DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 10 - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI
DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ
Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi
CHƯƠNG 10 : DẾ MÈN LẠI LÊN ĐƯỜNG PHIÊU LƯU
Rồi may quá, trốn thoát. Bởi vì,
tôi để ý xem xét biết cái giam tôi bằng giấy bìa cứng. Từ hôm ấy tôi cứ nhả nước
bọt vào một chỗ rồi lấy chân bới, cái tưởng giấy mủn dần. Một hôm tôi cố lấy tất
cả bao nhiêu hơi sức còn lại, húc một cái, thế là cả người tôi bật lọt ra ngoài
hộp. Tôi giương cánh, bay thẳng. Phúc đức mà tôi vẫn còn nguyên hai chiếc cánh
lót lụa. Các bạn khác đều bị lũ trẻ nghịch ngợm bứt cụt hai cánh lụa mỏng ở
trong thành thử, dang hai cánh tàu bay vỏ gỗ ở ngoài ra, không thể cất mình lên
được, không bay được. Rồi các bạn ấy bò trốn đi đâu tôi không biết.
"Tôi bay bất kể ngày đêm. Ròng
rã lâu ngày lắm mới vượt ra khỏi được cái thành phố xù xì u ám gớm ghiếc ấy.
Khi ra đến vùng có vườn bãi xanh tươi, thì, vì lao lực quá không cố hơn được nữa,
tôi ốm mất mấy tháng. Không hiểu sao lúc ốm khỏi thì tính nết thay đổi dần, tôi
sinh chán đời, không thiết gì nữa. Có lẽ vì đã có phen quá sợ, có lẽ vì buồn.
Thôi tôi mặc kệ cả. Tôi tìm về nơi am thanh cảnh vắng này. Tôi bỏ ăn vỏ cây, tập
ăn cỏ thanh đạm cho dễ kiếm và tự coi như mình đã đi tu. Ngày tháng tiêu dao, bạn
cùng mây nước, khong gặp ai, không quản ai, chỉ còn biết rong chơi với bồn mùa
cảnh, bốn mùa tình, bỏ thói quen soi gương ngắm mặt, cố quên biết trời đất
ngoài kia bây giờ thay đổi vần xoay thế nào... Từ bấy tới nay..."
Im lặng. Nghe mà não lòng! Cái lão
chán đời này bị một vố đau điếng thì kệch chứ gì. Có thế mà không cắt nghĩa được
tại sao, rõ chán! Rồi Xiến Tóc gật gù hỏi tôi, vẫn giọng rầu rĩ:
- Còn anh, chẳng hay bấy lâu nay
anh mưa gió đường đời ra sao?
Tôi cũng kể gót đầu cho Xiến Tóc
nghe. Chốc chốc, bác chán đời lại điểm vào câu chuyện một tiếng thở dài nghe đến
phát phiền. Tới đoạn tôi bỏ khe dứa trú đông đi dò la tin tức Châu Chấu Voi để
tìm Trũi thì Xiến Tóc nói:
- Châu Chấu Voi? Châu Chấu Voi! Nhớ
ra rồi. ờ ờ... Cách đây ít lâu. Châu Chấu Voi đi qua có tạt vào đây. Ư` thấy có
cả một gã Dế Trũi...
- Thế a?
- Ư` Dế Trũi
- Em tôi, em tôi rồi! Thế bây giờ cả
bọn... Khổ em tôi bị bắt...
- Không, Trũi có phải tù đâu. Nó đi
đứng cũng như Châu Chấu Voi thôi. Phải rồi, không...
- Không thế nào?
- Không, không... Chà Chà, ít lâu
nay tôi hay quên quá. Phải, tôi nhớ ra rồi. Cái hôm Châu Chấu Voi và Trũi qua
đây, mục đích họ muốn rủ tôi cùng đi làm một công việc. Chao ôi! Cái công việc
tưởng tượng là sẽ đi khắp quê hương các loài trên trái đất. Nghe khó lắm!
Tôi kêu lên:
- Hay lắm!
Xiến Tóc thong thả nói tiếp:
- Tôi xua tay, lắc đầu và bảo với
những kẻ viển vông ấy rằng "tôi xin thôi nghe việc đó". Tôi đã sợ đời
rồi. Tôi bây giờ đội mũ ni. Sự đời đã bỏ nó ra ngoài hai cái râu. Sự đời đã tắt
lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.
Tôi sốt ruột:
- Thế bây giờ họ đâu?
- Không rủ được tôi, họ đi.
- Đi đâu?
- Họ có hẹn đi một vòng cánh đồng
bên kia rồi họ sẽ trở lại, qua đây sang phía tây. Anh cứ ở đây mà đợi, chắc sẽ
gặp. Trũi không hề gì đâu. Nhưng anh cũng thích bay nhảy thế thì anh thật là
ngông cuồng. Chao ôi!
Bác Xiến Tóc không biết rằng công
việc Châu Chấu Voi đương mưu đồ cũng chính là điều tôi mơ tưởng. Từ khi mẹ tôi
căn dặn lúc ra đi, dần dà tôi đã hiểu rộng ra ý nghĩa cuộc sống. Tôi và Trũi
cũng định đi khắp thế gian này. vậy nên, dù chỉ nghe mang máng, tôi đã cảm tình
ngay với Châu Chấu Voi. Và tôi ân hận quá chừng về cuộc đánh nhau dạo trước.
Cũng lại chỉ vì tôi nóng nảy và nông nổi nên mới nên nỗi thế. Nếu tôi chịu khó
thăm hỏi trước thì đã chẳng sao. Tuy vậy, tôi cũng đỡ phần áy náy vì chắc Trũi
được vô sự.
Ở lại đây đợi hay đi? Tôi phân vân.
Tôi có tranh luận việc đời với bác Xiến Tóc mấy lần nữa. Nhưng óc bác Xiến Tóc
dễ đã mủn ra thành miếng bột, không gợn một nếp nghĩ. Tuy nhiên nếu ở lại đây
mà gặp được Trũi như Xiến Tóc mách thì tôi cũng chịu khó đợi. Thế là tôi dừng
chân và nương náu trong cái lều cỏ của ẩn sĩ Xiến Tóc vừa chán đời vừa đá lẩm cẩm.
Ngày ngày bên tôi vo ve lèo nhèo những cuộc ca hát vẩn vơ của các nàng Bướm và
chàng Ve Sầu. Nghe mãi, và chỉ nghe đàn hát và chơi không thì cũng chối tai. ở
đây, không một cái gì đáng gọi là công việc cả. Nói tóm lại, những ngày trú
chân chỗ này tôi thấy cảnh sống xung quanh không khác thủa còn bé tỉ ti khi tôi
mới được mẹ cho ra ở riêng, cứ tối đến, mê mải đi nhảy múa hát hỏng với bè bạn,
ngày tháng ăn chơi lêu lổng.
Chơi không thì bao giờ cũng chóng
chán - tất nhiên. Tôi không ưa bọn này. Huống chi, tôi là kẻ hay bay nhảy, lại
càng lấy việc phải dừng chân là khó chịu. Dần dà, tôi thấy thì giờ tôi với họ
thậm vô tích sự. Bướm và Ve Sầu là lũ ăn hại, trốn việc. Bác Xiến Tóc đã từ lâu
sinh mất nết, đâm lười, ăn hại nốt. Nếu không mong chút hy vọng ở lại có thể gặp
Trũi thì chắc tôi đã cuốn gói đi rồi. Nhưng ngày ngày, nếu đời sống biếng nhác
xung quanh càng khiến tôi bực dọc thì ý nghĩ về việc của Châu Chấu Voi định đi
khắp nơi để kết giao với người tốt càng nung nấu, thấm thía trong tôi, tưởng tượng
ra tôi sắo được đi cùng đoàn bè bạn có chí lớn ấy. Ngày mai, ngày kia hay chốc
nữa? Mỗi buổi sáng, bừng mắt lại thấy bồn chồn và tha thiết muốn đi.
Chẳng còn mấy ngày nữa thì mùa xuân
đã hết. Rồi mùa hạ qua đi, bây giờ hoa sen trong đầm nước cũng tàn rồi. Lá xanh
bắt đầu úa đỏ. Trời đã ngả sang mùa thu. Buổi sớm ấy, các ả Bướm rủ tôi vào rừng
dự cuộc múa hát thi. Tôi lắc đầu từ chối rồi một mình lững thững dạo ra bờ suối,
đứng ngẩng trông chờ. Lòng hiu hiu nhớ Trũi và bâng khuâng mong ước xa xôi. Bỗng
đằng phương tây tràn đến những tiếng reo à à. Một đàn ong bay ào đến đậu trên
những bụi trúc và những cây cối xay nở hoa vàng choé. Đi kiếm ăn về, nghỉ chân
đấy, ong nào cũng nặng phấn và đầy những tiếng vo ve chuyện vui, những bài hát
hùng tráng thúc giục của ngày đường. Không khí yên tĩnh nơi quạnh vắng, bỗng nhộn
nhịp hẳn lên.
Nghỉ một lát, đàn ong lại bay vù. Tấm
lòng náo nức của tôi nhộn nhịp cũng như bay theo. Tôi ngơ ngẩn nhìn. Đàn ong đó
hẳn vừa qua một quãng đường dài. Họ đi xây dựng đời sống, họ đổi chỗ ở. Phải sống
ở đời có biết đi đây đi đó, biết làm việc thì mới là đáng sống. Tôi bồi hồi,
khao khát. Những tiếng: giang hồ hoạt động, đi hết anh em trong thiên hạ, đến
nhảy múa trong óc tôi. Chân tôi ngứa ngáy, giậm giật. Lại đi, lại đi thôi! Tiếng
gọi tôi lên đường mà đàn ong vừa thổi kèn vừa bay tung trời kia đương vang vang
trước mắt tôi. Vả chăng, tôi cũng đã chán cảnh, ngấy tình ở đây lắm.
Tôi còn đương suy tính, lưỡng lự
khi bước qua rừng thưa. Cạnh bụi trúc, tôi thấy bác Xiến Tóc gật gù trầm ngâm.
Bác ta vốn lực lưỡng, vai rộng vuông vắn, rất khoẻ mà nay lúc nào cũng ủ dột,
trông thật không khớp với dáng vốn nhanh nhẹn, thành thử nom bác ta đâm ra vẻ buồn
cười. Bác ta ngước mắt nhìn vơ vẩn rồi gật gù cất giọng vịt đực ngâm ư ử?
...Chi bằng
Đến thẳng
Giậu cúc thơm
Ngồi khểnh
Vỗ đàn
Gảy một khúc
Cha mẹ trời đất! Những nghe đã phát
ngán. Hai cảnh nối nhau vừa bày ra trước mắt tôi: đàn ong mải mê rầm rộ; một
bác Xiến Tóc to xác, quá lười cứ ra ngẩn vào ngơ. Tôi vốn ít mơ mộng, không
thích lối sống phất phơ. Càng thêm ngấy và bực.
Tôi quyết bỏ các bọn vô tích sự này
và lại ra đi ngay hôm ấy. Không từ biệt ai, không ai trông thấy, tôi cứ thế đi.
Đi mươi hôm thì đến chân một con đê. Dốc đê cao, leo mãi mới tới được mặt đê. Đứng
nhìn ra sông thấy làn nước đỏ ngòm băng băng chảy. Lắng nghe có tiếng hét
"quých quých!" dữ dội ngay trên đầu. Ngẩng đầu thì thấy một lão chim
Trả loắt choắt mà rất diện vừa bay tới. Ôi chao, lão ta làm bộ điệu mới bảnh
bao và oai vệ làm sao!
Tên lão là Trả. Có lẽ vì lão chỉ ăn
cá - chả cá và gỏi cá! Mỗi khi định bắt một con cá, lão vỗ cánh đứng ngắm nghía
trên không rồi thình lình đâm bổ xuống mặt nước, túm cá lên. Vì cách câu cá đặc
biệt ấy, lão còn có biệt hiệu là tiên sinh Bói Cá. Tôi trông lão này có nhẽ
cũng nhiều tuổi, người đã hom hem quắt lại rồi. Song lão Bói Cá xưa nay nổi tiếng
là già mà hay làm đỏm trái mùa. Đã hóp má rồi lại hay tỏ vẻ hơ hớ trai tơ. Lão
sắm đâu được bộ cánh màu sặc sỡ không hợp tí nào với bộ mặt âm thầm của lão. Bụng
trắng, lưng xanh thắt đáy, đôi cánh nuột nà biếc tím. Chân lão đi đôi hia đỏ hắt.
Lão sẽ đôi chút đẹp trai đấy nếu lão có cái mỏ vừa phải. Nhưng, cơ khổ, lão phải
vác giữa mặt một cặp mỏ kếch xù mà đen quá, dài quá, xấu quá. Mỏ lão dài hơn
người lão và to đến nỗi trông giống như có ai nghịch ác đem đóng cả một chiếc cọc
tre gộc vào giữa mặt lão. Cả ngày, lão nhăn nhó méo mặt vác mỏ chẳng khác gì
anh cu Sên suốt đời phải đội toà đình đá nặng trên lưng vậy.
Tôi ngắm cái mỏ lão chim Trả mà cười
thầm là đáng đời cái anh già hay làm điệu mà không thể cất cái mỏ xấu xí kia đi
đâu. Nhưng, quả báo, cái mỏ to tướng tôi đương chế nhạo thầm đó sắp sửa đến hỏi
tội tôi đây.
Duyên do thế này:
Lão chim Trả đương bay, bỗng sà xuống
đậu trên tấm phên nứa cửa cống trước mặt tôi. Cái phên lung lay, lão cứ ngất
ngưởng đứng lấy đà nhưng vẫn không quên chăm chú trông ra mặt nước rình cá. Gật
gù một lát lão chợt trông thấy tôi nhô lên trên đê.
- Đây rồi! Đây rồi!
Như gặp lại bạn chí thân! ( Rồi tôi
mới biết lão kêu lên thế vì đấy là lão vừa nảy một ý rất hay của lão ).
Hai tròng mắt lão đỏ lòm lộn lên rất
nhanh. Lão bay chéo thẳng xuống đầu tôi. Lão giương cặp mỏ to tướng ra. Tôi
trông vào thấy cả cái lưỡi lão nhọn hoắt và thắm như máu. Tôi hơi luống cuống.
Nhưng có điều danh dự đáng tự hào này, xin thưa cùng bạn đọc yêu quý: tôi thường
đắc ý rằng đã từ lâu, dù trong cơn nguy hiểm, dù chết ngay tôi cũng không hề một
lần nào nữa hạ mình lạy lục ai, như hồi xưa tôi có lần lạy bác Xiến Tóc khi bị
Xiến Tóc doạ nạt.
Bây giờ, trước mặt lão chim Trả,
tôi loay hoay tìm cách chống đỡ. Lão chim Trả đã có tiếng là cục tính, khi lão
phát cáu hoặc khi ham muốn điều gì. Nhưng tôi nhất quyết không sợ. Tôi lấy hết
gân, bạnh người, giương cánh, giang chân khuỳnh càng ra. Cả thân mình tôi nở
bung, như con cua càng.
Thấy chưa chi tôi đã tỏ ý kháng cự,
lão chim Trả gầm lên:
- Hè...hè...Oắt! Oắt!... Giỏi! Giỏi!
Lão bổ thượng xuống một mỏ. Chưa
bao giờ tôi bị một đòn khiếp thế. Nhưng đầu tôi vốn đội mũ trụ, nổi tảng, cứng
lắm. Tôi chỉ đau mà không xây xát tí gì. Thấy không đánh ngã nổi tôi, đáng lẽ
phải cáu hơn, nhưng lão chợt nhớ lại cái ý hay mà lão đã kêu "đây rồi, đây
rồi" lúc nãy. Lão bèn quắp tôi, bay bổng lên. Chao chao. Gió rú trên cao đến
lộng óc. Từ lọt lòng mẹ chưa bao giờ tôi bị tung lên tận lưng trời như thế!
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment