GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 06 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI
GIA TÀI NGƯỜI MẸ
Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.
CHƯƠNG 06:
Mẹ anh là một người làng bên. Con
gái cả một gia đình có học, nền nếp, ông ngoài là một nhà Nho đã nhiều lần lều
chõng nhưng hai lần thi chỉ đỗ đến tú tài, ông là ông Kép, vốn nhà nghèo thi đỗ
nhưng không ra làm quan, không hiểu vì thời đó cái học đã tàn không còn thích hợp
hay vì một mối uất ức gì, ông chỉ mở trường dạy dăm ba đứa học trò.
Nhiều kẻ sau này trong hàng huyện
làm nên, cũng có khi ông còn đi để đất cho thiên hạ. Bởi thế bà ngoại anh vất vả
nuôi chồng, nuôi con, giữ thanh danh cho một gia đình có học. Cha anh đã đến
làm rể gia đình ấy, chịu ơn ông ngoài không những là người cha mà còn là một bậc
thầy.
Không hiểu sao anh thấy em có nhiều
điều giống mẹ anh, em đừng vội nghĩ là anh yêu em chỉ vì em có những điều giống
người mẹ yêu quí của anh. Bởi vì anh yêu em thực. Mẹ kế anh bây giờ cũng có những
điều giống mẹ anh, cái giống của hai chị em ruột, sao anh không yêu mà lại còn
ghét. Anh không đổi ý kiến trở về đâu. Anh còn muốn tìm lại những nét đáng yêu
của mẹ anh, và muốn cả em cùng biết nữa. Mẹ anh thấp nhỏ, mặt vuông vắn; có nước
da trắng mịn, nước da như trứng gà bóc. Đôi môi lúc nào cũng đỏ vì mẹ anh nhai
trầu luôn miệng, đôi má ửng hồng và núm đồng tiền xinh xinh duyên dáng.
Anh nhớ nhất mái tóc, mái tóc quấn
khăn bỏ ra đằng sau chiếc đuôi gà làm dáng, tóc mẹ có tiếng cả vùng vì dài óng
và xanh mượt. Em hãy tưởng tượng ra mỗi lần mẹ gội đầu mẹ phải đứng lên trên
chiếc ghế đẩu cho tóc khỏi quệt xuống đất, với ánh nắng êm dịu buổi sớm mai, với
gió đồng nội nhẹ thoảng, mẹ đứng ở hiên nhè nhẹ gỡ từng cuộc tóc, nhiều lần mẹ
kêu tóc dài nặng cả đầu cắt đi cho xong, nhưng cho đến lúc mẹ mất tóc mẹ vẫn giữ
nguyên vì mẹ yêu mến nó quá.
Tóc hồi xưa của em cũng thế, mái
tóc hồi em chưa yêu anh, mái tóc tung bay trong gió mỗi buổi chiều tan học em
đi ngang qua cửa ngõ nhà anh. Mái tóc như một dòng suối mun trong thần thoại của
những nàng ngọc nữ thả bay trong gió. Bây giờ em cắt nó đi rồi, anh tiếc nó, bởi
vì những chiếc trâm ngà không còn chỗ để được cài lên, và gió biển đêm nay cũng
không còn một rừng hương để quyện vào đó nữa. Trên đầu chúng ta đã trống trải
quá nhiều những thần thoại và những giấc mơ êm đềm của một suối tóc buông lơi
mang nỗi mềm mại vỗ về...
Mẹ anh con nhà Nho, biết chữ, nhưng
khi về nhà chồng không bao giờ nghĩ đến, mẹ chỉ làm một đứa con dâu hiền thục
phụng dưỡng cha mẹ nhà chồng, làm một người vợ ngoan, mẹ dấu mái tóc vào trong
chiếc khăn mỏ quạ, đi chân đất, bỏ đôi tay trắng ngà xuống nước đục ruộng lúa,
vơ cỏ, cấy lúa, bỏ phân... Mẹ theo nhà chồng sống chết với ruộng đất.
Không hiểu
sao mẹ anh đã không chọn một gia đình phong lưu nhàn nhã sống cuộc đời khuê các
của mình. Mẹ bỏ quên đời mẹ như thế.
Mẹ bảo:
- Mẹ không biết sống đài các, và những
gia đình ấy họ khinh người lắm.
Không biết thật như thế không, hay mẹ tự an ủi
đời sống của mình. Có một mùa hạn hán, vùng quê anh hạn hán luôn, ruộng thường
mất mùa, mẹ và cha anh đã phải thức nhiều đêm chờ tới phiên tát nước, phải tát
nước rất xa, qua nhiều đạy mới tới ruộng mình, sau những đêm đó mẹ kể trong lúc
chờ đợi mẹ thấy có hai bà cụ ở bên bắt chấy cho mình từ bao giờ, nhưng bàn tay
sao lạnh như đá, mẹ kêu: tay gông lạnh như tay ma ấy, hai bà cụ quay lại lè lưỡi
xanh lét ra: chả ma thì gì, rồi hai bà cụ biến mất trong khi mẹ sợ không kêu được
thành tiếng.
Từ đó mẹ chẳng bao giờ còn dám ngồi một mình nữa. Trí nhớ của anh
hình như chỉ bắt đầu có vào lúc lên bảy lên tám gì đó. Mẹ anh sinh người anh đầu
không được, người con thứ hai là con gái, về sau chị ấy lấy chồng không bao giờ
thấy trở lại nữa, sau đó là anh, dưới anh là người em trai, mẹ anh mất, nó đi
theo sống với chú thím. Ba chị em ruột nhưng không bao giờ đoàn tụ bên nhau. Rồi
mỗi người một phương như đã chết.
Những ngày thơ ấu anh được hưởng quá ngắn,
cho tới trước chiến tranh được vài năm khi tiếng súng bùng nổ. Đã chẳng phải là
từ đó tất cả dân tộc chúng ta bắt đầu khổ sở, quay cuồng, và đời anh đã chẳng
phải cái tang chứng đích thực cho nỗi đau khổ, niềm u tối nhục nhằn đó sao? Anh
không muốn nói đến đó vội. Anh vẫn còn muốn anh được trở về cái quá khứ ngắn ngủi
êm đềm, cái quá khứ thần thánh của đời mình, anh muốn dìu em về thuở mà làng nước
những đêm trăng vang lên tiếng hát: hát ghẹo cho chéo củ gà, đàn ông hát trước
đàn bà hát sau...
Mẹ anh hát hay lắm, nhiều cô gái vẫn đến nhờ mẹ anh dạy, trí
nhớ của mẹ anh thật thanh, mẹ nghe quan viên tế ở đình, mẹ thuộc lòng lời xướng
lễ, mẹ dạy anh và cắt nghĩa cho anh nghe thế nào là độc trúc, tiến tửu, tẩy trần,
tại sao khi một, khi hai chủ tế, mẹ nhớ cả những ngày hội hè đình đám, các tiết
mỗi năm. Mẹ anh đã từng đi hội chùa Hương Tích với bà nội, anh nhớ những trái
mơ xanh mẹ mang về ngâm muối làm thuốc ho và những chú sâu đá như hòn bi được để
nơi hòn non bộ. Mẹ kể hội chùa Thầy có trò múa rối, có hang Gió, cũng như dấu
tích nơi Từ Đạo Hạnh đã hóa...
Anh đã được nuôi lớn lên với tiếng hát lời ru,
và bao nhiêu chuyện cổ tích, cùng với những cổ tục tập quán xưa vẫn còn lưu giữ
đầy hoang đường và linh thiêng.
Mẹ anh xoa đầu anh: khiếp cái đầu
nó như gáo dừa, hồi có mang sao nó đạp khỏe thế, to đầu khó chui sau này là bướng
phải biết, tóc như rễ tre đêm rúc mẹ không chịu được, thôi đi mà ngủ với bố cho
xong - dù thế cho đến khi mẹ mất anh vẫn ngủ với mẹ, dù có em bé đi nữa.
Quê
anh ngoài làm ruộng còn có trồng dâu nuôi tằm và dệt vải, ngoài vụ cấy hay gặt
mẹ lại đêm đêm thức với khung cửi, chiếc thoi bằng sừng nhẵn bóng qua lại thoăn
thoắt. Từ bao nhiêu năm nay anh không ăn được miếng cơm nào gọi là cơm nữa. Anh
nhớ bát cơm cháy của mẹ mỗi lần đạp sợi.
Những hạt gạo trắng ngần nấu bằng nồi
đất mới, cơm dùng đạp sợi nhưng bao giờ cũng thổi dôi ra một ít rồi đánh lên lẫn
với cháy, mẹ cho vào mấy hạt muối trắng nắm từng nắm nhỏ chia cho các con. Cơm
dẻo và thơm, ăn nắm cơm đó chúng ta mới hiểu vì sao những miếng cơm, cũng là
cơm cả mà lại ngon với không ngon. Đã chẳng phải là vì những hạt cơm đó đã được
nằm trong bàn tay một người mẹ, cũng từ đó sẽ hiểu vì sao người làm ruộng quí
ngày xôi mới, ngày mà người dân quê được ăn nắm xôi đậu đen nấu bằng những hạt
gạo đầu tiên của vụ gặt, thưởng thức cái hương thơm nồng nàn của gạo mới sau
bao nhiêu khó nhọc...
Người con trước lại là con gái nên
anh càng được nuông chiều, cũng như nhiều bà mẹ khác lo cho số mệnh của con
mình, mẹ đã bán anh cho nhà chùa. Một đứa con cầu tự, một đứa con của Phật. Những
phiên chợ mang tơ lụa hay vải đi bán chẳng bao giờ mẹ quên mua kẹo bột Thanh
Trì, bánh hòn Thượng Hiệp về cho. Đã gần như thường lệ, đến khi lớn vẫn thế.
Chú bảo như vậy là hư, con trai đòi quà mẹ mãi làm hèn cả người, dù vậy mẹ vẫn
mua và dấu vào buồng cho anh như thường. Anh nhớ một lần, lần cuối cùng, để từ
đấy không còn dám đòi quà mẹ nữa. Buổi sáng vừa đi học về, chú ngồi ở hiên nháy
bảo: này cháu mang sách lại chú coi xem hôm nay tô thế nào nào - chú gọi lại gần
và nói khẽ vào tai - lại có kẹo giấu trong miệng chum đó.
Anh đưa sách rồi chạy
vội vào buồng, ở chỗ thường lệ có một bọc lá chuối khô, rõ ràng như những gói kẹo
bột mỗi lần, mang ra ngoài ăn sợ chú cười, hoặc chị trông thấy đòi chia như mỗi
lần, anh mở gói kẹo một cách vội vàng, nhưng sao kẹo lần này lại ướt và có vẻ
đen đen. Trong buồng tối nhìn không rõ, anh nghĩ chắc bánh gai nên dẻo, anh cầm
cả lá chuối đưa lên miệng ngoạm, nhưng anh vội buông bỏ và phun ra, không phải
kẹo hay bánh gì hết mà là phân gà sáp, nhưng đã muộn, nó dây ra chi chát cả miệng,
chú đã chực sẵn chạy vào cửa buồng hỏi: cái gì đó cháu, cái gì đó cháu... Anh
khóc òa lên vì biết mình bị lừa. Anh xấu hổ từ đó không dám đòi quà để khỏi
mang tiếng là ăn tham, là con trai hèn...
Anh còn biết bao nhiêu chuyện để kể
cho em nghe. Em cười vui chưa? Thuở nhỏ chúng ta là những đứa trẻ thộn và ngu đần
một cách hạnh phúc, ngày nay chúng ta khôn ngoan lanh lẹ một cách bất hạnh, thật
chả nên lớn khôn làm gì... Anh muốn dành cả đời anh để chỉ nói về những kỷ niệm
đầy hạnh phúc đó, những hạnh phúc chúng ta đã đánh mất, như những hạt sương sớm
long lanh trên thảm cỏ đã bị thiêu đốt bốc hơi.
Mẹ anh đã chiều anh, bà ngoại
còn chiều anh hơn nữa, cháu bà nội tội bà ngoại, thật chả sai. Bà đi chùa có lộc
bao giờ cũng để phần cho cháu, từ một góc oản, trái chuối. Ông ngoại trong những
lần đi làm đất xa về mang theo những chiếc bánh đa khoai tròn nhỏ bằng lòng bàn
tay. Những buổi tối mùa đông được ông nội gọi vào đấm lưng rồi kể truyện cho
nghe. Sao đời sống anh không trôi theo cái dòng sông lặng lờ xuôi chảy đó, ở giữa
gia đình êm ấm, trong lũy tre xanh bao bọc, với tiếng sáo diều trên không.
Nhưng chúng ta có bao giờ được sống với sự mong ước của mình...
Đời sống anh lớn lên và biết, biết
nỗi khổ của rượu lậu chôn giấu nơi ruộng, của quan huyện, của lính lệ, lúc đó
anh còn nhỏ lắm...
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment