CHƯƠNG 14 - KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO - TIỂU THUYẾT THẾ GIỚI
KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO
Tác giả: John Green
Thể loại: Tiểu thuyết phương Tây
CHƯƠNG 14:
Tôi nghĩ chắc anh đã thiu
thiu ngủ rồi. Rốt cuộc tôi cũng chợp mắt được và chỉ bị đánh thức khi máy bay
chuẩn bị hạ cánh. Miệng tôi đắng nghét làm tôi không dám nói chuyện vì sợ sẽ
đầu độc cả khoang hành khách.
Tôi nhìn qua chỗ anh Augustus, anh đang suy sưa ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài
cửa sổ. Khi máy bay hạ thấp độ cao, tôi ngồi thẳng lên, rướn mình chiêm ngưỡng
Hà Lan. Mảnh đất dường như bị nhấn chìm trong đại dương, những mảnh xanh hình
chữ nhật nhỏ nhắn được bao bọc tứ bề bởi các kênh đào nhân tạo. Máy bay đáp
xuống, trên thực tế, song song với một con kênh, giống như có hai đường băng:
một dành cho chúng tôi và một dành cho loài chim nước.
Sau khi lấy hành lý và làm thủ tục thông quan xong, cả ba chúng tôi leo lên một
chiếc taxi. Bác tài xế bị hói đầu và trông nhợt nhạt xanh xao nhưng nói tiếng
Anh rất sõi, thậm chí còn chuẩn hơn cả tôi. Tôi kêu: “Đến Khách sạn Filosoof.”
Bác tài hỏi, “Chị và hai cháu là người Mỹ phải không?”
Mẹ đáp, “Phải, chúng tôi đến từ bang Indiana .”
“Indiana . Họ
đánh cắp vùng đất từ người da đỏ và để lại tên cũ đúng không?”
“Gần như vậy,” Mẹ nói. Chiếc taxi hòa mình vào dòng xe cộ và hướng về phía
đường cao tốc. Tôi thấy rất nhiều bảng tên đường màu xanh với toàn nguyên âm
đôi như Oosthuizen, Haarlem .
Dọc hai bên đường cao tốc là những dải đất bằng phẳng trống trải kéo dài hàng
dặm, thỉnh thoảng chấm phá vài trụ sở chính của các tập đoàn lớn. Tóm lại, Hà
Lan trông chẳng khác gì Indianapolis, có điều là xe cộ nhỏ hơn. “Đây là
Amsterdam à?” Tôi hỏi bác tài.
“Phải và không.” ông trả lời. “Amsterdam giống như những vòng cây: càng vào đến
trung tâm thì càng lâu đời cổ kính.”
Thế là khung cảnh đột ngột thay đổi: Vừa ra khỏi đường cao tốc, tôi thấy những
dãy nhà đúng như trong trí tưởng tượng của mình nhấp nhô chạy dọc theo các con
kênh, xe đạp nhan nhản khắp nơi và các quán cà phê đều trưng bảng quảng cáo rầm
rộ là có PHÒNG HÚT THUỐC LỚN. Xe băng qua một con kênh và từ trên đỉnh đầu, tôi
có thể thấy hàng chục nhà thuyền neo đậu dọc theo dòng nước. Giờ thì không còn
nét giống nước Mỹ của tôi nữa. Hà Lan thoắt biến thành một bức tranh xưa cũ
nhưng chân thực — mọi thứ đều bình yên lạ thường trong nắng sáng — và tôi cứ
miên man suy nghĩ sẽ thật kỳ diệu dù hơi kỳ lạ khi sống ở một vùng đất mà tất
cả mọi thứ gần như do bàn tay của những con người đã chết xây đắp nên.
“Có phải những ngôi nhà này rất lâu đời rồi đúng không?” Mẹ tôi hỏi.
“Có nhiều nhà dọc kênh được xây từ Thời Đại Hoàng Kim vào thế kỷ mười bảy,” bác
tài đáp. “Thành phố của chúng tôi có một lịch sử lâu đời và đặc sắc dù nhiều du
khách chỉ muốn tham quan Khu Đèn Đỏ.” Bác tài ngập ngừng. “Một số du khách cứ
nghĩ Amsterdam là một thành phố tội lỗi, nhưng sự thật đây là thành phố của tự
do. Và trong sự tự do đó, người ta thường tìm thấy tội lỗi.”
Tất cả phòng trong Khách sạn Filosoof được đặt theo tên của các triết gia: hai
mẹ con tôi ở phòng mang tên Kierkegaard ngay tầng trệt còn anh Augustus ở phòng
Heidegger trên lầu một. Gian phòng của chúng tôi khá nhỏ: một chiếc giường đôi
kê sát tường cùng với máy thở BiPAP, máy tạo ô-xy cá nhân và hàng lô hàng lốc
bình ô-xy có thể tái nạp để ngay chân giường. Qua khỏi mớ thiết bị lỉnh kỉnh là
một chiếc ghế hoa hòe hoa sói cũ kỹ, bám đầy bụi, ở giữa đã võng xuống vì quá
nhiều người từng ngồi qua; một chiếc bàn; và một kệ sách phía trên giường tập
hợp những tác phẩm sưu tầm của Soren Kierkegaard. Chúng tôi thấy trên bàn đã
đặt sẵn một giỏ mây để đầy ắp quà từ các vị thần Genie: giày gỗ, một chiếc áo
thun Hà Lan màu cam, sô-cô-la, và nhiều món nho nhỏ xinh xắn khác.
Khách sạn Filosoof nằm ngay bên cạnh Vodelpark, công viên trứ danh nhất
Amsterdam. Mẹ muốn đi dạo công viên ngay nhưng vì tôi quá đuối sức. Mẹ đành
chụp mặt nạ thở BiPAP cho tôi. Tôi ghét phải nói chuyện khi đang đeo mặt nạ,
nhưng vẫn ráng trấn an Mẹ, “Mẹ cứ ra công viên chơi đi. Khi nào thức dậy con sẽ
gọi cho Mẹ ngay.”
“Được rôi,” bà âu yếm. “Ngủ ngoan nhé, con yêu.”
Nhưng khi giật mình tỉnh giấc vài giờ sau, tôi đã thấy Mẹ đang ngồi trên chiếc
ghế nhỏ cổ kính trong góc phòng chăm chú đọc cuốn cẩm nang du lịch.
“Chào buổi sáng,” tôi nói.
“Thật ra giờ đã là cuối buổi chiều rồi,” bà thở dài đáp và đứng dậy, đến bên
giường, đặt một chiếc bình ô-xy vào giá thép, nối dây rồi cài cho tôi, trong
khi tôi tháo mặt nạ BiPAP ra và đặt đầu phun ô-xy vào mũi. Mẹ đặt chế độ hai
lít rưỡi mỗi giờ, như vậy tôi sẽ có sáu giờ tự do hoạt động trước khi phải thay
bình mới. Tôi đứng dậy sau khi đã được trang bị đầy đủ. “Con thấy trong người
thế nào?” Bà hỏi.
“Tốt ạ. Con thấy tinh thần rất sảng khoái. Còn công viên Vondelpark thì sao ạ?”
“Mẹ dẹp kế hoạch đó rồi. Thay vào đó, Mẹ đang nghiên cứu cuốn cẩm nang du lịch.”
“Mẹ ơi, Mẹ không cần ở đây với con miết như vậy đâu?”
Bà nhún vai. “Ừ, Mẹ biết. Nhưng Mẹ muốn thế, Mẹ thích ngắm con ngủ mà. Nghe
giống như mấy kẻ hay rình rập quá ha!” Bà bật cười, nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy
thoải mái tí nào.
“Con chỉ muốn Mẹ vui chơi, thăm thú chỗ này chỗ kia, Mẹ hiểu không?”
“Được rồi. Tối nay Mẹ sẽ vui chơi thỏa thích, chịu chưa? Mẹ sẽ chơi đủ mọi trò
giải trí của một bà mẹ trong khi con và Augustus đi ăn tối.”
“Thế Mẹ không đi cùng à?” Tôi thắc mắc.
“Ừ, không có Mẹ. Thật ra đã có một bàn đặt trước theo tên con ở một chỗ gọi là
Oranjee. Trợ lý của ông Van Houten đã thu xếp chuyện này. Chỗ đó nằm trong khu
Jordaan cạnh đây. Rất lý tưởng, theo như cuốn cẩm nang giới thiệu. Có một trạm
xe điện ngay góc đường. Augustus có chỉ dẫn đường đi. Con có thể ăn tối ngoài
trời và ngắm nhìn tàu thuyền qua lại. Sẽ rất thú vị. Rất lãng mạn.”
“Mẹ.”
“Thì Mẹ chỉ nói thế thôi. Con nên thay quần áo đi. Mặc đầm mùa hè không tay,
được không?”
Người ta có thể ngạc nhiên trước sự điên rồ của tình huống này: Một người mẹ
giao đứa con gái mười sáu tuổi của mình cho một anh chàng mười bảy tuổi đi lang
thang giữa một thành phố xa lạ ở một đất nước xa lạ vốn nổi tiếng về sự buông
thả. Nhưng đây, đồng thời, cũng là một tác dụng phụ của sự chờ chết: Tôi không
thể chạy hoặc nhảy hoặc ăn các thực phẩm giàu ni-tơ, nhưng Mẹ cũng chẳng kèm
cặp gì nên tôi hoàn toàn được giải phóng trong một thành phố của sự tự do.
Cuối cùng tôi diện đầm mùa hè in hoa xanh, dài chấm gối của hiệu Forever 21 với
quần bó và mang giày Mary Janes bởi vì tôi thích mình thấp hơn nhiều so với
anh. Tôi đi vào cái phòng tắm bé tẹo đến buồn cười và đánh vật với cái đầu bù
xù của mình cho đến khi từ trên xuống dưới đều chỉnh chu như một cô nàng
Natalie Portman chính hiệu giữa những năm 2000. Khi đồng hồ chỉ sáu giờ tối (là
giữa trưa ở Mỹ), chúng tôi nghe thấy tiếng gõ cửa.
“Xin chào?” Tôi nói qua cánh cửa. Cửa các phòng trong Khách sạn Filosoof không
có lỗ mắt thần.
“Okay,” tiếng anh Augustus vọng vào. Tôi có thể nghe ra đang ngậm thuốc lá
trong miệng. Tôi cúi nhìn lần nữa, chiếc đầm mùa hè phô phang được xương cổ và
lồng ngực của tôi mà trước đây anh Augustus đã từng thấy qua. Nó không quá
khiêu khích hay gợi ý gì, chỉ là hơi phô bày tí tí da thịt thôi. (Mẹ tôi có một
phương châm trên phương diện này mà tôi hoàn toàn tán thành: “Nhà Lancasters
luôn ăn mặc kín đáo.”)
Tôi kéo mở cánh cửa. Augustus mặc một bộ suit đen, ve áo hẹp, may ôm khít
người, bên trong là chiếc áo sơ-mi màu xanh lơ và cà-vạt bản nhỏ màu đen. Một
điếu thuốc treo hờ ở khóe miệng nghiêm trang của anh. “Hazel Grace,” anh thốt
lên, “nhìn em xinh quá!”
“Em,” tôi nói. Tôi cứ nghĩ phần còn lại của câu sẽ tự phát ra từ luồng không
khí qua dây thanh âm của tôi nhưng chẳng có thêm một từ nào cả. Sau cùng, tôi
nói, “Em thấy hơi thiếu vải.”
“À, lại chuyện cũ rích ấy nữa à?” Anh hỏi, cúi xuống nhìn tôi cười.
“Augustus,” Mẹ nói vọng từ sau lưng tôi, “cháu nhìn thật là bảnh.”
“Cảm ơn bác,” anh đáp. Xong anh chìa tay ra. Tôi nắm tay anh, và xoay lại chào
Mẹ. Bà nói:
“Hẹn gặp con lúc mười một giờ tối nay.”
Trong lúc chờ tuyến xe điện số một trên con đường rộng thênh nhưng vẫn chật
ních xe cộ, tôi nói với anh Augustus, “Em đoán đây là bộ suit anh mặc đi dự
tang lễ, đúng không?”
“Thực ra là không phải,” anh nói. “Bộ đó chẳng được đẹp như vậy đâu.”
Chiếc xe điện xanh - trắng ghé vào trạm. Anh Augustus chìa thẻ của chúng tôi
cho bác tài xem và được bác tài giải thích rằng chúng tôi phải chìa nó trước
đầu cảm biến hình tròn. Khi chúng tôi đang len lỏi trên chiếc xe điện đông đúc
này thì có một ông lão đứng lên nhường chỗ cho hai đứa ngồi với nhau. Và dù tôi
đã cố gắng nói rằng ông cứ ngồi đó nhưng ông một mực nhường tôi cái ghế trống.
Tôi nhoài người về phía anh Gus để có thể nhìn ké khung cảnh ngoài cửa sổ trong
khi chiếc xe điện chạy qua ba trạm dừng.
Anh Augustus chỉ lên những tán cây và hỏi: “Em có thấy gì không?”
Tôi thấy chứ. Cây du mọc ở khắp nơi, soi bóng bên dòng kênh, và mùa này cây
đang ra hạt, các hạt giống bị gió thổi bay lả tả trong không trung. Nhưng chúng
nhìn không như hạt giống tí nào, mà lại như những cánh hoa hồng nhỏ li ti đã
phai nhạt màu. Mấy cánh hoa phơn phớt hồng được gió thổi tung lên như những đàn
chim — hàng ngàn bông chụm lại, tựa như một cơn bão tuyết mùa xuân.
Ông cụ vừa nhường chỗ thấy hai đứa đang say sưa ngắm nhìn khung cảnh đó, bèn
nói bằng tiếng Anh, “Tuyết xuân của Amsterdam đó. Cây iepen nem hoa giấy lên
trời để chào đón mùa xuân.”
Chúng tôi đổi tuyến xe điện, và qua thêm bốn trạm nữa thì đến một con đường
ngăn đôi bởi dòng kênh tuyệt đẹp. Mặt nước lao xao bên dưới phản chiếu hình ảnh
cây cầu cổ kính và những dãy nhà đẹp như tranh vẽ chạy dọc theo hai bên bờ kênh.
Nhà hàng Oranjee chỉ cách trạm xe điện vài bước. Nhà hàng ở bên này đường và
phía bên kia là khu ngồi ngoài trời — một khu thủy tạ xây bằng bê-tông nằm ngay
trên bờ kênh. Đôi mắt của chị tiếp viên sáng lên khi thấy Augustus và tôi tới
gần. “Anh chị Waters phải không ạ?”
“Dạ phải,” tôi đáp.
“Bàn của anh chị ở đằng kia,” chị nói và chỉ vào một chiếc bàn nhỏ ở phía bên kia
đường, ngay mé bờ kênh. “Sâm-banh khai vị là quà tặng của nhà hàng.”
Gus và tôi nhìn nhau mỉm cười. Sau khi băng qua đường đến bàn, anh lịch sự kéo
ghế mời tôi ngồi và đẩy giúp vào trở lại. Quả thật trên chiếc bàn trải khăn
trắng đã bày sẵn hai ly rượu để uông sâm-banh. Ánh mặt trời chói chang đã thêm
một chút hơi ấm cho tiết trời se lạnh. Phía bên kia chúng tôi, dọc ngoài đường
đi, mấy chiếc xe đạp nhàn tản chạy qua, trên đó là nam thanh nữ tú ăn mặc thanh
lịch đang trên đường từ sở làm về nhà, mấy cô nàng tóc vàng duyên dáng thong
thả đạp xe đạp đôi cùng bạn trai, bọn trẻ con thì để đầu trần không đội mũ bảo
hiểm cứ luôn miệng ríu rít trên yên ghế sau lưng ba mẹ chúng. Và phía bên đây
là dòng kênh đang lặng lờ trôi với hàng triệu hoa-giấy-hạt-du nhỏ li ti. Những
con thuyền nhỏ neo dọc bờ kênh lót gạch, trong lòng thuyền xâm xấp nước mưa,
một số chiếc trông như sắp chìm. Xa hơn phía cuối con kênh thấp thoáng mấy ngôi
nhà truyền bập bềnh trên phao nổi và ngay giữa dòng kênh, một chiếc thuyền
không mui đáy bằng đang lững lờ trôi về phía chúng tôi, trên boong thuyền kê
vài chiếc ghế vải cùng một chiếc cassette. Anh Augustus nâng ly sâm-banh của
anh lên, tôi cũng cầm lấy ly của mình mặc dù tôi chưa bao giờ thử thức uống có
cồn trừ một vài ngụm bia nhấm nháp của Ba.
“Okay,” anh hóm hỉnh.
“Okay,” tôi nói, và chúng tôi cụng ly. Tôi nhấp một ngụm. Rượu sóng sánh sủi
bọt, vô vàn bọt tăm tan trong miệng và di chuyển lên trung ương não của tôi.
Ngọt. Thanh. Ngon. “Ngon thật,” tôi hào hứng. “Trước đây em chưa từng uống
sâm-banh.”
Một anh phục vụ trông thật cường tráng với mái tóc vàng gợn sóng xuất hiện. Anh
ấy, thậm chí có thể còn hơn cả anh Augustus, chợt hỏi bằng một giọng truyền
cảm: “Quý khách có biết Dom Pérignon phát biểu gì sau khi phát minh ra rượu
sâm-banh không?
“Không?” Tôi không khỏi tò mò.
“Ông ấy đã giục các tu sĩ đồng môn, ‘Đến đây nhanh nào: Tôi đang nếm các vì
sao.’ Hoan nghênh quý khách đến chơi Amsterdam. Quý khách có muốn xem qua thực
đơn, hay muốn thưởng thức các món do bếp trưởng của chúng tôi giới thiệu?”
Tôi nhìn anh Augustus và anh cũng nhìn tôi. “Món do bếp trưởng giới thiệu nghe
hấp dẫn thật, nhưng Hazel lại ăn chay.” Tôi chỉ từng nói qua chuyện này với anh
Augustus duy nhất một lần thôi, vào ngày đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
“Không thành vấn đề,” anh phục vụ vui vẻ nói.
“Hay quá! Thế chúng tôi có được uống thêm sâm-banh không?” Anh Gus hỏi.
“Rất hân hạnh được phục vụ,” anh chàng phục vụ đáp, “Chúng tôi đã gom tất cả
sao trên bầu trời tối nay đóng vào chai rồi, thưa hai bạn. y, hoa giấy,” anh
thốt lên và lẹ làng phủi một hạt giống bám trên cánh vai trần của tôi. “Nhiều
năm rồi hạt không rơi rụng nhiều như vậy, giờ thì nhan nhản khắp nơi. Thật bực
mình.”
Anh chàng phục vụ biến mất. Chúng tôi lặng ngắm hoa giấy lác đác rơi trong
không trung. chao nghiêng trước gió và cuối cùng đáp xuống dòng kênh. Sau một
hồi, anh Augustus nhận xét, “Thật khó tin là có người lại bực mình mấy hạt hoa
giấy này.”
“Tuy vậy mọi người đều sẽ quen thuộc với cái đẹp.”
“Anh vẫn chưa quen thuộc với em đấy thôi,” anh rãnh mãnh đối đáp. Tôi ý thức
được mình đang đỏ mặt. “Cảm ơn em đã đến Amsterdam,” anh bảo.
“Cảm ơn anh đã cho em đánh cướp đi điều ước của anh,” tôi nói.
“Cảm ơn em đã diện một chiếc áo mà anh phải thốt lên ‘oa’,” anh tiếp tục. Tôi
lắc đầu, cố không mỉm cười với anh. Tôi không muốn là một quả lựu đạn. Nhưng
một lần nữa, anh hẳn biết rõ những gì mình làm chứ, đúng không? Đó cũng là lựa
chọn của anh mà. “Này, vậy bài thơ kết thúc thế nào vậy?” Anh chợt đổi đề tài.
“Hả?”
“Bài thơ mà em đọc cho anh nghe ở trên máy bay đó.”
“Ồ, ‘Prufrock’ đó hả? Nó kết thúc như vậy, ‘Đôi ta nấn nã trên chiếc giường
biển cả / Cạnh những nàng tiên cá kết rong biển nâu và tảo đỏ làm vòng hoa /
Cho đến khi tiếng nói của loài người đánh thức chúng ta, và cả hai chìm xuống.’”
Anh Augustus rút ra một điếu thuốc và gõ đầu lọc xuống bàn. “Tiếng nói ngu ngốc
của loài người luôn làm hỏng mọi thứ.”
Anh phục vụ mang thêm hai ly sâm-banh và món mà anh giới thiệu là “Măng tây
trắng của Bỉ ướp hoa oải hương.”
“Anh cũng chưa bao giờ uống sâm-banh,” Gus nói sau khi anh phục vụ đi khỏi.
“Phòng khi em đang thắc mắc này nọ, anh cũng chưa từng nếm qua măng tây trắng.”
Tôi đang thưởng thức miếng đầu tiên trên đĩa của mình. “Ngon tuyệt!” tôi xuýt
xoa khen.
Anh cũng cắn thử một miếng, thong thả nhai rồi nuốt. “Lạy Chúa. Nếu măng tây
lúc nào cũng có vị thế này thì anh cũng muốn thành người ăn chay luôn.” Trên
dòng kênh bên dưới có một chiếc thuyền gỗ sơn đang chầm chậm tiến về phía chúng
tôi. Một người phụ nữ trên đó, trạc ba mươi tuổi với mái tóc vàng uốn xoăn, tay
nâng ly bia đang uống hướng về phía chúng tôi và hét lên gì đó.
“Chúng tôi không biết tiếng Hà Lan,” anh Gus hét lại.
Một người khác trên thuyền diễn giải: “Một cặp thật đẹp đôi.”
Thức ăn ngon tuyệt đến nỗi cứ sau mỗi món được dọn ra, cuộc trò chuyện của
chúng tôi dần chuyển sang tán dương món ngon trước mắt: “Anh ước gì món cơm Ý
trộn cà rốt này biến thành một cô gái để anh có thể dắt cô ấy qua Las Vegas và
kết hôn với cô.” “Kem đậu, cưng ngon tuyệt cú mèo.” Tôi ước sao mình còn bụng
để ăn.
Sau khi dẹp món mì gnocchi vị tỏi xanh với lá mù tạt đỏ, anh phục vụ thông báo.
“Tiếp theo là món tráng miệng. Nhưng nếm thêm sao trước nhé?” Tôi lắc đầu, hai
ly là đủ rồi. Sâm-banh không phải là ngoại lệ với sức chịu đựng cao của tôi
cũng giống như đối với thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau, tôi cảm thấy ấm
áp nhưng không say. Nhưng tôi không muốn mình say. Không dễ gì có những đêm
tuyệt diệu như thế này và tôi muốn mình tỉnh táo để ghi nhớ nó.
“Mmmm,” tôi khẽ thốt lên sau khi anh phục vụ rời khỏi. Anh Augustus nhếch miệng
cười khi anh nhìn chằm chằm xuống dòng kênh còn tôi thì ngước lên nhìn bầu
trời. Chúng tôi có nhiều thứ để chiêm ngưỡng nên không thấy bầu không khí im
lặng này kỳ cục lắm. Tuy nhiên tôi muốn mọi chuyện đều hoàn hảo. Theo tôi, có
cũng đã hoàn hảo rồi, nhưng cứ có cảm giác ai đó đã cố dàn dựng Amsterdam theo
trí tưởng tượng của tôi, khiến tôi không sao dứt bỏ được suy nghĩ rằng bữa tối
hôm nay, cũng giống như chuyến du lịch này, chỉ là một đặc quyền dành cho bệnh
nhân ung thư thôi. Tôi chỉ muốn chúng tôi nói chuyện và cười đùa thoải mái,
giống như hồi hai đứa cùng ngồi tâm sự trên chiếc xô-pha ở nhà, nhưng có một sự
căng thẳng nào đã đang phá hỏng mọi thứ.
“Đây không phải là bộ suit dự tang lễ của anh,” anh chợt lên tiếng sau một hồi
im lặng. “Khi anh mới phát hiện ra bệnh — ý anh là khi các bác sĩ nói cho anh
biết anh có khoảng tám mươi lăm phần trăm cơ hội chữa khỏi bệnh. Anh biết tỷ lệ
như vậy là cao nhưng anh vẫn nghĩ đây là trò đánh bài ru-let của Nga. Ý anh là,
anh sẽ phải trải qua địa ngục trong sáu tháng hoặc một năm, bị cụt một chân và
rồi cuối cùng, vẫn không chữa khỏi, em hiểu không?”
“Em hiểu,” tôi đáp, dù không thực sự hiểu lắm. Ngay từ khi phát hiện bệnh tôi
đã ở giai đoạn cuối; mọi điều trị chỉ nhằm kéo dài mạng sống của tôi, chứ không
phải chữa bênh ung thư. Phalanxifor đã góp một liệu pháp mơ hồ vào câu chuyện
ung thư của tôi nhưng tôi khác với Augustus: chương cuối của đời tôi đã được
viết ngay khi chuẩn đoán. Anh Gus, giống như hầu hết những người sống sót qua
ung thư, đều sống với tâm trạng phập phồng không chắc chắn.
“Phải,” anh nói. “Vì vậy anh
đối mặt bằng cách chuẩn bị sẵn sàng. Nhà anh đã mua một lô đất ở nghĩa trang
Crown Hill, và anh đã rảo một vòng với ba và chọn được một chỗ ưng ý. Anh đã
lên kế hoạch toàn bộ cho đám tang của mình và mọi chi tiết khác. Rồi ngay trước
khi phẫu thuật, anh hỏi ba mẹ liệu anh có thể mua một bộ suit, đại loại là một
bộ suit thật sự oách phòng trường hợp anh không qua khỏi không. Dù sao thì anh vẫn
bao giờ có dịp mặc nó. Cho đến tận tối nay.”
“Hóa ra đây là bộ suit tử phục của anh.”
“Đúng. Chứ em không có bộ tử phục nào à?”
“Có chứ,” tôi đáp. “Đó là một bộ đầm em mua vào dịp sinh nhật lần thứ mười lăm.
Nhưng em không mặc nó đi hẹn hò.”
Đôi mắt anh sáng lên. “Vậy là chúng ta đang hẹn hò hả?”
Tôi cụp mắt xuống, có phần e thẹn. “Đừng đẩy câu chuyện đi xa mà.”
Cả hai chúng tôi đều đã no căng bụng, nhưng món tráng miệng — miếng bánh kem
crémeux béo ngậy phủ chanh dây — trông thật ngon lành đến nỗi cả anh, cả tôi
đều không thể cầm lòng. Thế là chúng tôi nấn ná một lúc, chờ bụng đói trở lại.
Mặt trời cứ lì lợm chưa chịu đi ngủ: Đã quá tám giờ rưỡi tối mà trời vẫn còn
sáng.
Đột nhiên anh Augustus hỏi, “Em có tin vào kiếp sau không?”
“Em nghĩ vĩnh hằng là một khái niệm không chính xác,” tôi trả lời.
Anh nhếch miệng cười. “Em là một khái niệm không chính xác.”
“Em biết. Đó là lý do tại sao em không được luân hồi.”
“Chuyện đó không có gì vui cả,” anh nói rồi nhìn ra đường. Có hai cô gái chạy
xe đạp ngang qua, cô ở phía sau ngồi về một bên.
“Thôi nào,” tôi thốt lên. “Em chỉ đùa tí mà.”
“Suy nghĩ em không được luân hồi với anh chẳng vui tí nào,” anh nói. “Nghiêm
túc nào, em có tin rằng có kiếp sau không?”
“Không,” tôi nói, rồi sau đó sửa lại. “À, có lẽ em sẽ không khẳng định hoàn
toàn là không. Còn anh?”
“Có,” anh đáp, giọng đầy tự tin. “Chắc chắn là có. Không hẳn như một thiên
đường nơi em cưỡi kỳ lân, thổi đàn hạc, và sống trong một dinh thự xây bằng
mây. Nhưng có. Anh tin là có mọt Kiếp khác với chữ K viết hoa tồn tại. Anh luôn
tin như thế.”
“Thật không?” tôi hỏi, không tránh khỏi ngạc nhiên. Từ trước đến nay tôi luôn
nghĩ đức tin vào thiên đường, nói một cách thẳng thắn, là xa rời tri thức khoa
học. Nhưng anh Gus đâu phải ngốc.
“Ừ,” anh lặng lẽ nói. “Anh tin vào câu trọn cuốn Nỗi đau tột cùng: ‘Ánh mặt
trời chói chang tỏa nắng trong đôi mắt đã lòa của nàng.’ Anh nghĩ ánh mặt trời
là Chúa Trời và ánh sáng Người soi rọi toàn nhân loại, còn đôi mắt của cô ấy
chỉ mới lòa chứ chưa mù hẳn. Anh không tin rằng việc chúng ta sẽ luân hồi ở
kiếp sau để ám ảnh hay an ủi những người còn sống, mà anh cho rằng chúng ta sẽ
biến đổi thành một thứ gì đó.”
“Nhưng anh sợ bị lãng quên mà.”
“Dĩ nhiên, anh sợ sự lãng quên của trần thế. Nhưng không lẩm cẩm như ba mẹ anh
ở nhà, anh tin rằng con người có linh hồn, và anh tin chuyện linh hồn không
siêu thoát. Nỗi sợ bị lãng quên thuộc một phạm trù khác, sợ rằng anh sẽ không
thể cống hiến cái gì để đổi lấy cuộc đời của mình. Nếu ta không sống một cuộc
sống có ích thì ít ra ta phải chết một cái chết có ý nghĩa, em hiểu không? Và
anh sợ rằng anh sẽ không có được một cuộc sống hay thậm chí một cái chết có ý
nghĩa như vậy.”
Tôi chỉ lắc đầu.
“Sao thế?” Anh hỏi.
“Nỗi ám ảnh của anh về chuyện chết cho một lý tưởng cao đẹp hay để lại dấu ấn
về cuộc đời anh hùng của anh. Nghe thật lạ!”
“Ai cũng muốn sống một cuộc sống phi thường mà em.”
“Không phải tất cả mọi người đều như vậy,” tôi đáp, không thể che giấu sự khó
chịu của mình.
“Em bực mình hả?”
“Chỉ là,” tôi nói nhưng sau đó không thể hoàn thành câu nói của mình. “Chỉ là,”
tôi lặp lại một lần nữa. Ánh nến lung linh trên bàn. “Anh thật là ích kỷ khi
tuyên bố rằng cuộc đời có ý nghĩa chỉ là cuộc đời của những người sống hoặc
chết vì một lý tưởng gì đó. Anh thật ích kỷ khi nói thế với em.”
Vì lý do gì đó, tôi thấy mình thật trẻ con, thế là tôi bèn cắn một góc bánh
tráng miệng tỏ vẻ không có gì to tát với tôi. “Xin lỗi em,” anh nói. “Anh không
có ý như vậy. Anh chỉ đang nghĩ về bản thân anh thôi.”
“Ừ, em biết,” tôi nói. Tôi đã quá no không thể ăn tiếp được, no đến nỗi tôi lo
ngại là mình sẽ nôn ra hết. Bởi thật tình tôi cũng hay nôn mửa sau khi ăn.
(Không phải tôi ăn uống vô độ đâu, mà là do căn bệnh ung thư đấy.) Tôi đẩy đĩa
bánh tráng miệng của mình về phía anh Gus nhưng anh lắc đầu từ chối.
“Anh xin lỗi,” anh lặp lại rồi với tay sang nắm lấy tay tôi. Tôi để anh cầm lấy
tay mình. “Anh có thể sẽ tệ hơn, em biết không?”
“Tệ như thế nào?” Tôi hỏi, có ý đùa bỡn.
“Như là, ở nhà anh, trên bồn cầu có treo một bức thư pháp ghi là, ‘Hãy tắm rửa
mỗi ngày theo lời răn trong sách Phúc m,’ Hazel à, anh có thể sẽ tệ hơn nữa.”
“Nghe ghê quá,” tôi nói.
“Anh có thể sẽ tệ hơn.”
“Anh có thể sẽ tệ hơn.” Tôi mỉm cười. Anh thực sự thích tôi. Có lẽ tôi là người
tự yêu mình thái quá nhưng khi tôi nhận ra sự thật này ngay lúc đó ở Nhà hàng
Oranjee, tôi càng thấy thích anh nhiều hơn.
Khi anh phục vụ đến dọn món tráng miệng đi, anh nói với chúng tôi, “Bữa tối của
anh chị đã được ông Peter Van Houten thanh toán.”
Augustus mỉm cười, “Ông nhà văn Peter Van Houten này không tệ nhỉ!”
Chúng tôi tản bộ dọc bờ kênh khi trời sập tối. Khi đến cách Nhà hàng Oranjee
một dãy nhà, chúng tôi dừng lại ở một băng ghế đá, vây quanh là vô số những
chiếc xe đạp cũ, hoen gỉ được khóa vào khung giữ xe và khóa vào với nhau. Chúng
tôi ngồi xuống cạnh nhau, nhìn mông lung ra con kênh trước mặt, và anh đưa tay
ôm lấy tôi.
Tôi có thể nhìn thấy đèn sáng nhấp nháy từ Khu Đèn Đỏ. Mặc dù nó có tên là Khu
Đèn Đỏ nhưng ánh sáng hắt ra từ khu đó thật kỳ lạ lại là màu xanh lục. Tôi
tưởng tượng đến hàng ngàn du khách đã say lướt khướt; say không còn biết trời
trăng gì đang bước loạng choạng trong mấy con ngõ chật hẹp.
“Em không thể tin là ngày mai ông ấy sẽ nói cho chúng ta nghe phần kết,” tôi
nói. “Peter Van Houten sẽ bật mí cho chúng ta biết đoạn kết bí ẩn chưa được
viết của cuốn sách hay nhất trần đời này.”
“Một điểm cộng nữa là ông ấy đã thanh toán cho bữa tối hôm nay của chúng ta,”
anh Augustus nói thêm.
“Em cứ tưởng tượng là ngày mai ông ấy sẽ lục soát người chúng ta để tìm các
thiết bị ghi âm trước khi tiết lộ câu chuyện. Và sau đó ông ấy sẽ ngồi giữa hai
đứa mình trên ghế xô-pha trong phòng khách và thì thầm bật mí xem liệu mẹ của
Anna có kết hôn với Chú Tulip Hà Lan hay không?”
“Đừng quên chú chuột hamster Sisyphus,” Augustus nhắc.
“Phải rồi ha, dĩ nhiên là còn số phận của chú chuột hamster Sisyphus nữa.” Tôi
nghiêng người về phía trước, để ngắm nhìn con kênh, trong ngồ ngộ. “Một phần
tiếp theo chỉ dành riêng cho chúng ta,” tôi nói.
“Theo phỏng đoán của em, câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào?” Anh hỏi.
“Em cũng không biết nữa. Em đã đọc tới đọc lui hàng ngàn lần tác phẩm đó. Mỗi
lần đọc, em lại có một kết luận khác, anh biết không?” Anh gật đầu. “Thế anh có
giả thiết gì không?”
“Có chứ. Anh không nghĩ Chú Tulip Hà Lan là một kẻ lừa gạt nhưng ông cũng không
giàu như vẻ bề ngoài thể hiện. Và anh nghĩ rằng sau khi Anna qua đời, mẹ của
Anna sang Hà Lan với ông ấy và tin rằng hai người sẽ sống bên nhau mãi mãi.
Nhưng câu chuyện không thành bởi vì bà muốn được ở gần nơi con gái mình từng
sống.”
Tôi không biết là anh suy nghĩ về cuốn sách nhiều như vậy, rằng tác phẩm Nỗi
đau tột cùng đã chiếm một góc hoàn toàn độc lập trong tâm trí của Gus với góc
dành riêng cho tôi.
Nước lặng lẽ vỗ vào kè đá dưới chân chúng tôi; một nhóm thanh niên đạp xe ngang
qua, nói tíu tít bằng tiếng Hà Lan; mấy chiếc thuyền nhỏ cứ dập dềnh mấp mé mép
nước; mùi nước kênh đã tù đọng quá lâu thỉnh thoảng phả lên; anh chợt kéo tôi
vào lòng; chân (thật) anh tì vào chân (dĩ nhiên là thật) của tôi. Tôi hơi tựa
người vào lòng anh. Anh nhăn mặt. “Xin lỗi, anh không sao chứ?”
Anh khẽ đáp không sao bằng một giọng rõ ràng là đang đau đớn.
“Xin lỗi,” tôi nói. “Vai em toàn xương không.”
“Không sao,” anh đáp. “Thật ra nó đẹp mà.”
Chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Cuối cùng anh cũng rút tay khỏi vai tôi và để
tựa trên lưng ghế đá công viên. Phần lớn thời gian chúng tôi chỉ nhìn xuống
dòng kênh. Tôi cứ miên man suy nghĩ không hiểu cách nào họ đã giữ nơi đây tồn
tại mặc dù nói có lẽ đã chìm dưới nước, và tôi đối với Bác sĩ Maria cũng hao
hao như Amsterdam, một ca bệnh bất thường sắp chết chìm, và nó lại khiến tôi
nghĩ đến sự chờ chết. “Em có thể hỏi anh về chị Caroline Mathers không?”
“Vậy mà em nói không có kiếp sau,” anh trả lời mà không nhìn tôi. “Nhưng, tất
nhiên, em muốn biết gì?”
Tôi muốn biết rằng anh sẽ không sao nếu tôi chết. Tôi muốn mình không phải là
một quả lựu đạn hay là một nhân tố xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của những người
tôi yêu. “Thì anh chỉ cần kể những chuyện đã xảy ra.”
Anh thở dài, dài đến nỗi giống như anh đang khoe khoang trước hai lá phổi dở
hơi của tôi. Anh bập một điếu thuốc mới lên môi. “Em biết đó, chẳng có nơi nào
kém náo nhiệt hơn là sân chơi của một bệnh viện.” Tôi gật đầu đồng ý. “Ừ, thì
khi đó anh nằm lại Bệnh viện Memorial thêm một vài tuần sau ca phẫu thuật tháo
khớp chân. Anh nằm trên tầng năm và nhìn xuống toàn cảnh sân chơi, nơi dĩ nhiên
không một bóng người lui tới. Lúc đó trong đầu anh tràn ngập hình ảnh ẩn dụ sâu
sắc và thiếu sức sống của sân bóng trống huơ trống hoác ở bệnh viện. Thế rồi cô
ấy bắt đầu xuất hiện ở sân chơi, đơn độc lẻ loi, mỗi ngày ngồi đong đưa một
mình trên chiếc xích đu, giống cảnh em thường thấy trên phim. Vì vậy anh nhờ
một chị y tá tốt bụng tìm hiểu thêm về cô nàng bí ẩn đó. Chị y tá liền dẫn cô
ấy lên thăm, và đó là chị Caroline. Anh đã dùng sức quyến rũ chết người của
mình để lấy lòng cô ấy.” Anh ngừng lại, nên tôi quyết định lên tiếng.
“Anh chẳng quyến rũ đến như vậy đâu,” tôi nhẹ nhàng chỉnh lại. Anh tỏ vẻ không
tin và chế giễu tôi. “Anh chỉ nhìn bảnh thôi chớ không đến mức quyến rũ chết
người,” tôi giải thích.
Anh cười xòa. “Có điều đối với người đã khuất,” anh định nói gì đó nhưng chợt
khựng lại, ngập ngừng. “Đối với người đã khuất, nếu ta không thi vị hóa câu
chuyện thì ta cũng chẳng khác nào một kẻ không ra gì, nhưng nếu nói sự thật
thì... nó rất phức tạp, vậy đó. Giống như em đã quen với lối kể chuyện tu từ
bóng bẩy về những nạn nhân ung thư phải đối mặt với nghịch cảnh và quyết tâm
vượt lên số phận, oanh liệt chiến đầu với căn bệnh nghiệt ngã không còn bằng
sức mạnh của người bình thường nữa mà không bao giờ buông lời phàn nàn hay tắt
nụ cười trên môi cho đến khi ‘sức tàn lực kiệt’ mới thôi, đại loại thế.”
“Thật mà,” tôi nói. “Họ là những linh hồn tốt bụng và hào phóng mà từng giây
phút họ sống như thổi một Luồng Cảm Hứng khích lệ cho Tất Cả Chúng Ta. Họ thật
mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ mà!”
“Đúng, nhưng thật ra thì theo thống kê, ý anh là không tính chúng ta nha, bệnh
nhi ung thư thường có khuynh hướng là những nhân vật tuyệt vời, hay động lòng
trắc ẩn hoặc kiên gan bền chí, kiểu kiểu vậy đó. Còn Caroline thì luôn luôn rầu
rĩ nhàu nhĩ. Ấy vậy mà anh lại thích thế, cảm giác như thể anh là người duy
nhất được cô ấy chọn không ghét bỏ trên thế giới này. Và thế là trong suốt
khoảng thời gian đó anh chỉ toàn nghe thấy cô ấy rầy rà phê bình người khác
thôi, em hiểu không? Kêu ca từ mấy cô y tá đến các bệnh nhi khác, về cả gia
đình của chính cô ấy và mọi chuyện khác. Và anh không biết đó là bản chất của
cô ấy hay do khối u gây ra nữa. Tại có lần một cô y tá chăm sóc cho cô ấy nói
với anh là loại ung thư mà Caroline mắc phải được giới y học gọi là Khối u Đê
tiện, bởi vì nó biến bệnh nhân thành một quái vật. Thế nên đó là một cô nàng đã
bị tổn thương một phần năm não bộ với Khối u Đê tiện vừa mới tái phát, và vì
vậy cô ấy không phải là, em biết đấy, một hình tượng mẫu mực của chủ nghĩa anh
hùng như các bệnh nhi ung thư biết vượt lên số phận. Cô ấy... nói thẳng ra là
không khác gì bà chằn. Nhưng ta không thể nói trắng ra như vậy, vì cô ấy mang
trong người khối u này, và bởi vì cô ấy cũng đã chết rồi. Và cô ấy có hàng tá
lý do để khó chịu, em biết không?”
Tôi biết.
“Em có nhớ một đoạn trong cuốn Nỗi đau tột cùng khi Anna đang băng ngang sân
bóng để đến lớp thể dục gì đó và bạn ấy bị ngã đập mặt xuống cỏ không? Đó là
lúc bạn ấy biết rằng bệnh ung thư đã tái phát trở lại và tấn công hệ thần kinh
của bạn ấy, bạn ấy không thể tự đứng dậy được. Bạn ấy nằm chết trân trên sân
bóng, nhìn đám cỏ ở cự li thật gần, ghi nhận được ánh nắng lung linh trên tưng
ngọn cỏ... Anh không thuộc từng câu từng lời trong đó, nhưng đại ý là Anna đã
có sự khám phá vĩ đại kiểu Walt Whitman: định nghĩa về nhân tính là khoảnh khắc
mà chúng ta thấy kinh ngạc trước vẻ uy nghi của tạo hóa hay bất cứ điều gì. Em
có nhớ đoạn đó không?”
“Em nhớ đoạn đó,” tôi đáp.
“Trở lại câu chuyện, dù khi đó anh bị tước mất một chân do hóa trị nhưng vẫn
quyết định lấy lại niềm tin và hy vọng. Không hẳn vì anh đã sống sót, mà vì anh
cảm thấy giống như Anna trong tác phẩm vậy, chính là cảm giác hứng thú và biết
ơn về việc còn có thể kinh ngạc trước các sự việc quanh mình.”
“Trong khi đó, ngược lại, Caroline ngày càng trở nên tệ hại. Cô ấy được xuất
viện về nhà sau một thời gian và có những khoảnh khắc mà anh nghĩ rằng hai đứa
anh có thể có một mối quan hệ bình thường nhưng thật sự không thể. Bởi cô ấy
không biết chắt lọc giữa suy nghĩ và lời nói của mình, cứ thường xuyên thốt ra
những lời buồn bã, khó chịu và thường khiến người nghe bị tổn thương. Tuy nhiên
ta không thể chia tay với một cô gái bị u não. Ba mẹ cô ấy đều thương quý anh,
và chưa kể cô ấy còn có một đứa em trai thực sự rất kháu. Ý anh là, làm sao anh
có thể chấm dứt với cô ấy cơ chứ! Cô ấy sắp chết mà.”
“Chuyện cứ dây dưa dai dẳng như vậy. Phải mất gần một năm, và trong một năm đó
anh phải đi chơi với cô nàng mà cứ lâu lâu lại bật cười ngớ ngẩn, rồi còn chỉ
vào cái chân giả của anh và gọi anh là Chàng Lùn.”
“Ôi không.” tôi kêu lên.
“Thế đó. Ý anh là, đó là do khối u, nó ăn não của cô ấy, em hiểu không? Hoặc
cũng có thể không phải do khối u. Anh chẳng thể nào biết được, bởi vì cả hai
không tách rời nhau - cô ấy và khối u. Nhưng khi cô ấy trở bệnh nặng hơn, cô ấy
cứ lặp đi lặp lại những câu chuyện cũ và cười nhạo ý kiến nhận xét của chính
mình ngay cả khi cô ấy đã lải nhải điều tương tự cả trăm lần trong ngày. Giống
như cô ấy cứ giễu cợt anh hàng tuần liền là: ‘Gus có một đôi chân tuyệt vời. Là
chân đó nha!’ rồi sau đó cười rộ lên như điên như dại.”
“Ôi, anh Gus,” tôi bật thốt, “Thật là...” Tôi không biết phải nói gì thêm. Anh
không nhìn tôi, và tôi thấy mình thật đường đột khi cứ nhìn anh. Tôi cảm thấy
anh hơi cúi người về phía trước, lảng tránh ánh mắt nhìn của tôi. Anh lấy điếu
thuốc ra khỏi miệng, nhìn chằm chằm vào nó và vân vê nó giữa ngón cài và ngón
trỏ rồi sau đó lại ngậm lên miệng.
“Thật ra,” cuối cùng anh cũng lên tiếng, “công bằng mà nói, anh có cái chân
tuyệt vời.”
“Em rất tiếc,” tôi khẽ khàng. “Em thực sự rất tiếc.”
“Anh không sao đâu, Hazel Grace. Nhưng anh phải nói rõ là, lần đầu khi anh nghĩ
mình nhìn thấy bóng ma của Caroline Mathers tại Hội Tương Trợ, anh không hẳn đã
vui hoàn toàn đâu. Đúng là anh đã nhìn em chằm chặp, nhưng anh không có tí khao
khát nào, mong em hiểu ý anh.” Anh rút gói thuốc từ trong túi ra và đặt điếu
thuốc vào lại trong đó.
“Em rất tiếc.” Tôi nói một lần nữa.
“Anh cũng thế.”
“Em không bao giờ muốn làm thế với anh.” Tôi bảo.
“Ồ, anh không phiền đâu, Hazel Grace. Thậm chí em có làm tan nát con tim anh
thì đối với anh, đó còn là đặc ân nữa kìa.”
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment