LAU LÁCH VEN SÔNG - CHƯƠNG 06 - ĐINH NGỌC HÙNG - TRUYỆN THIẾU NHI

LAU LÁCH VEN SÔNG

Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Thể loại: Truyện ngắn, truyện teen

CHƯƠNG 06: ĐÊM TRÊN SÔNG CÂU CHUYỆN CỦA ÔNG LÃO LÀNG CHÀI



Vừa chập tối, thằng Kình đã tìm Mín.

- Tối nay lại đi à? 

 Mín hỏi.

- Đi chứ. Hai hôm trước trăng lu, hôm nay trời quang, trăng sáng phải biết.

- Ừ. Đợi tao khoác thêm cái áo đã.

- Hai người định đi một mình à? 

 Keng phụng phịu.

- Con gái thì biết gì. Chuyện sông nước chứ đâu phải chuyện đùa. Thôi, ở nhà, mai tụi này sẽ kể cho mà nghe!

Thằng Kình gạt đi. Keng vẫn chưa chịu:

- Cái gì cũng chê con gái. Là con gái thì không được chơi những trò của con trai sao?

Thấy Keng cứ khăng khăng, Mín cố giải thích:

- Đây không phải là chơi trò của con trai mà là ra sông vào ban đêm, nghe chưa?

- Ôi! Cái gì sột soạt trong bụi duối thế kia?

Thằng Kình dúm lại. Keng hét lên bấu chặt lấy lưng Mín. Cả Kình và Mín đều phá lên cười:

- Mới có thế mà đã sợ thì sao đi được? Ra đó còn nhiều chuyện rùng rợn hơn thế nữa. Thôi, đi đi mày.

Thằng Kình lôi tuột Mín đi, bỏ lại Keng đứng tần ngần ở cổng. Keng hậm hực muốn phát khóc.

Đêm nay đã là đêm thứ ba, Mín ra sông chờ xem bắt ba ba. Hai đêm trước trăng mờ nên thuyền của ông già đành neo sào. Đêm nay, đoán trước trăng sẽ sáng nên ông già bảo thằng Kình chuẩn bị sẵn đồ đạc từ chiều. Nhìn đĩa gạo, muối và mấy thẻ hương ông già để trong chiếc rổ, Kình biết chẳng mấy nữa thuyền sẽ nhổ sào nên chạy vào gọi Mín. Mín và thằng Kình ra đến bờ sông thì mặt trăng cũng vừa ló. Ánh trăng như tấm thảm trải vàng trên mặt sông. Về tối, bờ lau có vẻ hắt hiu. Gió nồm nam thổi xao xác cả một dải bờ sông.

- Thằng Kình về đấy à? 

 Thấy có bóng người, ông lão hỏi ngay.

- Dạ. Cháu đi gọi thằng Mín.

- Ừ. Hai thằng vào chuẩn bị đi rồi nhổ sào.

Mặt trăng nhô khỏi mặt đê thì thuyền nhổ sào. Ra sông, thuyền cứ men theo bờ lau mà xuôi. Ông già đứng đuôi thuyền cầm sào chống, còn thằng Kình ngồi đằng mũi cầm mái chèo bơi. Mặt sông lặng lờ, cảm tưởng như dòng nước không hề chảy. Trên thuyền chẳng có gì nhiều: một chiếc rọ tre lớn có cửa buộc thắt nút dây dù, một mẹt cá lẹp băm nhỏ. Chắc đây là mồi nhử mà thằng Mín từng nghe kể. Ngoài ra còn có đĩa muối, gạo, một cút rượu nhỏ, vài thẻ hương và một chai gì đó màu đen. Thằng Kình bảo:

- Bắt ba ba phải có bí quyết. Trong làng chài, ngoài ông tao, không có người thứ hai.

Mín tỏ ra không tin. Thằng Kình khẳng định:

- Tao không đùa đâu. Này nhé, không cần dùng dây câu, không cần dùng lưới hay bất cứ thứ đồ nghề nào, chỉ bắt bằng tay không thôi nhé!

- Bằng tay không? Bắt ở trên sông? 

 Mín hỏi lại.

- Chứ còn gì nữa? Thế mới đáng để xem. Nhưng chỉ có mấy ngày trăng tròn thôi. Ngày trăng tròn mà trời nhiều mây thì cũng bó tay.

Con thuyền vẫn miệt mài lướt trên mặt nước. Đến một khúc sông, ông già đẩy cho thuyền áp vào bờ. Thuyền dừng, Mín nghển cổ nhìn lên. Sau bờ lau là một vùng rậm rạp, lô nhô những khối đen thẫm. Hình như có một tán si cổ thụ và một cái miếu phía dưới. Thì ra thuyền đang ở gần miếu thổ thần. Những khối lô nhô kia là những phiến đá lởm chởm. Chẳng lẽ đây là chỗ để ông già bắt ba ba sao? Mín khẽ rùng mình. Khúc sông này, ngôi miếu này là nơi bắt nguồn của bao câu chuyện rùng rợn, ma quái mà người bạo dạn nghe cũng phải chợn. Ban ngày cũng không đứa trẻ trâu trong làng nào dám qua lại chứ nói gì buổi tối. Chẳng lẽ ông già chưa bao giờ từng nghe những chuyện rùng rợn đó?

- Vẫn còn sớm. Hai đứa cứ ở đây, tao đi có chút việc.

Nói rồi ông già cầm chiếc rổ có đĩa muối, gạo, hương, rượu leo lên bờ. Nhìn ông già mất hút vào bãi đá, Mín có cảm giác nghẹt thở.

- Mày sao thế? 

 Thằng Kình hỏi.

- Tao đang thắc mắc, ông già lên đó làm gì?

Thằng Kình ồ lên cười:

- Có gì đâu. Ông tao lên đó thắp hương cho mấy linh hồn vạ vật quanh miếu. 

Tuần trăng nào, trước khi ra sông ông tao chẳng lên đó?

- Ông mày không sợ à? Người ta bảo ngôi miếu này thiêng lắm. Có khối chuyện kinh khủng ở đó nữa cơ.

- Làm quái gì có chuyện gì. Họ cứ đồn vu vơ thế. Mày có muốn lên đó một lát không?

- Không! Tao không lên.

- Vậy mày ở đây trông thuyền nhé. Tao lên đó một lúc rồi tao xuống.

Mín sởn gai ốc. Thằng này có... hâm không mà bảo Mín ở đây một mình? Dường như chẳng để ý gì đến Mín, thằng Kình nhảy lên bờ. Tóc gáy Mín dựng lên.

- Đợi tao với!

Mín nhảy theo thằng Kình. Đành liều đi theo nó vậy. Hai thằng lên đến miếu thổ thần đã thấy ông già bày xong các thứ, đang lầm rầm khấn. Trong miếu và những bãi đá, mô đất xung quanh mọc đầy cỏ dại, những que hương bắt gió cháy đỏ. Khói hương váng vất như bốc ra từ lòng đất. Trong những bụi rậm, chốc chốc lại vang lên tiếng loạch xoạch đuổi nhau của đôi thằn lằn.

- Sao hai thằng không ở dưới thuyền?

Thấy Mín và thằng Kình đã ở sau lưng, ông già quay lại hỏi. Thằng Kình nhanh nhảu:

- Cháu đưa thằng Mín lên miếu chơi một lát.

Nghe nói, Mín thấy tức quá! Nơi đây đâu phải là nơi để chơi? Ông già ngồi lên một phiến đá chỉ ra sông:

- Hai đứa có thấy doi cát bồi kia không?

- Có! - Mín và thằng Kình cùng gật đầu.

- Hôm rồi, tao có bảo sẽ kể chuyện ông cháu cho nghe, còn nhớ chứ Mín?

- Cháu vẫn nhớ.

Ông già trầm ngâm như để nhớ lại quá khứ rồi một giọng trầm trầm vang lên:

- Cái doi cát kia đã có từ lâu lắm rồi. Dạo đó, bọn Tây về lập tề xây bốt ở bến sông làng Gốm để kiểm soát Việt Minh qua lại. Bọn lính trong bốt toàn là Tây đen nên gọi là bốt Tây đen. Từ ngày có bốt, liên lạc của ta không thể qua sông ban ngày, phải lợi dụng đêm tối, tìm chỗ khúc sông vắng vẻ bơi qua. Rồi bọn Tây cũng phát hiện ra. Chúng đem quân phục kích ở những quãng vắng vẻ để bắt người của ta. Nhiều người đã bị chúng phục bắt như thế. Để đe dọa, chúng đem những người bắt được ra bờ sông chặt đầu rồi ném xuống nước cho trôi mất xác. Có người là dân thường, việc gấp phải qua sông, chúng bắt được cũng đem chặt đầu. Những xác người chết đó trôi xuống đến khúc sông này thì mắc vào doi cát giữa sông kia. Dân trong làng sợ Tây, không ai dám ra lấy xác. Người làng chài đi thuyền đến đó cũng cố tránh đi đường khác. 

Một đêm, thuyền ta đang bơi trong bờ lau thì bất thình lình chạm vào một cái đầu người nhô lên.

 "Ai?" 

 Ta hỏi lớn. Không thấy tiếng trả lời, chỉ thấy cái thây người nổi phềnh. Trời! Thì ra đó là một cái xác chết. Đang luống cuống thì một người khác từ dưới nước trồi lên, thì thào:

- Tôi là người ở trong làng đây.

Đến lúc đó ta mới phần nào trấn tĩnh. Thì ra ông cụ lén lúc đêm hôm bơi ra doi cát vớt những cái xác đem vào bờ chôn cất. Sợ bọn Tây biết, ông đem chôn trong bãi đá nổi ở miếu thổ thần rồi lấy đá đắp lên, xóa dấu vết. Từ đó, ta và ông cụ biết nhau. Vì là người làng chài nên những đêm doi cát có xác chết trôi về, ta lại đi tìm ông cụ cùng bơi thuyền ra đưa vào bờ. Có bận chỉ vớt được cái đầu, cũng có bận lại chỉ vớt được độc cái xác không đầu. Sau này, khi bọn Tây bị đuổi đi rồi, ông cụ mới có dịp đắp đất thành mộ chí. Những mô đất xung quanh đây chính là những người chết đã dạt vào doi cát ngày ấy. Ngày ông cụ sống, ông cụ vẫn hay ra đây hương khói cho họ. Từ ngày ông cụ mất, lão thay ông cụ làm việc đó. Mãi sau này, người làng mới biết ông cụ là du kích.

- Người ta kể ông cháu giết chết một thằng Tây đen ngoài sông, không biết có đúng không?

- Đúng! Chuyện đó chính lão cũng chứng kiến.

- Chuyện thế nào hả ông? 

 Thằng Kình gặng hỏi.

- Dạo ấy ở bốt có thằng Tây đen chuyên vác súng đi nghênh ngang khắp làng tìm gái. Dân làng thấy nó là bỏ chạy. Nhiều người đàn bà trong làng bị nó làm nhục. Căm nó lắm nhưng mọi người không làm gì nổi nó. Ông cụ bực lắm, tìm cách trị nó. Mỗi hôm thấy nó đi dọc bờ đê là ông cụ lại vác dậm ra sông đánh cá chờ cơ hội. Một hôm, thấy ông cụ đánh dậm, nó thấy lạ mò xuống xem. Xem chán, nó gọi ông cụ vào, bắt cởi giỏ đưa cho nó. Bao nhiêu ngày tìm cơ hội không được, hôm nay tự nhiên thằng đó lù lù dẫn xác đến, đúng là số nó đi đời rồi. Lừa lúc thằng Tây đen ngó nghiêng chiếc giỏ, ông cụ quẳng dậm, dùng một thế vật gồng thằng Tây lộn nhào xuống sông. Biết nó không biết bơi, ông cụ chụp lấy mớ tóc quăn của nó dìm xuống hườm đá cho đến lúc nó chết hẳn. Thằng Tây chết, ông cụ giấu xác nó dưới đáy sông, dùng đá tảng đè lên rồi lấy cây súng ra về. Chuyện ngày ấy hầu như người làng chài nào cũng biết. Về sau, ông cụ có lặn xem chỗ mình giấu xác thằng Tây đen nhưng chẳng biết xác nó đã bị nước cuốn trôi đi đâu mất...

- Thế sao miếu này lại gọi là miếu thổ thần hả ông? 

 Thằng Kình hỏi, tay nó vân vê một mảnh đá sắc lẹm.

- Ừ. Có truyền thuyết cả đấy. Xuống thuyền đã, rồi vừa đi ta vừa kể cho nghe.
Ông già đứng dậy cầm đĩa muối, gạo vãi tung ra xung quanh. Không hiểu sao nghe ông lão thuyền chài kể chuyện, Mín không còn cảm giác rờn rợn nơi này nữa.

Trăng đã lên đỉnh đầu. Ánh trăng đã đạt đến độ trong vắt. Thuyền lách bờ lau hướng về phía bãi bồi. Thuyền ra đến giữa sông thì dừng lại. Ông già cắm sào neo thuyền rồi đi lại cầm chiếc mẹt đựng mớ cá lẹp băm nhỏ vãi lên mặt nước. Mùi cá tanh lợm xộc vào mũi khiến Mín suýt phát nôn. Xong, ông lão khỏa tay xuống nước rồi vớ cái điếu cày châm lửa rít sòng sọc.

- Nào, bây giờ thì ngồi lại cả đây, chờ cho lũ ba ba đánh hơi kéo đến đã.

Hai thằng sán lại gần ông lão. Mắt ông già hơi nheo nheo hướng về phía bờ, nơi có miếu thổ thần.

- Thời vua Đinh dẹp loạn, có một vị tướng theo nhà vua chinh chiến nhiều phen, lập được nhiều chiến công hiển hách. Trong một trận chiến, vì liều mình cứu vua, vị tướng kia chẳng may bị tử thương. Nhớ ơn viên tướng đã liều thân cứu mình, nhà vua sai lập bài vị rồi thả bè xuôi theo dòng sông. Người lệnh cho dân hai bờ sông rằng nếu bài vị dạt vào làng nào thì dân làng đó phải lập miếu thổ thần. Một đêm, bài vị dạt vào khúc sông này. Chỗ bài vị dạt vào tự dưng nổi lên bãi đá kia. Thấy sự lạ, dân chài và dân trong làng đã cùng lập lên ngôi miếu, gọi là miếu thổ thần. Thổ thần thiêng lắm. Những người dân chài, dân sống trong làng đều được ngài dang tay che chở. Những đêm mưa phùn, ở ngoài miếu, từng luồng lân tinh to như đống rạ phụt lên. Người ta bảo đó là lúc ngài đi tuần dương gian để giữ sự bình an cho mọi người... Còn những chuyện đồn đại toàn là nhảm nhí vớ vẩn hết.

Quanh thuyền vang lên tiếng lóp bóp. Mặt sông phẳng lặng chốc lát đã bị chọc vỡ.

- Chúng đến rồi kìa! 

 Thằng Kình thốt lên.

Ông già đứng dậy cầm cái chai màu đen mở nắp chiêu vài ngụm rồi cởi chiếc áo đang mặc, để mình trần.

- Cái gì thế? 

 Mín hỏi.

- Nước mắm đấy. Uống nước mắm cho khỏi lạnh. Gió nồm nam nhưng xuống nước đêm dễ cảm lắm. Đó là thứ nước chống lạnh hữu hiệu nhất của người làm nghề chài lưới. Trời lạnh đến mấy, chỉ cần uống bát nước mắm là có thể xuống nước thoải mái.

Thằng Kình ra hiệu cho Mín ngồi im. Ông già cầm chiếc sào chống thuyền ra, đưa sào qua lại trên mặt nước. Trông ông già lúc này nhanh nhẹn khác thường.

- Sao lại đưa cây sào qua lại trên mặt nước hả Kình?

- Rồi lát nữa mày sẽ thấy.

Có vẻ thằng Kình sợ câu hỏi của Mín làm nó bị phân tán nên nó gạt đi ngay. Bốp! Một tiếng đớp nước sủi bong bóng ngay đầu cây sào. Ngay lập tức, cây sào trong tay ông già phóng xuống nước đuổi theo cùng với một tiếng "bũm" âm âm trong lòng nước. Chỗ cây sào vừa chọc xuống, một mảng bong bóng sùi lên bằng cái nón.

- Nó cày rồi đấy! 

 Lại tiếng thằng Kình. Mín hỏi nó:

- Cái gì cày?

- Ba ba chứ còn cái gì nữa?

Ông già bỏ cây sào xuống thuyền, nhẹ nhàng trườn mình xuống nước. Lại gần chỗ đám tăm đang tiếp tục sùi lên, ông già hít căng một hơi rồi trầm mình lặn xuống. Từ lòng sông, ông già ngoi lên với con ba ba bằng chiếc bát tô đang bơi bơi trong không khí.

- Đưa rọ đây!

Thằng Kình nghiêng rọ cho ông già ném con ba ba vào. Ném xong, ông già lại lộn người trở ra, lặn xuống nước. Mín còn chưa hết khoái chí vì con ba ba đang bò lạo xạo trong rọ thì đã thấy ông già ngoi lên cùng với một con ba ba khác. Ôi, con này to gấp rưỡi con trước. Thằng Kình lại nghiêng rọ cho ông ném con ba ba vào. Thì ra lệch với chỗ ông già vừa bắt con ba ba nãy một chút, một đám tăm cũng ngầu bọt nổi lên. Chắc đây là một đôi ba ba cùng đi ăn. Ba ba khi thấy tiếng động bất ngờ thì cày ngay núp xuống đáy bùn. Nó tưởng nó đã tinh khôn nhưng nó đâu có biết rằng, cái cách lẩn trốn của nó chỉ có thể đánh lừa những sinh vật sống dưới nước khác chứ con người thì khôn hơn nó nhiều. Chính cái đám tăm nó cày lên đó đã chỉ chính xác chỗ nó đang ẩn náu.

Thằng Kình trành thuyền cho ông già trèo lên. Ông vuốt ngược mấy sợi tóc bạc trắng về sau, bình thản hút điếu cày. Nước từ người ông long tong nhỏ xuống thuyền. Thằng Kình cầm sào chống thuyền ra một mảng nước khác. Ông già lại vục tay vào mẹt cá lẹp băm nhỏ vốc một vốc quăng xuống mặt nước. Vãi xong, ông già lại cầm cây sào rà trên mặt nước. Sau một hồi xao động, mặt sông đã trở nên phẳng lặng. Đôi mắt tinh anh của ông già vẫn rà trên mặt nước chờ tiếng lóp bóp đớp mồi. Thằng Kình cũng đưa con mắt hau háu nhìn xung quanh tìm kiếm. Trong rọ, đôi ba ba vừa bị bắt chít lên khe khẽ.

- Ba ba mà cắn thì có trời cứu! Chỉ có sấm của ông thiên lôi mới có thể làm nó nhả ra thôi! 

 Có lần, thằng Kình kể với Mín như vậy.

- Nhưng nếu trời không mưa thì lấy đâu ra sấm?

- Thì cho vào cối xay lúa mà xay, nó tưởng sấm cũng sẽ nhả ra. Bằng không, dao chặt đứt cổ, nó vẫn cứ cắn.

Mín đem chuyện ấy hỏi lão Bộc, lão Bộc gật gù.

- Đúng vậy. Nếu chẳng may bị ba ba cắn thì úp cái xô vào nó mà gõ, nó cũng sợ chẳng khác gì sấm.

truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.