TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 19 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI

TRẠI HOA VÀNG

truyenhoangdung - truyện thiếu nhi
 Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen

CHƯƠNG 19: 

Tôi học đàn mỗi ngày một tinh tiến.

Nghĩ đến cảnh một ngày nào đó ôm đàn ngồi trước mặt Cẩm Phô, bàn tay lả lướt dạo trên khắp phiếm đàn để nghe ngân lên dưới tay mình những âm thanh mượt mà và tình tứ, tôi nôn nóng tập ngày tập đêm.

Nhờ nỗ lực rèn luyện, tiếng đàn của tôi dạo này đã thôi "tạch tạch". Ngoài "Lạnh lùng và nỗi buồn hoa phượng", tôi đã có thể mày mò tập tự mình tập thêm vài bản mới.

Tôi cũng đã khôn hơn. Tôi không đuổi nhỏ Châu chạy có cờ nữa. Mà bắt nó ngồi hàng giờ xem tôi biểu diễn tài nghệ, mặc dù ngồi lâu mỏi cẳng mặt nó xụ xuống một đống.

Đối với nhỏ Thảo hàng xóm, tôi dùng kế "điệu hổ ly sơn". Tôi ngoác mồn kêu: 

"Thảo ơi, qua tỉa lá phụ anh với!".

 Không nghe tôi nhắc gì đến chuyện đàn địch, nhỏ Thảo rời chỗ nấp hí hửng chạy qua.

Nhưng hai đứa mới tỉa lá bắt sâu chừng mười phút, tôi đã kêu nó "nghỉ giải lao". Và quày quả bước thẳng lại góc vườn lôi cây đàn giấu trong bụi rậm ra.

Tôi cười hì hì trước cặp mắt tròn xoe của nó:

- Để anh hát "phục vụ" em nghe!

Dĩ nhiên nhỏ Thảo không còn cách nào khác là gật đầu. Và cũng như bữa trước "tra tấn" nó xong, tôi hất hàm:

- Hay không?

- Hay.

- Thích không?

- Thích.

- Nữa không?

- Nữa.

Tôi nói gì nó cũng gật đầu mà sao mặt nó méo xẹo. Nhưng tôi mặc xác nó, cứ dốc lòng phục vụ tới bến...

Chỉ có Phú ghẻ là không khen tôi. Lâu lâu, nó chạy tới "kiểm tra" nghiêng tai nghe tôi đàn một hồi rồi khịt mũi:

- Mày đàn nghe giống như người ta gõ thùng thiếc!

Tôi đỏ mặt:

- Chính mày dạy tao đàn chứ ai!

- Tao đâu có dạy mày như vậy! 

 Vừa nói Phú ghẻ vừa giật cây đàn trên tay tôi 

- Phải ôm cây đàn như thế này nè!

Tôi trố mắt dòm Phú ghẻ, cố nhớ kỹ tư thế mẫu mực của nó.

Rồi Phú ghẻ dạo đàn. Cũng những bản nhạc nó dạy tôi, sao tiếng đàn nghe ngọt ngào quá thể!

Nhìn nó chơi đàn, lòng tôi nôn nao cháy bỏng. Lúc nó gãi ghẻ, bàn tay nó trông xấu xí cục mịch mà sao khi chơi đàn, cũng những ngón tay đó lại nom thon thả mềm mại xiết bao! Lúc nó chuyển gam, những ngón tay đưa lên đưa xuống nhẹ nhàng như bướm lượn chứ không huỳnh huỵch vất vả như tôi.

Tôi nhìn Phú ghẻ và nuốt nước bọt. Tôi không mong ước gì cao xa. Tôi ao ướt được chơi đàn hay ngang cỡ nó thôi. Đàn ngang cỡ nó, tôi đủ sức khiến Cẩm Phô "lé mắt". Cẩm Phô sẽ hết dám chê tôi để hết móng tay dài. Nó sẽ thẹn thùng xin lỗi tôi vì không am hiểu nghệ thuật nó đã trót chê tôi ăn ở mất vệ sinh. Tôi sẽ tha thứ và an ủi Cẩm Phô. Tôi sẽ bảo "có gì đâu". Nhưng trước sự rộng lượng của tôi, Cẩm Phô càng ray rứt. Nó cứ sụt sùi hối hận vì đã lỡ bôi bác một thiên tài âm nhạc. Cuối cùng, chẳng đặng đừng, tôi phải nâng đàn lên. Và cất giọng dịu dàng, tôi hát như ru bên tai nó:

- Thôi, em đừng khóc, em đừng khóc nữa làm gì....

Những câu chuyện tôi hăm hở vẽ ra trong đầu, nói chung bao giờ cũng tuyệt! Nhưng để câu chuyện biến thành sự thật, tôi còn phải "lấy lòng" Phú ghẻ nhiều hơn nữa.

Tôi bảo nó:

- Mày ngồi đây nghen! Tao chạy đi đằng này chút!

- Đi đâu vậy ?

Tôi liếm môi:

- Tao chạy đi mua bánh mì cho mày.

Sự tử tế đột xuất của tôi khiến Phú ghẻ cảnh giác:

- Mày định giở trò gì với tao vậy ?

Nói xong nó chợt hiểu ra, không đợi tôi trả lời:

- À, mày định bắt tao ở lại tập đàn cho mày tới tối chứ gì ?

Tôi gãi cổ:

- Tối đâu mà tối! Tập tới sáu giờ thôi!

Hai giờ đến sáu giờ không phải là khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng một ổ bách mì nhét đầy thịt cũng không phải là thứ dễ từ chối. Nó đủ sức đè bẹp ý chí phản kháng của Phú ghẻ.

- Lẹ đi! 

 Cuối cùng, Phú ghẻ làu bàu.

Chỉ đợi có vậy, tôi cười hì hì và ba chân bốn cẳng phóng vù ra cổng.

Nhưng dù trấn áp được nhỏ Châu, gạt gẫm được nhỏ Thảo và "dụ khị" được Phú ghẻ, tài nghệ của tôi rốt cuộc vẫn không thành.

Vào một ngày không báo trước, ba tôi đột ngột xuất hiện và ông đứng dạng chân chắn ngang nẻo đường nghệ thuật của tôi. Lúc đó tôi đang ngồi ngoài vườn cặm cụi tập đánh nhịp theo cuốn "Tự học ghi-ta".

- Cái gì đây ? 

 Ba tôi ném cuốn tập xuống trước mặt tôi đánh "xoạch" một cái, giọng bốc lửa.

Tôi tái mặt nhận ra đó là cuốn bài tập Vật Lý của tôi. Thời gian gần đây, do mãi mê tập đàn, tôi chẳng buồn ngó ngàng gì đến bài vở. Chiều nào tôi cũng lẻn ra vườn ngồi gảy "chách chách". Sáng vô lớp tôi xách theo cuốn "Tự học ghi-ta" nhờ Phú ghẻ "phụ đạo".

Không học bài, cũng không chú ý nghe giảng, tôi đã dốt lại càng dốt. Nhưng tôi ỷ lại có Phú ghẻ bên cạnh. Nó là "ông thần hộ mạng" của tôi. Hôm nào có bài tập, tôi photocopy bài làm của nó thoải mái. Nhờ vậy tôi thoát hiểm nhiều lần.

Nhưng hôm làm bài kiểm tra môn vật lý vừa rồi, Phú ghẻ chơi tôi một vố đau điếng. Nó thình lình nghỉ học, bỏ về quê ăn giỗ. Trong khi nó ngồi rung đùi ở nhà ông cậu nó và đớp hết món xôi, tới món gà thì tôi ngồi trong lớp gặm cán viết hệt như chó gặm xương. Môn toán tôi học còn đỡ đỡ chứ vật lý với hóa học thì tôi "cạch mặt" từ lâu. Đã vậy, gần đây tôi mê môn "nhạc lý" hơn môn "Vật lý" nên bài tập kiểm tra đối với tôi chẳng khác nào cánh rừng Phi Châu, chẳng biết đường vô chỗ nào, lối ra ở đâu. Tôi xoay ngang xoay dọc cái đề bài một hồi và cuối cùng "tương" đại một vài dòng gọi là... "cho có với người ta". Chính nhờ "sức lao động" mà tôi bỏ ra khi ngệch ngoạc vài dòng "làm mẫu" đó, bài làm của tôi được lãnh "một gậy" thay vì lãnh "trứng gà" như trước nay.

Tôi đã giấu cuốn tập vật lý có cái "thành tích" mới nhất đó vào sâu trong ngăn bàn, tận dưới đáy chồng tập, không hiểu sao ba tôi lại "mò" ra dược.

Biết "sao quả tạ" đang chiếu tôi cuối gầm mặt nín thinh. Nhưng ba tôi không giống ba người khác. Tôi cãi, ông tức đã đành. Tôi nín, ông càng tức hơn.

Thấy tôi ngồi im chịu trận, ông lại gầm lên:

- Mày học hành như vậy hả, thằng đầu bò kia ?

Vừa nói ông vừa tiến lại gần tôi. Và khi nhác thấy cuốn "Tự học ghi-ta" nằm kế chân tôi, ông liền cúi xuống vồ ngay lấy:

- Hừ học bài không lo, lo học ghi-ta!

Rồi ông gằn từng tiếng:

- Này, tự học ghi-ta này! Tự học ghi-ta này!

Cứ mỗi tiếng "này" lại kèm theo một tiếng "soạt". Ông :"này" chừng năm tiếng, cuốn sách của tôi đã rách teng beng. Ông ném cuốn sách lên không trung, giấp vụn bay như bươm bướm.

Chừng như chưa đã giận, ông hầm hầm giật phắt cây đàn trên tay tôi. Thoạt đầu tôi định níu lại nhưng rồi không đủ can đảm, tôi đành buông tay phó mặc cho số phận.

Ba tôi xách cây đàn đi về phía hàng rào kế con hẻm và dang thẳng cánh quật nó vào trụ cổng bằng sắt.

Tôi ngồi một chỗ hồi hộp theo giỏi cơn thịnh nộ của ba tôi, nhưng đến khi ông hai tay nắm cần đàn giơ cao lên khỏi đầu chuẩn bị quật xuống, tôi không đủ bình tĩnh để chứng kiến hành động đó. Tôi nhắm mắt lại và nghe run lên khi cây đàn "răng rắc" trước khi tan ra thành từng mảnh.

"Hạ thủ" xong, ba tôi lẳng lặng bỏ vào nhà. Từ lúc giật cây đàn trên tay tôi đến lúc "hủy diệt" nó, ông tịnh không nói lấy một tiếng. Chỉ có mặt ông đầy giông bão.

Tôi ngồi lại ngoài vườn, lòng đau như xé.

Hôm nay ba tôi trước sau không "động thủ" với tôi. Tôi chẳng lãnh một cú thiết cước nào vào hạ bàn nhưng không vì vậy mà tôi ít đau hơn. Thậm chí so với nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần còn lớn lao hơn nhiều. Lúc nãy, khi nghe những tiếng vỡ răng rắt vang lên, tôi cứ tưởng không phải cây đàn mà chính trái tim tôi đang rạn vỡ.

Thế là mộng ước của tôi trong phút chốc bỗng tan thành mây khói. Tôi chẳng bao giờ trở thành tay chơi ghi-ta ngang tầm cỡ Phú ghẻ. Tôi cũng chẳng có dịp nhờ cây đàn nói hộ lòng tôi trước mặt Cẩm Phô.

Trong lúc tôi đang ngồi ủ rũ trong bóng chiều chập choạng, mặt mày đờ đẫn như một con gà toi, thì sau lưng bổng vang lên tiếng bước chân lạo xạo. Rồi giọng nhỏ Châu sát bên tai:

- Làm gì anh ngồi buồn thiu vậy ?

Tôi chưa kịp trả lời thì nhỏ Châu đã phát hiện ra những mảnh đàn vỡ. Nó hạ giọng:

- Ba vừa ra đây hả ?

Tôi nghiến răng:

- Chứ còn ai nữa!

- Ba biết anh tập đàn từ lâu rồi chứ bộ!

Câu nói không đầu không đuôi của nhỏ Châu khiến tôi phải hỏi lại:

- Mày nói vậy nghĩa là sao ?

Giọng nhỏ Châu trầm ngâm:

- Sao mấy hôm trước ba chẳng nói gì, hôm nay tự dưng lại đập đàn?

Thắc mắt của nhỏ Châu khiến tôi ngậm tăm. Tôi len lén chộp cuốn bài tập vật lý đang ăn lóc trên cỏ nhét vào túi quần và đứng dậy bỏ đi một mạch.

Nỗi khổ của tôi không dừng lại ở đó. Tục ngữ có câu "Nạn vịt chưa qua, nạn gà đã tới".

Sáng hôm sau, vô lớp, tôi mới rầu rĩ kể cho Phú ghẻ nghe về "tai nạn nghệ thuật" của tôi hồi đầu giờ và nó chưa kịp chia buồn cùng tôi, cuối giờ tôi đã gặp một chuyện không may khác còn rùng rợn hơn.

Lúc chuông reo hết giờ vang lên, tôi và Phú ghẻ đang loay hoay lấy xe ngoài bãi, Liên móm thình lình trờ tới và nhìn tôi nhe răng cười:

- Chè bà Thường dạo này ngon quá hén?

Câu hỏi đột ngột của Liên móm làm tôi đứng chết trân. Phú ghẻ vốn là đứa lanh lẹ nhưng trước cú tấn công bất ngờ này cũng đành đực mặt, chưa kịp nghĩ ra cách nào "giải vây" cho tôi.

Cũng may mà Liên móm không đến nỗi, thất nhơn ác đức cho lắm. Thấy tôi sượng sùng, mặt đỏ tới mang tai, có vẻ như sắp sửa ngã lăn quay ra giữa sân trường, nó "hì" thêm một tiếng nữa và dắt xe đi thẳng.
truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.