LAU LÁCH VEN SÔNG - CHƯƠNG 12 - ĐINH NGỌC HÙNG - TRUYỆN THIẾU NHI
LAU LÁCH VEN SÔNG
Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Thể loại: Truyện ngắn, truyện teen
CHƯƠNG 12:ĐẦM NĂN MÙA CHIM VỀ
Sau mấy ngày bị nhốt ở chuồng ăn
rơm khô, sớm nay, Mình Đất mới được ra đê ăn cùng đàn. Chắc những sợi cỏ non
ngon hơn so với những cọng rơm khô nên vừa ra đến bãi đê, Mình Đất đã cắm đầu cắm
cổ ăn. Mín giở túi hạt dẻ rang chia cho từng đứa: thằng Ca, thằng Đoài, thằng
Côn, Keng.
- Còn thằng Kình, sao hôm nay không
thấy nó vào?
- Tao đây!
Mín vừa nhắc thì nó xuất
hiện.
Mín đưa cho nó số hạt dẻ để phần:
- Của mày đây!
Thằng Kình cười tít mắt, lấy hạt dẻ
cắn côm cốp.
- Ra bãi đê đi chúng mày!
- Chơi trò gì bây giờ?
Thằng Kình
hỏi.
- Chơi thả diều. Đi thôi, có gió rồi
đấy.
Thằng Kình trố mắt nhìn cái diều
sáo trong tay Ca:
- Diều ông Bộc làm cho hả?
- Ừ!
Thằng Ca huơ cây diều sáo lên, chạy
ra bãi đê. Cả bọn thấy thế cũng ào ào chạy theo sau. Thằng Ca đưa cuộn dây diều
cho Mín:
- Mày cầm dây, để tao mồi diều nhé!
Mín tở một đoạn dây chừng hai chục
sải. Đằng kia, thằng Ca giơ cây diều lên ngang đầu, chờ đợi. Hai bên, bọn trẻ đứng
chầu hẫu ngó vào. Gió thổi bờ tre chắn sóng lao xao. Gió phả vào mặt lũ trẻ mơn
man mát rượi.
- Chuẩn bị đi Mín ơi. Một, hai,
ba... Lên nào!
Thằng Ca cầm cây diều chờ cơn gió tới
liền phóng vút lên. Mín ở đằng kia cầm sợi dây kéo chạy. Chiếc diều vút lên
không trung một đoạn rồi chao đảo cắm phập xuống đất. Tiếng sáo éo éo cất lên rồi
im bặt.
- Không được rồi, chắc là bị lệch
lèo đấy!
Mín gọi thằng Ca. Thằng Ca chạy lại sửa dây lèo cho ngay ngắn rồi nó
hùng hục chạy:
- Thử lại nhé. Một, hai... Lên nào!
Mín chạy. Chiếc diều đảo sang phải,
sang trái rồi căng ra, bay vút lên.
- Diều lên rồi!
Mín, thằng Ca, thằng Kình cùng lũ
trẻ hò hét inh ỏi. Cùng với lực kéo, sợi dây diều trong tay Mín cứ tở dần ra.
Tiếng sáo diều lúc đầu còn đứt quãng, sau đủ gió vi vu cất lên. Thằng Ca cũng
đã chạy lại cầm cuộn dây tở cùng Mín. Diều càng no gió, tiếng sáo càng ngân
nga. Có lúc, Mín cảm tưởng như mình sắp bị nhấc bổng lên trời.
- Để tao giúp!
Thằng Kình sán vào
giật giật sợi dây.
Chiếc diều càng bị giật thì càng
bay lên cao. Có lúc tưởng như sợi dây đứng thẳng với mặt đất.
- Hết dây rồi, buộc vào gốc tre
thôi!
Thằng Ca hét.
Cả Mín, thằng Ca, thằng Kình phải cố
mới lôi được sợi dây buộc vào gốc tre. Vừa nhả tay ra, cây tre đã bị sức căng của
sợi dây diều kéo ngả ra như đưa võng.
Đám trẻ trâu khoái trá nằm ngửa ra
bãi cỏ nhìn trời. Trong không trung bao la, cánh diều như một cánh chim lững lờ
bay lượn. Tiếng sáo như có sức mạnh thần kỳ ve vuốt những cặp mắt trẻ thơ.
- Ôi! Nhìn kìa!
Keng bỗng nhổm dậy chỉ về phía chân
trời đằng tây. Từ đằng sau những đụn mây trắng nõn, những chấm đen lờ mờ hiện
ra, rồi rõ dần, giăng kín bầu trời. Những tiếng kêu lúc đầu lẫn trong tiếng
gió, sau rõ dần, mạch lạc.
- Bầy chim về! Bầy chim về!
Bọn
trẻ reo hò.
Từ trên cao, những chấm đen từng lớp,
từng lớp liệng vòng quanh khu đầm năn. Những đứa trẻ khác trong làng cũng kéo
ra hò hét. Nhiều người lớn đang dở tay cũng ngừng lại để chiêm ngưỡng cảnh tượng
cả năm mới có một lần này.
Cả bọn kéo nhau ra khu đầm năn để tận
mắt thấy cuộc hạ cánh của bầy chim. Sà xuống mặt đầm trước nhất là lũ vịt le.
Chốc lát, cả mặt đầm đã kín đặc những đàn vịt le bơi lội. Chúng ngụp lặn, tranh
mồi, đuổi nhau kêu léc quéc. Sau lũ vịt le là họ hàng nhà cò: cò trắng, cò lửa,
cò hương, cò bợ... Lũ cò vỗ cánh bay lên, đáp xuống, lượn vòng như những chiếc
máy bay bà già. Phía sau lũ cò một chút là đàn chim chèo bẻo như vừa hiện ra từ
trong mây. Đã có lần Mín cùng lũ trẻ trâu được chứng kiến cảnh một bầy chim
chèo bẻo đuổi đánh một con diều hâu rình bắt lũ chim non. Lũ chào mào rừng đít
đỏ chót thì đi đâu cũng kéo nhau thành từng bầy đến mấy trăm con. Khi chúng
bay, bóng chúng hắt xuống rợp đất. Lặng lẽ nhất là lũ chim sáo, đi đâu cũng chỉ
một vài đôi. Tiếng huýt gió của loài sáo thì nghe đến là sướng tai.
Lũ cu gáy
thì điềm đạm như những nhà hiền triết. Chúng thường kiếm ăn ngoài bãi sông,
tách biệt hẳn với những loài chim khác. Thức ăn của chúng thường là vừng, hạt đỗ,
cỏ... Khi no diều, chúng bay tít lên tận ngọn cây, đứng gù. Tiếng gù của chúng
giống như một hợp âm mà con trước, con sau lần lượt tiếp với nhau thành bản hòa
tấu đặc biệt. Ở càng xa, tiếng gù càng âm và mê lòng người. Nghe tiếng chim gù,
những người già dù đang dở tay cũng ngẩn ra như có niềm tâm sự. Có lẽ trong họ
lúc đó, ký ức tuổi thơ lại trỗi dậy với một tiếng chim từ xa lắc xa lơ. Đông nhất
vẫn là lũ chà pheo. Chúng kéo nhau về đậu đen đặc những ngọn cây, bụi tre, bờ
rào, dây điện. Suốt ngày, chim chà pheo bay lượn trên đồng lúa, đuổi bắt những
con châu chấu. Buổi tối, chúng thường đậu ngay trên bờ rào, ngọn sắn để ngủ. Lũ
trẻ trong làng thường lừa lúc nửa đêm, chúng ngủ say là ra chộp bắt.
Khi những loài chim đã đáp hết xuống
mặt đầm thì từ trên cao, bầy sếu bất ngờ xuất hiện. Trong các loài chim, sếu là
loài thận trọng nhất. Trước khi hạ cánh, sếu thường bay lượn trên không trung đến
mấy chục vòng mới sà xuống. Nhìn lũ sếu lượn trên bầu trời, người ta cảm tưởng
như đang được nhìn thấy một sợi dây hình xoắn ốc thả xuống từ lưng chừng trời
cùng với những tiếng kêu quác quác. Khi sếu hạ cánh, những cái chân cao lênh
khênh chạy trên mặt đất, những đôi cánh rộng với sải cánh dài ngót hai mét dang
ra giữ thăng bằng, những cái cổ dài như cái đòn gánh nghểnh lên ngó nghiêng
quan sát xung quanh.
Có năm chẳng hiểu sao, chúng lại không về. Trong đầm, sếu
là loài chim to cao nhất. Khi chúng hạ cánh, lũ chim nước phía dưới đều phải
giãn ra nhường chỗ. Thức ăn của sếu là củ năn. Nước trong đầm sâu thế mà chúng
vẫn lội được xuống để thọc cái cổ dài ngoằng mò những củ năn lẫn trong bùn. Khi
ăn, bao giờ sếu cũng có một con đứng cảnh giới. Con cảnh giới thường là con đầu
đàn. Chỉ cần có động là con cảnh giới kêu lên báo cho cả đàn bay đi. Khi bay,
chúng cũng bay theo sự sắp xếp của con đầu đàn.
Lũ cuốc nhà mấy hôm trước chỉ kêu một
lát vào lúc chập tối, nhưng giờ, thấy bầy chim về chúng kêu ra rả suốt ngày.
Con chim vịt mọi hôm chỉ kêu về đêm, nay giữa ban ngày cũng đậu cành bưởi kêu
vít vịt. Ngày bà nội còn sống, Mín đã từng được bà kể cho nghe sự tích chim vịt.
Có hai cha con sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ ven sông, người cha thì đã
già, còn người con trai lại ngang tàng, ham chơi và luôn làm ngược ý cha.
Đến
lúc ốm nặng, biết mình không qua khỏi, ông muốn khi chết được đem chôn trên núi
nhưng không biết phải làm sao để nó làm theo ý mình. Suy nghĩ mãi, cuối cùng
ông gọi con đến dặn:
"Con ạ! Cha già rồi, lại ốm nặng, chẳng sống được nữa.
Cha muốn lúc cha chết, con hãy cho cha vào một cái hòm rồi đem thả trôi
sông".
Nói rồi, ông trút hơi thở cuối cùng. Dặn con thế, ông nghĩ cũng giống
như những lần trước, nó sẽ làm ngược lại mà đem ông chôn trên núi, không ngờ đứa
con suốt từ nhỏ tới lớn đều làm ngược lại ý cha, bây giờ thấy hối hận. Nó nghĩ
phải một lần nghe lời ông cho ông toại nguyện. Thế là nó đem bỏ xác cha vào một
cái hòm rồi thả xuống sông. Đêm người cha về, báo mộng cho con phải đi tìm lại
xác ông về chôn trên núi. Người con vội vàng bổ ra bờ sông tìm lại cái hòm
nhưng nước thì chảy xiết mà quan tài cha mãi không tìm thấy. Hết ngày này đến
ngày khác, nó chạy dọc bờ sông tìm quan tài cha. Cuối cùng, đến một khúc sông,
nó chết hóa thành con chim vịt. Người ta bảo đến tận bây giờ, con chim vịt vẫn
kêu tìm quan tài cha.
Mín đang mải nghĩ, thằng Ca vỗ vào
vai:
- Này, mày có nghe thấy tiếng gì
không?
- Ngoài tiếng các loài chim thì còn
tiếng gì nữa?
- Không. Này, chú ý nhé!
- Ú... ú...ú...ú...
Từ phía bãi sậy cất lên những tiếng
kêu như dội ra từ trong lòng đất. Tiếng kêu trầm nhưng át đi mọi âm thanh lanh
lảnh khác. Tiếng kêu như mang cả một dòng sông mênh mông trước mặt.
- Nghe như chim bìm bịp.
- Chứ gì nữa!
Thằng Ca khẳng định
- Mấy năm rồi còn gì. Năm đó, tao cũng bắt được một đôi. Lâu lắm rồi mới được
nghe tiếng chim bìm bịp. Chim bìm bịp kêu là con nước sắp lên. Trưa nay về, tao
phải sửa lại chiếc lồng. Muốn bẫy được chim bìm bịp phải chờ ngày nước lên cơ.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment