PHONG THẦN DIỄN NGHĨA - CHƯƠNG 15 - HỨA TRỌNG LÂM
PHONG THẦN DIỄN NGHĨA
Tác giả : Hứa Trọng Lâm
Thể loại: Truyện Lịch Sử
Thể loại: Truyện Lịch Sử
Ba vị Tổng trấn chư hầu thấy vua chẳng xem sớ, cứ việc truyền
chém Khương Hoàng Sở, vội vã quì tâu:
- Chúa là đầu não, bầy tôi như kẻ tay chân. Bệ không xét lẽ
phải trái, chém trung thần như chém kẻ thù nghịch, chúng tôi e trăm họ không phục
mà sanh biến chăng? Xin Bệ hạ xét lại.
Tỉ Can liền trải tờ sớ ra trước mặt Trụ Vương. Trụ Vương cực
chẳng đã phải xem.
Tờ sớ viết:
"Chúng tôi đâng sớ là Ngạt Sùng Võ, Cơ Xương, Sùng Hầu Hổ,
cúi đầu trước bệ, cúi xin Bệ hạ nhận lời ngay.
Lời xưa ví: Vua Thánh trị thiên hạ chăm lo việc nước, gần người
hiền, xa kẻ dữ chẳng chuộng lâu đài, không ham tửu sắc.
Vua Thuấn, Vua Nghiêu nhờ noi đức ấy mà thiên hạ thái bình.
Ðến nay Bệ Hạ nối ngôi, chưa từng làm việc chính, lại chuộng
sắc, gần gian tà, trong thì giết vợ hại con, ngoài làm Bào Lạc hại tôi trung.
Vợ con và tôi thần đều là người gần gũi Bệ hạ, coi như tay
chân Bệ Hạ, bệ hạ nỡ chặt bỏ đi tất nhiên Bệ hạ phải suy yếu,
Mối nước mỗi ngày một lầm than. Kẻ nịnh xúi Bệ Hạ làm những
việc đó tức là đã dụng tâm đưa Bệ Hạ vào con đường bệnh hoạn để chúng một ngày
kia thu đoạt giang san. Mong bệ hạ tỉnh ngộ, tự sửa mình, xa rời tửu sắc, giết
Ðắt Kỷ, chém đầu Bí Trọng, Vưu Hồn, để mắt khỏi thấy loài dâm dục, tai khỏi
nghe tiếng sàm tấu nịnh thần. Ðược vậy giang sơn sẽ vững bền mãi mãi, Chúng tôi liều mình nói thẳng, xin Bệ Hạ xét lại."
Vua Trụ xem xong tờ sớ nổi giận xé nát, ném luống đất hét lớn:
- Quả là một lũ gian thần, đùa theo đảng nghịch. Võ sĩ đâu,
đem chém đầu hết cho Trẫm.
Trong bốn trấn chư hầu nầy có Sùng Hầu Hổ lâu nay có dính líu
với Bí Trọng, Vưu Hồn về việc tham nhũng nên không lẽ để Sùng Hầu Hổ cùng chết trong đám ấy, cho nên Vưu Hồn, Bí Trọng
vội quì tâu:
- Bốn Trấn đều xúc phạm đến uy trời, lẽ ra không được hưởng
ân huệ. Tuy nhiên, chúng tôi xét thấy Sùng Hầu Hổ mặc dầu đứng chung trong sớ,
chứ thật tình không có ý khi quân. Bằng chứng là trước đây, Sùng Hầu Hổ đã trải
lòng ngay giúp nước, cất lầu Trích Tiên, lập cung Thọ Tiên, công đức cao dày,
khó nhọc biết bao. Nay chỉ vì nói xuôi theo các trấn mà phạm tội chết, nghĩ
cũng oan tình, xin Bệ Hạ xét lại từng người để tha cho Sùng Hầu Hổ. Nếu trắng
đen không phân biệt, ngọc đá đều đem đốt một lần kẻ có công cũng như người có tội,
chẳng hóa ra Bệ Hạ bất minh sao? Xin Bệ Hạ tha chết cho Sùng Hầu Hổ để đoái
công chuộc tội sau này.
Trụ Vương nói:
- Cứ theo lời hai khanh tâu thì Sùng Hầu Hổ là kẻ có công với
triều đình. Vậy tha chết cho Sùng Hầu Hổ, còn ba trấn kia khi mệnh trẫm, truyền
xử hình lập tức.
Hoàng Phi Hổ, Tỉ Can, Vi Tử, Cơ Tử Vi Tử Khải, Vi tử Ðiền Bá
Di và Thúc Tề đều quì xuống một lượt
Tỉ Can thay mặt tâu:
- Khương Hoàng Sở trấn bên Ðông Lỗ công trận rất nhiều, nếu bắt
tội thí quân thật là oan ức, vì không có bằng cớ nào cả. Còn Cơ Xương dạ thẳng
lòng ngay, một lòng thờ chúa, nhân đức trải khắp miền, ai ai cũng đều cảm mến.
Ðến như Ngạt Sùng Võ thân trải đao binh biết bao trận vào sanh ra tử để bảo vệ
nhà Thương, một cõi phương Nam bình yên lạc nghiệp. Ba người đều có công lớn với
triều đình như vậy xin Bệ Hạ ra ơn tha chết để thiên hạ khỏi dị nghị là Bệ Hạ bất
minh.
Trụ Vương nói:
- Khương Hoàng Sở làm phản, Cơ Xương và Ngạt Sùng Võ đều phạm
tội mắng vua, hai tội ấy không tha được. Các ngươi chớ can gián nữa.
Hoàng Phi Hổ tâu:
- Khương Hoàng Sở và Ngạt Sùng Võ đều nổi danh một cõi, không
phạm tội gì. Còn Cơ Xương là bậc quân tử hiền lành mà bị giết như vậy. Tôi e thiên
hạ không phục. Vả lại, xứ Bắc giặc giã chưa yên, nay Bệ Hạ giết các vị Tổng Trấn
chư hầu ba phía nữa, thiên hạ nổi loạn. Ðông, Tây, Nam, Bắc đều có giặc, biết
làm cách nào dẹp được. Chư hầu bốn Trấn cũng hơn mấy mươi vạn, không phải chuyện
thường.
Trụ Vương nghe Hoàng Phi Hổ phân tách điều lợi hại, lại thấy
nhiều vị Ðại thần can gián, lòng cũng sợ, vội phán:
- Trẫm nghe tiếng Cơ Xương hiền đức, sao lại nghe theo đường
dữ làm gì. Lẽ ra xử tội liên can, song Trẫm vị tình các quan nên tha chết. Còn
Khương Hoàng Sở và Ngạt Sùng Võ quả là đáng nghịch, tội chết không thể bỏ được.
Các quan chớ can gián nhiều lời.
Quan Ðại phu Dao Cách và Dương Nhậm quì tâu:
- Bốn trấn đều bị một tội mà Bệ hạ tha Cơ Xương và Sùng Hầu Hổ,
còn Khương Hoàng Sở và Ngạt Sùng Võ lại không tha sao phải lẽ. Xét Khương Hoàng
Sở cũng như Cơ Xương, xưa nay không có gì thất đức, trị dân phải phép, phò chúa
một lòng. Còn tội thí vua chẳng qua là chuyện huyền hoặc, không đủ bằng cớ kết
tội được. Ngạt Sùng Võ thì dùng lời thẳng can vua. Lời xưa có nói: Vua sáng thì
tôi nói thẳng. Lấy lời thẳng mà can trước mặt vua là tôi ngay. Ðã được tiếng
tôi ngay mà bị giết sao phải. Xin Bệ Hạ nghĩ lại dung tha cả bốn Trấn chư hầu
như thế mới phải tình tôi chúa, vui vẻ trời Nghiêu.
Vua Trụ giận, vỗ án nói lớn:
- Ngạt Sùng Võ mắng vua, Khương Hoàng Sở thí chúa, không chém
đầu làm gương thì còn ai tuân phép nước. Trẫm còn thấy kẻ nào xin tội cho hai
người ấy tức là kẻ ấy đã hùa theo đảng dữ, phải tội liên can.
Thấy vua Trụ giận dữ, chẳng ai dám tâu dai. Vua Trụ truyền
đem Khương Hoàng Sở và Ngạt Sùng Võ ra hành hình lóc thịt.
Võ sĩ tuân lệnh bắt Khương Hoàng Sở và Ngạt Sùng Võ đóng đinh
lên cột, rồi lóc thịt gia hình.
Người sau có thơ điếu:
Một dòng Hoàng Sở thảy trung lương
Vua Trụ ham dâm giết thảm thương
Cả họ thác oan trời cũng xót
Hôn quân vô đạo mất nhà Thương
Sau đó Trụ Vương truyền bãi chầu. Tây Bá lạy tạ ơn các quan
đã cứu mình và khóc:
- Khương Hoàng Sở vô tội thác oan, Ngạt Sùng Võ can vua bị
chém, tôi sợ hai cõi Ðông và Nam sanh loạn.
Các quan lau nước mắt nói:
- Bây giờ chúng ta lo việc mai táng thi hài hai vị chư hầu rồi
sau sẽ tính.
Bọn gia tướng của Ðông Bá và Nam Bá thấy chúa mình bị hại đều
trốn về hết.
Tỉ Can vào đền tâu với vua Trụ:
- Xin Bệ Hạ cho chôn cất hai thây của hai vị chư hầu, và thả Cơ
Xương về nước.
Vua Trụ nhận lời. Bí Trọng hay được việc ấy vào tâu:
- Cơ Xương ngoài mặt hiền lành, song trong lòng gian, trải
chuốt ngọt lời nói để gạt các quan. Nếu tha về thế nào va cũng xui con Khương
Hoàng Sở là Khương Văn Hoán và con Ngạt Sùng Võ là Ngạt Thuận khởi binh làm loạn
để báo cừu, ấy là thả cọp về rừng, cho rong về biển.
Trụ Vương nói:
- Trước triều Trẫm đã tuyên bố tha chết cho Cơ Xương rồi, các
quan ai cũng biết. Nay lấy lý do gì mà bắt giết.
Bí Trọng nói:
- Tôi đã tính sẵn một kế, có thể trừ được Cơ Xương.
Trụ Vương hỏi:
- Cớ gì vậy?
Bí Trọng nói:
- Ngày mai thế nào Cơ Xương cũng đến lạy ngoài ngõ mà về, vì
các quan thế nào cũng thân hành đưa đón. Tôi sẽ đến trường đình dọ dẩm, nếu cơ
xương thật lòng trung nghĩa thì thôi, bằng tỏ ra bất mãn thì Bệ hạ truyền bắt lại,
giết quách cho rồi để khỏi sanh hậu họa.
Vua Trụ khen phải, ngầm sai Bí Trọng, Vưu Hồn, lợi dụng cuộc
đưa đón dò xét ý tứ của Tây Bá Hầu.
Bấy giờ Tỉ Can sau khi vào chầu vua Trụ, lén qua quán dịch
thăm Tây Bá và nói:
- Tôi vào hậu cung xin phép Thiên Tử chôn cất thi thể Ðông và
Nam Bá Hầu, nhân tiện tôi có xin cho hiền hầu về nước.
Tây Bá Hầu nói:
- Cám ơn Thừa Tướng thương tình đạy bảo, biết bao giờ tôi mới
đền bồi được ơn ấy.
Tỉ Can nắm tay Tây Bá nói nhỏ:
- Triều đình đã loạn, Thiên tử bị mê hoặc, khi không giết hại
đại thần, điềm ấy chẳng lành đâu. Ngày mai hiền hầu lạy ngoài ngõ rồi về nước
cho mau, nếu nấn ná bọn nịnh thần tìm lời dua mị, nói ra vào e bất tiện.
Tây Bá Hầu nói:
- Cảm tình Thừa Tướng dạy bảo tôi đâu dám chẳng tuân.
Sáng hôm sau, Tây Bá đến trước cửa ngọ môn, nhắm về phía ngai
lạy xong, đến trường đình, thấy mấy vị đại thần đang chờ đãi tiệc. Các quan mời
Tây Bá ngồi lại, rót rượu và nói:
- Nay hiền hầu về nước, chúng tôi xin dâng một tiệc mọn để
thưa gởi mấy lời.
Tây Bá khiêm tốn:
- Nếu có việc gì cần xin các ngài chỉ dạy.
Vi Tử nói:
- Tuy Chúa thượng vô đạo, làm mích lòng chư hầu, song hiền hầu
nên tưởng tình tiên đế cho trọn đạo vua tôi, chớ đem dạ đổi dời thì chúng tôi rất
cám ơn, và muôn dân đều may mắn.
Tây Bá bái, và nói:
- Tôi mang ơn Thiên tử tha tội, là nhờ được quí vị hết lòng bảo
vệ, ơn ấy không bao giờ quên được. Tôi nguyện suốt đời không sanh sự.
Các quan cảm mến vô cùng, thi nhau chuốc rượu, Tây Bá uống cả
trăm chung.
Kế đó có Vưu Hồn, Bí Trọng bước vào. Các quan thấy vậy không
bằng lòng, lui dần về hết.
Tây Bá nói với Vưu Hồn, Bí Trọng:
- Tôi hèn mọn không ra chi, nhọc lòng hai ông đưa đón.
Bí Trọng, Vưu Hồn nói:
- Hôm nay hai tôi bận chút việc nên đến trễ, xin hiền hầu miễn
chấp.
Tây Bá thuở nay không gần bọn nịnh, không để ý đề phòng, thấy
Vưu Hồn, Bí Trọng làm ra vẻ cúm núm, ngỡ là họ thiệt tình nên đối xử rất tự
nhiên.
Vưu Hồn hỏi:
- Tôi nghe hiền hầu có tài bói toán biết được chuyện vị lai
chẳng biết có thật linh nghiệm không?
Tây Bá nói:
- Máy âm dương rất đúng, quẻ bói không thể sai được. Tuy vậy
người nào bị tai họa mà ăn ở phúc đức thì tai họa cũng qua. Do đó nhiều lúc quẻ
không linh là tại duyên cớ ấy.
Bí Trọng hỏi:
- Khí số Bệ hạ, hiền hầu có bói giùm chưa?
Bấy giờ Tây Bá rượu đã xoàng xoàng, nên quên hai thằng nịnh
đang kiếm chuyện, nghe hỏi tới việc Thiên Tử liền nhăn mặt thở ra, than:
- Khí số Bệ hạ xấu lắm, sợ chỉ truyền được một đời này thôi.
Cuối cùng bị tai nạn khủng khiếp. Ðã vậy Thiên Tử lại làm nhiều việc thất đức,
thời gian suy vi đến càng chóng hơn nữa. Mình phận tôi con, không dám nói nhiều.
Nói rồi lau nước mắt. Bí Trọng hỏi:
- Hung tai của Bệ hạ ứng vào năm nào?
Tây Bá nói:
- Không ngoài hai mươi tám năm, tức là năm Mậu ngũ ngày Giáp
tý.
Vưu Hồn, Bí Trọng giả vờ than thở và ép rượu Tây Bá uống mãi.
Qua một lúc, Bí Trọng và Vưu Hồn hỏi:
- Hiền hầu xem giùm quẻ hai ta xem thân phận thế nào?
Tây Bá gieo quẻ ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói:
- Quẻ ứng lạ lắm!
Vưu Hồn cười và hỏi:
- Số hai đứa tôi chết về nghiệp gì mà lạ lắm vậy?
Tây Bá nói:
- Người đời có nhiều cách chết, hoặc bị các chứng bệnh, hoặc
bị nước, lửa, hoặc bị gươm đao,... Nhưng hai ông không chết vào các trường hợp
thường tình như vậy mà chết vì tuyết sa bị chôn trong giá lạnh.
Bí Trọng cười:
- Có lẽ chúng tội thuộc mạng thủy, nên chết chôn dưới tuyết
cho mát thân.
Nói rồi rót rượu mời Tây Bá uống nữa. Vưu Hồn hỏi:
- Chắc hiền hầu cũng đã xem số cho hiền hầu rồi chứ?
Tây Bá nói:
- Tôi có xem rồi. Về sau tôi già yếu, mang bệnh mà chết.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment