CHƯƠNG 1 - KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO - TIỂU THUYẾT THẾ GIỚI
KHI LỖI THUỘC VỀ NHỮNG VÌ SAO
Tác giả: John Green
Thể loại: Tiểu thuyết phương Tây
CHƯƠNG 1:
Vào cuối mùa đông năm tôi mười bảy tuổi, Mẹ quả
quyết rằng tôi sống thật đáng chán, có lẽ vì tôi hiếm khi ra khỏi nhà, cứ nằm bẹp
gí trên giường, nhai đi nhai lại một cuốn sách, ăn uống thất thường, và dành
khá nhiều thời gian rảnh rỗi của mình để nghĩ về cái chết.
Bất cứ khi nào bạn đọc một cuốn sổ tay, trang web hoặc bất cứ điều gì về ung
thư, người ta luôn liệt kê trầm cảm là một trong những tác dụng phụ của căn bệnh
này. Nhưng trên thực tế, trầm cảm không phải là tác dụng phụ của ung thư. Trầm
cảm là tác dụng phụ của việc chờ chết. (Ung thư cũng là một tác dụng phụ của
cái sự chờ chết này. Hầu như tất cả mọi thứ đều vậy, thật đó!) Nhưng Mẹ tin rằng
tôi cần được điều trị nên bà đưa tôi đến gặp ông Jim, ông bác sĩ quen của tôi.
Bác sĩ Jim cũng đồng tình là tôi quả thực đang bơi trong một bể trầm cảm làm tê
liệt mọi hoạt động và khiến tôi thờ ơ với mọi sự xung quanh. Vì thế cần phải điều
chỉnh liệu trình chữa bệnh của tôi. Lời khuyên đưa ra là hằng tuần tôi nên đến
tham gia Hội Tương Trợ.
Hội Tương Trợ là một sân khấu gồm nhiều diễn viên trẻ mắc đủ loại bệnh ung bướu
khác nhau thi nhau luân diễn cùng một vai. Tại sao lại luân diễn vai đó? Tôi
nói rồi, là tác dụng phụ của sự chờ chết ấy mà!
Dĩ nhiên Hội Tương Trợ này chán òm như chui vô hòm. Chúng tôi gặp nhau vào thứ
Tư hàng tuần dưới tầng hầm của một nhà thờ Tân giáo được xây bằng đá và có hình
dạng của cây thập tự. Cả nhóm ngồi tụ thành vòng tròn ở giữa cây thập tự này,
nơi hai đoạn thập tự giá giao nhau, ngay chỗ trái tim của Chúa Giêsu.
Tôi nhận thấy điều này bởi vì anh Pattrick, Hội Trưởng Hội Tương Trợ và là người
duy nhất trên mười tám tuổi trong bọn, cứ huyên thuyên về chuyện trái tim của
Chúa Giêsu vào mỗi buổi họp, về tất tần tật những chuyện làm thế nào mà chúng
tôi, những bệnh nhân ung thư trẻ tuổi còn sống, đang ngồi ngay giữa trái tim rất
thiêng liêng của Ngài và bất cứ chuyện nhăng nhít nào khác.
Sau đây là những gì đã diễn ra chỗ trái tim của Chúa: Khoảng sáu hoặc bảy hoặc
mười người trong chúng tôi đi/đẩy xe lăn đến, lướt mắt qua hàng bánh quy và nước
chanh nghèo nàn, ngồi xếp thành một Vòng tròn Tin tưởng, và lắng nghe anh
Patrick kể lại câu chuyện lần thứ một ngàn về cuộc đời khốn khổ và nhạt nhẽo của
anh – rằng anh bị ung thư tinh hoàn và mọi người cứ đinh ninh rằng anh sẽ chết,
nhưng anh đã không chết. Giờ anh ở đây, dưới tầng hầm nhà thờ tại thành phố
xinh đẹp hạng thứ 137 của Mỹ. Và anh là một người đàn ông trưởng thành, đã ly dị
vợ, nghiện chơi điện tử và hầu như không có bạn bè. Nghề tay trái giúp anh cải
thiện cuộc sống đạm bạc hằng ngày là khai thác triệt để bi kịch chống chọi với
căn bệnh ung thư trong quá khứ và tìm cách học dần lên thạc sĩ, vốn sẽ chẳng
giúp mấy cho tương lai sự nghiệp của anh. Và anh cũng chờ đợi, như cả bọn đang
mòn mỏi đợi thanh gươm Damocles đến giải thoát cho mình, một kết thúc mà anh đã
may mắn thoát khỏi từ nhiều năm trước, khi căn bệnh ung thư quái ác tước mất của
anh cả hai hòn bi. Nhưng cũng còn may là chừa cho anh mạng sống, như những người
nhân ái vẫn thường chép miệng an ủi.
VÀ BIẾT ĐU CÁC BẠN CŨNG SẼ MAY MẮN NHƯ THẾ!
Sau đó, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu bản thân: Tên, tuổi, chẩn đoán của bác
sĩ, và tình hình sức khỏe ngày hôm nay. Đến phiên mình, tôi nói như thuộc lòng:
“Mình là Hazel. Mười sáu tuổi. Mới đầu chỉ là ung thư tuyến giáp nhưng nào ngờ
đã có hẳn một tập đoàn hoành tráng di căn từ lâu vào trong phổi của mình. Và
mình vẫn ổn.”
Mỗi khi chúng tôi giới thiệu hết một lượt, anh Patrick luôn hỏi xem có ai muốn
chia sẻ thêm không. Và sau đó lại bắt đầu một vòng tròn tương trợ: cả bọn thi
nhau kể lể nào là tranh đấu, chiến đấu và chiến thắng, nào là khối u bị thu hẹp
và phải chụp cắt lớp kiểm tra. Để công bằng, anh Patrick cũng cho phép chúng
tôi nói về việc chờ chết. Nhưng hầu hết chúng tôi sẽ không sớm gặp tử thần. Đa
số sẽ sống đến khi trưởng thành, như anh Patrick vậy.
(Điều này đồng nghĩa với việc sẽ gây ra nhiều cuộc đua tranh trong nhóm, khi mỗi
bạn không chỉ muốn đánh bại căn bệnh ung thư mà còn mong hạ gục mấy bạn còn lại.
Cũng giống như, tôi thấy điều này thật khó giải thích cho suôn sẻ, chẳng hạn
như khi họ nói rằng bạn chỉ có 20 phần trăm cơ hội để sống thêm năm năm nữa thì
ngay lập tức bạn nhẩm tính và ra kết quả một phần năm... Rồi bạn nhìn quanh và
thầm nghĩ giống như cách một người khỏe mạnh hay nghĩ, là mình phải sống lâu
hơn bốn bạn khác trong nhóm.)
Điểm duy nhất gỡ gạc cho Hội Tương Trợ là một anh chàng tên Isaac, với dáng người
mảnh khảnh, khuôn mặt dài, mái tóc thẳng màu vàng che khuất một bên mắt.
Và đôi mắt của anh này mới là vấn đề. Anh mắc chứng ung thư mắt, một căn bệnh gần
như không thể xảy ra trên đời này. Các bác sĩ đã lấy đi một con mắt khi anh hãy
còn là một đứa trẻ. Và bây giờ anh đeo cặp kính dày cộp, làm đôi mắt của anh (cả
thật lẫn giả) đều trông siêu to. Giống như nguyên cái đầu chỉ có con mắt giả và
con mắt thật luôn nhìn chăm chăm vào bạn. Từ những gì tôi có thể nhớ được trong
mấy dịp hiếm hoi khi anh Isaac chia sẻ với nhóm, thì một lần bệnh tái phát đã
khiến cho con mắt còn lại của anh cũng trong tình thế ‘ngàn cân treo sợi tóc’.
Anh Isaac và tôi giao tiếp gần như chỉ thông qua tiếng thở dài. Mỗi khi ai đó
thảo luận về chế độ ăn kiêng chống ung thư, hít bột vây cá mập hoặc bất cứ liệu
pháp gì, anh đều nhìn về phía tôi và thở dài thật khẽ. Tôi lắc đầu rất khẽ và
cũng thở dài đáp lại.
Vậy là ý tưởng tham gia Hội Tương Trợ xem như hỏng bét. Và sau một vài tuần,
tôi thấy đã đến lúc phải la hét, đấm đá phản đối vụ này. Thật ra, vào đúng ngày
thứ Tư tôi quen với Augustus Waters, tôi đã đấu tranh kịch liệt với hy vọng sẽ
được giải phóng khỏi Hội Tương Trợ, khi đang ngồi trên ghế sa-lông xem tập ba của
cuộc tranh tài dài mười hai tiếng trong chương trình Siêu mẫu Mỹ mùa giải trước,
mà phải thú thật rằng tuy đã xem rồi nhưng tôi vẫn rất thích xem lại.
Tôi: “Mẹ ơi, con không muốn tham gia Hội Tương Trợ nữa đâu.”
Mẹ: “Một trong các triệu chứng của trầm cảm là không hứng thú tham gia vào các
hoạt động.”
Tôi: “Mẹ cứ cho con xem Siêu mẫu Mỹ đi. Đó cũng là một hoạt động vậy.”
Mẹ: “Xem ti-vi là một hoạt động thụ động.”
Tôi: “Ui, con xin Mẹ!”
Mẹ: “Hazel, con đã lớn thành thiếu nữ rồi chứ không còn là trẻ con nữa. Con cần
phải kết bạn, ra khỏi nhà,và sống cuộc sống của riêng con.”
Tôi: “Nếu Mẹ muốn con là thiếu nữ thì đừng đưa con đến Hội Tương Trợ nữa. Mẹ
hãy mua cho con một CMND giả để con có thể lượn lờ ở mấy câu lạc bộ, uống vodka,
và phê cần sa.”
Mẹ: “Mới tập tành hút thì không phê được đâu.”
Tôi: “Thấy chưa, ít ra thì con sẽ biết được điều đó nếu Mẹ chịu mua cho con một
CMND giả.”
Mẹ: “Con phải tham gia Hội Tương Trợ.”
Tôi: “Khôngggggg.”
Mẹ: “Hazel này, con xứng đáng được tận hưởng cuộc sống.”
Câu này khiến tôi im bặt, mặc dù tôi cũng không hiểu việc tham gia Hội Tương Trợ
thì liên quan gì đến khái niệm cuộc sống. Nhưng tôi vẫn đồng ý đi, sau khi đàm
phán thành công quyền ghi lại một tập rưỡi chương trình Siêu mẫu Mỹ mà tôi bị lỡ
không xem được.
Thế là tôi đến gặp Hội Tương Trợ để làm vui lòng Ba Mẹ. Cũng cùng lý do như lần
tôi để mặc mấy chị y tá chỉ mới học điều dưỡng lõm bõm chừng mười tám tháng đầu
độc mình với các loại hóa chất có đủ tên gọi phức tạp. Vì trên đời này có một
chuyện còn đau nhức nhối hơn việc bạn bị căn bệnh ung thư hoành hành ở tuổi mười
sáu, đó là có một đứa con bị mắc bệnh ung thư.
Mẹ rẽ vào con đường vòng phía sau nhà thờ lúc 4:56. Lúc ấy tôi đang vờ nghịch
chiếc bình ô-xy của mình để giết thời gian.
“Con có muốn Mẹ đeo nó vào giúp không?”
“Không, con làm được mà!” Tôi nhanh nhảu đáp. Bình xy-lanh màu lục này chỉ nặng
khoảng một ký mấy và có thêm một giá thép nhỏ có chân bánh xe sẽ được cài vào
lưng tôi khi di chuyển. Chiếc bình cung cấp hai lít ô-xy cho tôi mỗi phút bằng
một ống thông trong suốt, nối từ bình đến dưới cổ tôi thì chia thành hai tuyến
chạy dọc sau hai vành tai rồi cuối cùng chập lại trong mũi tôi. Thiết bị quái đản
này rất tiện dụng vì hai lá phổi của tôi chẳng còn làm nên trò trống gì nữa.
Mẹ nói khi tôi bước ra khỏi xe: “Mẹ yêu con.”
“Con cũng yêu Mẹ. Sáu giờ mẹ nhớ đón con nha!”
“Con nhớ kết bạn nhé!” Mẹ nói qua khung cửa kính đang mở vào lúc tôi quay lưng
bước đi.
Tôi không muốn đi thang máy vì đại loại ta chỉ đi thang máy vào Những Ngày Cuối
Cùng tham dự Hội Tương Trợ, thế nên tôi leo thang bộ. Tôi chộp lấy một chiếc
bánh quy và đổ một ít nước chanh vào chiếc tách Dixie rồi nhìn quanh.
Một anh chàng đang nhìn tôi chằm chặp.
Tôi khá chắc chắn là mình chưa bao giờ thấy tên này trước đây. Con trai gì mà tứ
chi lẻo khoẻo, hắn khiến chiếc ghế nhựa dành cho cấp tiểu học đang ngồi đã nhỏ
trông càng nhỏ hơn. Tóc hắn màu gụ đỏ, ngắn và thẳng. Hắn trạc tuổi tôi, có thể
lớn hơn tôi một hai tuổi. Hắn ngồi tì vào ghế, tư thế khá tù túng, với một tay
đút hờ trong túi quần jean sậm màu.
Tôi quay mặt đi, đột nhiên ý thức về vẻ ngoài tuềnh toàng của mình. Tôi đang mặc
một chiếc quần jean cũ rích, hồi xưa cũng ôm khít nhưng giờ đã bị giãn ở những
vị trí kỳ quặc, cùng một chiếc áo thun màu vàng quảng cáo cho một ban nhạc mà
thậm chí tôi đã không còn hâm mộ nữa. Rồi đến tóc tai: Tôi để tóc ngắn cũn cỡn
kiểu con trai, và thậm chí cũng chả buồn, ừm, đại loại như chải tóc cho tươm tất.
Hơn nữa hai má tôi, do tác dụng phụ của quá trình điều trị, cứ núng nính béo phệ
đến buồn cười. Tôi nhìn giống như một người bình thường cân đối với cái đầu
tròn vo như một quả bóng. Đó là chưa kể đến tình trạng hai cổ chân cũng bị sưng
vù. Tuy nhiên tôi khẽ liếc trộm hắn, và mắt hắn vẫn dán chặt vào tôi.
Tôi chợt hiểu tại sao người ta gọi đó là giao tiếp qua ánh mắt.
Tôi bước vào vòng tròn và ngồi xuống bên cạnh anh Isaac, cách hắn hai ghế. Tôi
liếc nhìn lần nữa. Hắn vẫn đang nhìn tôi.
Thôi được, tôi phải thú nhận rằng: Hắn rất bảnh. Nếu một anh chàng chẳng có gì
là bảnh cứ nhìn chằm chằm vào bạn không ngừng thì trường hợp tốt nhất được xem
như một ánh nhìn vụng về, còn trường hợp tệ nhất là một hình thức tấn công.
Nhưng nếu là một anh chàng bảnh bao thì... bạn biết đấy!
Tôi lấy điện thoại ra và bấm bàn phím để xem giờ - 4:59. Vòng tròn dần lấp đầy
với những bạn từ mười hai đến mười tám tuổi kém may mắn như tôi và sau đó anh
Patrick bắt đầu với nghi thức cầu nguyện: Đức Chúa Trời, xin Ngài hãy ban cho
con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, lòng can đảm
để đổi thay những điều con có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để nhận biết sự
khác biệt. Hắn vẫn nhìn tôi chằm chặp. Tôi thấy hơi thẹn thùng.
Cuối cùng, tôi quyết định rằng chiến lược đúng đắn nhất là hãy nhìn lại. Không
phải chỉ con trai mới được quyền Nhìn Chòng Chọc như thế. Vì vây, tôi nhìn hắn
một lượt trong khi anh Patrick huyên thuyên lần thứ một ngàn về câu chuyện bị cắt
tinh hoàn của anh, vân vân. Và thế là cuộc thi nhìn không chớp mắt bắt đầu. Sau
một lúc, hắn mỉm cười và cuối cùng đôi mắt xanh biếc ấy cũng chịu nhìn đi chỗ
khác. Khi hắn quay lại, tôi khẽ nhướng mày như nói “Một – không”.
Hắn nhún vai. Anh Patrick tiếp tục kể lể và cuối cùng cũng đến đoạn cả nhóm tự
giới thiệu. “Isaac, có lẽ hôm nay cậu muốn phát biểu đầu tiên. Anh biết cậu
đang trải qua một giai đoạn đầy thử thách.”
“Vâng.” Anh Isaac đáp. “Tôi tên Isaac, mười bảy tuổi. Rất có thể tôi sẽ phải phẫu
thuật trong một vài tuần nữa và sau đó mù hẳn. Tôi không phàn nàn hay gì gì bởi
vì tôi biết rất nhiều người trong chúng ta còn bị bệnh nặng hơn. Ừ, nhưng đúng
là bị mù thì xui xẻo thật. Cũng may là tôi có bạn gái bên cạnh ủng hộ về mặt
tinh thần. Và những người bạn như Augustus.” Anh gật đầu nhìn về phía hắn, kẻ
bây giờ đã có tên. “Vậy nên,” anh Isaac trầm giọng, mặt cuối gầm nhìn xuống hai
bàn tay đang để áp vào nhau tạo hình chóp lều, “chúng ta không thể làm gì hơn nữa.”
“Chúng tôi ở đây ủng hộ cậu, Isaac.” Anh Patrick nói. “Nào các bạn, hãy để
Isaac nghe thấy điều đó.” Thế là tất cả chúng tôi đồng thanh: “Chúng tôi ở đây ủng
hộ cậu, Isaac.”
Tiếp theo là Michael. Em mới mười hai tuổi và mắc bệnh bạch cầu. Em luôn bảo em
bị bệnh bạch cầu. Em vẫn ổn. (Là em nói thế. Em phải đi thang máy.)
Lida mười sáu tuổi và khá dễ thương, đủ để lọt vào mắt xanh của anh chàng bảnh
trai kia. Bạn ấy bị một ca nhẹ, vì căn bệnh ung thư ruột thừa đã thuyên giảm từ
lâu (mà đến giờ tôi mới biết trên đời này có bệnh ung thư ruột thừa). Suốt mấy
buổi tôi tham gia Hội Tương Trợ, buổi nào bạn ấy cũng bảo mình đang khỏe lên,
tôi có cảm tưởng như bạn ấy đang khoe khoang vậy, cảm giác nhột nhạt cứ như đang
bị hai đầu ô-xy cù vào lỗ mũi.
truyenhoangdung.blogspot.com
CHƯƠNG TRƯỚC
|
No comments
Post a Comment