CHƯƠNG 19 - KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO - TIỂU THUYẾT THẾ GIỚI
KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO
Tác giả: John Green
Thể loại: Tiểu thuyết phương Tây
CHƯƠNG 19:
Vài ngày sau, tại nhà anh
Gus, mọi người gồm ba mẹ anh, Ba Mẹ tôi, anh Gus và tôi ngồi chen chúc quanh
bàn ăn, thưởng thức món ớt nhồi trên một tấm khăn trải bàn mà theo lời ba Gus,
thì lần cuối cùng nó được sử dụng là từ thế kỷ trước.
Ba tôi: “Emily, món cơm Ý này…”
Mẹ tôi: “Thật là ngon.”
Mẹ anh Gus: “Ồ, cảm ơn anh chị. Tôi rất sẵn lòng chỉ chị cách làm món này.”
Anh Gus, nuốt một miếng: “Thật ra con thấy mùi vị chính không giống như ở
Oranjee.”
Tôi: “Vị giác anh tốt lắm, Gus. Đúng là món này dù ngon nhưng không giống hương
vị ở Oranjee.”
Mẹ tôi: “Kìa Hazel,”
Anh Gus: “Nó có vị như thể…”
Tôi: “Đồ ăn hàng ngày.”
Anh Gus: “Đúng, chính xác. Món này có vị giống như đồ ăn hàng ngày được mẹ
chuẩn bị công phu. Nhưng nó không có hương vị, chà, làm sao để con diễn đạt một
cách khéo léo nhỉ…?”
Tôi: “Nó không giống hương vị mà chính Đấng Tối Cao vào bếp và đem thiên đường
chế biến thành một loạt năm món ngũ vị rồi sau đó mang ra phục vụ chúng ta, kèm
theo chùm bóng plasma sáng chói, trong khung cảnh những cánh hoa lững lờ trôi
bên dưới con kênh ngay cạnh bàn chúng ta.”
Anh Gus: “Nói hay lắm!”
Ba anh Gus: “Mấy đứa con của chúng ta lạ quá.”
Ba tôi: “Nói hay lắm!”
Một tuần sau bữa tối sum vầy đó, anh Gus phải vào Cấp cứu vì chứng đau ngực, và
bác sĩ đã giữ anh lại suốt đêm. Sáng hôm sau tôi lái xe qua Bệnh viện Memorial
thăm anh đang nằm trên tầng bốn. Tôi đã không có bất kỳ bức tường nào có màu
sơn lòe loẹt hay những bức tranh vẽ hình cún con lái xe ô-tô giống một bức đang
treo ở Bệnh viện Nhi đồng, sự vô trùng tuyệt đối ở bên này khiến tôi thấy luyến
tiếc niềm hạnh phúc kiểu con nít rất nhảm nhí ở Bệnh viện Nhi đồng. Bệnh viện
Memorial thiên về chức năng chữa trị hơn. Nó như một cơ sở lưu trữ. Một cơ sở
phòng bệnh.
Khi cửa thang máy mở ra ở tầng bốn, tôi thấy mẹ anh Gus đang đi đi lại lại
trong phòng chờ, nghe điện thoại di động. Bà nhanh chóng cúp máy, quay qua ôm
tôi và đưa tay đỡ lấy giá ô-xy của tôi.
“Dạ được rồi ạ,” tôi nói. “Anh Gus sao rồi bác?”
“Thằng bé đã trải qua một đêm khó khăn, Hazel à,” mẹ anh nói. “Tim nó làm việc
quá sức nên cần ít vận động lại. Từ đây đến khi ra viện sẽ phải dùng xe lăn.
Bệnh viện đang cho thằng bé thử một số loại thuốc mới để giảm đau tốt hơn. Các
chị nó vừa vào thăm.”
“Dạ,” tôi đáp lời. “Thế cháu vào thăm có được không?”
Bà choàng tay ôm tôi và siết chặt vai tôi, một hành động khiến tôi lấy làm lạ.
“Cháu biết rằng gia đình bác rất quý cháu mà Hazel. Nhưng thời điểm này các bác
chỉ muốn người trong gia đình thôi. Gus đồng ý như vậy. Được không cháu?”
“Dạ được rồi,” tôi trả lời.
“Bác sẽ nói với Gus là cháu có ghé thăm.”
“Dạ được rồi,” tôi nói. “Cháu chỉ ngồi đây đọc báo một lát thôi.”
Bà đi dọc hành lang, quay lại phòng anh. Tôi hiểu, nhưng tôi vẫn nhớ anh. Tôi
cứ nghĩ có lẽ mình đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để gặp anh, nói lời tạm biệt hay
gì đó. Phòng chờ trải toàn thảm màu nâu và tất cả ghế cũng bọc vải màu nâu. Tôi
ngồi lẻ loi trên chiếc ghế đôi trong một lúc, giá ô-xy kẹp giữa hai chân. Tôi
mang đôi giày Chuck Taylor và mặc chiếc áo Ceci n’est pas une pipe, đúng bộ
trang phục tôi đã diện hai tuần trước đó, vào Buổi Chiều Muộn của Biểu Đồ Venn,
và anh sẽ không được nhìn thấy nó. Tôi lấy điện thoại di động ra và vào thư
viện ảnh xem lại những bức hình đã chụp, giống như một đoạn phim chiếu chậm
quay ngược lại khoảng thời gian vài tháng vừa qua, bắt đầu bằng hình anh và anh
Isaac ‘quậy’ ở trước cả nhà chị Monica và kết thúc là tấm hình đầu tiên tôi
chụp anh trên đường đến xem Bộ Xương Tân Thời. Cảm giác giống như đã từ rất lâu
rồi vậy, cứ như chúng tôi đã có những giây phút ngắn ngủi bên nhau nhưng kéo
dài vô tận. Có những dãy vô tận dài hơn những dãy vô tận khác.
Hai tuần sau, tôi đẩy xe anh Gus băng qua công viên nghệ thuật về hướng Bộ
Xương Tân Thời trong khi anh ôm một chai sâm-banh đắt tiền và bình ô-xy của tôi
trong lòng. Chai rượu này anh Gus được một trong những bác sĩ điều trị tặng –
anh Gus thuộc tuýp người dễ dụ dỗ các bác sĩ tặng rượu sâm-banh cho trẻ em.
Chúng tôi ngồi đó, anh Gus trên xe lăn còn tôi trên bãi cỏ ẩm ướt, ở cự li gần
nhất có thể để chúng tôi nhìn trọn vẹn tác phẩm Bộ Xương Tân Thời. Tôi chỉ vào
những đứa trẻ đang tranh nhau nhảy từ ngực lên vai của bộ xương và anh Gus đáp
khẽ chỉ vừa đủ cho tôi nghe trong tiếng trẻ con chơi đùa ầm ĩ, “Lần trước khi
đến đây, anh thấy mình như một đứa trẻ. Lần này thì giống bộ xương.”
Chúng tôi uống rượu bằng cốc giấy in hình Winnie-the-Pooh.
Một ngày với chàng Gus ở giai
đoạn cuối sẽ như thế này:
Tôi qua nhà anh khoảng giữa trưa, sau khi anh đã ăn và nôn hết bữa sáng. Anh
đón tôi ở cửa trên xe lăn, không còn là một anh chàng bảnh bao nhìn tôi chằm
chằm ở Hội Tương Trợ nữa, nhưng vẫn còn đó điệu cười nửa miệng, vẫn ngậm điếu
thuốc chưa châm, đôi mắt xanh vẫn sáng và sinh động.
Chúng tôi cùng ăn trưa với ba mẹ anh ở bàn ăn. Bánh sandwich bơ đậu phộng và
mứt cùng món măng tây của buổi tối hôm trước đó. Anh Gus không ăn, tôi bèn hỏi
anh thấy trong người thế nào.
“Khỏe,” anh đáp. “Còn em?”
“Em ổn. Tối qua anh làm gì?”
“Anh ngủ khá nhiều. Anh muốn viết cho em phần tiếp theo của Nỗi đau tột cùng,
Hazel Grace, nhưng lúc nào anh cũng thấy mệt rã rời.”
“Anh chỉ cần kể nó cho em nghe cũng được,” tôi nói.
“Ừa, anh tập phân tích dưới góc độ tiền-Van Houten về Chú Tulip Hà Lan. Đó
không phải là một kẻ lừa đảo, nhưng không giàu như cách ông ấy thể hiện.”
“Thế còn mẹ của Anna?”
“Vẫn chưa thống nhất quan điểm về cô ấy. Kiên nhẫn đi nào, cô nàng bộp chộp.”
Anh Augustus mỉm cười nhại lại câu nói của tôi hôm nào. Ba mẹ anh không nói gì,
cứ yên lặng nhìn anh không rời mắt, như thể họ chỉ muốn thưởng thức màn trình
diễn mang tên Gus Waters đang lưu diễn trong thị trấn. “Thỉnh thoảng anh mơ
mình đang viết một cuốn hồi ký. Một cuốn hồi ký sẽ là cầu nối giúp hình ảnh anh
được lưu trữ trong trái tim và ký ức những người hâm mộ anh.”
“Sao anh còn cần nhiều người hâm mộ trong khi anh đã có em?” Tôi hỏi.
“Hazel Grace, khi em duyên dáng và có thân hình chuẩn như anh thì cũng dễ chiếm
được cảm tình của những ai mà em gặp gỡ. Nhưng để khiến người lạ yêu em… thì đó
mới là cao tay ấn.”
Tôi trợn tròn mắt.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi cùng ra sân sau. Anh vẫn còn khỏe để tự đẩy xe lăn,
tự nhấc hàng bánh trước để vượt qua các gò đất mấp mô trên lối ra vào. Vẫn là
một anh chàng thể thao, bất chấp mọi bệnh tật, cùng phản xạ nhanh nhạy và khả
năng cân bằng trời ban mà ngay cả những loại thuốc mê liều mạnh cũng không thể
làm tê liệt hoàn toàn.
Ba mẹ anh ở lại trong nhà, nhưng khi tôi liếc nhìn vào phòng ăn thì thấy ông bà
vẫn dõi mắt theo chúng tôi.
Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau. Được một lúc, anh Gus nói, “Thỉnh thoảng anh
ước gì chúng ta có bộ đánh đu đó.”
“Chiếc đu ở sân sau nhà em à?”
“Ừ. Sự luyến tiếc của anh cực
đoan đến mức anh có thể nhớ một chiếc đu mà mông anh chưa bao giờ chạm đến.”
“Sự luyến tiếc là một tác dụng phụ của bệnh ung thư,” tôi nói với anh.
“Không, luyến tiếc là tác dụng phụ của việc chờ chết,” anh chỉnh lại. Một làn
gió thổi qua làm thay đổi hình bóng các nhanh cây in trên người chúng tôi. Anh
Gus siết chặt tay tôi. “Cuộc đời này thật đẹp, Hazel Grace.”
Chúng tôi đi vào trong nhà khi anh cần vô thuốc, thuốc được truyền vào người
anh cùng với các chất dinh dưỡng dạng lỏng qua một ống thông dạ dày bằng nhựa
gắn mất hút vào bụng anh. Anh im lặng trong một lúc, nửa tỉnh nửa mê. Mẹ anh
muốn anh nằm ngủ một chốc, nhưng anh cứ lắc đầu từ chối mỗi khi bà đề nghị. Thế
nên chúng tôi để anh ngồi gà gật trên chiếc xe lăn.
Ba mẹ anh ngồi xem một cuốn phim cũ của Gus cùng với các chị gái – lúc đó chắc
chị anh bằng tuổi tôi bây giờ còn anh Gus mới khoảng năm tuổi. Phim quay mấy
chị em đang chơi bóng rổ ở lối vào của một ngôi nhà khác. Và tuy anh Gus lúc ấy
còn bé xíu, anh đã nhồi bóng chuẩn như thể anh sinh ra để làm việc đó. Anh cứ
chạy vòng quanh mấy chị trong khi họ cười rộ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh
chơi bóng rổ. “Anh ấy chơi giỏi thật,” tôi bật thốt.
“Giá mà cháu thấy nó chơi hồi trung học,” ba anh nói. “Là tuyển thủ của trường
khi mới chỉ là học sinh khóa một.”
Gus lầm bầm, “Con có thể xuống hầm chứ?”
Ba mẹ anh đẩy chiếc xe lăn xuống lầu trong khi anh Gus vẫn ngồi trên đó. Chiếc
xe nảy lên nảy xuống điên cuồng trên mấy bậc thang. Việc này có thể nguy hiểm
cho anh, nếu như thật sự nguy hiểm vẫn còn thường trực. Sau đó họ để chúng tôi
lại một mình. Anh Gus trèo lên giường và chúng tôi nằm đó bên nhau dưới tấm
chăn, tôi nằm nghiêng còn anh Gus nằm ngửa, đầu tôi gối lên bả vai xương xẩu
của anh, thân nhiệt anh phả qua lần áo thun pô-lô anh mặc và truyền vào da tôi,
chân tôi gác lên cái chân thật của anh còn tay tôi đặt lên má anh.
Tôi kề sát mặt anh và khi mũi chúng tôi chạm nhau, gần đến nỗi tôi chỉ có thể
nhìn thấy đôi mắt anh, tôi không thể nói là anh đang bị bệnh. Chúng tôi hôn
nhau trong một lúc và sau đó nằm bên nhau, cùng nghe đĩa nhạc cùng tên của nhóm
The Hectic Glow. Cuối cùng cả anh, cả tôi cùng ngủ thiếp đi trong tư thế như
vậy, trong sự vướng víu của cơ thể và bùng nhùng đủ loại ống dẫn.
Chúng tôi thức dậy sau đó và dựng một chiến hào bằng gối quanh mép giường để có
thể thoải mái ngồi chơi trò Chống phiến loạn 2: Cái giá của Bình minh. Tôi chơi
dở ẹt, dĩ nhiên rồi. Nhưng chính cái sự dở của tôi lại hay với anh: Nó giúp anh
có cơ hội chết đẹp hơn, nào là nhảy ra trước đầu đạn của một tay bắn tỉa và hy
sinh anh dũng cho tôi, hoặc là giết một tên lính gác khi hắn định bắn tôi. Khi
cứu được tôi, anh khoái chí thế nào ư? Anh đã hét lên sung sướng, “Hôm nay bọn
bây không giết được bạn gái tao đâu, lũ Khủng bố Quốc tế Không rõ Quốc tịch kia!
Cũng có lúc tôi nghĩ hay mình giả vờ tạo một sự cố bị nghẹn thức ăn hay gì đó
để anh có thể thao tác biện pháp cấp cứu Heimlich. Có lẽ sau đó anh sẽ rũ được
nỗi lo sợ rằng mình sống và mất đi mà không vì mục đích cao cả gì. Nhưng sau đó
tôi tưởng tượng đến viễn cảnh có thể sức khỏe anh không cho phép thực hiện
phương pháp Heimlich, và tôi phải tiết lộ rằng đó chỉ là một trò bịp và tiếp
theo là màn lời qua tiếng lại, sạc nhau ra trò.
Thật khó có thể giữ được suy nghĩ đứng đắn khi ánh mặt trời đang mọc chiếu chói
lóa đôi mắt đang nhòe đi của ta, và đó chính là suy nghĩ thầm kín của tôi khi
cả hai đứa tôi bị kẻ xấu săn lùng quanh một thành phố đổ nát vốn cũng không tồn
tại trên thực tế.
Cuối cùng, ba anh đi xuống và lôi anh lên lầu. Ở trước cửa phòng, ngay dưới Lời
động viên tinh thần đề Tình bạn là mãi mãi, tôi quỳ xuống hôn tạm biệt anh. Rồi
tôi về nhà và ăn tối với Ba Mẹ, để lại anh Gus ăn (và nôn) bữa tối một mình ở
nhà anh.
Sau khi xem truyền hình qua quit, tôi đi ngủ.
Hôm sau tôi thức dậy.
Khoảng giữa trưa, tôi lại qua nhà anh chơi.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment