BÊN NHAU TRỌN ĐỜI - CỐ MẠN - CHƯƠNG 16 - TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC
BÊN NHAU TRỌN ĐỜI
TÁC GIẢ: Cố Mạn
Thể loại: Ngôn tình
CHƯƠNG 16: SỐ PHẬN 3
Ga cuối cùng
là thành phố Y.
Tối qua sau
khi từ trường cũ trở về, Mặc Sênh đi ngủ sớm. Bốn giờ sáng hôm sau chị đã tỉnh
giấc, sau đó không sao ngủ tiếp được nữa. Nằm nhắm mắt nhìn lên trần nhà, rồi
trở dậy thu xếp ít hành lý đi ra ga tàu.
Đây là lần
đầu tiên chị trở lại thành phố Y sau khi về nước.
Khi tàu vào
ga thành phố Y đã 11 giờ trưa. Thành phố đang mưa, lạnh hơn thành phố nơi chị
làm việc, gió lạnh buốt, mặt và chân tay tê tái.
Đứng trên
bậc tam cấp nha ga, áo khoác vắt một tay, tay kia nắm chặt quai vali, Mặc Sênh
nhìn thành phố đã nuôi chị lớn lên, lòng bồn chồn như đang ngóng chờ điều gì
sắp đến, nhưng không biết đó là cái gì.
- Chị đến du
lịch phải không, đã đặt nhà nghỉ chưa, nếu chưa tôi tìm giúp, giá cả đảm bảo
thấp nhất thành phố.
- Có cần
người hướng dẫn không, lễ Quốc Khánh giá rất ưu đãi.
…
Khi đi qua
sân ga chị bị nhiều người chèo kéo.
“Có lẽ trông
mình không giống người địa phương, mà giống khách du lịch”. Chị chua chát tự
giễu.
May là bến
xe bus không thay đổi, tuyến đường cũng không đổi, rất dễ tìm.
Hình như có
người đã nói, muốn hiểu một thành phố, chỉ cần ngồi xe bus vài lần, bởi vì nó
sẽ đưa ta đến tất cả những nơi phồn thịnh, có tiềm năng nhất thành phố. Mặc
Sênh nhìn khách qua đường, nhìn các cửa hiệu, thành phố chìm trong màn mưa,
chập chờn, nhạt nhòa giống như tâm trạng của chị.
- Sắp đến
khu mới Thanh Hà, ai xuống xe chuẩn bị
Tiếng người phụ xe uể oải.
Nhảy xuống
xe, những ngôi nhà cũ hiện ra trước mắt. Gọi là khu mới nhưng khu Thanh Hà này
cũng có lịch sử mười mấy năm. Mặc Sênh đã lớn lên ở đây. Không ngờ có ngày đứng
trước ngôi nhà quen thuộc, mình lại có cảm giác xa lạ dường như đó không phải
là nhà của mình.
Lần trở về
này, chị muốn gặp lại mẹ. Đã bảy năm chị và mẹ không liên lạc với nhau, không
biết bây giờ mẹ còn sống ở đây không.
Bên ngoài
trời vẫn mưa, Mặc Sênh ướt lướt thướt chạy vào hành lang gõ cửa, không có ai mở
cửa.
“Đi vắng?
Hay là chuyển đi nơi khác?”
Đứng đợi cả
giờ đồng hồ, vẫn không ai trở về, quần áo ướt dán vào người, làm chị run lên,
tay lạnh cứng.
Đột nhiên
nhớ lại hình như hồi nhỏ có lần từ trường trở về, quần áo ướt sũng chị đứng đợi
cha cả tiếng đồng hồ cha mới về. Ông hoảng hốt ôm chị vào lòng dỗ dành:
- Bố đoảng
quá, bố đoảng quá, con đánh bố đi!
Cha chị lúc
có tuổi mới có được mụn con, nên rất mực cưng chiều, hễ có thời gian là bế ẵm
chơi đùa với chị. Ông bày ra bao nhiêu là trò chơi, hai bố con chơi với nhau
không biết chán. Những lúc như vậy trông ông giống như một đứa trẻ, hoàn toàn không
có vẻ đạo mạo xa cách của một ông thị trưởng quyền lực. Chỉ có điều ông quá
bận, không có thời gian chơi với con gái. Bạn chị nhiều đứa ghen tị với chị bởi
chị có bố làm quan to, nhưng hồi đó ít ai biết cô bé Tiểu Sênh viết trong bài
tập làm văn: “Mơ ước của tôi là bố hàng ngày về nhà đúng giờ, mỗi ngày không có
mấy chú đến nhà nói chuyện với bố cả mấy giờ liền”
Nhưng hễ có
thời gian là ông ở bên con gái, chơi đùa, chiều chuộng con hết mực, hoàn toàn
không giống như mẹ chị. Trong kí ức tuổi thơ của Mặc Sênh, mẹ là một người đàn
bà lạnh lùng, khó tính, hay cáu bẳng chẳng mấy khi cười với chị…
- Tiểu Sênh!
Người phụ nữ hiện ra trong quầng sáng cánh cửa vừa mở.
Tiếng gọi
ngạc nhiên khiến Mặc Sênh bừng tỉnh:
- Cô Hoàng
phải không?
Người phụ nữ
trung niên đứng trước mặt chính là hàng xóm của gia đình chị. Chồng của chị ta
là đồng sự của cha chị, hai nhà quan hệ khá thân thiết.
- Tiểu Sênh,
cháu về lúc nào thế, mau vào nhà đi, ướt hết cả rồi
Cô Hoàng vừa mở cửa vừa
giục.
Sau khi được
lau người bằng nước nóng thực là dễ chịu, Mặc Sênh lo lắng hỏi:
- Cô Hoàng,
mẹ cháu vẫn sống ở đây chứ?
- Vẫn ở đây,
không ở đây thì đi đâu được, cháu cũng thật là… bỏ đi lâu như vậy mà không viết
cho mẹ cháu lá thư, để mẹ cháu một mình.
Không phải
chị không muốn liên lạc với mẹ, nhưng chị có nỗi khổ riêng. Bảy năm trước, khi
mới đến Mỹ, lúc được tin về cái chết của cha, chị lập tức gọi điện về cho mẹ,
không ngờ trả lời chị là một giọng dửng dưng đến khó hiểu, bà nói:
- Sau này,
không phải gọi điện thoại về nữa, cũng đừng về nước nữa. Cha cô đã đập tan cuộc
đời tôi, bây giờ tôi vừa mới được yên ổn, không muốn nhìn thấy bất cứ thứ gì
liên quan đến ông ấy!
Rồi bỏ máy.
Chị gọi lại
nhưng không có tín hiệu.
Về sau qua
một người bạn của cha bên Mỹ, Mặc Sênh mới được biết những bí mật mà cho đến
bây giờ chị không thể tin nổi.
Giả bộ không
nghe thấy câu nói có ý trách móc của người hàng xóm cũ, chị nói:
- Mẹ cháu có
khỏe không, cô Hoàng?
- Sức khỏe
thì không sao, nhưng cháu về không đúng lúc, mẹ cháu vừa đi theo đoàn du lịch
của tiểu khu, năm ngày mới về. Cháu ở lại đây chơi với cô.
“Mẹ đi du
lịch?” Mặc Sênh ngạc nhiên. “Xem ra bà sống không đến nỗi nào”. Mặc Sênh cười
thầm, đứng lên:
- Cô Hoàng,
cháu phải đi đây. Cảm ơn cô!
- Không chờ
mẹ cháu về hả?
Bà Hoàng nói.
- Không ạ,
thực ra cháu chỉ muốn biết mẹ cháu sống thế nào, cháu cũng có một số chuyện cần
hỏi mẹ
Mặc Sênh ngập ngừng
– Bây giờ biết mẹ cháu sống rất tốt, những chuyện
cần hỏi, cháu cũng không muốn hỏi nữa.
Kết cục đã
như vậy, nguyên nhân cũng không quan trọng nữa.
- Cô Hoàng,
cảm ơn cô. Xin cô đừng nói cháu đã trở về.
Lúc sắp đi
Mặc Sênh hỏi phần mộ của cha.
- Mộ số 157
khu A, núi Kim Kê. Hình như là vậy
Bà Hoàng nhíu mày.
Không phải
tiết thanh minh hay ngày lễ tết, khu nghĩa trang trong núi Kim Kê hầu như không
có người. Mặc Sênh đến bên mộ cha, gục đầu vào tấm bia giống như hồi nhỏ chị
vẫn gục đầu vào vai ông.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment