TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 30 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI
TRẠI HOA VÀNG
Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen
CHƯƠNG 30:
Thế ra, ngoài mẹ, tôi còn có ba.
Khi nãy mừng quýnh vì sự can thiệp
đúng lúc của mẹ, tôi quên bẵng đi mất là mẹ tôi không thể một mình sinh ra tôi
và nhỏ Châu được. Còn có ba tôi nữa.
Hơn nữa, từ lúc tụi bạn kéo vào vườn
đùa giỡn rần rần đến giờ, không có ai rầy la hay trách mắng, tôi tưởng như thế
giới này trước nay vẫn vậy, rằng tụi tôi có thể tha hồ hò hét mà không phải nơm
nớp về bất cứ chuyện gì.
Bây giờ, thình lình ba tôi trở về.
Bằng ánh mắt lặng lẽ và dáng đứng bất động, ông kéo tôi, và cả các bạn tôi,
quay về với thực tại... phũ phàng.
Thằng Cường đang hoa chân múa tay đột
nhiên đứng sững như trời trồng. Đang bô bô, quai hàm của nó bỗng cứng đơ, miệng
á khẩu.
Phú ghẻ mặt xám xịt, liếc tôi:
- Phen này chắc chết, mày ơi!
Liên móm chưa rõ "uy
phong" của ba tôi. Tuy nhiên, thấy không khí chung quanh có vẻ khác lạ, nó
không dám ngoác mồm ra oang oang như lúc nãy, mà bước lại gần tôi, thấp giọng hỏi:
- Ba Chuẩn đó hả?
Tôi khẽ gật đầu và "ừ"
qua hơi thở.
Liên móm liếc trộm vào trong nhà một
cái nữa rồi lại hỏi:
- Sao ba Chuẩn đứng im không nói gì
hết vậy?
Lần này, tôi không trả lời. Đúng ra
tôi không biết phải trả lời thế nào. Chẳng lẽ tôi lại nói thẳng ra với nó sở dĩ
ba tôi trông lừ lừ như vậy chính là vì ông đang suy nghĩ xem nên chôn sống tôi
xuống đất hay nên treo cổ tôi lên xà nhà và giữa hai cách thì cách nào xứng
đáng với tội trạng của tôi hơn.
Đứng thập thò sau lưng Liên móm là
Cẩm Phô và Thùy Dương. Hai đứa đang hồi hộp theo dõi nét mặt của tôi như để
đoán xem chuyện gì sắp sửa xảy ra. Chúng có vẻ ngạc nhiên tại sao lúc nãy tôi
hùng hồn tuyên bố "thấy mấy bạn tới chơi, ba mẹ tôi vui lắm" mà bây
giờ trông ba tôi chẳng có vẻ gì "vui lắm" như tôi vừa "quảng
cáo"; ngược lại thái độ lầm lì của ông còn toát ra vẻ đe dọa trông phát ớn
như thế. Phía sau Cẩm Phô và Thùy Dương là Luyện. Nó đứng tách hẳn ra, tay vò
vò chiếc lá khô vừa nhặt, làm bộ như ta đây chẳng liên quan gì với cái đám lâu
la dám tự tiện đột nhập vô vùng cấm địa thiêng liêng này.
Tôi đảo mắt một vòng, bụng hoang
mang không kể xiết. Ba tôi vẫn đứng lặng thinh, chẳng rõ ông đang "âm
mưu" chuyện gì. Kinh nghiệm xương máu cho tôi biết ông càng nín lặng lâu
bao nhiêu thì khi phát tác, đòn trừng phạt của ông càng khủng khiếp bấy nhiêu.
Vì vậy, thấy ông cứ đứng hoài không chịu nhúc nhích, người tôi muốn rét run.
Nếu chỉ hai cha con với nhau thì thực
tình tôi không ngán lắm. Đòn thế của ông tuy dũng mãnh thật nhưng dù sao tôi
cũng đã quá quen với nó, hơn nữa càng về sau này "nội lực" của ông
càng suy giảm đi theo tuổi tác trong khi đó cơ thể tôi ngày một phát triển và sức
đề kháng cũng tăng lên rất nhiều. Tôi chỉ sợ là nếu ông cao hứng ra tay, tôi sẽ
chẳng còn mặt mũi nào gặp lại đám nữ quái 10A2 nữa. Riêng "chuyện
tình" giữa tôi với Cẩm Phô coi như cầm chắc bốn chữ "nửa đường đứt
gánh". Với một ông bố chồng tương lai đằng đằng sát khí như thế, có cho
vàng cũng chẳng đứa con gái nhà bình dân nào dám đăng ký vào làm dâu, huống chi
là tiểu thư cành vàng lá ngọc con tiệm thuốc tây Hồng Phát. Lúc đó tôi chỉ có
nước ca bài "biệt ly nhớ nhung từ đây" và chức "chị hai nhỏ
Châu" đành phải bỏ trống vô thời hạn.
Trong khi tôi đang nghĩ ngợi miên
man về những viễn ảnh u ám sắp xảy đến thì tiếng ba tôi đột ngột vang lên:
- Chuẩn! Vào đây bảo!
Giọng ba tôi không lớn lắm nhưng thốt
ra giữa bầu không khí tĩnh lặng và căng thẳng nên chẳng khác nào sấm nổ giữa trời
quang. Tôi nghe tai mình ù đi và mãi đến khi lập cập bước vào nhà đầu tôi vẫn
không ngớt kêu vo vo. Những tiếng xì xào hoang mang của đám bạn đang đứng đực
giữa vườn trố mắt nhìn theo càng làm đôi chân tôi như quíu lại.
Khi tôi tiến lại gần, ba tôi buông
một câu gọn lỏn:
- Theo tao!
Rồi ông quay ngoắt người lại bước
vào nhà. Tôi lếch thếch đi theo, bụng nhủ "Thế là hết!".
Mặc dù ba tôi tỏ ra biết điều (ông
không "nện" tôi tại chỗ để giữ thể diện cho tôi trước mặt bạn bè)
nhưng không vì vậy mà tôi cảm ơn ông. Bởi dù ông có "nhã ý" lôi tôi
vào nơi kín đáo để âm thầm "hạ thủ" thì đằng nào lát nữa tôi cũng sẽ
trở ra với bộ mặt sưng vù, mà phơi một bộ mặt như thế ra trước những ánh mắt
xoi mói của tụi bạn chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng. Liên móm, Thùy
Dương và nhất là Cẩm Phô sẽ biết tỏng tòng tong tôi vừa bị ba tôi cho ăn đòn mà
nguyên nhân của trận đòn khủng khiếp đó chính là cuộc viếng thăm bất ngờ của tụi
nó. Và một khi biết được điều đó rồi, sẽ chẳng đứa nào dám kết bạn với tôi nữa.
Những ý nghĩ buồn thảm đó khiến người
tôi bần thần. Như người mộng du, tôi bước theo ba tôi như đi trong sương mù.
Nhà bếp, phòng ăn rồi phòng khách lần lượt hiện ra trước mắt tôi như ảo ảnh,
như có như không.
Lên tới phòng khách, ba tôi bước về
phía chiếc bàn kê giữa nhà bằng những bước dài. Tôi lo lắng nhìn theo ông và lập
tức đưa tay lên... dụi mắt. Chính giữa bàn là một cây đàn ghi-ta mới cáu.
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì
ba tôi đã cầm lên cây đàn và quay lại ấn vào tay tôi:
- Của mày đó!
Niềm vui đột ngột khiến tôi như nghẹn
thở. Tôi lắp bắp "con... con..." một hồi vẫn không nói được tiếng
"cảm ơn ba" nằm mắc nghẹn ngang cuống họng. Đến khi tôi lấy lại được
bình tĩnh thì ba tôi đã dắt xe ra khỏi nhà tự đời nào.
Tôi muốn cảm ơn ba tôi không chỉ vì
ông mua đền cho tôi cây đàn mới. Tôi biết đó là phần thưởng ông tặng cho sự tiến
bộ của tôi trong học tập. Tôi muốn cảm ơn ông trước hết về thái độ của ông đối
với mối quan hệ bạn bè của tôi. Bữa nay, lần đầu tiên bạn gái đến nhà thăm tôi.
Và bữa nay cũng là lần đầu tiên ông không khiến tôi phải xấu hổ trước mặt bạn
bè. Ông không "hạ thủ" vào người tôi, cũng không một lời quở trách.
Ông làm tôi xúc động quá thể. Phải chăng những nỗ lực của tôi trong chuyện đèn
sách đã thuyết phục được ông rằng học tập và bạn bè không phải là hai thứ nghịch
nhau như nước với lửa như trước đây ông vẫn nghĩ?
Sự xuất hiện tươi roi rói của tôi
cùng với cây đàn mới cáu cạnh trên tay khiến tụi bạn "ồ" lên kinh ngạc.
Phú ghẻ phóng ngay lại:
- Cây đàn ở đâu ra vậy?
Tôi ưỡn ngực:
- Ba tao mua cho.
Phú ghẻ tròn mắt:
- Ba mày mua?
- Thì ba tao mua.
Phú ghẻ khịt mũi:
- Trước đây ổng đập đàn của mày một
lần rồi mà!
Tôi cười hì hì:
- Ừ, ổng bảo cây đàn đó dỏm qua, đập
quách để ổng mua lại cây khác, xịn hơn!
Thằng Cường không quan tâm đến chuyện
đàn địch. Nó thò tay sè sẹ vuốt lưng tôi:
- Có gãy chiếc xương sườn nào không
mày?
Tôi "suỵt" khẽ:
- Còn nguyên.
Cường vẫn chưa hết thắc mắc. Nó thì
thào:
- Khi nãy ba mày sử dụng "song
phi cước" hay "la hán quyền" vậy?
Tôi không muốn nhắc đến đề tài
"bạo lực" này, sợ tụi con gái nghe thấy, nhưng thằng Cường phổi bò
này lại chẳng ý tứ chút nào. Nó cứ lải nhải hoài khiến tôi phát bực, gắt:
- Quyền cước cái đầu mày! Tao đã bảo
be sườn tao còn nguyên mà cứ hỏi hoài!
Rồi tôi hướng về phía tụi con gái,
kêu lớn:
- Các bạn lại đây chơi! Lại đây
nghe Phú ghẻ đàn tặng các bạn mấy bản nè!
Thân thể lành lặn và bộ mặt hơn hớn
của tôi khiến nỗi phấp phỏng của đám nữ quái 10A2 bay biến mất. Liên móm bước lại,
vừa đi vừa ngó quanh:
- Ba Chuẩn đâu rồi?
- Đi rồi.
- Ba Chuẩn kêu Chuẩn vào nhà chi vậy?
Tôi lay lay cần đàn:
- Ba tôi bảo tôi đem đàn ra hát hò
với mấy bạn cho vui!
Thùy Dương đứng bên cạnh buột miệng:
- Ba bạn thương bạn quá hén?
Tôi ngước mặt lên trời:
- Còn phải nói!
Cường thừa dịp xía vô:
- Ba tôi thương tôi còn hơn ba tên
Chuẩn này thương hắn nữa đó!
Thùy Dương nheo mắt:
- Ba Cường thương Cường thì kệ Cường,
tự dưng lại đem ra khoe, không biết xấu!
Cường phồng má:
- Có gì đâu mà xấu! Nói vậy để cho
người ta biết ba tôi thương tôi như vậy thì người ta của tôi ba tôi còn thương
gấp mấy...
Không để cho thằng Cường lắm mồm
này nói hết câu, tôi ấn thùng đàn vào tay Phú ghẻ, tuyên bố:
- Bây giờ mời các bạn thưởng thức
tài nghệ của nhạc sĩ Phú ghẻ...
Nhưng đến lượt tôi bị ngắt lời. Tôi
mới "tuyên bố" có nửa câu, Liên móm đã xía ngang:
- Chuẩn là chủ nhà, Chuẩn phải đàn
cho bọn này nghe trước. Sau đó mới đến người khác.
- Được thôi!
Tôi nói, giọng không được tự tin
cho lắm. Và tôi ôm đàn, so dây, hắng giọng và bồi hồi cất tiếng:
- Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình
thương...
Tôi đang lim dim mắt cố phả tâm hồn
vào tiếng đàn giọng hát, bỗng có tiếng bình phẩm bất thình lình thốt lên từ sau
lưng:
- Bữa nay mới Tết, hè đâu mà hè!
Tôi cụt hứng, quay phắt lại và bắt
gặp nhỏ Châu đang đứng bưng miệng cười khúc khích. Khi nãy, lúc bưng nước ra,
nó đã chạy tọt vào nhà, chả hiểu nó mò trở ra đây tự lúc nào và không biết nó
có bị ấm đầu không mà nhè ngay lúc tôi đang "phô diễn nghệ thuật" trước
mặt "chị hai nó", nó lại kê tủ đứng ngay vào miệng đại huynh nó.
Hồi trước, lúc mới học đàn, tôi đã
đàn cho nó nghe bản này một lần rồi. Lần đó, nó cũng nhảy vô họng tôi nó ngồi.
Nó cũng nói cái giọng đó: "Bữa nay chưa đến Tết, hè đâu mà hè". Nhưng
lần đó chỉ có hai anh em với nhau, trong "nội bộ" nó muốn nói gì nó
nói, tôi không chấp. Ai ngờ bữa nay trước mặt Cẩm Phô và lủ khủ bạn bè, nó lại
giở mửng cũ "chơi" tôi một "vố" đau điếng. Đã vậy, sau khi
làm tôi quê xệ, nó còn nhe răng đười ươi ra cười nữa.
Tôi giận tím gan nhưng không tiện
phát tác, chỉ biết nghiến răng và bấu mạnh năm đầu ngón tay vào cần đàn như người
luyện "ưng trảo công", sém tí nữa xoi thủng các thớ gỗ.
Trong khi tôi đang trợn mắt hằm hè
nhìn nhỏ Châu thì Liên móm lại lên tiếng hùa theo con quỷ con:
- Ừ, đúng đó! Bữa nay mới Tết, hè
đâu mà hè! Thôi Chuẩn đàn bản khác đi!
Lại thêm con nhỏ miệng móm này nữa!
Tôi than thầm trong bụng. Nó làm như tôi là ca sĩ chuyên nghiệp không bằng! Nó
đâu có biết tôi theo Phú ghẻ học nhạc mới được có mấy bữa, ba tôi đã đập béng mất
cây đàn. Vì vậy, dù những ngày cuối cùng của "cuộc đời nghệ sĩ" ngắn
ngủi kia tôi đã tự mình mày mò và tập tễnh học thêm được dăm ba bài mới nhưng
trước sau tôi chỉ có thể đàn thuần thục được vỏn vẹn có hai bản "Nỗi buồn
hoa phượng" và "Lạnh lùng". Bây giờ, nó kêu tôi đàn bản khác,
tôi chẳng còn cách nào ngoài cách ngoác mồm rên rỉ: "Em nỡ lạnh lùng đến
thế sao..." như một tên thất tình hạng bét.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment