DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 06 - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI
DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ
Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi
CHƯƠNG 06 : VÌ SAO MÈN VỚI TRŨI LẠI TRỐN ĐƯỢC
Xóm ở chơ vơ trong cái cù lao giữa
nước, muốn vào đất liền phải qua bãi lầy và một dòng sông nhỏ. Theo thói quen ở
bãi, vả lại, đường sá đi lại diệu vợi, mọi nhà trong cù lao không mấy ai ra
ngoài, không ai nghe biết tin tức mọi nơi. Suốt ngày bàn tán quanh quẩn lúc nào
cũng vang động tiếng cãi cọ, tranh nhau đoán suông xem bao giờ thì trời mưa. Suốt
đời họ mong mưa. Bởi có mưa, đất lầy nhuyễn ra, dễ đào bới, mới được cái ăn. Cứ
điều qua tiếng lại, mỗi miệng thêm một lời, không ai nhịn ai, uồm uồm oang oang
mãi lên. Cánh này đã to tiếng thì thì phải biết là ầm ĩ. Mới có cậu ễnh ương
căng mép, phình bụng chỉ nói một câu bình thường cũng váng tai cả xung quanh rồi.
Chúng tôi vào đây, nghe loạn xạ, mà
đi một lúc chưa gặp ai. Mãi sau có anh Rắn Mòng trông thấy chúng tôi Rắn Mòng
ngoe nguẩy trườn ra - chỉ có trẻ em nhút nhát thì sợ Rắn Mòng chứ thật ra anh Rắn
Mòng hiền như cái đụn rạ, Không ai thấy anh nói bao giờ, tưởng câm, nhưng anh ấy
chỉ có tính ít nói thôi. Hàng ngày, anh Mòng vơ vẩn trên mặt nước đợi mồi. Một
Muỗi Mắt, một gã Bọ Bèo lạc tới, anh tợp ngay. Nhưng thường đợi cả tháng cũng
chẳng được cái tợp nào. Mòng đương lúc đói, mới nghe tiếng chân chúng tôi đi tới
liền bò ra. Nhưng khi thấy chúng tôi to lớn, chân càng gai ngạnh không thể là mồi
của anh thì, thì Mòng lại cúp mắt xuống, nhìn chỗ khác và trườn đi.
Sau có Nhái Bén trông thấy chúng
tôi. Nhái Bén tính nhau nhảu liền ra bảo ễnh ương đi rong khắp nơi đánh lệnh
vang vang rao cho cả làng nước biết có người lạ vào địa phận. Thế là, cả xóm lô
nhô kéo ra. Trông những cái bụng lép và nét mặt vêu vao, tôi đoán biết họ kéo
ra làm gì. Họ ra xem chúng tôi có gì cho ăn hoặc chúng tôi có phải là thức ăn
được không. Nhưng thấy chúng tôi sừng bướng, đầu mình bọc giáp sắt, chân mang
khí giới nhọn hoắt thì họ lại lờ vờ lảng dần.
Đã lâu trời không mưa, không có nước
dềnh vào xóm - nước hồ lâu mưa thì trong vắt, chỉ đẹp mắt mà không có thức gì
ăn nên dân cư trong hồ đói lắm. Bao giờ cũng vậy, sự cùng quẫn hay khiến ta
nghĩ ngợi và giận dữ. Không biết vặc vào ai. Chẳng biết trời ở đâu mà lôi xuống
bắt làm mưa - dù cho tiên sinh Cóc có được tiếng là cậu ông trời đi chăng nữa
thì cũng đành chịu, cho nên họ đâm ra nóng tính, động một tí cũng cáu kỉnh, bực
tức ầm cả lên. Trong xóm không lúc nào dứt tiếng chửi vã. Nhà này đòi nợ nhà
kia, chỗ này bàn, chỗ kia tán, inh ỏi những uôm oạp, những kèng kẹc ngày đêm
không bao giờ ngớt, bởi vì không biết giải quyết thế nào.
Thấy chẳng ăn thua gì, mấy anh nọ lảng
đi như Rắn Mòng. Chỉ còn đôi ba bác Cóc ngẩn ngơ đứng lại. Một Cóc tóp tép miệng,
như tợp được mồi, vờ nhai cho đỡ thèm. Một Cóc khác bước ra, cất lên một giọng
rất văn vẻ ( Cóc vẫn nổi tiếng thầy đồ, thầy đồ Cóc trong tranh Tết ):
- Hà cớ mà nhị vị tráng sĩ du nhàn
qua bản thôn?
Rõ chán, nói chữ mà chưa chắc đã biết
nghĩa, tôi bấm bụng nhịn cười thầy đồ Cóc rồi dùng cái khoa giao thiệp hoa mỹ
khôi hài đó đáp đùa lại:
- Thưa tiên sinh, chúng tôi đi du lịch.
- Kèng kẹc! Du lịch! Kèng kẹc! Du lịch!
Vậy bỉ phu xin hỏi nhị vị tráng sĩ, nhị vị xưa rày là tay dọc ngang nào biết
trên đầu có ai, thế thì chắc nhị vị phải nghe tiếng từ lâu rằng bỉ phu mặc dầu
thanh bạch ở hang dưới đất nhưng bỉ phu là cậu thằng Trời đấy! Nhị vị qua chơi
nhiều nơi trên hoàn cầu, nhị vị có gặp thằng cháu "trời đánh thánh vật"
nhà tôi ở đâu không?
Trũi mỉm cười, dùng càng hích tôi một
cái. Tôi nháy, ý bảo phải nghiêm một chút, gặp đứa dở hơi thì cũng cứ liệu lời
cho qua chuyện mới được. Tôi bèn lấy điệu vuốt râu tưởng tượng, làm vẻ đứng đắn
trả lời rằng:
- Thưa tiên sinh, chúng tôi có gặp
ông Trời.
- Kèng kẹc! Rất tiếc! Kèng kẹc! Rất
tiếc không được tương kiến trước. Thế thì nếu như từ nay về sau nhị vị tráng sĩ
có còn gặp nó thì hỏi nó cho bỉ phu rằng: Vì lẽ gì mà lâu nay bản thôn không có
nước mưa? Cái thằng "trời đánh thánh vật" cháu tôi mê mải tổ tôm xóc
đĩa ở đâu mà không biết suốt đêm cậu Cóc nó phải nghiến răng kèng kẹc đến nỗi
đâu đâu cũng nghe như tiếng trống đăng văn ấy chăng, đến đỗi cậu nó đã nghiến
mòn hết cả răng rồi đấy chăng?
Suýt nữa tôi bật cười thành tiếng.
Giỡn chơi thế chứ nào tôi biết cái lão Trời "trời đánh thánh vật" ấy ở
mô tê! Tôi còn đương bụm miệng nhịn cười, nhưng Trũi đã ngứa tai không giữ nổi
vai kịch, bỗng choang một câu:
- Trời với đất, cậu với cháu, chỉ vớ
vẩn! Nói thẳng thừng là muốn ăn mà chỉ ngửa tay thế thì kêu đến sái cổ, gãy
răng, gãy hàm nữa cũng chẳng quả sung nào rụng trúng vào mồm đâu.
Cóc còn đương ngơ ngác nghe chưa thủng
câu nói mỉa mai của Trũi, tôi đã chen vào, át đi, tôi cung kính, lễ phép nói
to:
- Thưa tiên sinh, tôi nhớ ra rồi,
tôi nhớ dù chưa được tiên sinh dặn thế, chúng tôi cũng đã có tâu hỏi việc lâu
nay sao hạ giới không mưa. Ông Trời ông ấy cứ xua tay nhăn mặt mà rằng hồi này
tôi mắc bận, chưa mưa được, chưa mưa, bận lắm lắm. Việc ông Trời là việc làm
mưa mà ông ấy lại kêu mắc bận, chẳng hiểu bận gì, tôi cũng chẳng hiểu ra sao cả,
nhưng không dám hỏi nữa.
Tôi nói thế, Cóc ta đã kêu kèng kẹc
vẻ mãn nguyện, ầm ĩ:
- Bỉ phu hiểu rồi! Hiểu rồi! Hiểu rồi!
Thế ra cháu nó bận quá đến nỗi quên cả cho cậu nó uống nước. Cháu nó bận quá!
Có thế chứ! à ra thế! Thảo nào!
Cóc cứ dấm dớ lý sự và lẩm nhẩm một
mình nghĩ, một mình nói thế trong khi cả đàn cóc nhô nhốp nhảy ra lại nhảy vào,
vừa kèng kẹc, vừa gật gù: Có thế chứ, à ra thế! Thảo nào! Tự an ủi mình bằng
câu chuyện tầm phơ của tôi. Các cậu cóc chỉ quanh quẩn xó hang mà khoái cái oai
hờ "con cóc là cậu ông trời" là như thế.
Chúng tôi nhắm mắt, nhắm mũi lại
lăn ra cười. Đến khi mở được mắt, không thấy Cóc đâu nữa chỉ thấy đi tới một
chàng Nhái Bén gầy, lêu đêu cao, hai cái đùi bé quắt mà dài quá nửa thân mình.
Bộ quần áo thể thao của Nhái Bén bó sát người, cứ so le, xộc xệch, càng có cảm
tưởng như cái cẳng chân nó dài thêm ra. Chúng tôi lại toan cười. Nhưng mặt Nhái
Bén vốn nhợt bây giờ nghiêm xám hẳn lại. Tôi im. Tôi ngờ có điều gì đây.
Quả thật. Lão Cóc có tính khuyếch
khoác chứ không phải lão Cóc là cục đất mà ai chửi vào mũi lão cũng được! Còn
có câu ví "gan cóc tía" cơ mà. Lão cũng thâm lắm, cho nên sự chế giễu
và nhạo báng lão của chúng tôi không qua nổi ý tứ lão, đến lúc chúng tôi nhắm mắt
lại cười vào mũi lão như thế thì lão cáu lắm, và thành cái kết quả ngay là các
lão đi khắp xóm là có kẻ trộm vào xóm.
Nháy mắt, Nhái Bén nhảy thoắt đến
trước mặt, nói:
- Đại vương ếch có lệnh đòi.
Chúng tôi theo Nhái Bén đến dưới một
búi cúc tần ẩm thấp, nhớp nháp, trông vào thấy ếch chồm chỗm ngồi vênh mõm trên
viên gạch vuông như kiểu ngồi trên sập, ra điều uy nghi lắm. Đôi mắt lồi nghiêm
nghị của lão ta cứ giương trừng trừng. Hai khoeo chân trước khoảnh ra, đôi chân
sau xếp tè he lại. Ngực và bụng trắng bóng giống lối cổ áo thầy kiện, cứ phập
phồng đưa lên đưa xuống lấy hơi sắp nói, nhưng mãi chẳng thấy nói gì. Đặc biệt
trên gáy lão ra điểm mấy miếng xanh ở cổ áo và lưng áo như hạt cốm. Bởi thế,
lão cũng có tên là ếch Cốm.
Và có lẽ trong hoàn cảnh đói kém
này, lão cậy mình còn to béo khoẻ mạnh nhất vùng nên lão xưng là đại vương, đại
vương ếch Cốm! Với chúng tôi, đại vương hay là cái gì thì cũng chẳng bận tâm,
qua câu chuyện tôi chỉ có nhận xét tính lão cũng hệt bọn đồ cóc đã dốt lại còn
hay khoe chữ, còn cái tính khoác lác của ếch thì một tấc đến trời, hơn Cóc nhiều.
Chuyện với anh nói khoác nó chỉ biết nói cho nó nghe và không biết nghe ai nói
cả, cứ tức anh ách như bị bò đá.
Ếch cốm hỏi ( hay nói cũng không rõ
).
- Chúng bay sang buôn ngọc bên vùng
Rùa Rùa trong chân núi...
Tôi đáp:
- Thưa, tôi...
- Biết rồi, ta biết rồi, đây vào đến
vùng Rùa Rùa còn xa một phiên chợ. Ngày trước ta đã...
Trũi sẵng tiếng ngắt lời:
- Không, tôi không đến vùng Rùa
Rùa!
- Ta biết rồi... Ngày trước ta đã
vào chơi vùng Rùa Rùa trong chân núi ấy...Ngày trước ta...Ngày trước ta...Ngày
trước ta...
Nói có mấy câu thì đầu đuôi câu nào
cũng "ngày trước ta..." và "ta biết rồi...". Nên cho anh
chàng khuếch khoác này thêm cái biệt hiệu là anh "ngày trước ta" hay
anh "biết rồi". Cái lão đại vương ếch Cốm này chẳng biết cóc gì nhưng
cái gì cũng nói trước, mình chưa nói hết câu nó đã nói nốt câu mình nói, cái gì
cũng tỏ vẻ biết, và cái gì ta cũng giỏi. Bây giờ tôi mới rõ câu tục ngữ "ếch
ngồi đáy giếng" thế mà thâm và ý nghĩa sâu.
Không ai chịu được những anh đã dốt
lại hay tự đắc và dở hơi. Trũi có tính nóng nảy. Thấy trái tai, Trũi cãi phăng,
nói phăng. Rồi muốn ra sao thì ra!
Trũi văng một câu:
- Này ông hỏi chúng tôi, chúng tôi
đã trả lời đâu mà ông biết được, ông chẳng biết cóc gì hết! Ông là ếch ngồi đáy
giếng, ếch ngồi đáy giếng chỉ trông thấy mẩu trời trong miệng giếng đã tưởng
nom thấy cả vòm trời! Ha ha! ếch ngồi đáy giếng. Hôm nay mới thấy thật ếch ngồi
đáy giếng.
Ếch cốm tức quá, hét ầm ỹ đuổi
Trũi, Trũi điềm nhiên giơ càng. ếch Cốm không dám xông đến. Chúng tôi không chạy,
cũng không nói, chúng tôi ung dung đi ra. Làm vẻ ngông nghênh cũng không tốt,
nhưng lúc ấy chúng tôi thú vị như thế đấy.
Ếch cốm gọi cả xóm lại, bàn cách nện
chúng tôi. Nhưng buồn cười thay, xóm này mới chỉ rỉ tai bàn bí mật mà đi tận xa
xa cũng nghe tiếng uôm oạp. Nói thế này, thế nọ, cứ ầm ỹ rối xoè. Ai cũng kêu
là ghét hai thằng lếu láo, giá thấy mặt bây giờ thì phải đánh cho chúng mấy
đánh. Những quân lang chạ ở đâu đến rõ bọn đầu trộm đuôi cướp. Phải vặn cổ nó
xuống, tức lắm, phải nện cho chúng nó một trận nhừ tử.
Ếch cử ễnh ương và Chẫu Chàng đi
đánh chúng tôi, cả hai anh chàng cùng nhăn nhó là có bệnh đau bụng kinh niên. ếch
bảo Cóc. Đáng lẽ Cóc phải hăng hái đi nhất thì Cóc trả lời rằng với chúng tôi,
Cóc là chỗ quen biết, xưa nay có giao thiệp, vả chăng, đã là thầy đồ nho nhã biết
ngậm cái bút lông mèo thì không bao giờ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như kẻ tầm
thường. Đến lượt Nhái Bén, Nhái Bén ngoẹo mình, giơ mạng sườn, làm hiệu và kiếu:
tôi gầy lắm, đứa nào thổi mạnh một cái tôi cũng ngã huống chi chúng nó những
hai đứa... Rắn Mòng khước mình vừa lột, xương cốt mình mẩy còn mỏng manh lắm,
chưa làm việc nặng được.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment