BẾN XE - CHƯƠNG 02 - THƯƠNG THÁI VI - TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC

BẾN XE

Tác giả : Thương Thái Vi
Thể loại: Ngôn tình, ngược

CHƯƠNG 02: 


Trời ạ! Tất cả mọi người đều ngẩng đầu, ai nấy há hốc miệng. Cả lớp dồn ánh mắt kinh ngạc lên bục giảng, ngạc nhiên chứng kiến người thầy ngẩng cao đầu, chắp hai tay sau lưng đọc thuộc một bài tản văn khá dài. Thầy không cần nhìn sách cũng có thể đọc một cách rõ ràng, thanh âm vô cùng truyền cảm. Trong thanh âm của thầy có thơ, có họa, có tình, có cảnh, giống ảo ảnh mơ hồ, giống tiếng hát vang vọng. Thầy gần như đưa tất cả mọi người tới hồ sen nhuộm ánh trăng bàng bạc đó. Trước mắt mọi người hiện ra cảnh bông sen lay động dưới ánh trăng, tỏa hương thơm dìu dịu. Một điều kỳ diệu hơn, thầy Chương đã đọc ra tâm trạng vi diệu rất khó phát giác của tác giả Chu Tự Thanh, đó là sự yên tĩnh mà ông theo đuổi trong cuộc sống hiện thực ồn ào. Cả lớp say mê lắng nghe. Lúc này, thầy Chương cũng như chìm trong mộng cảnh do thầy tạo ra. Vẻ mặt nghiêm túc và thâm trầm của thầy ôn hòa đi mấy phần, khiến thầy có sinh khí hơn.

"Tối nay, nếu có người ngắt sen, hoa sen ở đây cũng được coi là "quá đầu người"..." 

Thầy Chương đọc thuộc hết bài tản văn, không sai một chữ. Lớp học im lặng tuyệt đối, các bạn học gần như nín thở, phảng phất thanh âm truyền cảm của thầy vẫn vương vấn bên tai. Sau đó, không biết ai mở đầu vỗ tay đốp đốp. Tiếp theo, cả lớp vỗ tay nhiệt liệt.

Thầy Chương khôi phục vẻ lạnh nhạt và nghiêm túc trước đó. Thầy tỏ ra thờ ơ trước tràng vỗ tay tán thưởng và khâm phục của đám học sinh, đến khóe miệng cũng không nhếch lên. Thái độ lạnh nhạt kỳ lạ của thầy khiến các bạn học càng ngạc nhiên hơn việc thầy đọc thuộc bài tản văn một cách chính xác vừa rồi. Mọi người không hẹn cùng nghĩ đến từ "đọc", thầy không phải "đọc sách" mà là "đọc thuộc lòng". Tiếng vỗ tay dần thưa thớt.

Sau khi mọi người yên tĩnh, thầy Chương bắt đầu giới thiệu tác giả. Về Chu Tự Thanh, thầy chỉ nói vài câu: 

"Chu Tự Thanh là giáo sư đại học Thanh Hoa kiêm viện trưởng viện văn học. Ông là học giả nổi tiếng, là tác gia tản văn có ảnh hưởng lớn trên văn đàn, đồng thời cũng là người Trung Quốc có khí tiết. Thời tiểu học, các em đã được tiếp xúc với tản văn "Màu xanh" của ông, thời cấp hai, các em từng học hai tản văn khác là "Bóng lưng" và "Mùa xuân". Ngoài ra, tác phẩm của ông còn có "Vội vàng", "Truyện ký chọn bạn đời"...

"Thầy ơi, thầy có thể "đọc" tác phẩm "Truyện ký chọn bạn đời" không?"

Cả lớp quay đầu về nơi phát ra tiếng nói. Đó là một nam sinh cao gầy, cậu đỏ mặt, ánh mắt thách thức đầy mùi thuốc súng. Thế là các bạn học lại dồn ánh mắt lên người thầy Chương, trong đó không ít người có tâm trạng xem trò vui. Đám học sinh xuất sắc ở một ngôi trường xuất sắc, tật xấu lớn nhất là "tự cho mình là giỏi", chúng ghét nhất thái độ ra vẻ ta đây của người khác. Thầy Chương đại khái bị chúng liệt vào hạng người "ra vẻ ta đây, khoe khoang tài năng". Đọc thuộc lòng bài "Ánh trăng bên hồ sen" chẳng có gì là giỏi. Nếu có thể đọc thuộc cả bài "Truyện ký chọn bạn đời" mà mọi người hầu như không biết tới, mới coi có bản lĩnh thật sự. Các bạn học đều ngẩng đầu, chờ câu trả lời của thầy Chương với tư thế kẻ bàng quan. Cả lớp chỉ có một người cúi thấp đầu, đó chính là Liễu Địch.

Đúng vậy, Liễu Địch không nhìn thầy Chương. Cô chưa từng đọc qua "Truyện ký chọn bạn đời", thậm chí tiêu đề cũng lần đầu tiên nghe nói. Một khi cô không biết tản văn này, cả lớp chắc cũng chẳng có ai biết. Bắt thầy Chương đọc thuộc một bài văn không nổi tiếng, ít người biết đến trước mặt cả lớp là một thử thách lớn. Liễu Địch cảm thấy hơi lo cho thầy Chương. Có lẽ cô là học sinh duy nhất quan tâm đến thầy, bởi vì cô không hề có ý nghĩ, thầy "ra vẻ ta đây" hay "khoe khoang tài năng". Tuy nhiên, Liễu Địch không biết làm thế nào để ngăn cản sự việc đang diễn ra. Điều duy nhất cô có thể làm, là bày tỏ kháng nghị bằng cách cúi đầu.

Sắc mặt thầy Chương vẫn vô cảm như thường: 

"Tôi sẽ thử xem sao."

 Câu nói của thầy khiến dưới lớp nổi lên tiếng bàn luận. Nhưng thầy nhanh chóng mở miệng:

 "Bản thân là con cháu đích tôn, vì vậy chưa đến mười một tuổi tôi đã được nghe nhắc đến chuyện chọn vợ..."

Thầy Chương đọc hết câu này đến câu khác. Thầy vẫn ngẩng cao đầu, chắp hai tay sau lưng, bộ dạng thong dong từ tốn như ban nãy. Liễu Địch vô cùng kinh ngạc. Cô ngẩng đầu, phát hiện các bạn học thì thầm bàn tán. Bọn họ cũng ngạc nhiên y như cô.

Trên thực tế, không một ai có thể chứng thực, tản văn thầy Chương đang đọc thuộc lòng, rốt cuộc có phải là "Truyện ký chọn bạn đời" hay không?

"Thưa thầy!" 

Một thanh âm cắt ngang lời thầy Chương: 

"Thầy có thể đọc "Giản ái", tác phẩm tiêu biểu của Hạ Lạc Đế không ạ?" 

Cậu nam sinh vừa lên tiếng nhanh chóng rút quyển sách từ cặp sách, đó chính là "Giản ái".

"Chương mấy?" 

Thầy Chương tựa hồ không nhìn thấy hành động mang tính chất sỉ nhục đó.

"Chương một ạ."

"Ngày hôm đó vốn không thể đi tản bộ. Không sai, buổi sáng chúng tôi đã dạo một tiếng đồng hồ trong rừng cây trơ trụi lá..."

"Chương ba."

"Trong ký ức của tôi..."

"Chương mười."

"Cho đến bây giờ, tôi đã ghi chép tường tận một số chuyện nhỏ nhặt không đáng kể trong cuộc sống..."

"Chương hai mươi lăm."

"Một tháng sau khi bày tỏ tình cảm..."

"Chương ba mươi mốt."

"Cuối cùng tôi cũng tìm thấy nhà..."

Thần sắc kinh ngạc của cậu nam sinh nói cho cả lớp biết, thầy Chương đọc không sai một chữ.

"Chương ba mươi sáu." 

Cậu nam sinh không cam lòng, lại mở miệng: 

"Thưa thầy, xin thầy hãy đọc câu tiếp theo câu này: 

"Là một nỗi đau khổ như thế nào? Mà người này tựa hồ hạ quyết tâm trì hoãn."

Tay phải thầy Chương đột nhiên cuộn thành nắm đấm, thân hình thầy hơi lảo đảo. Thầy im lặng hồi lâu. Liễu Địch nhìn thấy giọt mồ hôi trên trán thầy.

Các bạn học trầm mặc, trao đổi ánh mắt đắc ý và vui vẻ của kẻ chiến thắng. Liễu Địch thở dài. Không hiểu tại sao, nhìn những gương mặt cười cợt trên nỗi đau của người khác, trong lòng cô hơi khó chịu.

Cuối cùng thầy Chương cũng mở miệng, thầy đọc câu tiếp theo bằng ngữ điệu có phần đau đớn: 

"Hai mắt ông đã bị mù. Đúng vậy, Ái Đức Hoa tiên sinh đã hoàn toàn trở thành người mù..."

Cậu nam sinh buông quyển sách, lặng lẽ tuyên bố sự thất bại của mình. Các bạn học khác tựa hồ bị kích phát lòng hiếu kỳ, bọn họ nhanh nhảu nêu tên một loạt tác phẩm nổi tiếng bất chợt xuất hiện trong đầu bọn họ. Dù một số tác phẩm, bọn họ cùng lắm chỉ biết tên:

"Anna Karenina"

"Hồng Lâu Mộng"

"Phục sinh"

"Hoàng hà chảy về phía đông"

"Ông già và biển cả."

...

Cho đến khi không còn một người nào đứng dậy đề nghị thầy Chương đọc thuộc tác phẩm, cuộc khảo vấn mới kết thúc. Cả lớp không ai thắng người thầy đang lặng lẽ đứng trên bục giảng kia.

Các bạn học cuối cùng cũng bị chinh phục một cách triệt để. Vẻ bất mãn, ngông cuồng và thách thức trên mặt bọn họ hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự khâm phục và sùng bái. Lần đầu tiên trong đời, bọn họ biết thế nào là "uyên bác", là cảm giác nhỏ bé và bi ai của con ếch ngồi dưới đáy giếng ngước nhìn bầu trời bao la.

Về phần Liễu Địch, cô biết thế nào là "thiên tài" thực sự.

Thế nhưng, đối diện với vô số ánh mắt sùng bái, thầy Chương vẫn lạnh lùng vô cảm như cũ. Thầy cất giọng bình thản: 

"Các em còn cần tôi đọc tác phẩm nào nữa không?" 

(Thầy Chương dùng từ "Độc" có nghĩa cầm nhìn vào sách hay văn bản để đọc)

Đọc? Lại là "đọc"? Những đứa trẻ mười sáu mười bảy tuổi này, dù sùng bái một người đến mấy, cũng không thể chịu đựng sự ngông cuồng và miệt thị từ ngữ. Lớp học lại ồn ào. Trong âm thanh tạp loạn, một giọng nói trong trẻo vang lên:

 "Thưa thầy, tại sao thầy luôn gọi "thuộc lòng" thành "đọc"? Lẽ nào thầy lớn lên với kiểu "đọc" sách đó?"

 (Đáng lẽ thầy Chương phải dùng từ "Bội" tức đọc thuộc lòng. "Độc" và "Bội" là hai từ có cách đọc cách viết và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau)

Đây là lời chất vấn của bạn cùng bàn Liễu Địch. Câu nói này dẫn đến một loạt tiếng nhao nhao chỉ trích. Mọi người bàn luận, trách cứ thầy, phảng phất đó không phải là người thầy họ sùng bái vài phút trước đó mà là một tên tội phạm.

Chỉ có Liễu Địch không lên tiếng. Trên thực tế, cô im lặng từ đầu đến cuối, không ra câu hỏi với thầy, cũng không lên tiếng phê bình thầy.

Về phần thầy Chương, đối diện sự công kích của đám học sinh, thầy vẫn trầm mặc, tựa hồ những lời trách cứ ở bên dưới không liên quan đến thầy.

Liễu Địch ngước nhìn gương mặt vô cảm của thầy bằng ánh mắt nghi hoặc, cô muốn tìm ra nguyên nhân của sự trầm mặc đó. Đầu óc cô vụt qua một ý nghĩ. Liễu Địch giật mình bởi ý nghĩ này, cuốn sách ngữ văn trong tay cô rơi bộp xuống đất. Cô so vai, phảng phất nỗ lực gạt bỏ ý nghĩ đó, nhưng nó ngày càng trở nên rõ ràng trong đầu óc cô. Thầy không mang giáo án, thầy dò dẫm đi từng bước lên bục giảng, thầy luôn gọi "thuộc lòng" là "đọc", thầy đeo cặp kính đen...

Trời ạ! Liễu Địch đột nhiên cảm thấy ý nghĩ này vừa chân thực vừa đáng sợ. Đầu óc cô ù ù, cô ra sức lắc đầu, tựa hồ chỉ làm vậy mới có thể gạt bỏ suy nghĩ điên rồ đó. Cuối cùng, cô lại ngước nhìn gương mặt thầy. Thầy dường như không phải đối diện với vô số gương mặt sống sờ sờ mà đối diện với sa mạc mênh mông, thậm chí là đêm tối vô bờ bến.

Tiếng ồn ào trong lớp học dần tan biến. Các bạn học nhanh chóng phát hiện, bất kể họ chỉ trích thế nào, cũng không thể chọc giận người thầy đang đứng trên bục giảng. Đến khi phòng học không còn một tiếng động, thầy Chương mới từ tốn mở miệng:

"Các em, tôi không nói sai, tôi đúng là đang "đọc". Bởi vì, tôi chỉ có thể "đọc" những cuốn sách đã in sâu trong đầu óc tôi."

Cả lớp ngẩn ngơ. Liễu Địch là người đầu tiên có phản ứng. Trong đầu cô vang lên một câu nói, thầy "đọc" bằng ngữ điệu đau đớn: 

"Hai mắt ông đã bị mù. Đúng vậy, Ái Đức Hoa tiên sinh đã hoàn toàn trở thành người mù..."

Liễu Địch không thể kiềm chế tiếng kêu khe khẽ: 

"Trời ơi!"

"Thực ra..." 

Thầy Chương nói tiếp: 

"Môn văn ở cấp ba không cần thiết phải đọc mẫu. Cứ đọc ra rả theo sách, đến bản thân tôi cũng cảm thấy tẻ nhạt vô vị. Ngữ văn là bồi dưỡng học sinh có cảm giác với ngôn ngữ và văn tự. Nến biến nó trở thành tiết mổ xẻ nội dung và giáo dục tư tưởng, chi bằng ở bên dưới lén lút xem tiểu thuyết còn hơn. Vì vậy từ nay về sau, tôi sẽ không đọc mẫu. Có điều..."

Ngữ khí của thầy trở nên nặng nề: 

"Hôm nay, tôi phải đọc mẫu, tôi buộc phải làm vậy, dù có thể bị các em hiểu nhầm là kẻ ngông cuồng. Hy vọng các em hiểu lời tôi nói."

 Ngừng một lát, thầy bổ sung thêm một câu:

 "Đúng rồi, từ nay về sau, trong tiết ngữ văn của tôi, các em có thể tự động đứng lên phát biểu, không cần giơ tay."

Không cần giải thích thêm điều gì, người ngu xuẩn nhất cũng hiểu ra hàm ý của câu cuối cùng. Nếu là hoàn cảnh bình thường, câu nói đó chắc chắn sẽ nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt. Nhưng bây giờ, các bạn học cúi đầu hổ thẹn, không dám nhìn gương mặt nhợt nhạt của thầy Chương. Liễu Địch chống tay lên trán, một nỗi đau đớn cô chưa từng trải nghiệm dội lên trong lòng. Cô không cảm thấy hổ thẹn, mà ngược lại cô chỉ muốn khóc.
truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.