BƠ ĐI MÀ SỐNG - CHƯƠNG 08 - MÈO XÙ - TRUYỆN NGÔN TÌNH VIỆT NAM

BƠ ĐI MÀ SỐNG

Tác giả : Mèo xu
Thể loại: Ngôn tình, teen, cuộc sống

CHƯƠNG 08 : NƠI BÌNH YÊN NHẤT LÀ NHÀ


Anh trai

Tôi có một người anh trai cả, anh trai của tôi bị bệnh thần kinh, trí tuệ chậm phát triển. Mẹ kể năm 3 tuổi, tự nhiên anh bị lên cơn co giật, toàn thân rúm ró lại, tay chân giật đành đạch, mẹ vừa khóc vừa ôm anh chạy lên bệnh viện huyện, người ta chẩn đoán anh bị viêm não Nhật Bản, thời đó thuốc men chẳng tốt như bây giờ, thế nên không chữa được cho anh. Kể từ đó anh cứ ốm đau, quặt quẹo liên miên, lâu lâu lại lên cơn co giật, những lúc như vậy phải cho anh uống thuốc động kinh, dần dần trí tuệ của anh tôi bị phát triển chậm chạp đi, so với những đứa trẻ cùng trang lứa thì anh tôi thuộc dạng thiểu năng trí tuệ, nhận thức của anh tôi rất kém.

Anh tôi đến tuổi vào học lớp 1, bố mẹ cũng cho anh đi học, nhưng học tới nửa năm anh tôi vẫn không cầm nổi cây bút để viết A, O. Mẹ đành xin nhà trường cho anh lùi lại một năm. Hi vọng năm sau trí tuệ anh phát triển hơn chút thì anh có thể đi học được. 

Đến năm sau đi học, tình hình cũng chẳng cải thiện hơn, anh tôi không thể nào nhớ nổi mặt chữ, cô giáo dạy trước anh tôi quên sau. Học thêm một năm lớp 1 nữa, anh tôi cũng chẳng thể nào lên lớp nổi. Bố mẹ vẫn kiên trì muốn cho anh đi học, nên lại xin nhà trường cho anh tiếp tục học thêm một năm lớp 1 nữa. 

Năm đó cũng là năm chị gái thứ hai của tôi đi học lớp 1, vậy là hai anh em học chung lớp, ngồi chung bàn. Một ngày nọ chị gái đi học về khóc lóc nói với mẹ tôi, mẹ ơi đừng cho anh đi học nữa, ở lớp anh bị cô giáo đánh, các bạn đánh, con thương anh lắm. Thì ra vì trí tuệ của anh không phát triển, cô giáo dạy anh không hiểu nên thường lấy thước kẻ dài ghè vào tay anh, hoặc lấy cây đánh vào đầu anh. Bọn trẻ trong lớp thì trêu anh là thằng ngớ ngẩn, chúng nó lấy phấn ném vào người anh, đấm đá anh. Có lẽ cả hai năm học trước anh cũng đã bị đối xử như vậy, nhưng anh không biết cách để về nhà nói với bố mẹ.

Mẹ nghe chị tôi nói như vậy thì nước mắt lưng tròng, khóc thương con. Kể từ đó mẹ tôi cho anh tôi nghỉ học ở nhà, anh tôi học ba năm lớp 1 vẫn thuộc dạng mù chữ, càng ngày càng ngơ ngơ, trí tuệ càng ngày càng chậm chạp.

Lúc còn nhỏ, tôi thấy ghét anh tôi lắm, tôi ghét anh tôi vì anh tôi bị ngớ ngẩn. Tôi cũng bị bạn bè chế giễu vì tôi có một người anh ngớ ngẩn, những lúc anh em tôi đi ngoài đường, đám trẻ trong xóm lại chọc:

- Anh em thằng Quản ngớ ngẩn kìa chúng mày ơi.

Chúng nó thậm chí còn lấy gạch đá ném vào người anh em tôi. Dần dần tôi không thích đi chung với anh tôi nữa. Anh tôi thích đi cạnh, nắm tay tôi, nhưng tôi luôn cố tình tránh xa, càng xa càng tốt. Tôi không cho anh được đi cạnh tôi, luôn bắt anh phải đi sau tôi một khoảng, tôi luôn muốn phủ nhận sự tồn tại của anh tôi.

Tôi bị cận thị từ nhỏ, lúc nào cũng phải đeo cặp kính dày cộm, đám trẻ trong xóm luôn chọc tôi là chó bốn mắt và đồ ăn đu đủ không vần thìa, vì răng tôi bị hô.

Một hôm tôi đi học về thì lũ con trai trong xóm đi đằng sau chọc tôi như thường lệ, chúng nó thậm chí lấy đá ném vào chân tôi, rồi cười hô hô với nhau. Đúng lúc đó chẳng hiểu anh tôi từ đâu xuất hiện, lao ra, dùng quả đấm, đấm thụp một cái vào lưng thằng đầu xỏ trêu tôi. Nó đau điếng người nằm ngã lăn ra đường, tôi và đám trẻ con trong xóm sợ vô cùng, sợ nó sẽ chết. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, thằng kia nằm tê tái ở đường một tí rồi mới giống lên khóc như bò. Nghe nó khóc, tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra nó không chết. Tối đó bố nó đạp xe xuống nhà, đòi đánh anh tôi, bố mẹ tôi phải đứng ra xin, ông ta mới chịu ta. Lúc ông ta về, bố cầm một cái roi rất to, đánh anh tôi, tôi ở ngoài khóc xin thế nào bố cũng không tha cho anh. Còn anh thì rất lì, không khóc cũng không xin bố, chỉ đứng im chịu bố đánh.

Dần dần tôi không còn ghét anh nữa mà chuyển qua thương anh.

Mẹ tôi từng bảo ai sinh con cũng mong con được khỏe mạnh giỏi giang. Nhưng trên một bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, thế nên trong gia đình thường có một người thiệt thòi hơn những người còn lại, coi như sẽ gánh hết tật bệnh cho mọi người trong gia đình. Anh con cũng vậy nên hai chị em phải thương lấy anh.

Tôi đi học xa, lâu lâu mới về, những lúc tôi về nhà, y như rằng đều nhìn thấy anh tôi từ xa, anh đang đứng ở ngõ chờ tôi về. Bố tôi kể nếu như anh biết hôm nay có em hay mẹ sẽ về thì anh sẽ đứng ngóng cả buổi. Anh trông thấy tôi thì không nói gì, chỉ tủm tỉm cười, rồi anh xách túi cho tôi, lẽo đẽo đi đằng sau lưng tôi. Có thể do ngày xưa tôi luôn quát anh, bắt anh phải đi cách xa tôi, nên cho tới giờ anh vẫn còn giữ thói quen đó, anh lúc nào cũng đi sau lưng tôi, cách tôi một quãng.

Hàng ngày anh tôi vẫn đi lang thang quanh xóm, nhặt những vỏ lon bia, những chai nhựa bỏ đi để mang về bán. Mỗi lần bán như vậy anh có được vài nghìn. Vài nghìn đó anh mang giấu dưới gối, chiếc gối giống như là một nơi bí mật nhất, để anh yên tâm cất giữ kho báu tài sản vốn liếng của mình. Bữa thấy mẹ tôi bị bệnh, bác sĩ phải tới nhà tiêm, anh moi kho báu dưới gối của mình đưa cho mẹ, bảo mẹ mang tiền này ra Hà Nội con em nó dẫn mẹ đi khám bệnh mua thuốc mà uống. Anh tôi luôn gọi tôi và chị gái tôi là "con em" một cách đày yêu thương như vậy.

Anh tôi có thói quen để dành bánh kẹo, nếu có ai cho anh thường không ăn, mà đem cất đi, khi nào tôi về anh mang ra dúi vào tay tôi bảo ăn đi.

Bao nhiêu năm, tôi từ một đứa trẻ, rồi cũng lớn lên, và dần trưởng thành hơn. Nhưng anh tôi thì vẫn thế, lúc nào anh cũng ngây ngô, tính cách không hề thay đổi từ bé cho đến lớn.

Anh tôi chưa bao giờ, chưa một lần và có lẽ hết đời này cũng không biết nói một câu yêu thương tôi. Nhưng tôi biết tình yêu anh dành cho tôi từ bé tới lớn chưa bao giờ thay đổi. Từ cái lúc anh đánh thằng con trai trong xóm vì nó dám trêu tôi, cho đến tận bây giờ, trong trái tim ngây ngô ngớ ngẩn của anh, tôi vẫn luôn là một đứa em gái anh cần bảo vệ, nhường nhịn cho từng cái kẹo.

Tôi bây giờ đã không còn là đứa trẻ cần được anh bảo vệ. Tôi đã trưởng thành, đi đây đi đó khắp nơi, thỉnh thoảng sống cuộc sống xa xỉ. Tôi có thể đi bar uống một chai rượu vài triệu, mua một chai nước hoa rất đắt tiền chỉ để ngắm. Thế nhưng tôi không bao giờ quên rằng tôi là em gái của anh, một người anh ngớ ngẩn.

Có lần tôi hẹn hò với một người, lúc tôi kể chuyện anh trai, kể chuyện gia đình, tôi thấy ánh mắt người ấy có chút nghi ngại, ánh mắt ấy, khiến tôi thấy có gợn trong lòng. Rồi tôi bảo, nếu em lấy chồng, em vẫn sẽ nuôi anh trai em suốt đời, người ấy bảo ừ thế thì cũng vất vả nhỉ? Và bọn tôi chia tay sau đó một tháng.

Cũng chẳng trách được người ta, bạn tôi từng bảo: 

"Nói mày đừng tự ái nhưng nếu tao đứng trước một cô gái có hoàn cảnh như mày, tao sẽ lưỡng lự lắm. Vì lúc kết hôn lo cho gia đình nhỏ của mình đã đủ mệt rồi..."

 Câu nói sau đó bạn tôi bỏ lửng, nhưng tôi hiểu bạn tôi muốn nói gì, tôi cũng biết bạn tôi nói đúng.

Vậy nhưng nếu như có người đàn ông nào cảm thấy lăn tăn vì gia đình tôi, vì anh trai tôi khi muốn tiến tới với tôi thì tôi cũng chẳng hối hận mà nói rằng họ không cần lăn tăn đâu vì tôi cũng sẽ không bao giờ thích họ. Tôi sẽ chỉ thích một người khi người đó cũng biết yêu thương, biết thông cảm với gia đình của tôi.

Có nhiều người bảo anh là gánh nặng suốt đời của gia đình tôi, thế nhưng tôi nghĩ, chính là anh, đã dùng cả cuộc đời của anh, để gánh tất cả mọi thiệt thòi nhất về phía mình.

Anh tôi bị ngớ ngẩn, nhưng những người ngớ ngẩn, họ vẫn có tình yêu thương, yêu thương theo cách riêng của họ.

*******

Một gia đình có tình yêu của Bố

Bố tôi lam lũ một đời, nhìn cái dáng hao gầy của bố đã thấy hằn lên sự vất vả. Hồi tôi còn bé, nhìn mấy đứa được bố chúng nó kiệu lên vai đi khắp nơi trong xóm, tôi thấy tủi thân ghen tị lắm. Vì tôi chưa bao giờ được bố làm như thế với mình. Bố tôi so với bố bọn nó thì quá bé nhỏ, người bố tôi gầy còm nhỏ thó, mỗi lúc đám trẻ con ngồi kể thi xem bố đứa nào mạnh nhất, chúng nó luôn xếp bố tôi sau cùng. Chúng nó nói bố tôi yếu nhất, nếu có đánh nhau bố tôi sẽ thua.

Thế nhưng cả đời này, bố tôi cũng chẳng có ý định đánh nhau với ai. Ngay cả to tiếng, quát người khác bố tôi cũng chưa từng làm. Bố tôi khù khờ ít nói, mẹ bảo bố tôi không giỏi giao tiếp, gặp người lạ bố chỉ biết lặng im, người ta hỏi gì bố trả lời đó. Mọi việc giao tiếp bên ngoài đều mẹ làm hết, bố chỉ biết ngày ngày đi làm về đưa tiền cho mẹ. Ngay cả tình yêu bố dành cho mẹ con tôi, cũng cần mẫn yên lặng như chính con người của bố vậy.

Bố tôi là con trưởng, mẹ sinh được anh tôi, những tưởng anh tôi sẽ là cháu đích tôn nối dõi tông đường, ngờ đâu anh tôi lại bị bệnh. Đến khi đứa con thứ hai (tức chị tôi) ra đời là con gái, mẹ kể hồi mang bầu tôi, mẹ luôn hi vọng, tôi sẽ là con trai để thay anh gánh vác trách nhiệm nối dõi tông đường. Nên khi bà đỡ báo tôi là con gái, mẹ buồn lắm, mẹ khóc rất nhiều. Bố khi đó đang đi làm xa, nghe tin mẹ sinh tôi, bố đạp xe mấy chục cây số để về. Nhìn thấy mẹ như vậy, bố nắm tay mẹ an ủi, bố bảo:

 "Mẹ mày đừng khóc, lớn lên con nó biết nó lại tủi thân, con nào cũng là con , dù có chuyện gì bố cũng không bỏ rơi mấy mẹ con". 

Mẹ tôi có thể vất vả lam lũ hơn nhiều người phụ nữ  khác vì gia cảnh nhà tôi quá nghèo. Nhưng ngược lại, tôi vẫn luôn nghĩ mẹ tôi là người phụ nữ vô cùng may mắn, vô cùng hạnh phúc, vì có được người chồng như bố.

Hồi tôi vào học lớp một, bố đi làm xa nhà, nhưng cứ mỗi khi được nghỉ phép về nhà, bố đều chở tôi đi học. Thường ngày tôi phải đi bộ, vậy nên lúc nào được bố chở đi học, thì đó là hạnh phúc vô biên của tôi, đám bạn nhìn thấy tôi được ngồi xe đạp, chúng rất ghen tị, và dĩ nhiên tôi vui vì điều đó.

Bố đặt tôi ngồi sau gác-ba-ga, bố dặn con nhớ giạng chân ra không thì bị kẹt vào nan hoa. Bố tóm lấy tay tôi, đặt vào hai bên hông bố, bảo con nắm chắc vào, không được bỏ ra nhé. Tôi ngoan ngoãn vâng, nhưng bố không yên tâm, cứ đi được một đoạn bố lại nhắc: 

"Bám cho chắc vào con nhé".
truyenhoangdung.blogspot.com



No comments

Powered by Blogger.