CÔNG CHÚA NHỎ - CHƯƠNG 19 - A LITTLE PRINCESS - FRANCES HODGSO BURNETT - TRUYỆN THIẾU NHI

CÔNG CHÚA NHỎ

Tác giả: Frances Hodgso Burnett
Thể loại: Truyện thiếu nhi, Tiểu thuyết thế giới 

CHƯƠNG 19:  NGƯỜI ĐÀN ÔNG ẤN ĐỘ (1)

Thật nguy hiểm cho Emengade và Lottie khi tiếp tục những chuyến hành hương lên phòng áp mái. Chúng chẳng bao giờ có thể biết chắc chắn lúc đó Sara có ở trên đó không và cũng chẳng thể nào biết chắc rằng liệu cô Amelia có đi kiểm tra các giường vào ban đêm sau khi học sinh đã đi ngủ rồi không. 

Chính vì vậy chúng ít khi dám lên trên đó nên cuộc sống của Sara càng cô đơn và xa lạ với thế giới xung quanh. Mặc dù chẳng có ai để trò chuyện và khi bị sai đi ra ngoài làm những việc vặt, cái thân hình bé nhỏ đáng thương ấy bước đi xiêu vẹo trên đường phố với một giỏ trên vai, một tay cố giữ cho chiếc mũ khỏi bay đi mỗi khi trời nổi gió. Đôi giày ướt sũng mỗi khi trời đổ mưa. Đứng giữa đám đông vội vã chạy trốn mưa xung quanh mình, em càng thấy cô đơn hơn. 

Khi còn là công chúa Sara, ngồi trên chiếc xe độc mã hoặc đi dạo các phố cùng với cô hầu Mariette, Sara trông thật lộng lẫy, xinh đẹp trong bộ váy áo sang trọng, mọi người đều phải ngoái lại nhìn. Một đứa bé xinh đẹp và được chăm sóc chu đáo cẩn thận bao giờ cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Còn những em bé ăn mặc rách rưới, tiều tụy thì nhan nhản và cũng chẳng đủ xinh đẹp để mọi người phải chú ý đến và bố thí cho chúng những nụ cười. Giờ đây chẳng ai còn để ý đến Sara nữa khi em vội vã đi trong đám đông trên các vỉa hè. Sara đang ở cái tuổi lớn rất nhanh, quần áo của em chỉ vẻn vẹn có mấy bộ tầm thường mà người ta để lại vì không đáng lấy chứ không phải để cho em. Sara biết rõ rằng trông em lúc này thật kỳ cục, lạ lùng. 

Những gì đáng giá của em đều bị người ta tước đoạt mất, những gì còn lại chắc em phải mặc cho đến khi nào không thể chui vào được nữa mới thôi. Thỉnh thoảng em đi qua các cửa hàng có cửa sổ sáng trưng, em thường nhìn vào những căn phòng ấm áp và tự giải trí bằng cách tưởng tượng ra quang cảnh mọi người ngồi bên cạnh lò sưởi hay bên cạnh bàn trà. Em rất thích được ngắm nhìn bên trong những căn phòng trước khi các cánh cửa sập xuống. 

Có rất nhiều gia đình sống ở khu quảng trường cạnh nhà cô Minchin và em đã làm quen với các gia đình đó theo cách riêng của mình. Em đặt tên cho gia đình em thích nhất là “Gia Đình Lớn”. Em gọi như vậy không phải vì tuổi của những người trong nhà đã nhiều mà vì số người trong gia đình quá nhiều. Tất cả có tới tám đứa trẻ. Cả bố và mẹ đều mập mạp, má lúc nào cũng đỏ au. Bà ngoại trông cũng đậm đà, hồng hào. Trong nhà còn có rất nhiều người giúp việc. Lũ trẻ con thường được dẫn ra ngoài chơi, đi dạo bộ hoặc được ngồi trong những chiếc xe nôi do mẹ và các người hầu đẩy đi thật thoải mái. 

Thỉnh thoảng Sara lại nhìn thấy chúng chạy như bay ào ra cửa đón bố về. Chúng tranh nhau hôn bố và nhảy cỡn lên xung quanh ông và kéo tuột cả áo khoác của ông, thọc tay vào túi của ông để tìm những gói quà cho mình. Có khi đi ngang, Sara còn thấy chúng đứng nhìn ra cửa sổ, xô đẩy lẫn nhau, cười nói ríu rít. Không khí trong Gia Đình Lớn lúc nào cũng vui nhộn đầm ấm. 

Sara rất thích ngắm chúng và đặt cho chúng những cái tên riêng mà em nhặt ra từ những câu chuyện đã đọc. Em còn đặt cho họ một cái tên chung là Montmorency nếu như không gọi chung là Gia Đình Lớn. Đứa bé tóc vàng với chiếc mũ lưỡi trai được gọi là Ethelberrta Beauchamp Montmorency, bé tiếp theo là Violet Cholmondeley Montmorency, cậu bé con, mới chỉ biết đi lẫm chẫm và có cặp giò mũm mĩm được Sara đặt cho cái tên là Sydney Cecil Vivan Montmorency, rồi đến Lilian Evangeline Maud Marion, Rosalind Gladdys, Guy Clarence, Veronica Eustacia và cuối cùng là Claude Harold Hector.


Câu chuyện buồn cười và rất ấn tường đối với Sara xảy ra vào một buổi tối. Cũng có thể nó chẳng buồn cười tý nào và cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với người khác. 

Hôm đó tất cả lũ trẻ Montmorency đều đi dự tiệc dành cho trẻ em trước lễ Giáng Sinh. Đúng lúc Sara đi ngang qua cửa nhà “Gia Đình Lớn” thì lũ trẻ cũng đang ùa ra để lên cỗ xe đang đợi sẵn dưới đường. Veronica Eustacia và Rosalind Gladdys trong bộ váy trắng duyên dáng đáng yêu đã ngồi sẵn trong xe, còn cậu bé Clarence trạc năm tuổi đang lũn tũn chạy theo. Cậu bé thật dễ thương với đôi má trái đào, cặp mắt xanh biếc, cái đầu tròn vo cùng những lọn tóc quăn ngộ nghĩnh. 

Sara mải ngắm lũ nhỏ đến nỗi quên cả ngoại hình xấu xí của mình với chiếc áo khoác ngoài cũ kỹ và chiếc giỏ trên tay, hay nói đúng hơn là quên tất cả mọi thứ mà chỉ đứng sững ra nhìn chằm chặp vào cậu bé. Em dừng hẳn lại đứng nhìn hồi lâu. 

Vào dịp lễ Giáng Sinh, lũ trẻ trong Gia Đình Lớn đã nghe rất nhiều chuyện về những đứa trẻ khốn khổ không cha không mẹ, để cho chúng những món quà nho nhỏ vào những chiếc tất của chúng hoặc đưa chúng đi xem những vở kịch câm. Những đứa trẻ đó bao giờ cũng được mô tả là xanh xao, gầy guộc và đói khát. 

Trong những câu chuyện như vậy thường thì những người tốt bụng, kể cả những em bé với trái tim đôn hậu khi gặp những đứa trẻ nghèo như vậy thường cho chúng tiền, những món quà giá trị hoặc đưa chúng về nhà thết chúng một bữa thịnh soạn. Ngay lúc chiều thôi, Guy Clarence đã bị xúc động đến chảy nước mắt vì đọc một câu chuyện tương tự và cậu quyết chí phải tìm được một bạn nhỏ như vậy để cho bằng được đồng sáu xu mà cậu đang có. Với ý nghĩ thơ ngây cậu cho rằng đồng sáu xu của mình sẽ giúp được người bạn nghèo đó cả đời và được sở hữu một đồng sáu xu đã có thể cho là giàu có hoặc còn hơn thế nữa.

 Khi Rosalind Gladdys trèo lên xe, ngồi phịch xuống để cảm nhận được độ êm của chiếc đệm lò xo của chiếc ghế đang nhún nhảy dưới mông thì cũng là lúc cậu bé Guy Clarence đang đi trên tấm thảm đỏ trải từ trong nhà ra nơi đỗ xe với đồng sáu xu trong túi, thấy Sara đứng trên vỉa hè quần áo ướt át, tiều tụy với chiếc giỏ trên vai đang nhìn cậu có vẻ đói khát.

Cậu bé nghĩ ngay là cặp mắt đói khát như vậy thì chắc chắn đã lâu lắm rồi Sara chưa có gì ăn. Cậu làm sao có thể hiểu được là Sara đang khao khát sự ấm cúng tươi vui của một mái nhà, khao khát sự tươi vui toát ra từ khuôn mặt thơ ngây ngộ nghĩnh của chính cậu. Sara ước được ôm lấy cậu vào lòng mà hôn hít như đứa em trai của mình vậy. Cậu bé chỉ đơn giản hiểu sự nghèo đói của Sara qua cặp mắt to, vẻ xanh gầy cùng đôi chân khẳng khiu, và quần áo rách rưới của em và ngay lập tức thò tay vào túi, cậu bé móc ra đồng sáu xu và tiến lại gần Sara với vẻ nhân từ và hào hiệp.

“Hãy nhận lấy đi cô gái tội nghiệp.”

 Cậu bé nói và chìa đồng sáu xu ra. 

“Đây là đồng sáu xu, tôi tặng chị đấy.”

Sara hơi ngỡ ngàng và ngay lập tức cô nhận ra trông cô giống hệt những đứa trẻ nghèo khốn khổ mà chính mình đã từng nhìn thấy trong những ngày còn sống trong cảnh nhung lụa. Chúng cũng đứng trên vỉa hè nhìn Sara ngưỡng mộ mỗi khi em bước lên cỗ xe của mình. Và chính em cũng đã từng nhiều lần cho những đứa trẻ khốn khổ đó những đồng xu của mình. Sara thật bối rối, mặt đỏ bừng rồi lại tái nhợt, trong giây lát em nghĩ mình không thể nhận được đồng sáu xu của cậu bé đó.

“Ôi, không, không đâu!”

 Sara nói.

 “Tôi không nhận được đâu, xin cám ơn.”

Giọng nói của em hoàn toàn khác với cách cư xử của những đứa trẻ lang thang bình thường khác trên đường phố và dáng điệu cử chỉ của em giống hệt của những đứa trẻ được chăm sóc giáo dục cẩn thận đến nỗi Veronica Eustacia mà tên thật là Janet và Rosalind Gladdys tên thật là Nora phải ngoái cổ ra để nghe.

Nhưng Guy Clarence không dễ gì từ bỏ lòng nhân từ của mình, cậu dúi ngay đồng xu vào tay Sara.

“Chị phải nhận lấy đi, cô gái tội nghiệp ạ.”

 Cậu bé khẩn khoản nài nỉ. 

“Chỉ có thể mua cái gì đó để ăn, những sáu xu cơ mà!”

Giọng nói và gương mặt cậu bé thánh thiện và chân thành đến nỗi cuối cùng Sara cũng không thể từ chối được nữa vì sợ làm tổn thương đến trái tim nhân hậu đó. Sara hiểu rằng nếu em quá tự cao không nhận đồng sáu xu đó sẽ là một hành động rất tàn nhẫn đối với cậu bé ngây thơ kia và cuối cùng em đã phải cất lòng tự trọng vào túi để nhận đồng xu từ tay cậu mà hai má nóng ran vì xấu hổ.

“Cảm ơn nhiều,” 

Sara nói. 

“Em mới thật đáng yêu làm sao.” 

Khi cậu bé trèo lên xe vui vẻ rồi Sara vội bỏ đi ngay, cố gượng cười mặc dù hai mắt cay xè, thở hổn hển. Sara rất hiểu rằng trông mình thật kỳ quặc và tiều tụy nhưng cho đến tận lúc đó em vẫn không nghĩ rằng người ta lại có thể nghĩ em là một kẻ ăn xin.

Cỗ xe của Gia Đình Lớn chuyển bánh trong tiếng nói cười ríu rít đầy mãn nguyện của lũ trẻ.

“Donald này,” (Donald là tên thật của Guy Clarence) 

Janet bật hỏi.

 “Tại sao em lại cho cô bé đó đồng sáu xu của mình? Chị dám chắc cô bé đó không phải là người ăn xin!”

“Cách nói, nét mặt và điệu bộ của cô ấy đều không giống kẻ ăn xin chút nào cả!”

 Nora nhận xét. 

“Hơn nữa cô ấy có xin đâu.”

 Nora phụ họa.

 “Chị sợ rằng cô ấy sẽ trách em đó. Người ta sẽ phật lòng khi bị coi là kẻ ăn xin nếu như họ không phải như vậy.”

“Cô ấy có khó chịu đâu.” 

Donald phản ứng quả quyết.

 “Cô ấy còn cười một chút và còn khen em là cậu bé tốt bụng, đáng yêu nữa mà. Đúng là em tốt bụng mà, em đã cho cô ấy tất cả sáu xu mà em có được.”

Janet nhìn Nora và khẳng định: 

“Một đứa ăn xin chẳng thể nào nói được những lời như vậy, chắc chắn nếu là kẻ bần hàn cô bé ấy sẽ nói cám ơn một cách vội vàng và nhận ngay lấy đồng xu đó.”

Sara chẳng hiểu những gì xảy ra sau khi em đi khỏi nhưng từ đó trở đi Gia Đình Lớn ngày càng trở nên gần gũi gắn bó với em hơn cứ như em là một thành viên trong gia đình đó vậy. Hàng ngày mỗi khi đi ngang qua em luôn nhìn thấy những khuôn mặt đáng yêu qua cửa sổ và ngược lại trong Gia Đình Lớn cũng luôn xảy ra những cuộc bàn cãi về Sara khi cả nhà ngồi quây quần quanh lò sưởi.

Một hôm Janet phỏng đoán:

 “Hình như cô ấy là người giúp việc tại trường dòng. Cô ấy chắc mồ côi và chẳng thuộc về ai cả nhưng chắc chắn không phải là người ăn xin mặc dù trông cô ấy rất rách rưới.”

 Thế rồi bầy trẻ quyết định gọi Sara là “cô gái nhỏ không phải là người ăn xin”.

 Cái tên thật dài dòng và có vẻ buồn cười, nhất là khi đứa em út nói một cách vội vàng ngọng nghịu.

Sara luồn sợi dây vải đã cũ qua cái lỗ của đồng xu và đeo vào cổ, tình cảm của em đối với Gia Đình Lớn cũng như những gì xung quanh mà em có thể yêu đều tăng lên. Càng ngày em càng cảm thấy thương yêu Becky nhiều hơn và em cũng rất mong đợi những giờ học tiếng Pháp vào hai buổi sáng trong tuần khi đó em có thể gặp được lũ trẻ nhỏ và dạy chúng học. Tất cả những học sinh nhỏ của Sara đều rất quý mến em, tranh nhau đứng cạnh để luồn bàn tay nhỏ xíu của mình vào bàn tay khẳng khiu của Sara.

Điều đó cũng an ủi trái tim khát khao tình cảm của Sara phần nào và em cảm thấy như chúng gửi gắm niềm tin và muốn ẩn náu nơi mình. Sara cũng trở nên gần gũi vời bầy chim sẻ đến nỗi mỗi khi em đứng lên trên bàn thò đầu ra ngoài gọi thì ngay lập tức lũ chim vỗ cánh, rào rào bay lại cùng với tiếng đáp ríu rít của chúng. Thế là chúng ào tới, cả bầy sinh vật nhỏ bé vui sướng trò chuyện với Sara và lượm những mẩu bánh em vãi ra. Còn Melchisedec thì quá thân thiện với Sara nên thỉnh thoảng còn mang theo cả vợ hoặc một hai đứa con đi theo. Sara hay trò chuyện cùng Melchisedec và ở góc độ nào đó nó có vẻ như hiểu hết những điều Sara nói.

Sara dành một tình cảm đặc biệt đối với Emily, con búp bê duy nhất em còn giữ lại được. Thế nhưng lúc nào nó cũng chỉ có ngồi im lặng nhìn mọi việc xảy ra xung quanh mình. Tình cảm đó trỗi dậy mỗi khi em thấy tuyệt vọng. Sara rất muốn tin rằng hay cố tin rằng người bạn đồng hành duy nhất của mình nhất định phải hiểu và thông cảm với mình chứ không phải chỉ là con búp bê vô tri vô giác.


 Sara thường hay đặt Emily vào ghế rồi ngồi đối diện để tưởng tượng ra bao điều nhất là vào buổi tối khi mọi vật đã chìm vào màn đêm tĩnh lặng, thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng sột soạt và tiếng kêu chít chít của gia đình Melchisedec vọng ra từ trong tường. Trong sự tưởng tượng của mình Sara coi Emily như là một phù thủy tốt bụng có thể bảo vệ được mình. 

Thỉnh thoảng sau khi ngồi nhìn chằm chặp vào Emily rất lâu với biết bao suy nghĩ trong đầu, có thể nói em đã đi đến đỉnh cao của trí tưởng tượng của mình. Sara nghĩ mình có thể hỏi Emily rất nhiều điều, thế rồi em đặt ra những câu hỏi, tự trả lời và coi đó là cách trả lời của Emily. Thực tế Emily chẳng bao giờ có thể trả lời được và Sara lại tìm cách an ủi chính mình bằng cách nói thay Emily.
truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.