GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 04 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI

GIA TÀI NGƯỜI MẸ 

Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.

CHƯƠNG 04:


Ở đây những người đồng hương của bố tôi đã phải đi cùng với những người cai trị họ. Nhưng những dấu tích họ để lại không phải là ít. Như tôi, và bao nhiêu đứa trẻ xấu số khác đã sinh ra trong hoàn cảnh đen tối của quê hương những người mẹ bất hạnh. Số phận họ chắc chắn là khổ hơn tôi nhiều lắm, những người mẹ khác không thế nào bằng mẹ tôi được. 

Tôi đã từng gặp nơi dọc đường nhiều đứa trẻ chung hoàn cảnh như tôi. Tôi nhận ra họ bởi hình thù của họ mang cùng, vẻ buồn rầu trong cái nhìn hơi cúi nhiều tủi hổ. Tôi nhận ra họ và chắc họ cũng nhận ra tôi nhưng đều lặng thinh, chúng tôi không muốn nhớ, không muốn nhận ra người đồng cảnh, không muốn nhắc nhở tới quá khứ, tới số phận chúng tôi. 

Chúng tôi có gì tốt đẹp mà nhắc nhở. Chúng tôi chỉ là một vết đen trong lịch sử những người chung quanh. Chúng tôi là dấu tích đi truyền không xóa đi được, không tan đi được. Chúng tôi còn là cái nhắc nhở họ những gì đen tối, đau khổ. Chính tôi là điều để các anh tôi nhớ rằng chính mẹ tôi đã bị nhục nhã, bố họ đã bị giết, kẻ giết đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là bố tôi. Rồi từ đó một đoàn quân hung hãn lại hiện ra trong trí họ, đoàn quân đã đến tàn phá đất nước này. 

Tôi biết rõ về những tội ác không sao lường được ấy. Bom đạn đã nhả ra giết bao nhiêu người hiền lành, lửa trong tay họ đã châm vào bao nhiêu mái nhà êm ấm... Đó là tội ác những kẻ chinh phục da trắng, đó là trách nhiệm của tổ tiên họ. Những người đáng được tha thứ và khoan dung chính là bố tôi - tôi chẳng muốn bênh vực, mà còn muốn lên án họ nữa bởi tôi chịu cực khổ còn kém ai - bởi họ là kẻ không có tự do. 

Họ là những người nô lệ bị tước đoạt ngay cả quyền không được sống ngay trên quê họ. Họ như một bầy thú bị nhốt vào một chiếc cũi sắt, ở đó họ bị dồn lén, chèn kẹp, bị làm thui chột nhân tính, ở đó thú tính được nuôi dưỡng, khuyến khích để thèm muốn, tàn bạo, hung hãn... Rồi bầy thú đó được mang tới một nơi nào đó thả ra cho hoành hành. Bầy thú đen lao đầu vào tội ác, vào cái chết... Họ là những con người đáng thương hại. Họ đã rời khỏi đất này, hoặc chết bỏ xác ở đây không ai biết đến, số phận của họ chẳng lúc nào làm tôi có thể quên, nhất nữa tôi là một đứa trẻ lai da đen...

Không thể nào mẹ có thể chết được, mẹ phải sống với con. Con phải chết đi mới phải. Mẹ phải sống với các anh con, bởi vì chính con đã làm họ không được sống với mẹ, và làm cho họ mất bao nhiêu hạnh phúc đáng ra họ được hưởng. Tôi tự biết tôi. Đêm đã xuống rồi, đêm đen như mặt tôi, như số phận tôi và những người đồng cảnh ngộ. Mẹ tôi đã còn sống được trong bao lâu nữa, các anh tôi sẽ trở về, tôi tin họ trở về, ít ra họ cũng còn thương mẹ tôi và sau nữa họ trở về để tranh giành gia tài, để đòi những quyền lợi của họ. Tôi thì không. Tôi là một người ở ngoài. Mẹ tôi chết đi rồi thì coi như đời tôi cũng đã hết, không còn gì nữa, không còn gì nữa phải không thưa mẹ. Như thế mẹ có thể chết được sao? Mẹ hãy nghĩ lại xem... Thật đời con còn có ra gì nữa... Con của mẹ là như thế...

Ông Hai đã bắt đầu siêu người vào thành giường, tay trái vươn dài bỏ lên nền chiếu, tay phải cầm điếu thuốc tổ sâu chưa châm lửa, hai chân duỗi ra một cách mệt mỏi. Thạch dựa lưng vào vách, chân co chân duỗi, tay cầm bát rượu. Trên chiếc bàn thấp đóng bằng những thanh củi một cách vụng về còn lại mấy miếng thịt nướng, bình rượu ngả nghiêng nơi mặt đất. Ông Hai đưa tay tìm chiếc bật lửa, ông nặn khắp túi áo rồi túi quần tới thành giường, tay ông run run, ông tìm mãi một thấy đành phải cầm thanh củi cháy dở đưa lên mồi điếu thuốc. Ánh lửa chiếu sát vào khuôn mặt làm Thạch nhìn rõ cả những giọt mồ hôi đang chảy trên hai thái dương và đầy cả vầng trán nhăn nheo. Hàm râu ngắn điểm ít nhiều sợi bạc làm khuôn mặt ông Hai khỏe mạnh, rắn rỏi thêm lên, đôi mắt sâu và lớn, những sợi lông mày dài lả xuống, đôi lông mày mà ông Hai vẫn lấy làm thích: tôi có đập đầu vào đá cũng không chết, rồi chú coi đấy. Thạch nốc nốt chỗ rượu còn lại rồi bỏ chiếc bát không lên mặt bàn, ông Hai hít liền mấy hơi thuốc thở ra một cách say sưa, mặt ông đỏ bừng, ông đưa tay quệt ngang miệng, tép tép lưỡi :

- Chú về tôi lại chỉ biết ngủ khì chớ rượu chè một mình chán chết. Rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua... là thế đó. Nhưng chú về là phải lắm, chú đi cũng lâu rồi. Mà tôi thì nghĩ...

- Mấy bữa ăn thua gì, chỉ mấy bữa thôi mà, tôi lên ngay đó...

- Ủa, chú còn lên làm gì, bây giờ là lúc chú phải về rồi chứ? Chả gì chú cũng lớn rồi. Bà cụ lại bảo chú về thì phải ở dưới đó trông nom mẹ chứ, rồi còn lập gia đình, vợ con...

lông bông lang bang mãi thế này được à, tôi không chịu được như thế mãi đâu...

- Ờ thì vậy đó...

- Thế chú có được tin gì về người vợ trượt của chú không? Cái cô vợ mà bà cụ bắt chú lấy đó. Kể chú cũng ương thật chứ không phải chơi, chuyện như thế mà cũng bỏ đi...

- Không bỏ đi thì ông bảo tôi ở làm cái gì mới được chứ? Sống như vậy với người mẹ và các em mình, một thứ nhục hình...

- Thế ra không phải chuyện vợ con à? Chú lại bịp cả tôi rồi. Sao chú vẫn bảo gia đình chú êm ấm lắm, một gia đình ít có, nào là dòng dõi một gia đình nền nếp có học, dù sa sút, cha mất sớm vẫn giữ được gia giáo, chịu đựng nuôi con thờ chồng khác hẳn những người đàn bà khác. Hóa ra lại không phải như thế. Nuôi được những người con lớn như chú đâu phải chuyện dễ... Rồi chú rời đi cũng không phải là ý muốn của mẹ chú muốn cho chú một nghề tự do, một nếp sống tự lập... Hóa ra chú muốn quên những điều ở đó, chú muốn lừa cả chú...

- Cũng có thể mà cũng không có thể...

- Chú nói chi lạ vậy? Chú say rồi đấy à?

- Tôi muốn say lắm chứ, nhưng chưa bao giờ có thể say được, dù là một lần. Ông mà lại còn tưởng gì nữa. Những đứa con bỏ nhà mà đi đâu phải là một câu chuyện giản dị như thế. Có đứa con nào mà muốn rời khỏi gia đình, nếu nó được sống một cuộc đời yêu thương thân thiết đùm bọc? Họa chăng là những đứa con hư đốn ăn cắp tiền cha mẹ, đĩ tính theo trai, theo gái... những hạng đó không phải là tôi. Nhưng vẫn có những người có yêu cha mẹ mà vẫn phải rời xa cha mẹ vì hoàn cảnh người chung quanh đó nữa. Tôi đi là thế.

Ông Hai với chiếc bình rót rượu nhưng rượu không còn đầy bát, ông cầm lấy miệng bình liệng vào vách nhà, tiếng vỡ chát chúa làm Thạch giật mình.

- Ngụy biện, ngụy biện, tôi nghe hoài những luận điệu như thế rồi, tôi chán lắm, lại thêm một trường hợp bất hạnh nữa...

Thạch nhớ lại những điều đã nói với ông Hai, những điều chàng tạo ra, để cho chính chàng, để cho chàng có một gia đình êm ấm trong tưởng tượng, và một quá khứ có thể nhắc nhở được, nhưng đó chỉ là một bề mặt, còn trong tâm tâm chàng vẫn thấy những uất ức thù ghét nhen nhúm như mồi lửa trong lò thép...

- Vậy mà tôi vẫn tưởng...

- Tưởng gì. Tôi về có thằng bỏ mạng là thế đó. Ông không thể hiểu được đời sống chúng tôi.

- Một thằng anh em, tôi nói ra thì ông cũng không biết thế nào, đó là chuyện của tôi.

- Lại thêm một trường hợp bất hạnh nữa hay một thảm kịch?

- Ông thử đặt ông vào trường hợp tôi xem?

- Lại thêm chú nữa? Có mà tôi điên.

Ông Hai muốn đứng dậy nhưng hai chân ông run rẩy một cách thảm hại. Thạch đứng lên tựa người nơi cửa sổ ngó ra ngoài, đêm đen thẳm gió lạnh... Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng... Tôi chịu đựng mười năm trời nay rồi. Tôi mong cho dì khi chết còn có thể nhắm mắt được... tôi là một đứa vô lại, để sống với những người... Thạch muốn kiếm con dao đâm cho hắn một nhát rồi ra sao thì ra.

- Hóa ra cũng chẳng êm đẹp gì, nhưng chí có thương mẹ chú không?

- Tôi muốn hỏi ông như thế?

- Tôi thì khinh.

- Tôi thì không. Tôi vẫn nhớ và thương mẹ tôi. Nhưng tôi không thể sống với mẹ tôi được.

- Ít ra mẹ chú cũng còn có điều để cho chú có thể thương được. Tôi thì tôi khinh. Cho tới bây giờ vẫn thế, có khi tới chết nữa. Bố tôi là một anh kéo xe cho tên tri huyện, chẳng hiểu sao mẹ tôi lại đi làm hầu cho tên tri huyện đó, bỏ tôi lại cho bố tôi. Nghĩ mình là một tên kéo xe nhưng ít ra cũng có liêm sỉ của một thằng kéo xe, thấy vợ mình làm nhục không thể nào chịu được. Bố tôi đâm chết cả hai đứa một lần rồi vào tù. Chỉ khổ cho tôi thôi... Thật tôi không có gì để nhớ hay đáng nhớ hết.

truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.