TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 18 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI

TRẠI HOA VÀNG

truyenhoangdung - truyện thiếu nhi
 Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen

CHƯƠNG 18: 


Nói xong tôi ngoác miệng hát liền, sợ để lâu nó cụt hứng:

- "Mỗi năm đến hè lòng mang mát buồn

Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...

Tôi đang lim dim mắt rống hết cỡ, nhỏ Châu bỗng "xì" một tiếng, chen ngang:

- Bữa nay còn chưa đến Tết, hè đâu mà hè!

Bị phá bĩnh, mặt tôi nhăn như bị:

- Thì đợi đến hè tao hát! Tao có hát bây giờ đâu!

- Chứ bây giờ anh hát bản gì ?

Tôi nhún vai:

- Thiếu gì bản, Phú ghẻ dạy tao cả khối!

Và tôi liếm môi:

- Thôi để tao hát cho mày nghe bản này!

- Bản gì vậy ?

Không buồn trả lời nhỏ Châu, tôi cuối đầu nhìn xuống cần đàn tìm chỗ để... đặt mấy đầu ngón tay. Tôi gảy "chách chách chách chùm chum" và hát:

- Em nỡ lạnh lùng đến thế sao


Tim anh tan nát tự hôm nào...

Lần này cũng vậy, tôi mới "biểu diễn" được hai câu, nhỏ Châu đã nhảy tót vô họng tôi:

- Bữa trước anh bảo chị Cẩm Phô nhớ anh muốn chết, sao bây giờ lại hát "Em nỡ lạnh lùng đến thế sao"?

Bị "đâm hông" hoài, tôi nhịn hết nổi, bèn giơ nắm đấm ra:

- Mày không biết thưởng thức văn nghệ, thì tìm đường xéo đi cho tao nhờ! 

Đứng đó tao nổi khùng lên là tao cốc cho u đầu bây giờ!

Nhỏ Châu chắc chẳng ham gì cái chuyện "thưởng thức" giọng ca rè như thùng thiết bể của tôi. Nghe tôi đuổi, nó co giò chạy biến, mặt mày rạng rỡ.

Ngồi lại một mình giữa vườn hoa, tôi tiếp tục gò người trên thùng đàn, thả hồn theo tiếng tơ trầm bổng. Thỉnh thoảng, cây đàn dưới tay tôi lại phát ra những âm thanh "tạch tạch" nhưng tôi mặt kệ. Những cánh hoa vàng rung rinh trước gió khiến lòng tôi bỗng chốc trở nên dịu dàng và thanh thản. Tôi ngắm màu hoa và khe khẽ hát:

- Sao em không nói một lời gì


Dẫu chỉ một lời không đáng chi...

Tôi hát và bất giác nhớ đến "chị hai nhỏ Châu". Tôi nhớ trước nay nó chẳng nói với tôi được "một lời gì" ý nghĩa. Gặp tôi trong quán bà Thường, nó chỉ nói chuyện lông bông. Rồi cắm cúi ăn chè. Ăn mệt nghỉ. Dường như nhỏ Châu nói đúng. Cẩm Phô chỉ thích ăn chè chứ đâu phải thích tôi.

Trước nay, chẵng bao giờ tôi để ý đến những chuyện "vặt vãnh" đó. Hễ ngồi cạnh Cẩm Phô là tôi khoái. Ngồi cạnh nó, tôi sướng mê tơi. Lòng lâng lâng, tôi chẳng ao ước gì hơn nữa. Nhưng bữa nay, ngâm nga hát hỏng một hồi, tôi sực nhớ ra Cẩm Phô chưa từng "hứa hẹn" gì với tôi. Mà tôi, hình như tôi cũng chưa hề "thề thốt" gì với nó. Sao lạ vậy nhỉ.

Suốt mấy ngày liền, tôi tập tới tập lui hai bản "Lạnh lùng" và "Nỗi buồn hoa phượng". Các đầu ngón tay tôi tê buốt, nhưng tôi kiên quyết không bỏ cuộc. Tôi nhất định phải trở thành ca sĩ... nghiệp dư. Tôi nhất định đem lời ca tiếng hát ra "phục vụ" Cẩm Phô. Tôi sẽ nhờ tiếng đàn nói hộ lời "thề thốt".

Để cho ra vẻ nghệ sĩ, tôi bắt đầu để tóc dài phủ gáy. Tôi cắt móng tay trái cụt lủn, sát tận gốc, trong khi tay phải tôi để móng dài thậm thượt. Dân sành điệu nhìn vào, biết ngay tôi là tay chơi đàn thứ "xịn". Chỉ có dân móc classique chuyên nghiệp hoặc dân ghẻ ngứa như Phú ghẻ mới để móng tay dài kiểu đó.

Tiếc một nỗi, Cẩm Phô không phải là "dân sành điệu". Thấy tôi để móng tay dài, nó rụt cổ:

- Eo ôi, ghê quá!

Tôi chưa kịp giải thích, nó đã "phán":

- Anh cắt móng tay đi! Để móng tay ngắn trông sạch sẽ hơn!

Mỗi lời nói của Cẩm Phô như mỗi nhát dao, cứa vào tim tôi. Tôi ngồi trước mặt nó cố tình dơ qua dơ lại bàn tay cốt làm nó chú ý. Tôi đinh ninh khi nhìn thấy những ngón tay "nghệ sĩ" của tôi, nó sẽ ngạc nhiên hỏi:

 "Anh để móng tay dài làm chi vậy ?". 

Tôi sẽ kiêu hãnh đáp:

 "Để chơi đàn". 

Nếu nó hỏi tiếp:

 "Anh chơi đàn chi vậy ?"

Tôi sẽ mạnh dạn tỏ bày:

 "Để nhờ tiếng đàn nói hộ lòng mình". 

Nếu nó hỏi nữa, tôi sẽ nói nữa và cuối cùng cuộc đối thoại tình tứ đó sẽ kết thúc bằng lời thì thầm nũng nịu của Cẩm Phô:

 "Anh thật đáng yêu quá chừng!"

Nhưng những màn đối đáp ngọt ngào và lãng mạn đó đã không xảy ra. Cẩm Phô chẳng buồn quan tâm đến "khía cạnh nghệ thuật" của bàn tay tôi. Thấy tôi để móng tay dài nó chê tôi ăn ở mất vệ sinh. Chắc ngày nào nó cũng thấy thằng Phú ghẻ hàng xóm gãi sồn sột, nó tưởng ai để móng tay dài cũng chuẩn bị phát ghẻ. Nó làm tôi buồn quá chừng. Chỉ hiềm nỗi tôi mới học chơi đàn, tài nghệ chưa thông. Nếu không tôi sẽ sách đàn đến trước mặt nó, biểu diễn cho nó nghe chừng mười lăm phút "ca nhạc theo yêu cầu", hẳn nó sẽ hết dám bảo tôi cắt bỏ những móng tay "vô giá" kia!

Nhỏ Thảo dễ thương hơn Cẩm phô gấp một trăm lần. Qua phụ tôi tưới hoa, nhác thấy móng tay tôi dài thòng, nó trợn tròn mắt:

- Anh để móng tay dài chi vậy ?

Nhỏ Thảo hỏi đúng cái câu mà tôi mỏi mòn chờ đợi nơi Cẩm Phô. Tôi cũng trả lời đúng cái câu tôi có sẵn trong đầu:

- Để chơi đàn.

Nhỏ Thảo liền reo lên:

- Ôi hay quá hén! Vậy anh đàn cho em nghe đi!

Cái con nhỏ này, nó làm tôi mát lòng mát dạ quá chừng! Từ hồi học đàn đến nay, đây là lần đầu tiên có người yêu cầu tôi biểu diễn tài nghệ. Tôi liền vứt cái thùng tưới lăn lóc trên cỏ, và hộc tốc chạy vào nhà ôm cây đàn ra.

Nhưng nhỏ Thảo không hoàn toàn dễ thương như tôi tưởng. Tôi mới so dây, chưa kịp hắng giọng lấy hơi, nó đã bép xép đề nghị:

- Anh đàn cho em nghe bản "Nắng sân trường" đi!

Lời đề nghị chết tiệt của nhỏ Thảo làm tôi ngớ người ra. Tôi đâu có biết "Nắng sân trường" là thứ quái vật chi! Chẳng lẽ thú nhận là mình không biết, tôi bèn tìm cách lấp liếm:

- Bản đó dở thấy mồ mà nghe làm chi!

- Nhỏ Thảo là dứa hiền lành. Nó chẳng buồn cãi cọ, mà đề xuất tiếp:

- Vậy anh đàn bản "Vầng trăng cổ tích" cũng được!

Tôi lại hừ mũi:

- Bản đó dở ẹc!

- Vậy thì bản "Bông hồng tặng cô"!

Tôi khoát tay:

- Em muốn "Bông hồng tặng cô" thì để anh hái cho em! Vườn anh bông hồng cả khối, hát làm gì cho mất công!

Trước giọng điệu ngang phè của tôi, nhỏ Thảo chỉ biết nghệt mặt ra. Trước nay vốn quen "nghe lời" tôi nên mặc tôi nói hươu nói vượn, nó vẫn một mực làm thinh. Nhưng nhìn ánh mắt phân vân của nó, tôi biết nó hẳn ngạc nhiên ghê lắm. Hẳn nó đang tự hỏi tại sao tôi vừa hí hửng khoe chuyện học đàn mà nó yêu cầu đàn bản gì tôi cũng khăng khăng từ chối.

Sau một thoáng ngẩn ngơ, nhỏ Thảo lại chớp mắt, lần này nó hỏi bằng giọng rụt rè hẳn:

- Hay là anh đàn bản... "Em vẫn yêu mùa hè" vậy!

Tôi "xì" một hơi rõ dài:

- Bữa nay còn chưa đến Tết hè đâu mà hè!

Nói xong tôi giật mình nhận ra tôi vừa lập lại lời chê bai của nhỏ Châu bữa trước. May mà nhỏ Thảo không biết gì về cái "sự tích" đó.

Để chữa thẹn, tôi khẽ lướt mấy ... móng tay trên phím đàn và nói:

- Thôi để anh đàn cho em nghe bản này!

Rồi không đợi nhỏ Thảo giục, tôi hít một hơi đầy lòng ngực và ồm ồm cất giọng:

- Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.


Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...

Đang hào hứng, tôi quên béng mất "Nỗi buồn hoa phượng" cũng là một bài hát về... mùa hè. Chẳng biết nhỏ Thảo có phát hiện ra điều đó không, nhưng nó chẳng nói gì, chỉ đứng im, vểnh tai nghe tôi "tra tấn".

Nhỏ Thảo khác nhỏ Châu. Nó không nhảy tót vào miệng tôi trong khi tôi đang hát. Nó biết giữ yên lặng cho tôi "làm nghệ thuật". Quả là một con nhỏ cực kỳ đáng yêu!

Đáng yêu nhất là khi hát xong, tôi nheo mắt hỏi:

- Em thấy anh hát hay không?

Nó đáp như cái máy:

- Hay.

- Em thích không?

- Thích.

- Em muốn nghe anh hát nữa không?

Nó ngần ngừ một thoáng rồi gật đầu:

- Nữa.

Chỉ đợi có vậy, tôi gân cổ:

- Em nỡ lạnh lùng đến thế sao...

Vừa hát tôi vừa liếc nhỏ Thảo và thấy mắt nó giương tròn như mắt ếch. Chắc nó không hiểu tôi "mắc chứng" gì mà rên rỉ sướt mướt ghê thế. Tuy vậy khi hát xong, tôi hỏi "hay không", nó vẫn gật đầu "thoải mái":

- Hay.

- Thích không?

- Thích.

Lần này "hết vốn" nên tôi không hỏi "em muốn nghe anh hát nữa không?". Tôi chỉ gật gù:

- Em ngoan lắm! Không ngờ em còn nhỏ như thế mà đã biết thưởng thức nghệ thuật... cao cấp!

Nghe tôi khen, nhỏ Thảo sung sướng toét miệng cười.

Nó là một khán giả tuyệt vời như vậy nhưng chẳng hiểu sao nó chỉ thưởng thức "tài năng" của tôi có mỗi bữa đầu. Mấy hôm sau nó chỉ chạy qua phụ tôi tưới cây nhổ cỏ, còn hễ bữa nào tôi ôm đàn ra vườn ngồi gảy "chách chách" là nó trốn biệt trong nhà. Lạ ghê !
truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.