CHƯƠNG 6 - KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO - TIỂU THUYẾT THẾ GIỚI
KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO
Tôi đã không liên lạc với Augustus trong khoảng
một tuần. Lần sau cùng tôi gọi điện thoại cho anh là vào Buổi Tối Đập Phá Cúp,
theo lệ thường thì đến lượt anh gọi cho tôi. Nhưng anh chẳng gọi. Và tôi cũng
không phải kiểu con gái suốt ngày ôm khư khư điện thoại trong bàn tay ướt đẫm
mồ hôi, mắt nhìn chăm chăm vào đèn báo hiệu có cuộc gọi đến trong khi diện
chiếc Đầm Vàng Đặc Biệt, kiên nhẫn chờ chàng trai trong mộng – người luôn sống
xứng đáng với ‘thanh danh’ của chàng – sẽ gọi điện cho mình vào một ngày đẹp
trời nào đó. Thay vì vậy, tôi tiếp tục thói quen sinh hoạt thường ngày của
mình: một buổi chiều tôi hẹn đi cà phê với Kaitlyn và bạn trai của nhỏ (trông
dễ thương thật nhưng không có ‘chất Augustinô’); mỗi ngày tôi dùng đủ liều
Phalanxifor theo chỉ định; tôi đi học vào ba buổi sáng trong tuần tạo MCC; và
mỗi đêm tôi đều ăn tối cùng Ba Mẹ.
Vào tối chủ nhật, nhà tôi ăn pizza với ớt chuông và bông cải xanh. Khi cả nhà
đang quây quần bên chiếc bàn tròn trong bếp thì nhạc chuông điện thoại của tôi
bắt đầu réo vang. Nhưng tôi không được phép bắt máy vì ở nhà có một quy định
nghiêm ngặt là không-nghe-điện-thoại-trong-lúc-ăn.
Tôi ngồi nhấm nháp một chút trong khi Ba Mẹ nói về trận động đất vừa xảy ra ở
Papua New Guinea. Ngày xưa, hai người gặp nhau tại Peace Corps ở Papua New
Guinea. Nên khi có bắt cứ chuyện gì xảy ra, thậm chí là tin xấu, họ bỗng không
còn là những người lớn đã ổn định cuộc sống gia đình nữa mà như đột nhiên quay
trở lại với thời thanh niên của mình, trẻ trung, tràn đầy lý tưởng, sống tự lập
và gặp nhiều gian truân. Và Ba Mẹ phấn khích đến độ chẳng buồn để ý là tôi đang
ăn nhanh hơn thường ngày, không ngừng chuyển thức ăn trên đĩa vào miệng với tốc
độ tên lửa khiến tôi gần như nghẹn thở. Dĩ nhiên tôi cũng lo lắng nhỡ đâu lại
bị tràn dịch màng phổi lần nữa. Tôi cố xua tan ý nghĩ này. Theo lịch, tôi sẽ
chụp cắt lớp PET trong vài tuần nữa. Nếu có chuyện chẳng lành thì tôi sẽ sớm
biết thôi. Từ giờ đến đó lo lắng cũng chẳng ích gì.
Nhưng tôi vẫn lo lắng. Tôi yêu cuộc sống này và tôi không muốn từ bỏ nó sớm.
Tuy nhiên, lo lắng cũng là tác dụng phụ của việc chờ chết.
Cuối cùng cũng ăn xong. Tôi hớn hở thông báo, “Con ăn xong rồi!” trong khi Ba
và Mẹ vẫn say sưa thảo luận về ưu – khuyết của cơ sở hạ tầng ở Guinea. Tôi chộp
lấy chiếc ví đặt trên quầy bếp, rút điện thoại ra và kiểm tra các cuộc gọi nhỡ
vừa rồi. Là Augustus Warters.
Tôi bước ra cửa sau. Trời chạng vạng tối và tôi có thể thấy chiếc đu. Tôi nghĩ
đến việc ra đó ngồi, vừa đong đưa vừa tán chuyện với anh, nhưng khoảng cách
dường như khá xa đối với cái bụng đang óc ách của tôi.
Thay vào đó, tôi nằm bệt xuống bãi cỏ bên cạnh chiếc ghế hóng mát, ngước nhìn
chòm sao Thợ săn, chòm sao duy nhất tôi có thể nhận diện, và gọi cho anh.
“Hazel Grace,” anh chào.
“Chào,” tôi nói. “Anh khỏe không?”
“Khỏe như vâm,” anh đáp. “Anh đã muốn gọi cho em từng phút một nhưng anh ráng
chờ đến khi suy nghĩ mạch lạc hơn đối với truyện Nỗi đau tột cùng.” (Anh dùng
từ mạch lạc. Anh ấy thực sự nói thế, cái anh chàng đó.)
“Và?” Tôi hỏi.
“Anh nghĩ rằng nó như… Đọc nó, anh cứ có cảm giác giống như, giống như…”
“Giống như gì?” Tôi hỏi vẻ trêu chọc.
“Giống như một món quà á?” Anh ướm lời như dò xét. “Giống như em đã trao cho
anh một cái gì đó quan trọng.”
“Ồ,” tôi khẽ thốt lên.
“Xin lỗi, nghe có vẻ khách sáo quá.”
“Không, anh không cần xin lỗi đâu.”
“Nhưng nó thiếu đoạn kết.”
“Ừ!” Tôi đồng tình.
“Thật là một sự tra tấn. Anh có thể đoán được là cô bé đã chết hay bị gì đó.”
“Ừ, tôi cũng đoán vậy,” tôi nói.
“Ừ, okay, thôi được. Nhưng có một thỏa thuận bất thành văn giữa tác giả và
người đọc và anh nghĩ rằng không viết đoạn kết cho truyện cũng là vi phạm một
phần thỏa thuận đó.”
“Tôi không biết,” tôi đáp, trong lòng thấy muốn bênh vực cho Peter Van Houten.
Nói một cách nào đó thì phần kết là một trong những lý do khiến tôi thích cuốn
sách này. Nó miêu tả chân thực cái chết. Ta lăn ra chết ở giữa chừng xuân, ngay
cả chính giữa một câu. Nhưng tôi cũng — Chúa ơi, tôi cũng thật sự muốn biết
chuyện gì xảy ra sau đó đối với tất cả nhân vật khác. Đó là những gì tôi hỏi
ông ấy trong thư của mình. Nhưng ông ấy, hây da, ông không bao giờ hồi âm.
“Đúng rồi, em nói ông là một người sống ẩn dật phải không?”
“Dạ phải.”
“Không thể tìm được tung tích.”
“Dạ phải.”
“Hoàn toàn không thể liên lạc,” Augustus nói tiếp.
“Đáng tiếc là đúng vậy đó,” tôi xác nhận.
“‘Thưa anh Waters,’” giọng anh thủng thẳng. “‘Tôi viết thư này để cảm ơn về bức
email của anh đã gửi thông qua cô Vliegenthart vào ngày sáu tháng Tư, từ nước
Mỹ xa xôi tới mức có thể nói khoảng cách địa lý đã được xóa nhòa trong thời đại
số hóa tiên tiến của chúng ta.’”
“Augustus, anh đang đọc cái quái gì thế?”
“Ông ấy có một trợ lý,” Augustus giải thích. “Lidewij Vliegenthart. Anh tìm ra
chị này và đã gửi email cho chị. Chị chuyển email cho ông và ông trả lời thông
qua tài khoản email của chị ấy.”
“Được rồi, được rồi. Anh mau đọc tiếp đi.”
“Thư phúc đáp của tôi được viết tay bằng bút mực trên giấy theo truyền thống vẻ
vang của tổ tiên chúng ta và sau đó được cô Vliegenthart chuyển thành một loạt
các ký tự 1 và 0 chạy ngoằn ngoèo trong một mạng lưới tẻ nhạt, mà gần đây đã mê
hoặc được loài người chúng ta. Thế nên tôi thành thật xin lỗi cho bất kỳ lỗi
chính tả hay thiếu sót nào có thể xảy ra.’”
“‘Với nhiều thú vui chơi giải trí náo nhiệt sẵn sàng phục vụ các thanh niên cô
cậu của thế hệ anh, tôi thật vô vàn cảm kích trước bất cứ người nào ở bất cứ
nơi đâu đã dành ra vài giờ hiếm hoi để đọc cuốn sách hèn mọn của tôi. Nhưng tôi
đặc biệt mang ơn anh, thưa anh, không chỉ vì những lời ca tụng tốt đẹp của anh
về cuốn Nỗi đau tột cùng mà còn vì anh đã nhín chút thời giờ để cho tôi biết
rằng cuốn sách đó của tôi, ở đây tôi xin trích nguyên văn lời anh, “có ý nghĩa
to lớn” với anh.’”
“‘Nhận xét này, tuy nhiên, khiến tôi tự hỏi: Ý anh là gì khi dùng cụm từ có ý
nghĩa? Với cuộc đấu tranh sinh tồn mà kết cục sẽ là cửa tử dành cho tất cả
chúng ta, liệu tính phù du thoáng qua của ý nghĩa sống mà nghệ thuật đem lại
cho chúng ta có giá trị không? Hay sống chỉ mang giá trị đơn thuần là từng ngày
trôi qua sao cho thoải mái nhất? Câu chuyện nên phát triển theo chiều hướng nào
đây, anh Augustus? Một hồi chuông cảnh tỉnh? Một lệnh tổng động viên? Một liều
thuốc giảm đau? Tất nhiên, như tất cả mọi câu hỏi chất vấn khác trên vũ trụ
này, thắc mắc này rõ ràng đưa chúng ta đến câu hỏi sống kiếp người có ý nghĩa
gì và phải chăng – xin mượn lời của bọn choai choai mười sáu tuổi với ngổn
ngang tâm sự lo lắng cho thế giới hỗn độn này, những tâm sự mà chắc chắn khi
nghe anh sẽ cười vào mũi chúng – cuộc sống này có ý nghĩa.’”
“‘Tôi e rằng không, anh bạn của tôi. Và tôi không khuyến khích anh cật vấn thêm
về văn phong viết lách của tôi. Nhưng để tôi trả lời thẳng thắn câu hỏi của
anh: Không, tôi đã không viết thêm gì khác, cũng chẳng định viết nữa. Tôi không
thấy việc tiếp tục chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn độc giả sẽ mang lại
lợi ích cho họ hoặc cho tôi. Cảm ơn anh một lần nữa về bức email với những lời
khen tặng hào phóng ấy.’”
“‘Trân trọng kính chào, Peter Van Houten, thông qua Lidewij Vliegenthart.’”
“Oaaa,” tôi thốt lên. “Anh không bịa đấy chứ?”
“Hazel Grace, liệu anh có thể, với trí tuệ kém cỏi của mình, bịa ra một lá thư
từ Peter Van Houten với mấy cụm từ bay bướm như ‘thời đại số hóa tiên tiến của
chúng ta’ hay không?”
“Anh không thể đâu,” tôi đồng ý. “Vậy tôi có thể nào… có thể xin địa chỉ email
được không?”
“Dĩ nhiên là được rồi,” Augustus nói, cứ như thể đó không phải là món quà ý nghĩa
nhất mà tôi từng nhận được.
Tôi mày mò suốt hai giờ để viết một email cho Peter Van Houten. Dường như tôi
càng viết, thư càng ẹ hơn, nhưng tôi quá phấn khích đến độ không thể ngăn mình
ngừng viết được.
Kính thưa ông Peter Van Houten (Nhờ chị Lidewij Vliegenthart chuyển giúp),
Tôi tên là Hazel Grace Lancaster. Bạn tôi, anh Augustus Waters, người đã đọc
cuốn Nỗi đau tột cùng theo lời tôi giới thiệu, vừa nhận được một email của ông
theo địa chỉ này. Tôi hy vọng ông sẽ không phiền khi anh Augustus đã chia sẻ
nội dung email đó với tôi. Ông Van Houten, theo tôi hiểu từ email ông viết cho
anh bạn Augustus là ông không định xuất bản sách nữa. Nói một cách nào đó, tôi
vừa thất vọng, vừa nhẹ nhõm: Tôi không phải lăn tăn chuyện cuốn sách tiếp theo
của ông liệu có đạt đến mức hoàn hảo tuyệt vời như cuốn đầu tay không. Là một
bệnh nhi đã sống sót qua năm thứ ba của căn bệnh ung thư giai đoạn IV, tôi có
thể xác nhận rằng ông đã viết rất đúng trong cuốn Nỗi đau tột cùng. Hoặc ít
nhất ông viết đúng về bệnh nhi ung thư như tôi. Cuốn sách của ông như đã báo
cho tôi biết trước những gì mình sẽ trải qua trước khi tôi thật sự cảm nhận
được và tôi đã đọc đi đọc lại hàng chục lần.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi không biết ông có thể giải đáp một vài câu hỏi tôi còn
băn khoăn về những gì xảy ra sau khi kết thúc truyện không. Tôi hiểu là cuốn
truyện kết thúc bởi vì Anna đã chết hoặc sức khỏe quá yếu không thể tiếp tục
viết lách. Nhưng tôi thực sự muốn biết những gì xảy ra sau đó với mẹ của Anna –
liệu cô ấy có kết hôn với Chú Tulip Hà Lan không, cô ấy có sinh thêm em bé
không, và cô ấy vẫn cư ngụ ở số 917 W. Temple chứ, v.v.v Ngoài ra, có phải Chú
Tulip Hà Lan là kẻ gian không, hay chú thực sự yêu thương mẹ con họ? Và còn các
bạn của Anna – đặc biệt là Claire và Jake, họ còn kết mô-đen với nhau không? Và
cuối cùng – tôi nghĩ đây là loại câu hỏi sâu sắc và chín chắn mà ông luôn hy
vọng độc giả mình sẽ hỏi – chuyện gì sẽ xảy đến với chú chuột hamster Sisyphus?
Những câu hỏi này đã ám ảnh tôi trong nhiều năm – và tôi không biết mình còn
sống bao lâu để tìm ra câu trả lời cho chúng.
Tôi hiểu đây không phải là câu hỏi quan trọng mang tính văn chương trong khi
cuốn sách của ông tràn ngập các câu hỏi văn chương quan trọng hơn, nhưng tôi
thực sự rất muốn biết.
Và tất nhiên, bất cứ khi nào ông quyết định cầm bút lần nữa, ngay cả khi ông
không muốn xuất bản thì tôi vẫn rất mong đợi được đọc nó. Thậm chí tôi sẵn sàng
đọc danh sách mua hàng tạp hóa của ông.
Một độc giả hâm mộ cuồng nhiệt,
Hazel Grace Lancaster
(16 tuổi)
Sau khi gửi thư, tôi gọi lại cho Augustus và chúng tôi say sưa nói về Nỗi đau
tột cùng đến khuya lơ khuya lắc. Tôi đọc cho anh nghe bài thơ của Emily
Dickinson mà Van Houten đã dùng làm tiêu đề. Anh khen nức nở tôi có giọng đọc
hay, ngắt nghỉ đúng nhịp chứ không dừng quá lâu. Sau đó anh bảo tập thứ sáu
trong bộ Cái giá của Bình minh, cuốn Nợ máu phải trả bằng máu cũng bắt đầu bằng
cách trích thơ. Phải mất một lúc để anh lục tìm cuốn sách và cuối cùng anh cũng
đọc được đoạn trích cho tôi nghe: “‘Hãy thừa nhận đi nào, đời em đang lao dốc.
Nụ hôn cuối em trao/ đã từ năm nảo năm nao.’”
“Cũng hay,” tôi nói. “Hơi màu mè. Tôi tin rằng Max Mayhem sẽ gọi đó là ‘một mớ
ẻo lả.’”
“Ừ, với hàm răng nghiến chặt, anh cá luôn. Chúa ơi, Mayhem nghiến răng rất
nhiều lần trong bộ tiểu thuyết này. Nếu sống sót qua cả cuộc chiến, chắc ông ấy
sẽ bị sái quai hàm mất.” Và sau một giây im lặng, Gus hỏi, “Nụ hôn cuối cùng
của em là khi nào?”
Tôi nhớ lại. Mọi nụ hôn của tôi – tất cả đều từ trước khi phát hiện bệnh – đều
qua loa vả chẳng thoải mái tí nào. Hơi giống con nít đang chơi trò người lớn.
Nhưng tất nhiên chuyện cũng lâu rồi. “Cách đây nhiều năm rồi!” Cuối cùng tôi
đáp. “Còn anh?”
“Anh đã có một vài nụ hôn nồng cháy với bạn gái cũ, Caroline Mathers.”
“Cũng cách đây nhiều năm ư?”
“Lần cuối cùng là chưa đầy một năm trước.”
“Chuyện gì đã xảy ra?”
“Trong khi hôn á?”
“Không, với anh và Caroline kìa.”
“À,” anh ngập ngừng. Lại im lặng một giây. “Caroline không còn bị nỗi thống khổ
của kiếp người hành hạ nữa.”
“Ồ,” tôi ngỡ ngàng.
“Ừ,” anh đáp.
“Tôi xin lỗi,” tôi nói. Tuy tôi biết rất nhiều người nay đã ‘về nơi chín suối’
nhưng tôi chưa bao giờ hẹn hò với ai trong số đó. Thậm chí tôi còn không tưởng
tượng được viễn cảnh đó.
“Không phải lỗi của em, Hazel Grace à. Tất cả chúng ta chỉ là tác dụng phụ,
phải không nào?”
“‘Như những con hàu bám chặt con tàu chuyên chở ý thức,’” tôi nói, trích trong
NĐTC.
“Okay,” anh kêu. “Anh phải đi ngủ đây. Gần một giờ rồi.”
“Okay,” tôi đáp.
“Okay,” anh nhại lại.
Tôi cười khúc khích và nói, “Okay.” Sau đó đầu dây bên kia im lặng nhưng chưa
cúp máy. Tôi gần như cảm thấy anh đang hiện diện trong phòng với tôi. Nhưng
theo một cách hay hơn: giống như tôi đã không còn ở trong phòng của tôi và anh
cũng chẳng ở trong phòng của anh mà thay vào đó, chúng tôi ở cùng nhau trong
một không gian thứ ba vô hình, mong manh và chỉ tồn tại trên điện thoại.
“Okay,” anh nói sau một hồi lâu. “Có lẽ nên đặt okay là mật mã luôn luôn của
chúng ta.”
“Okay,” tôi đáp.
Và Augustus là người tắt máy sau cùng.
Peter Van Houten trả lời email của Augustus chỉ bốn giờ sau khi anh gửi nó. Vậy
mà đã hai ngày trôi qua. Van Houten vẫn không trả lời tôi. Augustus an ủi tôi
là vì email của tôi viết hay hơn và đòi hỏi phải động não nhiều hơn khi phúc
đáp, rằng Van Houten đang bận viết câu trả lời cho tôi, và rằng những áng văn
xuất sắc luôn cần đầu tư nhiều thời gian. Nhưng tôi vẫn lo lắng.
Vào thứ Tư, tôi nhận được tin nhắn từ Augustus trong tiết học Văn chương Mỹ
dành cho Học sinh Không chuyên 101:
Isaac ra khỏi phòng mổ rồi. Phẫu thuật thành công. Hắn cũng chính thức được xác
nhận là NEC.
NEC có nghĩa là “không có dấu hiệu của ung thư.” Vài giây sau lại có thêm tin
nhắn thứ hai.
Ý anh là, hắn bị mù. Nên thật bất hạnh.
Chiều hôm đó, Mẹ đồng ý cho mượn xe để tôi tự lái đến bệnh viện Memorial thăm
anh Isaac.
Tôi tìm đến phòng của anh trên tầng năm, lịch sự gõ cửa phòng dù nó đang mở.
Giọng một phụ nữ vọng ra, “Vào đi!” Đó là một y tá đang thao tác gì đó trên
miếng băng gạc che kín đôi mắt của anh Isaac. “Hây, chào anh Isaac,” tôi nói.
Anh hấp tấp hỏi, “Monica hả em?”
“Ồ, không phải. Xin lỗi. Không, là em đây, ừm, Hazel. Ừm, Hazel ở Hội Tương Trợ
đây. Hazel mà anh gặp vào Buổi-Tối-Đập-Phá-Cúp đó?”
“À,” anh đáp. “Ừ, mọi người cứ nói rằng mấy giác quan khác của anh sẽ nhạy hơn
để bù đắp cho thị giác đã mất, nhưng RÕ RÀNG LÀ CHƯA TIẾN BỘ GÌ. Chào em, Hazel
Hội Tương Trợ. Nào, em đến đây để anh có thể sờ khuôn mặt em bằng hai tay và
nhìn sâu thẳm vào tâm hồn em rõ hơn bất cứ một người sáng mắt nào trên đời
xem.”
“Cậu ấy đùa đấy,” cô y tá nói.
“Dạ,” tôi nói. “Em biết mà.”
Tôi bước đến giường anh, kéo một chiếc ghế và ngồi xuống, cầm lấy tay anh. “Em
nè,” tôi lên tiếng.
“Ừ,” anh nói và sau đó im lặng một lúc lâu.
“Anh thấy trong người sao rồi?” Tôi bắt chuyện.
“Cũng ổn,” anh đáp. “Anh cũng không biết nữa.”
“Anh không biết chuyện gì?” tôi hỏi. Tôi nhìn bàn tay anh bởi vì tôi không muốn
nhìn vào khuôn mặt đang bị miếng băng gạc che ngang phần mắt. Anh Isaac đã gặm
móng tay. Tôi thậm chí còn thấy vài ngón rịn máu do bị xước khóe.
“Cô ấy thậm chí không thèm đến thăm anh,” anh nói. “Dù sao tụi anh cũng đã cặp
kè nhau suốt mười bốn tháng. Mười bốn tháng là một thời gian dài. Chúa ơi, thật
đau lòng mà.” Anh Isaac buông tay tôi ra để mò mẫm máy bơm truyền thuốc của
anh. Mỗi lần bấm máy, một lượng thuốc mê sẽ bơm vào cơ thể.
Cô y tá, sau khi đã hoàn tất công tác thay băng, bước lui ra. “Chỉ mới một ngày
thôi, Isaac à,” cô nói, có vẻ hơi trịch thượng. Và mười bốn tháng không phải
dài lắm đâu, nếu so với những chuyện khác. Cậu cũng chỉ mới bắt đầu thôi, rồi
cậu sẽ thấy.”
Cô y tá ra khỏi phòng. “Cô ấy đi chưa em?”
Tôi gật đầu, sau đó nhớ ra là anh không thể nhìn thấy cái gật đầu đó, bèn nói.
“Rồi anh.”
“Rồi anh sẽ thấy à? Thật ư? Cô ấy thật sự dám nói vậy à?”
“Những Phẩm chất của một Y tá Tốt. Bắt đầu nào!” Tôi mở đầu.
“1. Không nói kháy về khuyết tật của chúng ta,” anh Isaac nói.
“2. Lấy máu ngay từ mũi tiêm đầu tiên,” tôi tiếp lời.
“Nghiêm túc mà nói thì người đạt phẩm chất này rất hiếm nhé! Đây là cánh tay
của anh, chứ không phải tấm bia để tập ném phi tiêu ‘kim tiêm’ đâu! 3. Không ra
giọng chiếu cố bệnh nhân.”
“Em thấy khỏe chưa cưng?” Tôi giả giọng ngọt ngào. “Giờ chị sẽ tiêm cho em một
mũi nhé, có thể sẽ hơi đau một tẹo nhé cưng.”
“Cậu bé đáng iu của tui đây à?” anh phụ họa. Một lúc sau, anh nói, “Thật ra hầu
hết mấy cô y tá đều tốt bụng. Chỉ là anh muốn mau chóng thoát khỏi chỗ này
thôi.”
“Chỗ này, ý anh là bệnh viện hả?”
“Cả chuyện đó nữa,” anh thú nhận, quai hàm bạnh ra. Tôi có thể thấy rõ sự đau
đớn trong đó. “Thú thật là anh suy nghĩ rất nhiều về Monica, nhiều hơn cả
chuyện đôi mắt của anh. Anh điên quá em ha? Thật điên rồ.”
“Chỉ hơi điên một tí thôi,” tôi công nhận.
“Nhưng em biết không, anh tin vào tình yêu đích thực. Anh không tin tất cả mọi
người đều có thể giữ mình sáng mắt hay không đổ bệnh hoặc bất cứ tai ương nào,
nhưng mọi người cần có tình yêu đích thực. Và tình yêu đó phải bền bỉ, kéo dài
đến tận cuối cuộc đời chúng ta, ít ra phải thế.”
“Đúng,” tôi nói.
“Đôi khi anh ước gì mọi chuyện đừng xảy ra. Cái căn bệnh ung thư quái ác này.”
Bài phát biểu hùng hồn của anh đứt quãng dần, thuốc mê đã phát huy tác dụng.
“Em rất tiếc,” tôi nói.
“Trước khi em đến, Gus có ghé thăm. Khi anh tỉnh dậy thì thấy hắn. Hắn cúp học.
Hắn…” Anh hơi ngoẹo đầu sang một bên. “Nằm vậy dễ chịu hơn,” anh lẩm bẩm.
“Anh đau à?” tôi hỏi. Anh khẽ gật đầu.
“À,” tôi nói. Một chốc sau, như một nhỏ mê trai, tôi dò hỏi: “Anh đang nói dở
về anh Gus.” Nhưng anh Isaac đã chìm vào cơn mê.
Tôi đi xuống lầu, đến một cửa hàng nhỏ bán quà tặng. Thấy một cụ bán hàng tình
nguyện hom hem đang ngồi trên chiếc ghế đẩu phía sau quầy tính tiền, tôi bèn
hỏi mua loại hoa có hương thơm nhất.
“Tất thảy đều tỏa mùi thơm giống nhau vì chúng đã được phun thuốc Siêu Hương
Hoa,” bà thành thật nói.
“Ồ, vậy à?”
“Ừ, vừa mới phun hương xong.”
Tôi mở xịch cánh cửa phía bên trái bà cụ, đưa mũi ngửi thử một khóm hồng, rồi
cúi người xuống cạnh một bó cẩm chướng. Đúng là cùng một mùi thật, thơm nồng
đến ngạt cả mũi. Hoa cẩm chướng rẻ hơn nên tôi mua một chục bông màu vàng,
khoảng mười bốn dollar. Tôi quay trở lên phòng; mẹ anh đã đến, cô đang nắm tay
con trai mình. Cô còn trẻ và rất đẹp.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment