết ngay cũng đánh, không biết sợ.

Nhưng cùng nhau một chí hướng rồi, Kiến sẽ đem những điều tốt đẹp truyền bá đi khắp thế gian. Như thế chẳng bao lâu nữa, đâu đâu cũng sẽ biết hết. Kiến cứ gặp nhau chụm đầu lại, đưa tin rồi lại đi. Bao giờ cũng vậy. Tin Kiến truyền thật nhanh. Chỉ có các bạn đại gian khổ như Kiến Gió mới kham nổi công việc to rộng như thế. Các bạn Kiến Gió chân cao chuyên nghề đưa tin, nhanh như gió.

Đường vào vùng Kiến xa lăng lắc, rồi lại mỗi thành luỹ hiểm hóc khác, cứ phải hỏi thăm suốt dọc đường. Nhưng đi lâu cũng phải tới. Bây giờ chúng tôi đã qua nhiều làng và cánh đồng, trông thấy vùng Kiến trên trái đồi trước mặt.

Trời đất giờ đây lại sắp sang xuân. Gió nhẹ. Thinh không cao cao. Mỗi năm gặp lại mùa xuân, trong lòng lại thấy hai câu thơ tự nhiên trở lại, thật xinh tươi thay: Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Ai nấy đều ca hát. Riêng bác Xiến Tóc đi cạnh tôi vẫn còn than thở và ân hận về cái thời nhàn cư cho qua ngày ở xó rừng một cách vô lý, thậm vô lý. Bây giờ được đi đứng, bôn tẩu đây đó, thì lạ thay lại thấy khỏi lừ khừ và khoẻ mạnh hơn xưa. Mới biết chẳng việc khó nào khiến ta nản lòng được. Kể đâu đến thành bại mục đích ở đời là hoạt động.

Đường đi khúc khuỷu dần.

Chúng tôi leo lên trên lưng một trái đồi thì đến địa đầu vùng Kiến. Chúng tôi dừng lại đưa mắt trông vào thấy một màu đất đỏ trùng trùng nhấp nhô những thành trì nối nhau đi liên tiếp, không biết đâu phân biệt được đường đi. Đáng khen phục kỳ công kiến trúc của các kỹ sư Kiến.

Hôm sau chúng tôi bắt đầu đi vào.

Từ hôm ấy, chúng tôi qua biết bao nhiêu khó khăn. Để bạn đọc yêu quý rõ từng ngày gian khổ ra sao, tôi xin trích vài dòng nhật ký của tôi, ở tập thứ tư, những trang 151, 154, cho đến trang 158 chép về "Những ngày Mèn đi vào đất Kiến":

 "Mùa xuân, ngày 79 - Kiến ở đông quá. Câu tục ngữ "đông như kiến" thật đúng. Đường ngang lối dọc chỗ nào cũng đầy kiến. Đầu tiên chúng tôi trông thấy từng bọn Kiến Gió. Kiến Gió có nghề xây đắp rất giỏi, lại đi nhanh theo cách không phải đi. Kiến nghiêng mình vào làn gió, gió thổi bay. Kiến tự dưng sa xuống chớp nhoáng hơn gió.

Màu áo nâu lẫn với đất, các chàng đi dày đặc quanh chúng tôi. Thấy chúng tôi to lớn, thân hình mỗi Kiến Gió chỉ bằng cẳng chân tôi, nhưng họ không sợ hãi, vẫn thản nhiên ngửa mặt đứng thò hai râu ra nghe ngóng chốc lát rồi lại chăm chú làm. Kiến Gió giỏi khuân vác và xây dựng, đôi khi chạy tin cần kíp.

Một tốp Kiến Lửa quần áo vàng khè, Kiến Lửa lầm lì hì hục đào đất xây hào luỹ. Họ dựng lũy đào hào rất khéo. Các đường hầm phủ mảng đất luyện thật mỏng trên mặt thành đều do Kiến Lửa xây. Cả làng đi trong những đường chìm ấy, ít khi ló ra. Bởi thế, vào vùng Kiến thoạt trông chỉ thấy cao thấp những mảng đất vắng vẻ, nhưng trong đường hầm, làng Kiến qua lại tấp nập chen chúc đông vui suốt đêm ngày.

Tôi hỏi thăm đường. Gã Kiến Lửa nhìn chúng tôi không nói. Vẻ bí mật ghê! Đã thế, cũng không cần, bọn tôi cứ đi.

Mùa xuân, ngày 82 - Gặp việc rắc rối. Vô tình, Xiến Tóc thụt chân xuống một đường hầm. Mọi hôm đi cả ngày không sao. Dù Kiến đi đông đảo quanh chúng tôi, nhưng không ai đụng vào ai, thì ai cứ việc nấy, chẳng lôi thôi đến nhau. Bây giờ, bọn kiến dưới đường hầm tưởng có kẻ đến phá hoại nhà cửa của họ. Gã Kiến Kim ngoi lên, chẳng biết nếp tẻ thế nào xông vào đánh nhau liền.

Thám tử Kiến Đen chạy đi cấp báo khắp vùng. Lập tức vô vàn Kiến Lửa rầm rĩ hung hăng kéo đến. Nhưng anh chàng Kiến Lửa nào nhảy tới, vừa nhe răng ra đều bị chúng tôi hất đá ngã. Chúng vẫn kéo đến. Chúng cậy đông, vây bọn tôi lại.

Mùa xuân, ngày 83 - Tự nhiên trên trời rơi xuống đầu chúng tôi hằng hà sa số những anh kiến to thô lố, áo đỏ và có cánh. Đó là Kiến Cánh nhảy dù. Đoàn Kiến Cánh nhảy dù tới tấp đến. Kiến Cánh rất hăng. Có gã bị cắn đứt đuôi, rơi bụng ra mà vẫn chạy ton ton. Trận đánh đương tơi bời thì Trũi sa vào đường mai phục, bị bắt sống. Nhưng nửa đêm Trũi trốn được. Chúng giam Trũi vào một hầm đất. Hầm đất của Kiến thì mỏng mảnh thôi. Và chúng không ngờ tài đào khoét ngạch của Trũi. Chỉ dùng hai càng gạt mấy phát đã hổng một lỗ to, Trũi ẩy đất, đổ bẹp cậu Kiến gác, thế là ung dung về.

Trũi về nói trông thấy bọn cứu viện kéo đến nhiều lắm. Chao ôi! Giảng giải thế nào cho những gã đương nóng đầu nghe được.

Mùa xuân, ngày 84 - Như Trũi biết, bữa nay thêm viện binh: Kiến Bọ Dọt. Kiến Bọ Dọt to, khoẻ hơn tất cả. Chỗ nào cũng có Kiến Bọ Dọt chen vào, đi oai phong như bò tót đầu đàn. Lại có Kiến Kim và Kiến Cánh. Đương đánh nhau hăng, bỗng Xiến Tóc đứng sững lên, giương thẳng cả hai cặp cánh lụa, co múa rối rít chân và kêu rống từng hồi ghê rợn.

Thì ra, thấy Xiến Tóc mình đồng da sắt, đấm đánh bác ta như đấm đánh bị bông, cứ trơ ra, chẳng mùi gì, Kiến Bọ Dọt lập mưu chui vào trong vành cổ Xiến Tóc. Khắp người Xiến Tóc đều bọ giáp sắt kể cả các khấc bụng. Chỉ có chỗ khe cổ rất hiểm là chỗ phạm. Bị đâm vào đó, Xiến Tóc có thể đứt cổ.

Chúng tôi khiêng Xiến Tóc chạy lùi. Châu Chấu Voi rịt cho bã thuốc, buộc lại. Cổ Xiến Tóc như quàng cái phu la chàm. Không chết, nhưng vết thương tấy, sưng vù. Xung quanh đánh nhau, Xiến Tóc ngồi khư khư một xó. Tuy vậy, cũng chẳng ai làm gì nổi. Thấy Xiến Tóc ốm, có cậu Kiến tưởng bở, xông vào, Xiến Tóc giơ chân ra đỡ. Chân Xiến Tóc cứng như cây tre đực, Xiến Tóc cứ để yên cho Kiến cắn. Chẳng ăn thua mà lại có thể gãy răng, kiến chạy."

truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.