DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 07 - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI
DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ
Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi
CHƯƠNG 07 : TRANH HÙNG VỚI VÕ SĨ BỌ NGỰA
Đến khi cả bọn Cóc, ễnh ương, Nhái
Bén, Chẫu Chàng, Rắn Mòng đồng thanh cử đại vương ếch cốm hãy tạm rời cái mà ếch
mùa đông ở bờ đầm nước và cái sập gạch kiên cố ấy, bước ra, đi trước, bọn họ sẽ
theo sau trợ chiến thì ếch cốm ra phồng bụng, phồng mép, trố mắt, quát:
- Như ta đây đường đường một đấng
trượng phu hai nhãi ấy chưa đáng mặt đọ sức với ta...
Rút cuộc, ai về nhà nấy và lại làm
công việc hàng ngày của mình. Mòng và Cóc đi rình muỗi. Nhái Bén leo cây. Chẫu
Chàng hát nghêu ngao. Những kẻ khác thì ngồi than vãn, khóc lóc hoặc cãi vã
nhau cho qua ngày. Còn đại vương ếch Cốm vẫn lặng im tư lự một cách vô tích sự
trên hòn gạch vuông - suốt mùa đông lão ngồi ngậm hơi không một lần nhích đít
khỏi cái sập oai vệ trong cái mà của lão.
Chúng tôi chẳng muốn gây sự và cũng
không lưu luyến gì đất này, đất buồn. Có đáng kỷ niệm đây chỉ là nhớ nơi mà
chúng tôi lênh đênh từ ngoài nước lớn giạt vào - một lần thoát chết.
Tôi cùng Trũi đi ngược lên phía những
rặng cây ké hoa vàng lấp lánh một giòng sông. Chúng tôi định vượt qua đấy có thể
tìm một ít cỏ tốt rồi nghỉ ngơi vài ngày chăng.
Trũi nhảy xuống nước, bơi sang. Bơi
một quãng bỗng nhiên chìm nghỉm. Cả hai cái râu cũng không thấy ngo ngoe trên mặt
nước, như bị đột ngột rút chân xuống. Chốc, thấy Trũi ngoi lên, kêu váng rồi hớt
hải quay lại. Tôi định thần nhìn kỹ thấy quanh đấy có luồng sóng cồn đuổi theo.
Một đàn cá săn sắt đương rầm rập kéo đến. Những cái đuôi cờ ngũ sắc bay hoa cả
mặt nước. Vừa rồi mải bơi, chính là Trũi bị mấy gã Săn Sắt ấy kéo tụt xuống.
May, Trũi cố vùng thoát lên.
Bây giờ tôi mới kinh hãi nhìn dần
ra khắp dọc sông, chỗ nào cũng thấy đông đặc cá Săn Sắt với những đuôi cờ múa rợp
bóng nước. Chúng lượn đi lượn lại, vẻ nghênh ngang, chặn đường. Cái này chắc có
âm mưu gì đây. Rồi tôi thấy Săn Sắt kéo đến mép nước phía chúng tôi, hằm hè
toan nhảy hẳn lên bờ đòi choảng nhau, rất hung hăng. Thế này phải tìm cách
thoát ngay mới được. ờ! có thể ếch cốm lập ra mưu này, cái lão khoác lác một tấc
đến trời mà cũng mưu lược gớm.
Lại vài mụ Diếc trắng trẻo, béo
tròn con quay, lò mò đến. Các mụ tung tăng múa vây, múa gáy. Rồi mấy bác cá
Ngão mắt lồi đỏ, dài nghêu, mồm nhọn ngoác ra, ở đâu bơi chớp nhoáng đến, đỗ kề
ngay bờ trước mặt, há miệng đợi đớp. Ôi chao, nếu không mau chân, bọn này cứ thắt
mãi vòng vây, chí nguy! Trũi lau tau mà đã thấy cuống. Trũi nóng tính, nóng
hăng thì cũng nóng nhụt! Chưa chi cả mà đã hốt. Tôi bảo:
- Khoan khoan liệu việc, nhốn nháo
thì hỏng đấy.
Bỗng Trũi lại tru lên:
- Kìa kìa.. lũ nữa đến...
Nhìn lên đầu sông thấy mấy bác cá
Chuối đương lừ lừ tới. Bóng cá Chuối loáng cả dòng nước, răng nhe trắng như lưỡi
cưa, nó lướt vào đến trước mặt thì dòng nước đương trong vắt bỗng đen sạm như nền
trời cơn mưa.
Phải tính việc tẩu ngay.
Nhìn sang bên kia sông, tuy xa,
nhưng tôi cảm thấy nếu tôi cố thì có thể bay qua được. Tôi sẽ bay qua ngay trên
đầu chúng nó. Nhưng đôi cánh của Trũi ngắn thun lủn, không thể bay xa thế.
Trong khi ấy, nếu còn trù trừ thì chết. Đàn cá Chuối hung hăng sẽ ngoi lên tận
bờ bùn này đớp chân chúng tôi. Hoặc một thằng Chạch, một thằng Lươn có thể độn
thổ lên ngay vũng bùn dưới chân chúng tôi đứng đây.
Tại sao nên tai nạn như vậy? Về sau
tôi mới hiểu chỉ vì cái thói nghịch ác và sự coi thường xung quanh của chúng
tôi. Chẳng là bị khích thế, cả xóm ếch Nhái đương buồn bã kia bỗng phát cáu lên
và các xóm Cá ngoài này nghe phong thanh có hai thằng dế bơ vơ ở đâu đến làm loạn
sông thì cá kéo ra đánh đuổi đi.
Lúc ấy, tôi khom người xuống. Tôi
đã nghĩ ra một cách. Tôi bảo Trũi trèo lên lưng. Tôi mím miệng nghiến răng, gắng
sức bình sinh cõng Trũi bay qua sông. Không cất cao mình lên được, tôi chỉ đủ sức
bay là là mặt nước.
Cả đàn mấy chục các loại cá đuổi
theo, chen nhau đánh sóng và quẫy đuôi, ngoáp miệng bắn nước lên đầy mặt tôi, ướt
cánh và ướt cả bụng tôi. Tôi chỉ núng cánh một chút, nó mà tợp được chân tôi
lôi xuống thì tan xương cả. Lưng tôi nặng như cái cối đá đè. Tôi cố sức, cố sức,
cố sức... Cuối cùng, tôi lướt khỏi mặt nước, sang tới bờ bên này bãi cỏ. Tôi
lăn kềnh ra bãi, trong khi Trũi bị hất tung ngã tít đằng kia.
Trở dậy, trông bờ bên ấy đã thấy cả
xóm ếch Nhái kéo ra. Tuy vậy, vẫn không thấy đại vương ếch Cốm đâu. Thêm viện
binh! Bốn bác Cua Núi đen sì như bốn cái xe bọc sắt to kềnh, múa lên những chiếc
càng rất lớn. Tưởng nếu bị càng đó cắp thì bụng tôi có thiết giáp cũng phải
phòi ruột.
Nhưng chúng tôi đã qua được sông.
Thách cũng chẳng mống cá nào dám lên bờ đuổi. Nghĩ cứng thế, nhưng tôi lại chợt
nghĩ thêm: biết đâu ai học được chữ ngờ, như cái lần Trũi bị cả xóm Bọ Muỗm bay
qua sông sang đánh suýt chết đấy. Tôi vội bảo Trũi cùng nhau chạy trốn ngay.
Trũi cũng hiểu, chúng tôi biến rất nhanh.
Tuy vậy, trước khi chạy, vẫn làm
oai ta đây, chúng tôi giơ càng lên, ri ri hát một bài. Trũi xỏ hai chân vào hai
râu, cong cong râu, làm hiệu giễu cợt. Giở trò trêu ngươi cái đã.
Nhưng bên kia bọn bên kia sông chưa
kịp nổi giận thêm tôi đã kéo Trũi chạy một mạch đến tận hàng cây xanh xanh mờ mờ
đằng xa.
******
Hàng cây, mà lúc còn ở ngoài bãi
chúng tôi trông thấy mờ xanh xanh, là cánh rừng cỏ may. Bấy giờ mặt đất đương
mùa hoa may. Chúng tôi đi mịt mờ dưới bóng hoa may. Trông suốt bốn phía chân trời
đâu cũng phất lên một màu trắng bàng bạc, xam xám những ngù hoa may.
Trong rừng hoa cỏ may ấy ngụ những
xóm Chuồn Chuồn.
Đối với Chuồn Chuồn, họ Dế chúng
tôi là láng giềng lâu năm. Hang Dế thường ở quanh bãi và gần hồ ao. Chuồn Chuồn
hay đậu trên ngọn cỏ cao bên bờ nước. Bởi thế, đã thành thói quen như bức tranh
sơn thủy thì phải có núi, có sông, chàng Dế và chàng Chuồn Chuồn cứ mùa hè đến
lại gặp nhau ở bờ cỏ, anh đậu ngọn, anh nằm gốc. Trong đám cỏ, có khi nắng
chang chang - Chuồn Chuồn thật khoẻ chịu nắng - chúng tôi thường sôi nổi đàm luận
việc đời, nhất là những chuyện đường xa.
Xóm ấy trú ngụ đủ các chi họ Chuồn
Chuồn. Chuồn Chuồn Chúa lúc nào cũng như dữ dội, hùng hổ, nhưng kỳ thực trông kỹ
đôi mắt lại rất hiền. Chuồn Chuồn Ngô nhanh thoăn thoắt, chao cánh một cái đã
biến mất. Chuồn Chuồn ớt rực rỡ trong bộ áo quần đỏ chót giữa ngày hè chói lói,
đi đằng xa đã thấy. Chuồn Tương có đôi cánh kép vàng điểm đen thường bay lượn
quanh bãi những hôm nắng to. Lại anh Kỉm Kìm Kim bấy lẩy như mẹ đẻ thiếu táng,
chỉ có bốn mẩu cánh tí tẹo cái đuôi bằng chiếc tăm dài nghêu, đôi mắt lồi to
hơn đầu, cũng đậu ngụ cư vùng này.
Họ nhà Chuồn Chuồn cứ miên man đi
tha phương cầu thực, nhưng hễ khi trời sắp giông gió thì lại bay qua đồng hoa cỏ
may tìm về tránh mưa trong chân cỏ.
Chúng tôi vừa đến, đi suốt đoạn đường,
thấy các làng Chuồn Chuồn ai cũng hớn hở trong xống áo mới tinh giữa hoa may. Họ
đương sắp đi. Tôi hỏi đi đâu. Đáp rằng họ đi xem hội thi võ, trên trời, Chuồn
Chuồn bay sát cánh rợp cả nắng. Cậu Kỉm Kìm Kim gầy còm chỉ lượn được dưới thấp,
nhưng cũng tung tăng ra dáng lắm. Tôi hỏi thêm thế thì như anh em chúng tôi muốn
đi xem hội thi võ có được không. Đáp rằng có.
Thế là chúng tôi đi trẩy hội theo
Chuồn Chuồn. Họ bay trên không. Chúng tôi đi dưới. Đôi lúc khoái chí tôi cũng cất
cánh bay chơi một quãng. Trên đường còn gặp vô khối khách nô nức trẩy hội. Vui
lắm. Cả những ông Niềng Niễng đen nháy quanh năm không ra khỏi mép cái lá sen mặt
nước cũng lịch kịch cất bước ra đi.
Sự tích hội thi võ như thế này:
Nguyên vì ở vùng cỏ, hàng năm đến
mùa hoa may chín trắng bạc khắp miền thì có hội lệ. Năm ngoái, cụ Bọ Ngựa già yếu
đã khuất núi. Năm nay, dân cả vùng, nhân hội hoa may, mở luôn hội thi võ kén ai
tài giỏi nhất để đứng ra coi sóc việc chung trong vùng. Đó cũng là phong tục
lâu năm của miền cỏ may này.
Giữa vùng cỏ may, chân cỏ đỏ tía, đầu
hoa xám trắng và lóng lánh dựng lên võ đài nguy nga cao, toàn bằng gỗ cây lau
ngà vàng, đứng cuối bãi trông lên cũng rõ mồn một. Đài võ chắc chắn, đẹp, có ghế
ông cầm trịch ngồi, trên lớp lá cỏ mật và treo từng chùm hoa ké vàng mọng buông
xuống, lắc lư trong gió.
Những hôm đầu là đấu loại. Nhiều
anh Châu Chấu vừa nứt mắt đã bắng nhắng lên đài. Ngựa non háu đá, những gã
ngông nghênh đó thật ra chưa có nổi ba hột sức. Mới tự chân mình đá mấy cái
cũng đã run rẩy cả người rồi đứng thở hồng hộc. Vì thế chỉ có các anh ấy tưởng
võ mình là tuyệt thôi, còn khách xem thì thấy cuộc thi đấu loạc choạc, ngấy, họ
đi chơi hội hơn là đi xem võ.
Mấy ngày sau, võ đài mới bắt đầu rầm
rộ. Bởi vì những tay võ kém đã bị lọc hết. Bao nhiêu cậu ti toe đều bạt xuống
chân đài cả rồi. Chỉ còn lại có hai tay cứng vào đấu vòng cuối là Bọ Muỗm và Bọ
Ngựa. Hai tráng sĩ trong vùng đấy.
Sáng hôm ấy, trước khi ra xem thi đấu,
tôi một mình dạo chơi quanh bãi, nhìn thiên hạ kéo tới xem hội, chật như nêm cối.
Những chị Cào Cào trong làng ra, mỹ
miều áo đỏ áo xanh mớ ba mớ bảy, bước từng chân chầm chậm, khoan thai, khuôn mặt
trái xoan như e thẹn, như làm dáng, như ngượng ngùng.
Các anh Châu Chấu Ma thì mặt mũi rất
xí nhưng chúa hay lơn tơn đón đường co kéo các nàng Cào Cào xinh đẹp vào trò
chuyện vẩn vơ trong vườn cỏ non - những hàng quán dọc đường.
Tôi thấy bụng đoi đói, tôi cũng tạt
vào quán làm vài nhánh cỏ lót dạ. Đông khách quá, Châu Chấu, Cào Cào, Bọ Muỗm,
Bọ Ngựa rậm rịch vào.
Bỗng mấy chú Châu Chấu Ma đang nhảy
nhót khoe tài quanh các nàng Cào Cào, vội né giạt về một bên. Rồi trong cửa
hàng chợt im tiếng ồn ào. Tôi thấy trịnh trọng tiến vào một anh Bọ Ngựa. Người ngợm
anh Bọ Ngựa này cũng bình thường thôi, nhưng chưa hiểu sao anh làm ra lối quan
dạng đến thế, anh cứ đi chân nhấc từng bước cao ngang đầu gối kiểu bước chân ngỗng,
cách thức rất ta đây kẻ giờ và hách dịch. Cái khấc cổ vươn ra. Cái mặt ngắn củn
nhưng cái cằm vuông bạnh lên. Con mắt đu đưa tưởng như ai xung quanh chỉ còn có
việc thán phục nhìn anh ta. Hai sợi râu óng ả mấp máy phất lên phất xuống. Hai
lưỡi gươm bên mạng sườn, lưỡi có răng cưa, luôn luôn co vào trước ngực, ra lối
ta đây con nhà võ đi đứng đúng thế võ, lúc nà cũng giữ miếng.
Trông bộ tịch anh ta như thế, nhưng
tôi cũng không để tâm. Bởi vì tôi đã biết thường những anh tính hay khoe thì
cái gì cũng ra miệng hết và chỉ có ở miệng chứ trong bụng nhiều khi chẳng có
cóc khô gì. Như anh này, chắc có mấy miếng võ xoàng thì đã trổ ra tay chân mặt
mũi cả rồi, chẳng còn gì phải chú ý nữa. Vả chăng tôi cũng đâu cần để mắt tới
cái oai rơm rác và lố bịch ấy. Có nghĩa là lúc đó tôi vẫn đủng đỉnh giữa cửa
quán hàng cỏ như không biết có võ sĩ Bọ Ngựa đi vào. Thấy thế, Bọ Ngựa bổ luôn
cho tôi một nhát gươm vào đầu. Tôi đau điếng.
Tôi nhảy trái, đá hậu cú song phi.
Hắn né được và co hai gươm định quạng tôi nữa. Thấy có xung đột, bao nhiêu
khách hàng bỏ chạy hết. Các chị Cào Cào hốt hoảng nhảy tung, rách cả vạt áo
màu. Chỉ khổ bác Cành Cạch đã cao tuổi, lại to lớn chạy vướng cái áo dài lụng
thụng, ngã ngoẹo càng, nằm cong chân, xoã cánh, kêu trời kêu đất.
Nhưng gã Bọ Ngựa không xông vào giữa
mà chỉ giơ gươm trỏ mặt tôi, bảo:
- Có giỏi chốc nữa lên đài.
Tôi cười khểnh, nói lịch sự mỉa
mai:
- Rất hân hạnh.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment