BƠ ĐI MÀ SỐNG - CHƯƠNG 06 - MÈO XÙ - TRUYỆN NGÔN TÌNH VIỆT NAM
BƠ ĐI MÀ SỐNG
Tác giả : Mèo xu
Thể loại: Ngôn tình, teen, cuộc sống
CHƯƠNG 06 : NƠI BÌNH YÊN NHẤT LÀ NHÀ
Đừng than nghèo, những điều tuyệt vời
nhất đều miễn phí
Bữa nọ, tôi đang ngồi làm việc, thì
cháu gái bảy tuổi của tôi, gọi điện khoe với tôi, giọng hớn hở:
- Dì ơi con mới sáng tác được bài
thơ hay lắm, con đọc cho dì nghe nhé:
"Gia đình hơn hết,
Em mến ông em
Thương bà biết mấy
Bố công như núi
Mẹ sinh chúng em
Gia đình hơn hết
Không mất tiền mua
Ai ai cũng có
Cả một gia đình"
Đọc xong mấy câu thơ con cóc chẳng
đầu chẳng đuôi ấy, cháu gái tôi hỏi:
- Dì có hiểu ý nghĩa của bài thơ
con làm là gì không?
Tôi trả lời qua loa đại khái:
- Thì ý con là gia đình quan trọng
nhất, không gì đánh đổi được.
Cháu tôi nghe tôi trả lời như thế
liền bảo:
- Vẫn còn thiếu một ý nữa dì ạ, ý
con là không cần phải mất tiền ai cũng có một gia đình, nhưng gia đình lại quan
trọng nhất không tiền nào mua được.
Nghe con bé lên bảy nói xong bằng đấy
câu, tôi lặng người đi.
Ừ nhỉ, ai sinh ra cũng đều có sẵn một
gia đình, chẳng ai phải mất tiền để mua cho mình một gia đình cả, thế nhưng gia
đình lại quý giá đến mức chẳn tiền bạc nào có thể mua nổi. Đơn giản thế này,
nhưng người lớn chúng ta, mấy ai hiểu được ra. Nhiều khi chúng ta cứ than thở
chúng ta chẳng sở hữu được thứ gì quý giá, thế nhưng, những gì quý giá nhất thực
ra đều miễn phí. Và hầu như ai trong số chúng ta, cũng đều đang được sở hữu những
thứ quý giá nhất, tuyệt vời nhất của cuộc đời - đó là GIA ĐÌNH.
"Khi nào ta cảm thấy mỏi mệt,
khi nào ta cảm thấy chán ghét cuộc đời này vì ta nghĩ rằng ta chẳng sở hữu được
thứ gì đáng giá, lúc đó ta hãy nhìn lại phía sau để thấy rằng gia đình vẫn đang
ở đây, bên cạnh ta, điều đó đáng giá hơn bất cứ điều gì. Nếu không có gia đình,
vinh hoa phú quý ngoài kia, thực ra ta cũng chẳng biết để làm gì..."
*******
Tình yêu của bố mẹ tôi
Bố tôi học hết lớp 9, mẹ tôi văn
hóa hết lớp 6.
Thế nhưng bố mẹ luôn khiến tôi thấy
rất tự hào mỗi khi kể với mọi người về bố mẹ của mình, về tình yêu của bố mẹ
dành cho nhau, về cách bố nắm tay mẹ vượt qua chặng đường khó khăn nhất trong
cuộc đời của họ.
Nếu hỏi thứ quý giá nhất tôi đang
có là gì? Tôi sẽ trả lời ngay đó là một gia đình có tình yêu của bố mẹ.
Tôi tin rằng:
"Điều mỗi đứa
con cần nhất trên đời, chính là một gia đình hạnh phúc".
Tôi sinh ra và lớn lên trong một
gia đình thuần nông ở vùng quê Bắc bộ. Gia đình tôi có năm người, bố mẹ, anh chị
và tôi, tôi là con út trong nhà.
Khi tôi còn bé, gia đình tôi cũng
như bao gia đình khác không giàu nhưng vẫn đủ ngày ba bữa cơm. Tôi lúc đó cũng
chẳng có ý niệm gì về giàu nghèo, chỉ biết ngày ngày xách cặp đi học, tối về tụm
lại chơi với đám trẻ trong xóm. Tai họa thật sự ập đến khi một sáng ngủ dậy,
người mẹ tôi bỗng dưng cứng đờ, không cử động được, mẹ tôi giàn giụa nước mắt gọi
anh em tôi đỡ mẹ ngồi lên, chúng tôi ra sức nâng mẹ, nhưng mẹ khóc bảo mẹ đau lắm
đừng nâng nữa, các cơ các khớp không cử động được.
Chị em tôi khóc, chia nhau chạy đi
gọi nhà bên nội bên ngoại, người lớn đi đánh điện cho bố tôi về, bố tôi khi ấy
là công nhân, đang đi làm xa nhà.
Đến trưa, dân làng anh em chòm xóm
tụ tập đông kín cả nhà tôi, họ gọi bác sĩ đến, bác sĩ bảo mẹ tôi bị liệt dây thần
kinh toại, bệnh này có thể chết, có thể liệt mãi mãi, hiếm có ca nào điều trị
khỏi. Ai cũng lắc đầu vì thấy hi vọng sao mong manh thế. Ba anh em tôi đứng ở
góc nhà, nước mắt cũng giàn giụa.
Bố gạt nước mắt nói với bác sĩ:
- Cho dù phải bán nhà đi để chạy chữa
cho vợ tôi, tôi cũng cam lòng.
Thế là bố xin nghỉ hẳn ở nhà lo chạy
chữa cho mẹ. Mẹ nằm đấy không cử động được, mọi sinh hoạt cá nhân phải có bố
giúp.
Mẹ bị liệt 400 ngày. Suốt 400 ngày
đó vẫn một mình bố chăm mẹ, người bố tôi vốn dĩ bé nhỏ, thời kì đó bố chắc chỉ
còn 40 kí, chân tay đi liêu xiêu, mắt trũng thâm quầng vì thiếu ngủ, có lúc các
dì tôi bảo, bố nghỉ ngơi vài hôm đi để các dì chăm mẹ giúp, nhưng bố tôi nói:
- Anh không yên tâm để ai chăm sóc
chị ấy lúc này cả, các dì đến chơi thì đến, còn chăm chị phải tự tay anh làm.
Mẹ tôi điều trị khánh sinh nhiều,
đi tiêu không nổi vì bị táo, mẹ đau lắm, mẹ khóc, bố cho tay vào cạy móc từng cục
phân ra cho mẹ. Da thịt mẹ tôi vì nằm liệt nên cũng bị thối rữa rồi mưng mủ, mỗi
ngày bố đều tỉ mẩn cặm cụi lau rửa những phần thịt thối rữa cho mẹ. Đó là hình ảnh
mà suốt đời này tôi không bao giờ quên được.
Tôi là con út trong nhà, khi ấy
chưa biết làm gì cả, ngày ngày trừ lúc đi học tôi chỉ biết ngồi cạnh mẹ, không
rời đi nửa bước, có lần dì tôi mắng:
- Mẹ đã ốm thế còn không biết làm
việc nhà giúp bố, cứ ngồi đó làm gì?
Tôi vừa quệt nước mắt vừa nói:
- Cháu phải ngồi đây với mẹ, vì
cháu sợ mẹ chết lúc nào cháu không biết thì sao.
Mẹ nghe thấy nước mắt cũng lăn dài.
Rồi bác sĩ điều trị dạy tôi cách xoa bóp cho mẹ, đó là cách điều trị rất tốt
cho người bị liệt, thế là tôi có việc để làm, ngày nào tôi cũng ngồi bóp chân
bóp tay cho mẹ rồi cầu trời cho mẹ khỏi bệnh, tôi thức đến 12h đêm để xoa bóp,
có lúc bố phải quát mắng tôi mới chịu đi ngủ.
Thế rồi hơn một năm, đông tây y kết
hợp đủ kiểu, tay chân mẹ tôi bắt đầu cử động trở lại, dần dần mẹ tôi ngồi dậy
được, khoảng nửa năm tiếp theo mẹ tôi tập đi lại từng bước, bố dìu một bên, chị
gái tôi dìu một bên, cứ như thế ba tháng sau mẹ tôi có thể đi lại được bình thường.
Dân làng, ngay cả bác sĩ đều nói đó
là kì tích.
Sau này lớn lên, nghĩ lại, tôi cho
rằng chẳng có kì tích nào cả, tất cả đều nhờ vào tình yêu lớn lao của bố con
tôi dành cho mẹ, nhất là của bố.
Tôi nghĩ bố mẹ tôi lấy nhau ở cái
thời điểm chẳng biết tình yêu là gì, chắc cả đời này bố chưa nói với mẹ được một
câu "Anh yêu em", nhưng những gì bố đã làm cho mẹ, vĩ đại và giá trị
hơn hàng nghìn hàng vạn lời hứa hẹn thề non chỉ biển!
Tình yêu ư? Đừng nói, mà hãy hành động...
Tôi nghĩ thứ đẹp đẽ nhất trên đời
này không phải là kim cương mà là gia đình. Một gia đình hạnh phúc là một gia
đình có tình yêu của bố mẹ.
***
Mẹ quỳ xuống để cho con được đứng
lên
Mẹ là phụ nữ nhưng chưa một lần
trong đời mang giày cao gót.
Suốt những năm ròng mẹ đi chân trần
nhiều hơn số lần mẹ xỏ dép.
Bàn chân mẹ dọc dài theo năm
tháng...
Cũng chai sần, bởi gánh nặng mưu
sinh
Gối mẹ hơn một lần đã quỳ xuống vì
con
Tự trọng, với kiêu hãnh, hình thù
chúng ra sao mẹ không biết
Chỉ cần con được đứng thẳng vươn
vai giữa cuộc đời dài rộng
Với mẹ thế là đủ rồi
Hao gầy kia mẹ sẽ chịu, chai sạn
kia mẹ sẽ mang
Chỉ cần
con an vui là đủ
...
Kinh tế
gia đình tôi suy kiệt đi từ sau trận bạo bệnh của mẹ, bao nhiêu tài sản tích
cóp đều đổ hết vào chữa bệnh cho mẹ, mẹ khỏi bệnh cũng là lúc trong nhà tôi chẳng
còn thứ gì đáng giá, không những thế còn ôm theo một khoản nợ khổng lồ.
Bố từ bỏ công việc nhà nước để ra
ngoài làm ăn kiếm tiền trả nợ, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi thì vẫn còn
nhỏ. Một mình bố làm bao nhiêu cũng chẳng đủ trả nợ. Tuy còn bé nhưng lúc nào
cũng thấy có người đến nhà đòi nợ gốc nợ lãi, cho tôi đủ hình dung được kinh tế
gia đình đang tệ hại đến thế nào. Thế nhưng chưa một lần bố mẹ có ý định bắt chị
em tôi phải nghỉ học ở nhà kiếm tiền, bố mẹ luôn nói đời bố mẹ khổ rồi, nhất
quyết không để đời chúng tôi phải khổ nữa.
Tôi nhớ năm đó đã đến kì đóng học
phí, các bạn trong lớp thì đều đóng cả rồi, duy có mình tôi chưa đóng, ngày nào
cô giáo cũng nhắc nhở bêu tên tôi trước toàn lớp. Mặc dù vậy tôi vẫn cắn chặt
răng không chịu về xin tiền đóng học, vì biết xin cũng chẳng có, nhưng thằng bạn
học cùng lớp, nhà kế bên, nó đã về nói với mẹ tôi.
Trưa đó mẹ bảo để mẹ đi vay tiền
cho tôi mang tới trường đóng học, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ mèm, đến tới
nhà ông Long ở đầu xóm, mẹ bảo tôi đứng ngoài chờ mẹ. Giữa cái nắng tháng năm
tôi đứng đó trông chừng xe đạp, chờ mẹ vào vay tiền, tôi chờ lâu lắm không thấy
mẹ ra, tôi sốt ruột bèn mon men chạy vào sân nhìn xem có thấy mẹ không. Khi
nhìn thấy hình ảnh mẹ, nước mắt của tôi tự nhiên túa ra không sao cầm lại được,
hai chân mẹ tôi đang quỳ dưới đất, nước mắt ròng ròng, tay mẹ chắp lại van xin
ông Long cho mẹ vay tiền, mặt người đàn ông kia vẫn lạnh lùng ngồi xem ti vi giống
như không nhìn thấy sự tồn tại của mẹ tôi. Tôi biết ông ấy không còn tin tưởng
để cho mẹ tôi vay tiền nữa, bởi nhà tôi đang nợ quá nhiều, cho vay nữa thì chẳng
biết tới khi nào mới lấy lại được.
Một con bé 15 tuổi là tôi lúc đó tự
nhủ với lòng rằng nhất định không được phép thất bại, vì cả cuộc đời này tôi
còn phải trả ơn cha mẹ nhiều lắm.
Nhiều năm trôi qua rồi, nhưng hình ảnh
mẹ quỳ gối vào buổi trưa hôm đó vẫn hằn lên trong tâm trí tôi. Hôm nay tôi có
thể khóc khi nghĩ về quá khứ ấy, nhưng đó là giọt nước mắt hạnh phúc... Tôi biết
mẹ đã chấp nhận quỳ gối để tôi được đứng lên.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment