LAU LÁCH VEN SÔNG - CHƯƠNG 07 - ĐINH NGỌC HÙNG - TRUYỆN THIẾU NHI
LAU LÁCH VEN SÔNG
Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Thể loại: Truyện ngắn, truyện teen
CHƯƠNG 07:ĐIỀU BÍ ẨN ĐƯỢC KHÁM PHÁ
Chiều về, mặt sông như đặc lại. Thằng
Kình nâng miệng cụp đè lại viên đá cho mấy sợi cước ở cửa căng ra rồi lặn thả cụp
xuống nước. Trong khoang thuyền, con cá nheo to cỡ bắp chuối vừa mắc cụp đang uốn
éo trườn từ đầu khoang thuyền đến cuối thuyền.
Đây là lần đầu tiên Mín chứng kiến
cách đánh cá bằng cụp của người làng chài. Chiếc cụp nom chẳng khác mấy chiếc lồng
gà nhưng nan được ken dày hơn. Cửa cụp được căng những sợi cước tơ dọc ngang
như dây cung. Cụp là thứ chuyên để bắt các loại cá không vảy, ăn đáy như cá
nheo, cá nhệch, cá bò... Lũ này rất thích tìm nơi kín đáo để trú ngụ. Thả cụp
xuống đáy sông, cá bò, cá nheo, cá nhệch tưởng là chỗ ẩn náu liền tìm cách chui
vào. Lúc chúng chui vào, chạm sợi cước, tức thì viên đá đè trên sẽ sập xuống. Cửa
cụp đã sập thì có giãy giụa, có thân mình trơn tuột, cá cũng không sao lách ra
ngoài được nữa. Người làng chài thường thả cụp dọc bờ sông, cách nhau độ hơn chục
sải.
Chiều qua, lúc thằng Kình thả cụp,
Mín cũng có mặt nhưng chỉ ở trên bờ đứng xem, còn chiều nay thấy nó ngâm mình
dưới nước, Mín cũng bơi xuống cùng nó. Thuyền có mà chẳng đứa nào chịu ở trên
thuyền, bơi đến đâu dong thuyền đi đến đó. Dong thuyền đến chiếc cụp thứ hai,
thằng Kình cắm cây sào xuống đáy sông rồi lần theo cây sào ngụp xuống. Nước chỗ
này gần bờ nhưng cũng khá sâu. Người không lặn quen, một hơi không tới đáy. Lặn
xuống chỗ nước càng sâu thì càng buốt óc. Có người không chịu được, xì cả máu
tai, máu mũi ra. Thằng Kình là dân sông nước có khác. Nước sâu thế, nó chỉ lặn
một hơi đã lôi được chiếc cụp lên. Chẳng có con cá nào sập bẫy cả. Sợi cước
căng ở cửa vẫn còn nguyên.
- Có lẽ tại sợi dây thưa quá.
Thằng Kình giải thích rồi nhoài lên
thuyền với lấy hai sợi dây cước chằng chéo qua cửa.
- Vậy là được rồi. Dày thế này, chỉ
cần một cái quẫy đuôi của lũ cá cũng đủ làm đá sập.
- Chín cái cụp phải không Kình?
Mín hỏi nó.
- Ừ, chín cái, nhưng những cái sau ở
chỗ nông hơn.
- Cái sau mày để tao nhấc nhé!
Thằng Kình nhìn Mín xem Mín nói thật
hay nói đùa:
- Sao mày bảo mày sợ lặn lắm?
- Sợ thì có sợ nhưng có cây sào chống
rồi, cứ lần theo thân sào mà xuống nên cũng đỡ. Với lại, mày chả vừa bảo mấy
cái sau ở chỗ nước nông hơn là gì?
- Được rồi!
Thằng Kình đồng ý .
-
Nhưng phải để tao cắm sào cho. Nếu cắm chệch thì không những không nhấc được cụp
mà còn bị lặn nhầm ra đáy sông.
- Sao lại thế?
Mín hỏi lại.
- Thì loài cá không vảy hay đi theo
mép vách nên đặt cụp cũng phải đặt sát mép vách chứ sao?
- Được. Mày cắm sào đi!
Thằng Kình cầm sào lần lần tìm chỗ
chiếc cụp rồi cắm đứng chiếc sào xuống.
- Được rồi đấy. Mày lặn nhấc cụp
lên đi.
Mín ôm lấy thân sào, hít một hơi thật
căng rồi nín thở lần theo thân sào ngụp xuống. Dòng nước chảy xô cây sào giần
giật. Cảm giác con vật gì đó thình lình xuất hiện từ dưới đáy sông đang nhằm
vào mình khiến Mín rùng mình ngoi lên mặt nước thở phì phì.
- Sao thế?
Thằng Kình hỏi.
- Tao cứ có cảm giác quanh đây
có... thuồng luồng.
Thằng Kình phá lên cười khanh
khách:
- Làm quái gì có thuồng luồng? Mày
nhát thế thì sao lặn được? Chỗ này là nước nông nhất đấy.
- Thôi! Để tao thử lại lần nữa.
Mín hít lấy hơi rồi lại ngụp xuống
một lần nữa. Cảm giác hồi nãy lại đến nhưng Mín chế ngự được ngay. Đã ba bốn sải
tay lần trên thân sào. Đây rồi, Mín luồn tay nhấc chiếc cụp lên. Lúc ngoi lên,
Mín cứ hồi hộp, không biết có con cá nào mắc cụp không. Không phải đợi lâu, chiếc
cụp đã dần hiện ra trong nước. Phạch, phạch... Tiếng cá giãy làm nước bắn tung
tóe, tốc cả vào mồm Mín.
- Ô này, con cá gì to, lạ lắm Kình ạ.
- Nghiêng tao xem nào.
Mín nghiêng chiếc cụp cho thằng
Kình xem. Nó nói:
- Đây là cá nhệch sông. Chỉ có cá
nhệch mới vác cái mồm tẹt hét như thế!
- Con này phải cỡ con cá nheo vừa
nãy đấy nhỉ?
- Ừ. Có khi còn nhỉnh hơn. Thôi!
Đưa cụp đây, để tao mắc lại cửa rồi thả lại chỗ cũ.
- Tao thả à?
Mín hỏi thằng Kình.
- Ừ. Cứ chỗ cũ mà đặt thôi.
- Tưởng khó mà cũng dễ thôi, nhỉ.
Ngày mai nhất định mày phải để tao nhấc cụp nữa.
Mặt trời mấp mé bờ lau, thuyền cũng
tới miếu thổ thần. Càng gần miếu, bờ sông càng nông. Mín đã có thể tự cắm sào lặn
xuống mà không cần thằng Kình mó tay.
- Mày bắt chước nhanh thật đấy!
Thằng Kình phải công nhận. Mín cười khoái trá:
- Được tám chiếc rồi phải không?
- Phải! Chỉ còn cái này nữa là hết.
Khẩn trương, không mặt trời lặn đấy.
- Để tao nhấc nốt nhé!
Mín gạ thằng
Kình.
- Ờ. Nếu mày thích thì mò đi.
Nghĩ ngợi thế nào, Mín lại đắn đo:
- Thôi! Còn cái này để mày. Cứ đến
gần ngôi miếu, tao lại thấy chờn chợn thế nào ấy.
- Vậy thì mày lên thuyền mà ngồi.
Thằng Kình vừa cắm xong cây sào thì
Keng tất tả chạy từ trên đê xuống:
- Mín ơi! Mình Đất lạc rồi!
- Sao cơ? Mình Đất làm sao mà lạc?
Keng thở không ra hơi:
- Nó đang ăn ở chỗ đám trâu làng
thì con trâu mộng của thằng Ca nổi cáu đuổi nó chạy vòng quanh bãi. Chạy mãi,
con trâu mộng vẫn không chịu buông, thế là Mình Đất quay lại húc trả. Không ngờ
con trâu mộng khỏe hơn, nó húc cho Mình Đất một nhát vào mông làm nó bỏ chạy về
phía đầm rồi.
Mín vồ lấy chiếc áo, cuống quýt bảo
thằng Kình:
- Còn một chiếc mày nhấc nốt đi.
Tao phải chạy tìm Mình Đất đây. Trời sắp tối rồi.
- Được rồi. Nhấc nốt cái cụp này,
tao sẽ lên sau.
Mín chạy đến chân dốc, đám trâu đã
về làng. Thấy Keng còn lếch thếch chạy theo sau, Mín quay lại bảo:
- Keng cứ về đi. để mình Mín đi tìm
cũng được. Về nhanh không trời tối rồi.
Mín chạy ra đến đầm thì trời đã sâm
sẩm. Chẳng thấy Mình Đất đâu cả. Lẽ nào nó sợ mà rúc vào bụi cỏ nào đó. Mín
nhìn xung quanh, không có dấu hiệu nào của một con trâu đã từng qua đây. Hay nó
sợ mà chạy ra bãi sậy? Mín quay người chạy ngược trở lại bãi sậy. Đến bãi sậy
thì thằng Kình cũng tới.
- Đã tìm thấy chưa?
- Chưa. Khéo nó sợ mà chạy men theo
bờ sông xuống Gốm rồi cũng nên.
- Vậy thì cứ xuống đó xem sao.
Thằng Kình và Mín lại hộc tốc chạy
dọc theo bờ sông về phía Gốm. Sương chiều đã bắt đầu xuống. Trên trời, những
con chim đi kiếm ăn về muộn vụt qua đầu như một chấm đen.
- Thuyền mày buộc đâu rồi?
Mín hỏi.
- Tao buộc ở chỗ miếu thổ thần. Có
bao giờ Mình Đất bỏ đi như thế này không?
- Không! Chắc tại cái con trâu đực
của thằng Ca thôi. Nhanh lên không trời tối thì biết đường đâu mà mò.
Bốt Tây đèn đã lù lù hiện ra trước
mặt. Ban ngày, trông cái bốt Tây đen này đã sợ, ban đêm nom nó còn ghê rợn hơn.
Bọn trẻ trong làng kháo nhau ở trong bốt vẫn còn đống xương Tây đen. Đã nhiều
năm nay, dù cái bốt ở gần làng nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. Cửa bốt đã um tùm
cỏ mọc. Những lỗ châu mai cũng loang lổ rêu phong. Người làng kể, ngày trước,
ngày nào bọn Tây đen ở bốt cũng đem quân đi càn các làng xung quanh. Mỗi lần đi
càn là y như rằng chúng lại bắn chết vài người ném trôi sông. Lúc đầu còn phải
chạy nhưng sau các làng tổ chức du kích đánh lại. Lúc đầu là vũ khí thô sơ rồi
sau lập mưu cướp được cả súng Tây. Từ đó, mỗi bận chúng đi càn, bà già, con trẻ
lại gồng gánh chạy xuống làng Lẻo, chỉ có đàn ông con trai ở lại tìm cách đánh
trả. Lúc đầu, bọn Tây còn nghênh ngang, sau bị đánh trả sợ hãi co cụm lại. Thế
mà có bận vẫn còn bị đánh cho bỏ xác.
- Kình ơi, Mình Đất đang ăn ở rìa bốt
Tây đen kìa! Ờ. Đúng nó rồi. Sao lại phải chạy mãi xuống đấy ăn không biết? Mày
đi xuống cùng tao đi Kình.
- Mày sợ à.
- Tao thấy lại gần cái bốt này nó
gai gai thế nào ấy!
- Tao cũng thế nhưng có hai thằng,
chẳng sao.
Hai đứa lách những bụi cây đi về
phía Mình Đất. Đến gần cửa bốt, Mín mới thấy nó to và lạnh lẽo. Thành bốt được
đổ bằng bê tông dày đến nửa mét, chi chít lỗ châu mai đen ngòm, nhìn vào trong
chỉ thấy tối om, lạnh toát.
- Hình như có... người trong ấy,
Mín ạ!
Thằng Kình đấm vai Mín.
- Đâu?
Mín hỏi lại.
- Đấy. Có khói đang bay ra từ phía
trong kia kìa. Chẳng lẽ là ma?
- Tao không biết, nhưng đúng là có
khói đang bốc ra ở những cái lỗ xung quanh bốt. Cả ánh lửa lập lòe kia kìa.
Nhanh lên rồi đi ra khỏi chỗ này thôi.
Thằng Kình lại bấm vai Mín:
- Có bóng người đang ngồi trong góc
đó!
- Đâu?
- Nhìn không rõ lắm vì khuất tường.
Thử lại gần một chút nữa xem.
- Thấy rõ mặt chưa?
- Rõ rồi, nhưng lạ lắm.
Mín nghển cổ nghế vào. Một gương mặt
nom rất quen mà Mín đã từng gặp ở đâu rồi. Ai thế nhỉ? Mín đã từng gặp người
này ở đâu rồi thì phải? À, đúng rồi. Tí Mậu ăn xin. Thì ra đấy chính là nơi ở của
cái kẻ khốn khổ ngày nào từng vào làng xin ăn.
- Ai vậy, Mín?
- Tí Mậu ăn mày đấy mà. Nom bà ta
khổ quá mày ạ!
- Vậy mới phải vào chỗ này để ở.
Thôi, về đi.
Mín lại chỗ Mình Đất. Nhận ra chủ,
Mình Đất ngừng gặm cỏ, nghênh sừng lên nhìn. Mín tháo chạc quấn ở cổ nó rồi dắt
đi. Suốt đoạn đường về, Mín cứ nghĩ tới Tí Mậu sống chui rúc trong cái bốt Tây
đen như kiếp chuột. Thấy Mín cứ trầm ngâm, thằng Kình hỏi:
- Bà ta làm sao sống được trong cái
nơi ấy nhỉ?
- Chẳng biết. Có lẽ chẳng còn nơi
nào nương thân.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment