DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ - CHƯƠNG 09 - TÔ HOÀI - TRUYỆN THIẾU NHI
DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ
Tác Giả: Tô Hoài
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi
CHƯƠNG 08 : TÂM SỰ CỦA BÁC XIẾN TÓC
Chúng tôi đi tìm chỗ ở mùa đông.
Tìm nơi ở mùa đông là việc năm nào
cũng phải làm và bao giờ cũng gian nan. Bởi vì không bao giờ và không có chỗ
nào cứ đến là đã sẵn chỗ. Hơn nữa, ai cũng muốn được nơi ở tốt nhất. ấy thế là
cái cảnh tranh giành, lắm khi đổ máu, lại thường diễn ra.
Ngoài đồng, mây đen cuồn cuộn, gió
thổi tan tác, mặt đất và gió lùa cái giá buốt vào tận ruột gan, không ai muốn cất
một bước. Thế mà vẫn phải đi, đi mãi đi mãi chưa tìm thấy đâu chỗ ẩn náu. Khe
lá nào, gốc cây nào cũng vô khối các loài áo mỏng vào tránh rét, trốn rét ròng
rã nhiều ngày, mỗi sáng ra lại bỏ lại ven đường mấy cái xác bạn chết cóng rất đau
thương mà vẫn chưa tìm ra được nơi trú ngụ. Lại phải đánh nhau thôi, một là sống,
hai là chết, có đánh nhau mới giành được chỗ ở - tiếng bàn tán và than thở như
thế trong đám đông, mỗi lúc càng xôn xao.
Một ngày kia, chúng tôi đến một bờ
đê, trông xuống thấy nhiều bụi dứa, trong lòng rất hồi hộp. Mấy anh Bọ Muỗm cao
cẳng rón chân đi thám thính xem ai đã đến trú chưa. Quân thám thính về báo, các
kẽ lá đều ở đầy Châu Chấu Voi.
Cả đoàn sau lưng chúng tôi la ó và
kêu rầm rĩ. Họ không muốn đi, họ không đi nổi nữa. Tôi trù trừ một lát rồi sau
thấy đám đông ùn lên, nhốn nháo, thế là tôi cũng hùa theo, chúng tôi kêu lên
"Cứ xông vào, đánh nhau thì đánh nhau, chết thôi". Thế là chúng tôi
kéo đến từng góc dứa, leo lên lách vào khe lá đầy gai phủ ở ngoài, cứ cắn đuôi
từng Châu Chấu Voi mà lôi giật lùi. Khó chịu, bọn Châu Chấu Voi nhảy ra. Thế là
chúng tôi, một phần tranh nhau nhảy xuống khe dứa hở, một phần thì xúm lại đánh
cho Châu Chấu Voi không quay vào được nữa. Bọn Châu Chấu Voi khoẻ lắm. Anh nào
cũng hùng dũng và hiên ngang. Chẳng trách họ được tên là Châu Chấu Voi. Một
Châu Chấu Voi đương thoắt xông tới. Sắc xanh biếc, lưng cao nhọn và ngang ngạnh
lên. Hai chiếc râu trổ ra dữ như hai cái đinh. Đôi càng đã to, to hơn càng tôi
mà quanh bắp vế còn lắp chi chít những mũi mác nhọn như chông.
Chẳng cần biết mình có thể yếu thế,
bởi vì mỗi Châu Chấu Voi to gấp mấy lần Châu Chấu thường, nhưng chúng tôi cứ
lăn xả vào vây đánh. Chúng tôi đương liều. Choảng nhau rối rít đến tận chiều
cũng chưa ngã ngũ bên được bên thua. Đám Châu Chấu đã chui được vào chiếm khe dứa
sợ quá, lại nhào cả ra. Thế là chúng tôi vẫn long đong ngoài trời rét, buốt lên
tận óc. Nhưng có điều đau đớn hơn cho tôi là Trũi đã bị Châu Chấu Voi bắt làm
tù binh rồi. Cả đêm tôi trằn trọc lo không chợp được mắt. Mờ mờ hôm sau, chúng
tôi đông hàng nghìn lại kéo vào vây rặng dứa. Phải cứu Trũi kỳ được. Nhưng khi
xô lên, nhòm vào khe lá, thì lạ thay! Các khe lá rỗng tuyếch, không còn một
bóng Châu Chấu Voi! Họ đã rút đi từ lúc nào.
Có lẽ sợ chúng tôi đông quá và cái
hăng thí mạng của chúng tôi, họ đã ra đi từ ban đêm. Thôi thế dù sao cũng là
xong nỗi lo mùa đông. Nhưng được chỗ ở ấm rồi mà tôi cứ ngao ngán cả người. Bởi
vì, lúc rút chạy, Châu Chấu Voi đã mang đi cả tù binh. Trũi mất tích rồi. Chúng
tôi được vào ở kín cả trong bụi dứa. Ngày đêm trên đầu khe, gió hú, gió gào bên
ngoài nhưng trong vẫn ấm áp và êm đềm như thường.
Khi nơi ăn chốn ở đầy đủ cả, tôi mới
nói rằng:
- Trong trận xung đột vừa rồi, chẳng
may em tôi bị cầm tù, phải Châu Chấu Voi đem đi đày đến tận xứ sở nào không rõ.
Ngày trước anh em tôi đã thề cùng nhau sinh tử. Bây giờ cơ sự xảy ra thế này,
tôi không đành tâm ngồi lại đây. Tôi phải đi tìm, cùng trời cuối đất nào tôi
cũng đi, đi bao giờ gặp được nhau thì anh em tôi lại trở về đây. Ai nấy xúm lại
can ngăn, không muốn tôi đi. Nhưng chí tôi đã quyết. Tình em nghĩa bạn, ở yên một
mình sao đặng. Vả lại, tù chân một chỗ cũng đã lâu, tôi nóng ruột lắm.
Biết không thể lưu tôi lại, ai cũng
ngao ngán. Họ dặn đi dặn lại rằng hễ tìm được Trũi thế nào cũng phải trở về.
Tôi nói:
- Chư vị hãy yên tâm, mặt đất rộng
mà hẹp, thế nào chúng ta cũng còn khi gặp nhau.
Chia tay lưu luyến, tôi cũng bịn rịn,
tuy không khóc nhưng lòng nao nao, bùi ngùi. Cảnh biệt ly bao giờ chẳng vậy.
Thế là, khăn gói gió đưa, tôi lại
bước chân đi. Bấy giờ đã tàn mùa hoa may từ lâu. Trên đồng bãi và bờ ruộng chỉ
còn xám mờ nhưng đám gốc rạ và gốc cỏ của trẻ chăn trâu đã nhổ lên, chất đống,
để đốt sưởi. Đám khói cỏ xanh ngắt trong vòm trời gió buốt, càng đượm vẻ thê
lương. Trời đông rét run cánh, run râu thế mà cả làng Châu Chấu nhảy ra ngoài
khe lá, lũ lượt đội gió tiễn tôi mấy dặm đường mới chịu trở lại.
Ngược lên phía Bắc, cứ ngắm những bụi
cây trơ trụi xa xa mà đi tới. Bước cao bước thấp, đi hết mùa đông sang mùa
xuân. Vào những đêm hè xanh trong, trăng sao vằng cặc, tôi càng cảm thấy mình lẻ
loi. Có khi, tôi ngửa mặt lên vòm trời không, gọi to:
"Em ơi! Giờ em ở
đâu?"
Ròng rã mấy mùa rồi, không nhớ mà
cũng không nghe được một tin tức gì về Trũi. Càng đi càng thăm thẳm, càng sốt
ruột. Đã qua nhiều miền khác nhau, đã hỏi thăm nhiều dân cư dọc đường. Chẳng ai
biết tông tích đoàn Châu Chấu Voi bí mật kia.
Lủi thủi một mình, chán không! Nghĩ
lại xưa kia, điếm cỏ cầu sương, vui buồn anh em có nhau, gian nan biết mấy cũng
vẫn vững lòng tin, mà lúc cùng nhau sung sướng thì càng hể hả, nức lòng. Than
ôi! Giờ một mình tôi lẽo đẽo đường dài, đơn thân độc bóng. Có lúc nhớ lại cái lần
cùng nhau trên chiếc bè sen nhật lênh đênh lạc ra nước lớn, Trũi khẩn khoản đưa
càng của mình cho tôi ăn; nước mắt tôi muốn ứa ra. Thấm thoắt, lại đã hết một
mùa đông. Những ngày xuân mới bắt đầu. Chim hót ơi ới đầu cành. A'nh nắng lụa
nõn nà phủ trên cây. Những vạt cỏ trở lại non tươi, xanh mơn mởn khắp mặt đất,
cỏ xuân nhấm ngọt như đường phèn.
Một hôm tôi dừng chân bên dòng nước
nhỏ. Bỗng nghe trên những cây dó đã nở hoa như treo đèn thơm khắp cánh rừng trước
mặt, có tiến ồn ào. Không phảit tiếng ong rạo rực tìm hoa làm mật mà những tiếng
nhịp nhàng khi xa khi gần, khi réo rắt như ai đàn hát. Trèo lên tảng đá, nhìn
sang bờ bên kia thì thấy trên một đám cỏ non, có đàn các cô Bướm Vàng, Bướm Trắng,
Bướm Hồng, Bướm Nhung đang nối cánh nhau, nhảy thành vòng. Vừa nhảy vừa hát.
Thì ra đấy là tiếng hát ca ngợi mùa xuân.
Cảnh hay như vẽ
Gió hây hây
Đào mỉm miệng
Liễu giương mày
Bướm nhặng bay
Trong bụi
Oanh vàng ríu rít
Đầu nhà
Én đỏ hót hay (*)
Có mấy anh chàng Ve Sầu, mặt mũi vằn
vèo và sần sùi mà lại ăn mặc chải chuốt, đứng nghẹo đầu cạnh các ả Bướm, đương
giơ cái mõ dưới cánh lên kéo bài o o i i dài dằng dặc, hoà nhịp với lời ca
trong trẻo của các cô Bướm.
Chắc bọn này đương tiệc múa hát mừng
xuân mới. Đầu mùa xuân, đâu đâu cũng tưng bừng tết nhất. Lòng tôi bỗng vui lây.
Tôi bèn leo lên cao để nghe tiếng hát cho được thú vị hơn. Tôi trông thấy bên cạnh
các ả Bướm và chàng Ve Sầu còn có những đàn Bướm khác ở các Bãi cỏ phía xa cũng
đương múa hát. Tiếng hát mùa xuân trong như nước chảy, ngân vào mãi rừng xanh.
Tôi trông kỹ lại thấy ra đàn Bướm
nhảy múa xung quanh một bác Xiến Tóc to gồ, cao lêu đêu. Mỗi chân bác Xiến Tóc
nắm một Bướm Trắng, sáu chân bác Xiến tóc nắm sắu chị Bướm Trắng, tất cả Bướm
Trắng cùng múa cánh lên như tung hoa. Lúc cái đầu kềnh càng của bác Xiến Tóc ngả
xuống, khiến cho chiếc đàn tự nhiên xưa nay bác vẫn đeo trong cổ bỗng kêu lên
kin kít, thì hai ả Bướm Trắng khác lại đến nghịch ngợm leo lên vít khấc râu cứng
quếu của bác. Họ nhảy và hát linh tinh vui nhộn như trẻ nhỏ chơi.
Tôi nghển xem bác Xiến Tóc ấy thế
nào, già trẻ ra sao mà nghịch lối con nít thế. Xưa nay, các tay Xiến Tóc vẫn được
tiếng đạo mạo cơ mà. Nhìn kỹ... Tưởng ai! Hoá ra cái bác Xiến Tóc năm xưa. Vẫn
nét mặt nghiêm nghiêm và trầm tĩnh, vẫn hai tảng răng đen sắc ghê gớm, xiến đứt
cả tóc - vì thế mà bác được tên là Xiến Tóc, và bác đã chỉ xiến một cách nhẹ
nhàng mà hai sợi râu tốt đẹp trên đầu tôi đã đứt béng từ ngày ấy.
Tôi xin thưa cùng bạn đọc yêu quý của
tôi rằng, từ ngày bị bác Xiến Tóc cắt mất râu, tuy vì thế mà vẻ mặt tôi có già
đi một tẹo, nhưng không, tôi chẳng mảy may thù oán bác Xiến Tóc, mà tôi còn phục
bác là người giỏi, bụng dạ rộng rãi, đường đường một đấng anh hào côn quyền đủ
sức, lược thao gồm tài, tôi đã học được ở bác ấy nhiều điều lắm. Thế mà thật lạ
lùng chẳng ngờ cái bác Xiến Tóc gai ngạnh, khắc khổ, tư lự, mấy năm chả gặp, bây
giờ hoá ra ngây ngô, nhí nhảnh nỡm đời, đi rong chơi dông dài với lũ Ve Sầu và
Bướm. Mà điệu bộ này thì họ tiệc tùng thâu đêm suốt sáng đây. Tôi đã từng chơi
những trò phí thì giờ này, tôi chẳng lạ!
Còn đương phân vân, biết có nên
sang ra mắt bác Xiến Tóc hay là lủi đi, thì bỗng cả mấy ả Bướm cùng im bặt tiếng.
Rồi các ả hốt hoảng chạy trốn hết vào nép im trong bụi. Xiến Tóc lừ đừ ngẩng đầu
lên, ề à hỏi:
- Ai đâu mà các em sợ thế?
Xiến Tóc cũng đảo đầu tìm kiếm, ngơ
ngác. Chợt trông thấy tôi, bác ta định thần nhìn kỹ rồi reo lên:
- A Dế Mèn! Đi đâu thế? Xuống đây
đã nào! Có phải Dế Mèn đấy không?
Dáng chơi bời, thức đêm nhiều, mắt
Xiến Tóc có phần toét nhoèn, nhìn mãi vẫn chưa nhận rõ hẳn ra tôi. Tôi liền bay
sang. Bấy giờ bọn Bướm núp trong bờ cỏ mới ngấp nghé mon men ra gần. Lúc nãy,
đương hát, thoáng thấy tôi lạ, họ sợ xấu hổ, bỏ chạy. Bây giờ biết quen, lại sấn
đến và quá bạo, cứ khoác vai tôi ra nhảy múa. Nhưng tôi từ chối khéo. Cả bọn họ
lại chạy ra bãi nô giỡn, những chàng Ve Sầu lại lên tiếng nhạc mõ o o i i rầu
rĩ nhức tai.
Còn lại hai chúng tôi, Xiến Tóc
nhìn tôi, hỏi đùa:
- Thế ra bộ râu chú mình không mọc
nữa nhỉ?
Tôi lắc đầu mỉm cười. Tôi hỏi thăm
Xiến Tóc độ rày ra sao mà coi bộ rỗi rãi nhàn hạ thế. Bác Xiến Tóc thở dài, đàn
răng đàn cổ lên điệu xiến ken két, rồi im, ra chiều tư lự. Một lát sau bác cất
tiếng buồn buồn kể rằng:
- Có phải anh trông tôi bây giờ
khác trước nhiều lắm không. Chính tôi, tôi cũng tự cảm thấy khác lắm. Tôi cũng
biết tôi đổ đốn đâm ra chơi bời dông dài, thế mà tôi buồn bã không muốn xoay
chuyển nữa. Cuộc đời éo le đã khiến tôi chán lắm, chán quá. Sau ngày gặp anh,
tôi đương rất khoái vì ngày ấy tôi đã làm được nhiều việc ngẫm nghĩ thấy có
ích. Một lần, tôi đến xóm kia. Không dè ở đấy đương có cuộc săn đuổi do bọn trẻ
nghịch ngợm khởi xướng, cũng như cái bọn trẻ đã bắt anh để đem đi đánh chọi và
làm giải thưởng bóng đá ấy. Đó là mấy cậu bé trong thành phố về quê mùa hè,
chúng đi rình bắt Xiến Tóc về chơi. Chẳng may, tôi bị bắt một buổi sớm trên một
cành dướng.
Bọn trẻ đem tôi về thành phố. Đường
xa những bao nhiêu ngày, tôi không biết. Vì họ nhốt tôi vào một cái hộp kín
bưng cùng với năm bạn xấu số nữa và cứ nhốt mãi như thế. Có bạn tôi chết vì ngạt
thở. Vốn quen ăn vỏ cây, giờ bọn trẻ ngớ ngẩn không biết gì về thức ăn Xiến Tóc,
cứ nhét đầy cỏ, có khi cả cục cơm, miếng xương, tôi không nuốt được. Tôi nhịn
ăn hàng tháng trời mà họ cũng vô tình, không biết nốt.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment