LAU LÁCH VEN SÔNG - CHƯƠNG 02 - ĐINH NGỌC HÙNG - TRUYỆN THIẾU NHI

LAU LÁCH VEN SÔNG

Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Thể loại: Truyện ngắn, truyện teen

CHƯƠNG 02: KỶ NIỆM ẤU THƠ


Sớm nay, ra chuồng tháo gióng trâu, Mín ngạc nhiên thấy đầy rơm khô.

- Hôm nay để nó ở nhà ăn rơm.

- Sao lại buộc ở nhà hả mẹ? 

Mín hỏi lại.

Vừa vun rơm cho Mình Đất, mẹ vừa giải thích:

- Hôm nay là giỗ cụ. Ông bà Lãng bảo chuyển mộ cụ về đặt ở cái gò đầu làng cho gần con cháu.

Nét mặt Mín rạng rỡ:

- Thế cả bọn thằng Tưởng, thằng Bằng, cái Tuyền cũng về chứ ạ?

- Ừ! Về hết. Thôi, vào rửa mặt thay quần áo đi rồi lên, kẻo ông bà Lãng chờ.

Mín tót vào buồng vớ bộ quần áo kẻ thích nhất mặc vào người. Mín chỉ muốn mau được gặp mấy đứa em con cậu. Lâu lắm rồi, Mín chưa gặp chúng nó. Không biết chúng nó có nhớ mang lá dứa về cho Mín không. Lá dứa ngắt vào buổi trưa chứ lá dứa ngắt vào buổi sớm thì chua loét, ai mà ăn được. Lá dứa buổi chiều vừa giòn lại vừa ngọt! Nhà ông bà ngoại ở trên núi nên mỗi lần được mẹ cho về quê ngoại là Mín sướng lắm. Lên núi vừa được gặp bọn thằng Tưởng, thằng Bằng, cái Tuyền, lại vừa được ăn lá dứa, xét na, búng mít... Rồi Mín còn được chúng nó rủ đi xuống đập chơi, lên núi chăn bò, vặt sim, vặt quả mẫu đơn. Mín rất thích lên núi chơi. Mín nghĩ tới những câu chuyện tí nữa sẽ kể cho chúng nó nghe. Mín muốn cho chúng nó biết dưới đồng bằng cũng khối điều lạ...

Chẳng đợi mẹ giục, Mín tót ra ngõ trước. Từ đây lên nhà ông bà Lãng chỉ có một đoạn đường. Nếu không chờ mẹ, chắc Mín chỉ chạy một mạch là đến nơi.
Cụ ngoại sinh được bà ngoại và ông Lãng. Bà ngoại bảo cũng còn mấy bác, mấy dì nhưng người thì bị Tây bắn chết, người thì ốm đau bệnh tật mà qua đời. Bà kể, hồi nhỏ bà với ông Lãng khổ lắm. Vì nhà nghèo nên ông bà phải đi ở làm thuê cho địa chủ để kiếm miếng cơm. Miếng cơm nhà giàu đâu có dễ nuốt. Suốt ngày húc đầu vào làm quần quật nhưng đến lúc ăn, cầm bát cơm lên, vợ chủ Bệu cứ đứng chửi xơi xơi rồi cầm rổ rá bổ vào đầu, vừa bổ vừa chửi:

 "Làm ít, ăn khỏe, lần sau chừa đi nhé!". 

Đau, nhục, nước mắt chảy dầm dề bát cơm mà vẫn phải cố nuốt. Dù sao còn là người nhà với nhau họ mới thuê ở chứ mấy người ngoài thì cứ chờ đến chết đói. Ông ngoại Mín cũng đi ở cho nhà chủ Bệu. Ngày ấy, ông là một lực điền khỏe nhất làng. Một mình ông cày mà hai con trâu đực lừng lững của nhà chủ đều nằm ẹp. Ở làng, ông ngoại là người một tấc cắm dùi không có. Sau cách mạng, ông bà ngoại được chia mảnh đất chỗ nhà Mín ở bây giờ. Hồi thôn khuyến khích khai hoang lập làng mới, ông bà ngoại đã để lại cho bố mẹ Mín mảnh đất cũ với căn nhà trát mầm rồi đưa cậu Bàn lên núi phát hoang. 

Ông ngoại Mín đã già nhưng còn khỏe. Tóc bạc trắng, vậy mà ông ngoại vẫn đi xe đạp. Ông có chiếc xe đạp thời Tây màu trắng, mỗi lần ông xuống chơi, Mín lại nằn nì ông cho mượn để đi tập. Mấy lần ngã nhưng Mín không chừa. Rồi Mín cũng biết đi xe đạp. Hôm đã có thể đạp quanh làng, Mín đạp vào nhà thằng Đoài, định bụng khoe với nó, không ngờ đoạn đường cua vào nhà nó dích dắc quá, Mín phóng cả xe lẫn người xuống cái giếng mà dân trong đó vẫn ra gánh nước ăn. Thằng Đoài được một trận cười vỡ bụng. Lại nhớ chuyện chiều hôm trước. Mín không ngờ chơi với nhau từ nhỏ, vậy mà chúng nó lảng tránh, bỏ mặc Mín trong lúc Mín cần chúng nó nhất. Chẳng lẽ chỉ vì thằng Ca dọa nạt mà chúng nó co vòi lại như thế? Rồi Mín sẽ hỏi lại rõ chuyện này, còn bây giờ tạm gác lại đã.

Mẹ bảo ngày còn sống, cụ ngoại rất thương mẹ và cô Bờ. Bà Bờ mồ côi từ nhỏ, sống một mình. Vì tật nguyền nên bà Bờ phải nương nhờ cụ ngoại. Bà được cụ sắm cho hàng bánh đúc bán ngoài chợ nên có đồng ra đồng vào sống qua ngày. Cụ ngoại mất, bà Bờ mất nơi nương tựa, sau rồi không biết bà bỏ làng đi đâu biệt tích.

Bố Mín đi công tác xa, nhà chỉ có hai mẹ con nên dù nhà ở tận đầu làng nhưng ngày nào cụ cũng chống gậy đảo qua nhà Mín một đôi bận xem hai mẹ con sống ra sao. Buổi tối, làng xóm vừa lên đèn, cụ lại khăn gói xuống ngủ với hai mẹ con. Những hôm mưa to không đi được, cụ bắt ông Lãng cầm đèn đưa cụ đi. Cụ bảo: 

"Càng mưa lại càng phải xuống cho mẹ con nó đỡ sợ. Nếu chúng bay không đưa thì để cái thân già này đội mưa đi một mình".

 Mẹ Mín kể, hồi nhỏ, mẹ phải đi làm, Mín bị đem ra nhà trẻ. Ở nhà trẻ, không quen, Mín khóc suốt ngày. Nhà cụ ngoại ở gần đấy, thấy Mín khóc là cụ lại chống gậy dò ra. Mọi người bảo cứ kệ rồi nó sẽ quen, cụ gắt um lên bảo:

 "Để thằng bé khóc đến chết à? Ngoài đó nó khóc thì đem về đây tao trông". 

Từ đó, mẹ đi vắng là Mín được đưa lên gửi cụ. Chẳng biết có phải cảm nhận được sự chăm chút của cụ không mà Mín không hề khóc, suốt ngày cứ quấn lấy cụ. Lúc Mín biết ăn thì cụ nhá cơm đút cho Mín ăn. Đi đâu, Mín cũng được cụ xách theo như con chuột. Nghĩ đến cụ, từng kỷ niệm thân thương cứ lần lượt tìm về...

- Anh Mín!

Tiếng gọi của bọn thằng Tưởng, thằng Bằng, cái Tuyền làm Mín sực nhớ mình đã đến ngõ nhà ông Lãng. Mín chạy một mạch lại chỗ chúng nó. Thằng Tưởng đeo lủng lẳng chiếc súng cao su ở cổ nom rất ra vẻ.

- Sao bây giờ anh mới lên? Bọn em đợi mãi, đang định xuống nhà rủ anh đi bắn chim. Chán thế! Làng chỉ toàn chim sâu với chim lích tích. Ở trên núi, cứ vào rừng là có đủ loại...

- Tao nghe thấy quanh đây loách choách toàn tiếng chim đấy thôi? 

 Mín vặn lại.

Thằng Tưởng công nhận:

- Đã bảo là toàn chim sâu với chim lích tích mà. Lũ ấy khôn như mọi, nhảy nhót trong bụi rậm, vướng rào, vướng tre, bắn chỉ trượt. Chim ở núi thì cứ đậu trên cành cao ưỡn ngực mà hót. Tiếng hót của chúng vang từ khe thung này đến khe thung khác cơ.

- Ừ! 

 Mín đồng ý 

- Nhưng đây là đồng bằng. Mùa chim, mày về làng mà xem, bầu trời không lúc nào vắng bóng chim bay lượn. Lũ chá pheo đậu đen trên ngọn cây, bờ rào, dây điện. Lũ chim cắt lững lờ như những chiếc tàu lượn. Rồi cò, sếu, vạc cuốc... kéo về đậu kín khu đầm năn. Bây giờ, ngoài đầm năn đã lác đác vịt le kéo về. Chúng mày đã thấy vịt le chưa? Nom bề ngoài, chúng có vẻ giống vịt nhưng nhỏ hơn và có bộ lông xanh biếc rất đẹp. Khi chúng ngụp thì vịt cũng phải chịu thua.

- Eo ơi, thật thế sao?

 Cái Tuyền chành môi ra.

- Tao kể dối chúng mày làm gì? Khi bị đuổi, chúng đạp chân xoải trên mặt nước một đoạn rồi bay vút vào không trung mất tăm.

- Chúng kêu "le le" hả anh? 

 Cái Tuyền hỏi tiếp.

- Mày biết làm gì? 

 Thằng Tưởng gạt đi.

- Thì tên nó là vịt le, chắc nó phải kêu le le chứ sao?

- Đúng là nó kêu "le le" đấy! 

Mín xác nhận.

Thằng Tưởng bỏ móc một viên sỏi vào súng cao su, hướng chạc về phía một cây tre bắn một phát, nói:

- Em không tin là không bắn được lũ chim nước ấy. Chúng mình ra đầm năn đi!

- Mày ấm đầu à? 

 Mín cười 

- Cái súng của mày để dọa mấy con chim rách chứ dọa sao được lũ vịt le?

- Thế thì ra xem cũng được! 

 Thằng Tưởng năn nỉ.

- Ừ, anh Mín, cứ quanh quẩn ở đây chán lắm. Nghe bảo ở ngoài đó có cả củ súng. Đi ra lấy súng cũng được!

 Thằng Bằng kéo tay Mín lôi đi.

Thôi được, chẳng mấy khi chúng nó về làng. Mín dẫn cả bọn theo con đường nhỏ sau chùa ra đầm năn. Y như Mín đoán, chúng nó không quên vặt cho Mín một xấp lá dứa. Lá dứa ngắt từ chiều hôm trước ăn giòn kháo, ngọt lịm. Mà chúng nó ngắt thật khéo, toàn lá dứa bánh tẻ đỏ lòng. Cả bọn vừa đi vừa rau ráu nhai lá dứa.

Đầm năn là một khu sình lầy bao trọn phía tây ngôi làng. Khu đầm quanh năm ngập nước và xanh mướt một màu cỏ năn. Tới bờ đầm, Mín kéo cả bọn ngồi xuống. Lũ chúng nó răm rắp làm theo lời Mín.

- Sao lại nấp ở đây? 

 Thằng Tưởng sốt ruột hỏi.

- Suỵt! 

 Mín đưa ngón tay chỉ lên miệng ra hiệu 

- Tao vừa nghe thấy tiếng vịt le kêu, chắc là nó đang kiếm ăn ở gần đâu đây. Vịt le chúa là thính, thoáng nghe động là chúng bay vụt đi ngay.

Bọn thằng Tưởng gật gù. Mín vạch đám cỏ năn lấy khoảng trống quan sát mặt đầm phía trước. Thằng Tưởng đã tháo cây súng cao su quàng ở cổ lắp đạn sẵn sàng.

- Mày làm cái gì thế? 

 Mín hỏi nó.

- Em chuẩn bị. Nếu thấy là em bắn.

- Mày ngốc thế! 

 Mín gắt 

- Nó to như con vịt, viên sỏi của mày bé tí tẹo thế kia, chỉ đáng gãi ngứa cho nó.

- Thế chẳng lẽ không bao giờ bắt được nó à?

- Có, nhưng mà họa hoằn lắm.

- Vậy thì bắn vào đầu nó, nhất định bắt được.

- Mày ngang như cua! 

 Mín bắt đầu bực thật sự.

Le le le le.... Tiếng kêu cất lên cùng một chấm xanh biếc xoải dài trên mặt nước rồi vụt bay lên không trung.

- Nó đấy! Nó bay mất rồi! 

 Mín thốt lên.

Thằng Bằng, cái Tuyền thì xuýt xoa tiếc rẻ.

- Chỉ tại thằng Tưởng, đang yên lành lại dở chứng.

- Sao lại tại em? 

Thằng Tưởng cãi 

- Ai bảo anh gắt, nó thấy động mới bay chứ. Thế là toi công rình từ nãy tới giờ. Công nhận con này ranh thật.

- Thôi! Đằng nào thì nó cũng bay rồi. Bây giờ theo tao đi vặt quả súng. Có đứa nào biết bơi không?

Cả ba đứa đều lắc đầu. Ừ, chúng nó ở đồng rừng, làm gì có ao hồ mà bơi? Nghĩ một lát, Mín bảo:

- Vậy cái Tuyền với thằng Bằng ở trên bờ trông quần áo, tao với thằng Tưởng xuống đầm lấy quả súng. Thằng Tưởng đứng ở mép đầm, tao vứt lên cho.

Mín và thằng Tưởng cởi truồng tồng ngồng lội xuống đầm. Lội ngang bụng, Mín bảo thằng Tưởng đứng lại rồi một mình ào xuống nước. Nắng lên, hoa súng nở kín mặt đầm. Từ những đài nhụy, mùi thơm lan tỏa nhẹ nhàng. Đầm năn toàn hoa súng trắng. Loại súng này hoa nhỏ nhưng quả to và lắm hạt. Hạt súng chỉ như hạt rau đay nhưng ăn béo ngậy. Mín quơ tay tìm những quả đã rút xuống dưới nước chín. Những quả súng to nung núc, tròn như quả thừu lựu nhần nhẫn trong tay Mín. Chẳng có loài cây nào lạ như cây súng. Lúc làm nụ thì ngoi từ đáy bùn lên mặt nước để nở hoa, bung những cánh hoa tránh muốt tô điểm cho mặt đầm. Khi đã thỏa thuê ánh sáng mặt trời thì hoa súng lại cụp vào rút dần xuống mặt nước để làm quả. Quả súng càng già ăn càng ngon. Giá mà lúc này có Keng ở đây...

- Anh nghĩ gì thế? 

 Cái Tuyền hỏi.

- Không nghĩ gì đâu. Thôi, về nhanh chúng mày ơi. Giờ này chắc mọi người đang cuống lên đi tìm đấy.

- Thế không đi vặt sung hả anh Mín? 

 Thằng Tưởng phụng phịu.

- Đúng thế. Đi vặt sung nữa! 

 Thằng Bằng và cái Tuyền cũng họa theo.

- Không được đâu, để chốc nữa...

**********
 
Việc bốc mộ cụ ngoại từ trên đồng về được làm từ hôm qua, sớm nay thì ngôi mộ đã được xây gọn gàng. Vậy là từ nay, cụ ngoại đã được đưa về cái gò đầu làng như cụ muốn. Mín còn nhớ rõ như in ngày cụ mất. Cụ đi thật nhẹ nhàng đến nỗi con cháu đều sửng sốt. Hôm đó, mẹ bận việc đồng nên gởi Mín cho cụ ngoại trông. Lúc đang ngồi trong lòng cụ chóp chép ăn cơm nhá, Mín thấy tự nhiên cụ buông rơi thìa, gục đầu xuống kẹp chặt Mín trong lòng. Bị ngạt, Mín khóc thét lên. Hàng xóm chạy sang. Khi mọi người gỡ được Mín ra thì cụ ngoại đã mất rồi. Mỗi người mỗi việc túa đi gọi người đến chuẩn bị lo tang cho cụ. Lúc họ tìm được thì Mín đang núp sau cánh cửa buồng cụ, mếu máo khóc. Mẹ bảo, cụ ngoại đến chết vẫn còn không quên ôm ấp Mín, sau này, ngày giỗ cụ, Mín phải nhớ mà thắp hương.

Lúc ông Lãng khấn, Mín cũng rơm rớm nước mắt. Trong Mín, hình ảnh bà cụ chống gậy đi đâu cũng cắp theo đứa trẻ sẽ suốt đời, không thể xóa nhòa.

Mải nghĩ, Mín quên khuấy không để ý xem bọn thằng Tưởng đâu. Quái, lẽ nào chúng trốn đi vặt sung rồi. Chắc lúc Mín ra mộ cụ, chúng nó đã đưa nhau đi thật. Mín chưa kịp dặn, nhỡ mà đứa nào ngã xuống ao thì chết.

Về nhà ông Lãng, Mín tắt lối đằng sau sang mấy cây sung nhà Bàng. Đến khỏi đầu hồi, Mín đã thấy ba đứa lếch thếch về.

- Chúng mày đi đâu về?

- Bọn em đi vặt sung.

- Sao chúng mày liều thế?

- Liều là sao? 

Thằng Bằng hỏi.

Mín kéo chúng nó ngồi xuống chỗ đầu nhà:

- Mấy cây sung đó đều chõ ra ao, chúng mày chẳng đứa nào biết bơi mà dám trèo lên đó, nhỡ trượt chân rơi xuống nước thì ai cứu? Với lại, dưới ao còn biết bao nhiêu là cọc, ngã xuống cọc nó xuyên vào bụng thì lòi ruột.

Nghe Mín nói, cả ba đứa đều há hốc mồm.

- Chưa hết đâu. Người ta đồn ở mấy cây sung còn có ma nữa đấy, nhỡ ma nó rung cây thì ngã dập mặt.

Mấy đứa đã bắt đầu ngấm sợ, hỏi:

- Thế anh bị ma rung bao giờ chưa?

- Bị thì đã chẳng còn ngồi đây. Người ta bảo ma rung thì cây lá không động đậy mà người vẫn ngã. Tao chưa bị ma rung nhưng ma tịt cắn thì bị rồi. Lần ấy, tao với một thằng trong xóm trèo lên vặt sung ăn, lúc tụt xuống, tự dưng người ngợm chân tay nổi mẩn đỏ, ngứa rách da rách thịt. Mọi người bảo ma sợ giẻ rách, thế là tao lấy giẻ rách đốt cháy rồi lấy than bôi vào người, chỉ bôi khỏi tay một lúc là hết ngứa. Sung lấy rồi sợ, chẳng đứa nào dám ăn, đành ném đi. Người hay đi đêm còn kể, trời khuya, đi qua mấy cây sung nhà bà Bàng còn gặp những cục đỏ lừ to bằng nắm tay rơi ùm xuống ao, khiếp chưa!

Ba đứa xanh mắt, ngồi nép vào tường gạch. Mín hỏi:

- Sung chúng mày vặt đâu?

Thằng Tưởng lí nhí:

- Vừa rồi, có một thằng cưỡi con trâu đực bắt bọn em đưa hết cho nó. Nó còn lấy cả cây súng cao su nữa. Em đang định chạy về gọi anh đi đòi lại.

- Hừ, thằng Ca đấy mà! 

 Mín bấm bụng 

- Mà sao chúng mày lại dây vào với nó?

- Chúng em đâu có dây với nó, tại nó bảo dám vặt sung ở cổng nhà nó. Có đúng cổng nhà nó không?

- Ừ, đúng là cổng nhà nó.

Thằng Tưởng ngậm ngùi:

- Thế thì thôi, chẳng cần đòi lại cây súng làm gì. Nghe anh kể, em chẳng muốn quay lại chỗ ấy nữa. Cho luôn nó cả mớ sung ma đó...
truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.