TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 27 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI
TRẠI HOA VÀNG
Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen
CHƯƠNG 27:
- Thì lúc đầu là như vậy, nhưng bây
giờ thì khác! Bây giờ tao hẹn với nó chỉ để học chung với nhau thôi!
Tôi nói
và không tin là Phú ghẻ hiểu được tâm trạng của tôi lúc này.
Quả vậy, Phú ghẻ nhìn tôi, mặt mày
chưng hửng:
- Bộ mày thích như vậy thật hả?
Chính Phú ghẻ là đứa khích cho tôi
học và cũng chính nó bỏ biết bao công sức và thời gian để giúp tôi có được
trình độ như ngày nay, vậy mà bây giờ tôi nói tôi ham học, nó lại không tin.
Tôi mỉm cười:
- Ừ, tao thích như vậy!
Phú ghẻ chớp mắt:
- Bộ mày hết thích Cẩm Phô rồi hả?
- Đâu có!
Phú ghẻ càng thắc mắc:
- Vậy sao khi nãy mày bảo mày hẹn gặp
nó là chỉ vì chuyện học?
Phú ghẻ đúng là chúa thộn. Nó chưa
yêu bao giờ nên tôi nói gì nó cũng ù ù cạc cạc. Khi nào yêu nhiều như tôi họa
may nó mới bớt lẩm cẩm. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt thông cảm và lên giọng giảng
giải:
- Mày ngốc quá! Tao thích học.
Nhưng tao cũng thích cả Cẩm Phô. Nói chung là tao thích học với... Cẩm Phô, mày
hiểu không? Chứ còn học chung với Liên móm thì chỉ có mày thích, tao đâu có
thích!
Tôi chọc Phú ghẻ nhưng Phú ghẻ làm
thinh. Mặt bâng khuâng ngơ ngác, nó chẳng buồn trả đũa, chỉ chép miệng xuýt
xoa:
- Ngộ quá hén!
Kêu "ngộ" xong, Phú ghẻ bỏ
về, không màng tra hỏi hoạnh họe về chuyện tình cảm riêng tư của tôi nữa. Chắc
nó biết nó có hỏi đến già cũng chẳng thể nào hiểu được tâm trạng của một người
đang... yêu.
Nhìn dáng đi lật đật của nó, tôi
đoán nó chạy thẳng lại nhà Liên móm. Biết đâu nó chẳng nuôi ý định tán tỉnh con
nhỏ miệng móm này để xem thử có phải vì yêu nhau mà con người ta thích học chung
với nhau hay không!
Dĩ nhiên tôi không thể giải thích
rành rẽ mọi điều với Phú ghẻ. Có những chuyện người ta cảm nhận dễ dàng nhưng lại
diễn tả một cách khó khăn.
Tôi không thể biết được một cách chắc
chắn vì sao tôi thích học chung với Cẩm Phô, vì sao tôi thích ngồi với nó ở nhà
chị Cẩm Phiêu hơn là ngồi cạnh nhau trong quán bà Thường, mặc dù những buổi hẹn
hò dưới chân cầu được bao bọc bởi một khung cảnh hữu tình hơn, ít dính dáng đến
những con số khô khan và những công thức "chán chết được" của các môn
đại số, hóa học và lượng giác hơn và nhất là cái cách "chĩa chĩa ngón
tay" của thằng Cường vào tối hôm trước giúp cho cuộc gặp gỡ của tôi và Cẩm
Phô giống với những cuộc hẹn hò bí mật và lãng mạn của các cặp tình nhân trong
tiểu thuyết và trên phim ảnh hơn.
Tôi chửi Phú ghẻ là "đồ ngốc"
nhưng thực ra tôi không tự cắt nghĩa được những thay đổi trong lòng mình. Tôi
chỉ biết, ngồi trong quán bà Thường và hỏi Cẩm Phô "Lúc nãy đi đường nắng
không?" chẳng còn hấp dẫn tôi bằng việc ngồi bên cạnh nó và tìm cách giảng
cho nó hiểu làm thế nào để có thể vẽ đồ thị y=sinx bằng phương pháp hình học.
Trong rất nhiều ngày, tôi cứ ngẫm
nghĩ mãi về điều này. Tôi chẳng biết hỏi ai và không có ai để hỏi. Thằng Cường
và Phú ghẻ thân thì thân thật nhưng với những chuyện như thế này, tụi nó còn ấm
ớ hơn tôi gấp một tỉ lần.
Rốt cuộc, loay hoay một mình đâm
chán, tôi không buồn đi lang thang trong thế giới nội tâm và tìm cách khám phá
những bí ẩn của nó nữa. Tôi tự hài lòng với những gì mà mình cảm nhận, rằng khi
học chung với nhau, nghĩa là khi cùng "hợp tác" với nhau để hướng về
một mục đích nào đó trong cuộc sống, dường như mối quan hệ giữa con người ta bỗng
trở nên gần gũi hơn và tự nhiên hơn. Và như vậy tôi còn mong muốn gì hơn nữa?
Dĩ nhiên tôi chẳng mong muốn gì
hơn! Nhưng cuộc đời lại không thiếu những điều trái khoáy. Có những chuyện mình
chẳng hề mong muốn lại cứ xồng xộc nhảy bổ vào cuộc đời mình.
Hôm tôi với Cẩm Phô ngồi ôn lại mấy
bài ca dao đã học, đúng vào lúc tôi đang hí hửng ngoác mồm tụng ra rả:
- Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên
nhau...
Thì tôi bỗng nghe có tiếng hắng giọng
ngoài cửa phòng. Đinh ninh đó là anh rể của Cẩm Phô - mà anh rể nó rất quý tôi
- tôi cứ tỉnh bơ tụng đi tụng lại câu ca dao "hết ý" trên và tất
nhiên trong khi tụng tôi không quên đưa mắt liếc trộm Cẩm Phô xem nó có hiểu
cái tâm sự mà tôi gửi gắm trong câu ca dao đó không.
Nhưng tôi chưa kịp nhận ra phản ứng
của Cẩm Phô thì đã nhận được phản ứng của người đứng ngoài cửa phòng. Lần này,
kèm theo tiếng hắng giọng là tiếng chân bước lịch kịch mỗi lúc một gần.
Tôi ngoảnh cổ lại và chưa kịp trông
thấy mặt người vừa xuất hiện, chỉ mới trông thấy hai cẳng chân thôi, lưng tôi
đã nổi đầy gai ốc.
Tôi vội chớp mắt hai, ba cái và lạnh
cả người khi biết rằng mình không lầm. Đứng bên cạnh tôi chính là cặp giò cao
lêu nghêu tôi đã từng trông thấy một lần khi đột nhập vào tiệm thuốc tây Hồng
Phát trưa hôm nào.
Không dám liếc thêm một giây nào về
phía "vị thần giữ cửa" khét tiếng trong thị trấn, tôi hấp tấp quay mặt
lại và chúi mũi vào cuốn tập trên bàn. Tư thế của tôi lúc đó chẳng khác gì một
con đà điểu đang cố rúc đầu vào cát hòng tránh mặt "kẻ thù".
Trong khi chờ đợi sấm sét giáng xuống
đầu, tôi không ngớt rủa thầm mình tơi bời. Tục ngữ ca dao trong tập thiếu gì
câu tôi không đọc lại lựa đúng cái câu "lăng nhăng" nhất rống lên cho
ba Cẩm Phô nghe thấy, thật ngu ơi là ngu!
Nếu lúc đó tôi ê a câu "Công
cha như núi ngất trời. Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng
mênh mông. Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!", biết đâu ba Cẩm Phô thấy tôi
nhắc nhở nó về bổn phận làm con, ông xúc động mà tha thứ cho tôi về cái tội ngồi
sát rạt Cẩm Phô cũng nên.
Nhưng sự thông minh muộn màng đó chẳng
giúp ích được gì cho tôi trong lúc này. Tôi nhắm mắt lại, nghe mồ hôi chảy ròng
ròng trên trán và chờ một cái chân ghế nện vô đầu.
Tôi chờ hoài, chờ hoài một tiếng
"cốp" để ngã lăn ra nhưng chẳng thấy động tĩnh gì. Hay là ba Cẩm Phô
tưởng tôi ngất xỉu nên đã bỏ đi rồi? Tôi hớn hở nhủ bụng và len lén quay đầu lại.
Nhưng tôi điếng hồn nhận ra đôi chân lêu nghêu kia vẫn đứng nguyên chỗ cũ, đầy
đe dọa. Dường như từ lúc tôi cắm đầu vô tập, nó cũng cắm luôn xuống sàn nhà,
không thèm nhúc nhích một li.
Tuy nhiên, lần này tôi chưa kịp ngoảnh
mặt đi chỗ khác, đôi chân kia đã động đậy và sát bên tai tôi một giọng nói ồm ồm
đột ngột vang lên:
- Các con tiếp tục học đi chứ!
Mặc dù câu nói được thốt ra bằng giọng
điệu chậm rãi, từ tốn và với một ý nghĩa khuyến khích rõ rệt, tai tôi vẫn ù đi
và trái tim không ngừng nhảy lô tô trong ngực.
Chỉ đến khi ba Cẩm Phô phát hiện ra
sự có mặt của ông khiến bầu không khí trong phòng đột nhiên căng thẳng và ông vội
vàng lui bước, lúc đó tôi mới hoàn hồn và đưa mắt nhìn về phía Cẩm Phô, miệng nở
một nụ cười gượng gạo.
Vẻ mặt thất thần giống như người vừa
chết đi sống lại của tôi khiến Cẩm Phô phì cười:
- Anh làm gì mà hồn vía lên mây vậy?
Tôi dường như không nghe thấy câu hỏi
của Cẩm Phô. Tôi không trả lời nó, mà buột miệng theo ý nghĩ trong đầu:
- Hên thật hên!
- Gì mà hên?
- Vậy mà không hên! Tôi tưởng lúc
nãy mình bị xé tét làm hai mảnh rồi chứ!
Tôi đáp và thở phào như thể vừa nhảy
tránh được một viên đạn... đại bác.
Cẩm Phô lườm tôi:
- Làm gì mà tét? Bộ anh tưởng ba Cẩm
Phô không biết Cẩm Phô và anh học chung với nhau ở đây hả?
- Cái gì?
Tôi sửng sốt
- Làm sao
ba Cẩm Phô biết được?
Cẩm Phô nhún vai:
- Cẩm Phô không rõ. Nhưng mà ba biết.
Trong một thoáng, tôi sực nhớ câu tục
ngữ vừa học "Một miệng thì kín, chín miệng thì hở". Chuyện tôi và Cẩm
Phô "hẹn hò" với nhau ở nhà chị Cẩm Phiêu có một tỉ người biết, ba Cẩm
Phô còn sống sờ sờ ra đó lẽ nào ông lại không hay! Nếu không phải thằng Phú ghẻ
thì thằng Cường, không phải thằng Cường thì thằng Luyện, không phải thằng Luyện
thì vợ chồng chị Cẩm Phiêu, đằng nào cũng có người vô tình buột miệng hở ra.
Tôi nhìn Cẩm Phô, giọng thấp thỏm:
- Ba Cẩm Phô có nói gì không?
- Có.
Tôi xanh mặt:
- Ba Cẩm Phô nói sao?
Cẩm Phô cười:
- Ba nói ráng mà học, đừng để lưu
ban như năm ngoái!
Tôi há hốc mồm và có cảm giác một
con ruồi vừa chui tọt vào trong đó.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment