ANH HÙNG XẠ ĐIÊU - CHƯƠNG 01 - KIM DUNG - TRUYENHOANGDUNG
ANH HÙNG XẠ ĐIÊU
Tác giả: Kim Dung
Thể loại: Kiếm hiệp
CHƯƠNG 01:
Nước sông Tiền Đường mênh mông, ngày đêm vòng qua
thôn Ngưu Gia ở Lâm An không ngừng chảy ra biển lớn. Một dãy vài mươi cây bách
ven sông lá đỏ như lửa, đang lúc tháng tám. Đồng cỏ quanh thôn đang bắt đầu úa
vàng, dưới ánh tà dương càng thêm mấy phần hoang liêu.
Dưới hai gốc tùng lớn có một đám thôn dân, đàn ông
đàn bà và khoảng mười mấy đứa trẻ con đang tập trung lắng nghe một ông già gầy
gò kể chuyện. Người kể chuyện khoảng năm mươi tuổi, mặc một chiếc trường bào
màu xanh cũ đã bạc phếch biến thành màu chàm. Chỉ nghe y khua hai miếng phách gỗ
hoa lê, tay trái cầm dùi đánh vào chiếc trống tiểu yết mấy tiếng "Thùng
thùng", xướng:
Đào con vô chủ tự ra hoa.
Khói cỏ mênh mông bóng ác tà
Mấy chỗ tường hoang quanh giếng cạn
Trước đây vốn vẫn chốn thôn gia
Người kể chuyện cầm
phách gỗ khua lắc cắc mấy tiếng, nói:
"Bài thơ thất ngôn này nói sau cơn binh lửa, những
nơi vốn là nhà cửa đều trở thành hoang vu đổ nát. Mới rồi tiểu nhân đã kể gia
đình Diệp lão hán bốn người bi hoan ly hợp, họp rồi lại tan, tan rồi lại họp. Bốn
người bọn họ bị quân Kim làm chia lìa, cũng may mà lại đoàn tụ được, vô cùng
vui mừng trở lại cố hương thì nhà cửa đã bị quân Kim đốt sạch, không biết làm
sao đành tới Biện Lương tìm cách mưu sinh. Không ngờ trời mây gió khó lường,
người rủi may chớp mắt.
Bốn người bọn họ mới tới thành Biện Lương thì lại gặp
một toán quân Kim kéo tới. Tên dẫn đầu đưa đôi mắt ba góc nhìn qua thấy Diệp
Tam thư xinh đẹp bèn nhảy xuống ngựa ôm chặt lấy nàng hô hô cười rộ rồi nhấc
nàng đặt lên ngựa, nói:
"Tiểu cô nương, theo ta về nhà hầu hạ lão
gia."
Nhưng Diệp Tam thư đời nào chịu nghe, ra sức giẫy giụa.
Tên võ quan Kim binh ấy nói:
"Ngươi không chịu theo ta thì ta sẽ giết hết
cha mẹ anh em ngươi!"
Rồi giơ lang nha bổng lên đập luôn một nhát vào đầu
Diệp Tứ lang, lập tức xương sọ vỡ toang óc bắn tung tóe chết ngay tại chỗ. Đúng
là:Âm cảnh lại thêm hồn chết uổng,
Dương gian chẳng thấy bóng trai lành!Diệp lão hán và
vợ sợ điếng người, nhào lên phía trước ôm xác con cất tiếng khóc lớn. Tên võ
quan kia lại nhấc lang nha bổng lên, mỗi nhát một mạng, tính luôn hai người. Diệp
Tam thư lại không kêu khóc mà nói:
"Trưởng quan đừng nổi giận, ta theo ông về
mà!".
Tên võ quan cả mừng, đưa Diệp Tam thư đi. Không ngờ
Diệp Tam thư nhân lúc y không đề phòng, đột nhiên sấn lên tuốt thanh yêu đao của
y, nhắm đúng tim y một đao phóng tới, nói thì chậm chứ lúc ấy rất nhanh, một
nhát đao ấy đâm ra, nàng nghĩ đã báo thù được cho cha mẹ và em, không ngờ tên
võ quan ấy chinh chiến lâu năm, võ nghệ cao cường, thuận tay đẩy một cái. Diệp
Tam thư lập tức bắn ra. Tên võ quan vừa mắng một câu "Con tiện nhân?"
thì Diệp Tam thư đã nhấc ngọn đao lên cứa ngang cổ mình một nhát. Đáng thương
cho nàng:
Dung nhan nguyệt thẹn hoa nhường
Hồn thơm phút đã cửu tuyền xa chơi.
Y kể một đoạn, xướng một đoạn, chỉ nghe đám thôn dân
ai cũng nghiến răng nghiến lợi phẫn nộ than thở.
Người ấy lại nói:
"Các vị khách quan, thường có
câu rất hay là: Làm người ăn ở phải hiền lành. Ba thước trên đầu có thánh thần. Làm ác nếu không còn báo ứng"
Hung đồ đã hại hết sinh linh!Nhưng quân Kim kia chiếm
thiên hạ Đại Tống của chúng ta, giết người đốt nhà, hãm hiếp cướp bóc, không gì
không làm mà vẫn không thấy chúng bị báo ứng gì cả. Chỉ trách vua quan Đại Tống
chúng ta không chống lại.
Trung Quốc xưa nay vốn nhiều quân lắm tướng nhưng vừa
thấy quân Kim kéo tới đã hoảng hốt bỏ chạy, bỏ mặc bách tính chịu tai họa. Chuyện
cả nhà gặp tai họa như gia đình Diệp Tam thư thì ở Giang Bắc quả thật có hàng
ngàn hàng vạn, xảy ra như cơm bữa. Các vị sống ở Giang Nam, đúng là ở giữa
thiên đường, chỉ sợ một ngày nào đó quân Kim sẽ kéo tới thôi. Đúng là thà làm
chó thời bình còn hơn làm người thời loạn. Tiểu nhân là Trương Thập Ngũ, hôm
nay đi ngang quý địa, câu chuyện vừa kể hầu các vị khán quan mới rồi gọi là
Truyện Diệp Tam thư tiết liệt." Chuyện kể đã xong, xin phép được nghỉ.
Rồi cầm hai miếng phách gỗ hoa lê lắc cắc lắc cắc
khua loạn lên một hồi, đưa ra một cái mâm gỗ.
Đám thôn dân cũng có người móc ra hai đồng ba đồng bỏ
vào mâm, trong giây lát được khoảng sáu bảy mươi đồng. Trương Thập Ngũ cảm tạ,
cất tiền vào tay nải, chuẩn bị lên đường.
Trong đám thôn dân có một đại hán khoảng hai mươi tuổi
bước ra, nói:
- Trương tiên sinh, có lẽ ông từ phương Bắc xuống
thì phải?
Trương Thập Ngũ thấy người ấy thân thể cao lớn, mày
rậm mắt to, bèn nói:
- Đúng thế!
Đại hán kia nói:
- Tiểu đệ xin làm chủ, mời tiên sinh uống vài chén
được không?
Trương Thập Ngũ cả mừng nói:
- Vốn không quen biết, đâu dám quấy quả.
Đại hán kia cười nói:
- Uống vài ba chén là quen thôi. Ta họ Quách, tên
Khiếu Thiên.
Rồi chỉ vào một hán tử mặt mũi trắng trẻo đứng cạnh
nói:
- Vị này là Dương Thiết Tâm. Dương huynh đệ. Mới rồi
hai người bọn ta nghe tiên sinh kể chuyện Diệp Tam thư quả thật rất hay nên có
mấy câu muốn thỉnh vấn.
Trương Thập Ngũ nói:
- Nói thế làm gì?... Nói thế làm gì? Hôm nay được gặp
hai vị Quách Dương đây, cũng là có duyên.
Quách Khiếu Thiên đưa Trương Thập Ngũ tới một quán
rượu nhỏ đầu thôn, cùng ngồi vào bàn.
Chủ quán là một người què, chống hai cái nạng châm
rãi hâm hai vò hoàng tửu, sắp một đĩa đậu hủ, một đĩa đậu phụng rang mặn, một
đĩa đậu hủ chiên, lại cắt thêm ba quả trứng muối mang ra cho bàn khách giữa cứa
rồingẩng đầu nhìn mặt trời đang lặn phía chân trời, cũng không buồn nhìn ba người
lấy một cái.
Quách Khiếu Thiên rót rượu mời Trương Thập Ngũ uống
hai chén rồi nói:
- Đây là chỗ nhà quê, chỉ ngày mùng hai và mười sáu
mới có thịt, không có gì uống rượu, xin tiên sinh đừng trách.
Trương Thập Ngũ cười nói:
- Có rượu là tốt rồi. Nghe khẩu âm của hai vị thì có
lẽ cũng là người phương Bắc?
Dương Thiết Tâm nói:
- Hai anh em bọn ta vốn là người Sơn Đông. Chỉ vì
không chịu nỗi sự hà hiếp của bọn chó Kim nên ba năm trước tìm tới đây, thích
dân vùng này có tình nghĩa nên ngụ lại. Mới rồi nghe tiên sinh nói chúng ta ở Giang
Nam cũng như đang ở thiên đường, chỉ sợ ngày nào đó quân Kim lại tới đây, ông
nói quân Kim có qua sông không?
Trương Thập Ngũ thở dài nói:
- Giang Nam là trời đất phồn hoa, dưới đất đều là
vàng bạc, ngước mắt là thấy gái đẹp, quân Kim ngày nào lại không muốn tới? Có
điều họ tới hay không thì chủ ý không phải do nước Kim mà là do triều đình Đại
Tống ở Lâm An.
Quách Khiếu Thiên và Dương Thiết Tâm đều ngạc nhiên,
đồng thanh hỏi:
- Sao lại lạ thế?
Trương Thập Ngũ nói:
- Bách tính Trung Quốc ta so với người Nữ Chân thì
đông hơn gấp trăm lần. Chỉ cần triều đình chịu dùng trung thần lương tướng,
chúng ta một trăm người đánh một người của chúng thì quân Kim làm sao chống được?
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment