TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 28 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI
TRẠI HOA VÀNG
Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen
CHƯƠNG 28:
Tôi đã không phụ lòng "trông cậy"
âm thầm của ba Cẩm Phô. Thi học kỳ một năm đó, Cẩm Phô đạt loại giỏi, phá vỡ
cái thông lệ cầm đèn đỏ xưa nay.
Đệ tử giỏi, sư phụ đương nhiên phải
giỏi hơn. Lần đầu tiên tôi trở thành học sinh xuất sắc - xuất sắc thứ thiệt, có
ghi học bạ đàng hoàng chứ không phải xuất sắc theo đoán mò của Liên móm. Lần đầu
tiên tôi đứng ngang hàng với Phú ghẻ và xếp trên Minh sún hai bậc, điều mà bốn
năm ở trường cấp hai Trần Quốc Toản tôi không bao giờ dám nghĩ tới.
Tụi bạn trong lớp không đứa nào ngạc
nhiên về thành tích của tôi bởi vì điều này đã được báo hiệu bằng sự tiến bộ
không ngừng của tôi trong mấy tháng gần đây.
Chỉ có mẹ tôi là cuống quýt. Bà tức
tốc chạy xuống nhà nội tôi và đi thăm khắp các cô dì chú bác để khoe kết quả học
tập của tôi khiến tôi mắc cỡ hết dám ló mặt đi đâu.
Ở một ngôi trường có truyền thống dạy
giỏi như trường Trần Cao Vân, số học sinh đạt tiêu chuẩn xuất sắc chiếm hơn
phân nửa trường, đông lúc nhúc như cá nuôi trong hồ, lấy rổ vớt cả ngày cũng
không hết. Chuyện tôi đạt danh hiệu xuất sắc trong kỳ thi đối với hầu hết học
sinh Trần Cao Vân chẳng là "cái đinh gỉ" gì nhưng mẹ tôi lại xem như
là chuyện tày đình. Nếu nhà ngoại tôi ở gần, chắc mẹ tôi sẵn sàng qua dắt mấy
con bò về mổ thịt khao cả thị trấn chứ chẳng chơi.
Ba tôi biểu lộ niềm vui theo cách
khác. Ông điềm tĩnh hơn, theo phong cách "hắc ám" của ông trước nay.
Đặt bàn tay to bè, cứng cáp lên vai tôi, ông trầm giọng:
- Nói mẹ mày đưa tiền may thêm hai
cái quần mà mặc!
Lời phán của ba tôi khiến tôi mừng
rơn. Nhỏ Châu nháy mắt với tôi:
- Sướng hén!
- Sướng gì mà sướng!
Tôi làm bộ vờ
vịt.
- Được chia tay mà không sướng?
Giọng nhỏ Châu tinh quái.
Tôi ngạc nhiên:
- Chia tay cái gì?
- Thì chia tay với mấy cái... tam
giác Béc-mu-đa của anh chứ chia tay cái gì!
- Tao cốc cho mày một cái bây giờ!
Vừa nói tôi vừa chồm người tới khiến
nhỏ Châu ôm đầu lủi mất.
Nhưng mặc dù được ba tôi hứa hẹn
cái khoản "quần mới" rất hấp dẫn kia, niềm vui của tôi vẫn không hoàn
toàn trọn vẹn. Tôi biết gia đình tôi dạo này đang túng bẩn, việc chi tiêu hàng
ngày rất dè sẻn. Xúc động trước kết quả học tập đột biến của tôi, ba tôi hào
phóng hứa thưởng tôi hai cái quần mới, nhưng tôi biết để thực hiện lời hứa ngẫu
hứng đó, ông buộc phải giảm những khoản mua sắm cần thiết khác trong nhà và rất
có thể Tết này nhỏ Châu sẽ không có được bộ quần áo mới mà nó hằng mơ ước.
Từ ngày đó, tôi dành nhiều thì giờ
hơn cho việc chăm sóc vườn hoa. Mới thi học kỳ xong, tâm trí còn thư thả, chỉ
trừ những lúc phải ôm tập tới nhà chị Cẩm Phiêu, còn chiều nào tôi cũng ở lì
ngoài vườn bón phân, tỉa lá, bắt sâu. Tết này tôi sẽ gửi hoa ra chợ bán. Tiền
kiếm được tôi sẽ dẫn nhỏ Châu đi may đồ mới. Như năm ngoái tôi đã từng sắm cho
nó bút thước, sách vở, cặp xách.
Tôi không nói điều đó cho nhỏ Châu
biết. Tôi muốn đem lại cho nó một niềm vui bất ngờ. Hẳn lúc đó nó sẽ trố mắt ra
vì ngạc nhiên và vì sung sướng. Hẳn tôi sẽ có dịp nhìn thấy nó rưng rưng nước mắt
vì xúc động khi nhận ra tôi là một ông anh tốt bụng nhất trên đời, mặc dù thỉnh
thoảng tôi vẫn "cốc" nó những cú muốn trọc đầu.
Tôi không chỉ may đồ cho nhỏ Châu.
Tôi còn định may đồ cho cả nhỏ Thảo nữa. Nhà nhỏ Thảo còn nghèo hơn cả nhà tôi.
Quanh năm suốt tháng nó chỉ mặc tới mặc lui hai bộ đồ đã cũ sờn. Ngay cả chiếc
áo mặc đi học cũng không còn trắng nữa. Nó đã ngả màu cháo lòng từ lâu. Tội nó
ghê!
Nghe tôi nói tôi sẽ may cho nó một
bộ quần áo vào Tết này, nhỏ Thảo sáng mắt lên:
- Anh nói thật hén?
Tôi nheo mắt:
- Chứ hồi trước đến giờ anh có nói
dóc với em lần nào đâu!
Nhỏ Thảo mừng lắm. Nó toét miệng ra
cười. Nhưng rồi không hiểu nghĩ sao, nó bỗng cụp mắt xuống:
- Không được đâu anh Chuẩn ơi!
- Sao lại không được?
Nhỏ Thảo lúc lắc đầu:
- Kỳ lắm!
- Có gì đâu mà kỳ?
- Vậy mà không kỳ? Tự dưng anh lại
may đồ cho em!
Khi nói câu này, nhỏ Thảo đột nhiên đỏ mặt và quay đầu ngó lơ
chỗ khác.
Thái độ khác lạ của nó khiến tôi bất
giác đâm ra bối rối. Trong một thoáng, tôi chợt nhận ra cô bé đang đứng trước mặt
tôi hôm nay trông chẳng giống chút xíu gì với con bé con tôi từng biết trước
đây. Không biết tự lúc nào, đôi má nó bỗng trở nên hồng hơn, cặp mắt long lanh
hơn, còn mái tóc thì dài ra và đen mướt, trông nó giống hệt một thiếu nữ. Tết
này nó mới mười lăm tuổi mà sao nó lớn phổng lên như thế không biết! Tôi nhủ bụng
và tặc lưỡi trấn an nó:
- Sao lại tự dưng? Ngày nào em cũng
qua đây phụ anh tưới cây, nhổ cỏ. Nhờ vậy mà vườn hoa mới tươi tốt. Bây giờ,
anh kiếm được tiền nhờ bán hoa, anh phải... đền ơn cho em chứ!
Nghe vậy, mặt nhỏ Thảo tươi tươi
lên được một chút. Nhưng rồi nó lại lắc đầu:
- Không được đâu! Mẹ em la chết!
Tôi cười:
- Em đừng lo! Để anh nhờ mẹ anh qua
nói chuyện với mẹ em!
Nói xong, tôi bỗng nghe nóng ran cả
mặt mày vì câu buột miệng của mình. Nghe cứ y như là chuyện hỏi vợ hỏi chồng!
Nhưng nhỏ Thảo không để ý đến điều đó. Nó cầm tay tôi lắc lắc:
- Anh nói thật hén?
Cái con nhỏ này, nó cứ làm như tôi
là chuyên gia nói dối không bằng! Tôi hừ giọng:
- Chứ chẳng lẽ anh gạt em?
Thấy tôi nổi quạu, nhỏ Thảo không dám
hỏi tới hỏi lui nữa. Nó rụt cổ lại và lật đật xách thùng chạy đi múc nước.
Suốt buổi chiều hôm đó, tôi và nhỏ
Thảo thay nhau tắm táp cho lũ hoa trong vườn. Gần đến Tết, gần đến mùa hoa
xuân, sự chăm sóc ắt nhiên phải kỹ lưỡng hơn. Tưới nước xong, chúng tôi bò mọp
người xới từng gốc cây và thi nhau săm soi tìm bọn sâu trong từng kẽ lá.
Chuyện nhỏ Thảo chiều chiều qua phụ
tôi làm vườn là chuyện xưa như trái đất. Nhưng hôm nay có một điều khác xa với
hàng trăm buổi chiều trước đó: suốt mấy tiếng đồng hồ bên nhau tôi không một lần
chạm tay vào người nhỏ Thảo.
Chỉ mới hôm qua, tôi còn cốc đầu nó
hoặc bẹo má nó thoải mái, vậy mà từ lúc phát hiện nhỏ Thảo không còn "nhỏ"
nữa, tôi lại đâm ra mất hẳn tự nhiên.
Nhỏ Châu cũng bằng tuổi nhỏ Thảo,
và bây giờ nhớ lại, tôi sực nhận ra nhỏ Châu cũng phổng phao lên tự bao giờ.
Nhưng, dù vậy trong mắt tôi, nhỏ Châu luôn luôn là một đứa nhóc tì.
Nhỏ Thảo lại khác. Trước đây tôi vẫn
coi nó như em gái tôi và không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày tôi xét lại điều
đó. Nhưng hôm nay, thấy nó bỗng nhiên mắc cỡ, tôi liền... mắc cỡ theo. Từ lúc
đó, mỗi khi nói chuyện, tôi không còn đủ bình thản nhìn lâu vào mắt nó như những
ngày xa xưa, dẫu thật lòng tôi cũng chẳng rõ tại sao.
Nhỏ Thảo dĩ nhiên không hình dung
được những rối rắm trong lòng tôi. Vì vậy lúc ra về, như thói quen, nó hỏi xin
tôi một nhánh hồng.
Tôi phân vân một thoáng rồi lẳng lặng
ngắt một bông cẩm chướng đưa cho nó.
- Em xin hoa hồng kia!
Nhỏ Thảo
vùng vằng.
Tôi cười:
- Hoa này cũng màu hồng vậy!
- Nhưng em không thích hoa cẩm chướng!
Tôi lại ngắt một nhánh hoa đồng tiền
chìa ra:
- Vậy thì bù cho em thêm một nhánh
này!
Biết tôi từ chối và bàng hoàng về sự
từ chối bất ngờ đó, nhỏ Thảo thoáng nhìn sững tôi rồi chớp chớp cặp mắt đã ngân
ngấn nước, nó cầm hai nhánh hoa bất đắc dĩ kia lủi thủi ra về.
Nhưng nhỏ Thảo không đem hoa về
nhà. Đi ngang qua cánh cổng rào, nó đứng lại và kiễng chân cắm hai nhánh cẩm
chướng và đồng tiền lên sợi kẽm quấn ngang đầu trụ sắt rồi quay mình bỏ chạy.
Tôi chứng kiến từ đầu đến cuối hành
động bướng bỉnh đột ngột của nhỏ Thảo. Nhưng tôi không giận nó. Tôi biết nó buồn
lắm. Và tôi nữa, tôi cũng buồn.
Hồi tôi mới chơi hoa, nhỏ Thảo thường
tò tò theo tôi hỏi xin hoa hồng đem về nhà cắm chơi. Trong vườn nhà tôi trồng đủ
thứ hoa nhưng không hiểu sao nó chỉ thích mỗi hoa hồng. Nhưng lúc đó tôi nhất
quyết không cho. Tôi chỉ hái cho nó các loại hoa khác. Bởi tôi nghĩ hoa hồng tượng
trưng cho tình yêu, ai lại đem tặng một đứa lóc chóc như nó. Nhưng nó cứ theo gạ
gẫm mãi, rốt cuộc tôi đành xiêu lòng. Hơn nữa, những lúc hái hoa hồng tặng nó,
thật lòng tôi chỉ coi nó như em nên chẳng thấy áy náy ngượng ngập gì.
Nhưng hôm nay tất cả đều đã thay đổi.
Nhỏ Thảo không còn là con nhãi hỉ mũi chưa sạch như trước đây nữa. Và tôi, tôi
cũng không còn là ông anh oai phong và hồn nhiên như dạo nào. Tôi đã cảm thấy
lúng túng mỗi khi tay tôi tình cờ đụng vào tay nó và điều đó khiến tôi khổ sở
vô cùng. Vì những lẽ đó mà tôi nhất định không chiều theo ý thích của nhỏ Thảo
nữa. Hoa hồng của tôi, tôi chỉ dành tặng cho "chị hai nhỏ Châu", mặc
dù cho đến nay tôi vẫn chưa hái cho Cẩm Phô một đóa hoa nào. Còn nhỏ Thảo, nó
khóc thì tôi đành chịu, nó giận dỗi không thèm lấy hoa tôi tặng, tôi cũng chỉ
ngồi bệt xuống đất thẫn thờ đưa mắt ngó theo chứ biết làm sao! Tại nó hết chứ bộ!
Ai bảo nó mau lớn làm chi!
Tôi tưởng sau chuyện đó nhỏ Thảo sẽ
giận tôi lâu lắm, có khi nó nghỉ chơi tôi ra nữa không chừng. Nhưng chiều hôm
sau, tôi vừa xách thùng tưới ra vườn đã thấy nó tí tởn chạy qua, miệng liến thoắng:
- Để em đi múc nước giùm anh cho!
Sự xuất hiện của nhỏ Thảo khiến tôi
mừng rơn. Tôi càng yên tâm hơn khi suốt ngày hôm đó và cả những ngày sau nữa,
nó chẳng hề nhắc gì đến chuyện tôi không thèm tặng hoa hồng cho nó. Nó cứ thản
nhiên tỉa lá, bắt sâu. Lúc ra về, nó cũng chẳng mở miệng xin hoa xin cỏ. Nó biết
điều ghê!
Nhờ tôi và nhỏ Thảo tích cực trông
nom, chăm bón, vườn hoa mỗi ngày một tốt tươi. Giáp Tết, hoa e ấp nở. Những
cánh hoa he hé thẹn thùng như những cô dâu mới. Lay-ơn, thược dược, cẩm chướng,
đồng tiền và các loại hoa hồng hoa cúc dù chưa bung hết cánh đã nhuộm vàng rực
cả khu vườn và dẫn dụ lũ bướm tới lui nườm nượp.
Chiều hăm lăm Tết, tôi đang ngồi
lui cui xới đất, bỗng nghe tiếng ai như tiếng Liên móm léo nhéo ngoài bờ rào:
- Ông Béc-mu-đa ới ời!
Mấy hôm nay tôi mặc quần mới, những
chiếc "Bermuda" đã được mẹ tôi đem cất vào rương, nên tôi chẳng ngán
ai chọc ghẹo nữa. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu con nhỏ miệng móm kia mắc chứng
gì mà lại đột ngột mò đến nhà tôi vào lúc này.
Tôi ngoảnh cổ nhìn ra và càng sửng
sốt hơn nữa khi thấy không chỉ Liên móm mà còn có một lô một lốc những đứa khác
đang đứng lố nhố trước cổng. Cường, Luyện, Phú ghẻ, Cẩm Phô, Thùy Dương, không
thiếu một cái mặt mẹt nào.
Tôi vứt chiếc que trên cỏ, ba chân
bốn cẳng chạy ùa ra, trong lòng vừa ngạc nhiên sung sướng vừa thấp thỏm lo âu.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment