BẾN XE - CHƯƠNG 03 - THƯƠNG THÁI VI - TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC

BẾN XE

Tác giả : Thương Thái Vi
Thể loại: Ngôn tình, ngược

CHƯƠNG 03: 



Chuông hết tiết học vang lên, nhưng không một ai rời khỏi vị trí.

Thầy Chương lại chậm rãi, dò dẫm bước xuống bục giảng. Không biết một cây lau nhà từ đâu ra chắn ngang trước mặt thầy. Thầy Chương không tránh khỏi giẫm lên cây lau nhà.

"Cẩn thận!" 

Vài học sinh vội lao lên đỡ thầy, trước khi thầy ngã xuống đất.

Nào ngờ vào giây phút đó, thân hình thầy Chương run lên bần bật. Thầy hất tay đám học sinh, giống như gạt bỏ con rắn độc bám trên người.

"Đi đi! Tôi không cần sự giúp đỡ!"

 Thầy Chương gằn giọng.

Sự việc xảy ra nhanh chóng và đột ngột. Đám học sinh có lòng tốt ngây người đứng ở đó, nhất thời không rõ chuyện gì đang diễn ra. Chỉ trong giây lát, từ đáy lòng dâng lên cảm giác bị tổn thương, mọi người nghi hoặc nhìn nhau rồi lại quan sát gương mặt lạnh lẽo của thầy Chương. Cuối cùng, ai nấy về chỗ ngồi của mình, sự hổ thẹn biến mất, ý nghĩ báo thù lại hồi sinh. Bọn họ âm thầm chờ mong thầy Chương té ngã, cũng như mong đợi thầy bị mất mặt ở trong giờ học.

Chỉ có Liễu Địch lặng lẽ đi theo thầy Chương ra khỏi phòng học.

Đến đầu cầu thang, một cậu học sinh không biết từ góc nào lao tới, xô vào người thầy Chương. Liễu Địch chạy vội đến đỡ thầy. Lần này, Liễu Địch nắm tay thầy rất chặt, thầy Chương không hất tay cô.

"Cám ơn em. Nhưng mời em đi cho." 

Thanh âm của thầy Chương vẫn lạnh lùng, ngữ khí ngược lại khá lịch sự. Có lẽ thầy không ngờ, người đang đỡ thầy là học sinh vừa bị thầy trách mắng.

"Để em đưa thầy về văn phòng."

 Liễu Địch không buông tay.

"Không! Tôi không cần sự giúp đỡ."

 Giọng nói thầy đã trở nên nghiêm khắc, gần như mất kiên nhẫn. Vài học sinh từ trong phòng học thò đầu ra xem.

"Để em đưa thầy về văn phòng."

 Liễu Địch vẫn không buông tay.

"Tôi nghĩ tôi đã nói rõ ràng rồi." 

Thầy Chương miễn cưỡng kiềm chế cơn giận dữ, nhưng thầy vô ý thức cao giọng: 

"Nếu em còn chưa nghe rõ, tôi có thể lặp lại một lần, tôi không cần sự giúp đỡ. Bây giờ, em đã nghe rõ chưa?"

"Em nghe rõ rồi." 

Thanh âm của Liễu Địch rất bình tĩnh và kiên quyết: 

"Nhưng...xin thầy hãy cho phép em đưa thầy về văn phòng."

"Nếu tôi không cho phép thì sao?" 

Giọng nói thầy Chương khàn khàn, lông mày nhíu chặt, tựa hồ chuẩn bị nổi nóng.

"Nếu thầy không cho phép, em sẽ buông tay ngay lập tức." 

Liễu Địch không bị dọa bởi thái độ của thầy, cô cất giọng trầm tĩnh, thẳng thắn và trong trẻo: 

"Có điều, em sẽ đi theo thầy đến văn phòng. Trong khoảng thời gian đó, nếu thầy gặp phiền phức, em vẫn sẽ giúp thầy."

"Sự giúp đỡ tốt nhất của em đối với tôi là tránh xa tôi ra." 

Thanh âm của thầy Chương đã bốc hỏa: 

"Tôi không cần một người nào đóng vai thượng đế ở bên cạnh tôi."

"Em không phải là thượng đế, cũng chẳng muốn đóng vai gì."

 Giọng nói của Liễu Địch không nhanh không chậm, không cao không thấp, nhưng vang vọng khắp hành lang, truyền đến tai mỗi người: 

"Em chỉ là học sinh của thầy. Với tư cách một học trò, em không muốn nhìn thấy người thầy em tôn kính và ngưỡng mộ bị xô nghiêng xô ngả. Có lẽ thầy chịu đựng được điều này, nhưng em không thể, giống như em không thể chịu đựng một tư tưởng cao quý bị người đời bôi nhọ."

Thầy Chương đột nhiên trầm mặc.

Liễu Địch nhướng mắt, tựa hồ muốn nhìn ra điều gì đó từ gương mặt của thầy Chương. Đáng tiếc, thầy Chương vẫn giữ nguyên thần sắc vô cảm. Trên thực tế, gương mặt thầy từ đầu đến cuối không bộc lộ một sắc thái tình cảm nào, kể cả lúc thầy nổi giận.

Một lúc sau, thầy Chương lên tiếng: 

"Em là cô bé thích lo chuyện bao đồng."

Không ngờ thầy nói ra câu này, Liễu Địch mỉm cười: 

"Không phải em thích lo chuyện bao đồng, đưa thầy về văn phòng tuyệt đối không phải chuyện bao đồng."

Người thầy Chương hơi run run. Nếu không phải Liễu Địch đang đỡ tay thầy, cô sẽ không cảm nhận được sự chấn động của thầy.

"Em rất cố chấp." 

Sắc mặt thầy Chương vẫn vô cảm như thường lệ: 

"Đúng vậy, rất cố chấp, có thể nói cố chấp như tôi."

Liễu Địch lại cười: 

"Nếu được cố chấp như thầy, là vinh hạnh của em."

"Vậy...ngoài cố chấp ra, em có thể bảo đảm, em không phải là người nhiều lời?"

"Em xin dùng danh dự bảo đảm." 

Liễu Địch lên tiếng, ngữ khí rất chân thành, kiên quyết và rõ ràng: 

"Em bảo đảm sẽ không hỏi một câu thừa thãi, sẽ không nói một câu tán gẫu không liên quan, sẽ không cùng người khác bàn tán bất cứ vấn đề gì liên quan đến thầy."

Thầy Chương lặng lẽ thở dài: 

"Nếu em có thể giữ lời hứa, vậy thì...xin em..."

 Thầy mím môi: 

"Hãy đưa tôi về văn phòng."

Kể từ ngày hôm đó, tên của Liễu Địch dính liền với thầy Chương.

Cô bắt đầu phụ trách đưa thầy Chương lên lớp và về văn phòng, đưa thầy tới bến xe buýt đợi xe mỗi khi tan học. Sau khi trở thành đại diện khối văn, cô lại bắt đầu giúp thầy Chương phê bài tập làm văn vào mỗi buổi trưa. Sau khi thi giữa kỳ và cuối kỳ, cô còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi thay thầy Chương viết những lời phân tích và nhận xét khách quan trên mỗi bài thi môn ngữ văn. Cô trở thành người bận rộn nhất khối, người ra vào văn phòng của thầy Chương nhiều nhất.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào những điều này, Liễu Địch vẫn chưa thể bước vào thế giới của thầy Chương. Thầy Chương không phải là người dễ tiếp cận. Ngược lại, thầy tránh xa tất cả mọi người, làm gì cũng lặng lẽ một mình. Về điểm này, chỉ cần gặp thầy một lần, người ngu ngốc cỡ nào cũng đều nhận ra. Thầy suốt ngày mặc bộ đồ trắng đen đơn điệu, sống lưng luôn thẳng tắp, mãi mãi là gương mặt vô cảm, mãi mãi hốc mắt trống không. Tất cả những điều này tạo thành hình ảnh lạnh lùng vô tình vô cảm không thay đổi. Vì vậy, dù có người muốn tiếp cận thầy và giúp đỡ thầy, cũng đều bị vẻ lạnh nhạt của thầy đánh bại.

Trong trường có một hai người tốt bụng, xuất phát từ sự đồng tình và thương hại, từng thử tìm cách giúp thầy Chương. Thầy đã từ chối bằng thái độ lịch sự nhưng vô cùng lạnh lẽo, xóa bỏ hoàn toàn ý định giúp đỡ của bọn họ. Một thời gian sau, mọi người đều biết, "giúp đỡ" vĩnh viễn là từ cấm kỵ trong từ điển của thầy Chương. Do đó, không người nào dám nhắc đến trước mặt thầy, bao gồm cả Liễu Địch.

Có lẽ chỉ ở trên bục giảng, mọi người mới cảm nhận được, thầy Chương vẫn còn một chút sức sống và hứng thú. Thầy Chương trên bục giảng mang đến cảm giác "tài hoa xuất chúng". Thầy quả nhiên không "đọc mẫu" bài văn thêm một lần, nhưng cũng không còn người nào dám nghi ngờ khả năng thuộc lòng các tác phẩm nổi tiếng cổ kim trong và ngoài nước của thầy.

Thầy luôn có cách nhìn độc đáo về các tác phẩm. Bài giảng của thầy vô cùng hấp dẫn. Những phân tích sâu sắc và cách trình bày vấn đề thấu đáo của thầy kích thích đám học sinh ở bên dưới thảo luận từ lớp học đến sân chơi, từ trong trường học ra đến ngoài đường, từ hôm nay đến ngày mai.

Dần dần, thần sắc lạnh nhạt của thầy Chương cũng biến đổi ít nhiều. Tuy rằng lúc các học sinh cười ầm ầm, thầy vẫn điềm nhiên như không, nhưng vẻ mặt thầy đã trở nên ôn hòa hơn. Thỉnh thoảng, thầy biểu lộ sự tán thưởng và vui mừng. Điều này khiến cả lớp cảm thấy thầy thêm phần gần gũi.

Một điều đáng quý là, thầy không bao giờ gò ép hay hạn chế tư tưởng của học sinh, mà thường để những người "không cùng chính kiến" mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình.

Một lần, hiệu trưởng Cao và một thầy giáo khác trong tổ bộ môn văn tên Doãn Hồng dự tiết dạy của thầy Chương. Cả lớp tranh luận về văn phong của Lỗ Tấn rất hăng say. Đặc biệt, ngôn từ của "bên phản đối" tương đối kịch liệt, đến mức nhà văn Lỗ Tấn mà nghe được, chắc sẽ đội mồ chui lên để tranh luận cùng bọn họ.

Thầy Chương nghiêm túc lắng nghe ý kiến của hai bên, sau đó thầy đưa ra quan điểm của mình: 

"Có lẽ, Lỗ Tấn tiên sinh cũng không thích văn phong khô khan như vậy, nhưng ông buộc phải sử dụng nó. Bởi lối hành văn này là do thời đại ép buộc. Nếu Lỗ Tấn không có tinh thần trách nhiệm với thời đại và dân tộc, cứ sống nhàn nhã thoải mái như Hồ Thích hay Lâm Ngữ Đường, có lẽ văn phong của ông không đến nỗi lạnh lùng nghiêm túc như các em nhận xét. Nhưng ông làm vậy, trên văn đàn sẽ thiếu đi một người chiến sỹ dùng ngòi bút thay giáo gươm. Xin hỏi, ở thời đại nhiễu nhương đó, chúng ta cần một dũng sỹ đối mặt trực tiếp với nhân sinh thê lương, hay là cần văn nhân phong hoa tuyết nguyệt?".

No comments

Powered by Blogger.