BẾN XE - CHƯƠNG 16 - THƯƠNG THÁI VI - TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC

BẾN XE

Tác giả : Thương Thái Vi
Thể loại: Ngôn tình, ngược

CHƯƠNG 16: 



Liễu Địch không biết bầu không khí học thuật ở Yến Viên lại tự do và nồng đậm như vậy. Ở nơi này, các loại tư tưởng, các loại quan điểm, các loại bè phái, các loại phương pháp đều có đất dụng võ. Bạn có thể tự do phát biểu quan điểm của bạn, tự do lựa chọn phương pháp học tập thích hợp, tự do phát huy tài năng của mình. Thái Nguyên Bồi tiên sinh từng đề xướng và xác lập phong cách "thu gom tất cả" của nhà trường, đến bây giờ vẫn được áp dụng. Sinh viên có thể không lên lớp, nhưng rất hiếm người lười biếng, ai nấy đều nỗ lực, đầu óc không ngừng tư duy. Trong trường hầu như ngày nào cũng dán thông báo về các buổi báo cáo học thuật và tọa đàm. Đến buổi tối, thư viện đèn đóm sáng trưng, cả tòa nhà thư viện như con thuyền lớn lướt qua ngọn sóng trên mặt biển tối đen để tiến về phía trước...

Liễu Địch kinh ngạc, cảm thán và hưng phấn vô cùng. Cuối cùng cô cũng có thể lý giải câu nói của thầy Chương, đây là thánh đường của tinh thần và tri thức nhân loại. Cô như một đứa trẻ lang thang, đột nhiên lạc vào thánh đường kỳ diệu này, khiến cô nhất thời rối mắt và luống cuống. Tuy không thể lập tức lĩnh hội tinh túy của Bắc Đại, nhưng Liễu Địch hoàn toàn say mê. Bắc Đại là nguyện vọng lớn nhất của cô, ngôi nhà của cô.

Liễu Địch sốt sắng lao vào vòng tay của Bắc Đại, ra sức hấp thu tri thức. Cô nhanh chóng tìm thấy cảm giác mà thầy Chương từng nhắc tới: như cá gặp nước.

Trong niềm hưng phấn và say mê tột độ, Liễu Địch không vội đi tìm giáo sư Tô Văn. Nhưng ngày thứ ba sau khi nhập học, giáo sư Tô Văn đã tự tìm đến cô. Thế là Liễu Địch đi theo giáo sư về nhà ông, "Trúc Ngâm Cư" nằm trong khu Kính Xuân Viên của Bắc Đại.

Kính Xuân Viên nằm bên cạnh Lãng Nhuận Viên, hai khu vực này có diện tích mặt nước khá lớn, ở đây xuất hiện nhiều cây cầu bằng đá nối liền nhau, tạo thành vẻ đẹp hoang sơ. Trong Kính Xuân Viên đều là những ngôi nhà thấp, nằm xen lẫn lùm cây xanh, giống như phong cảnh thị trấn nhỏ thơ mộng ở Giang Nam.

Bên trong Kính Xuân Viên còn có ao sen. Nhìn những đóa sen màu hồng nổi bật trên phiến lá xanh, Liễu Địch bất chợt nhớ đến tản văn "Ánh trăng bên hồ sen" của Chu Tự Thanh. Không biết ánh trăng ở ao sen này có đẹp như bài văn đó. Nhà của giáo sư Tô Văn tọa lạc ở một rừng trúc nhỏ đằng sau ao sen.

Vừa đi vào rừng trúc, Liễu Địch liền cảm thấy ánh sáng tối dần. Trên lối đi trải đầy những hòn đá vụn. Dưới tán trúc dày đặc, đến hòn đá cũng được nhuộm một màu xanh trong suốt. Gió thổi qua lá trúc, phát tiếng kêu xào xạc. Nơi tận cùng thấp thoáng mấy ngôi nhà ngói màu xám và tường màu trắng. Bức tường trắng có một cánh cửa gỗ nhỏ, màu đỏ thẫm. Bên trên cánh cửa viết ba chữ ngay ngắn: 

"Trúc Ngâm Cư". 

Hai bên dán câu đối: 

"Nhàn xứ huề thư hoa hạ tọa, hưng lai đắc câu trúc gian ngâm"(Đại ý: Nhàn rỗi cầm sách ngồi dưới hoa, hứng thú đến được câu Trúc gian ngâm), người viết là "Hải Thiên kính đề". 

Liễu Địch bất giác thầm cảm thán:

 " Câu đối hay quá! Chữ đẹp quá! Tên người rất tuyệt!".

Đi vào cổng, Liễu Địch phát hiện bên trong là cái sân tương đối lớn. Trong sân có một đình nhỏ, mái vàng cột đỏ. Trên cây cột cũng treo một câu đối giấy đen chữ vàng: 

"Số can tu trúc thất gian ốc, nhất tịch thanh phong vạn hách vân" 

(Đại ý: Trong khu rừng trúc có bảy gian nhà, trên trời gió mát vạn rãnh mây). 

Liễu Địch lại cảm thán: 

"Rất có khí phách!". 

Cô nhìn kỹ, người viết câu đối vẫn là "Hải Thiên kính đề".

Trong sân nhỏ đúng là có bảy gian nhà mái bằng, phía đông và tây có hai gian nối liền nhau, ba gian phòng chính còn lại là phòng khách, phòng uống trà và thư phòng. Bảy gian nhà được nối với nhau bằng hành lang dài. Trước mỗi cửa phòng đều trồng hai cây hải đường tứ phủ rất lớn.

Một điều khiến Liễu Địch ngạc nhiên là ngoài nhà bếp, sáu gian phòng còn lại đều được đặt những cái tên tao nhã và treo câu đối tương ứng. Phòng chính giữa gọi là "Nhã Tập Đường", phòng uống trà bên cạnh có tên "Trà Tiên Cốc Vũ", thư phòng gọi là "Kim Thạch Ốc". Phòng ngủ của vợ chồng giáo sư Tô Văn là "Thê Thê Lư"...

Liễu Địch vừa xem, vừa đọc, vừa thưởng thức, cô không khỏi thán phục tài năng của chủ nhân ở nơi đây. Cô chú ý, người viết các câu đối đều là "Hải Thiên". Hải Thiên là ai? Liễu Địch thầm nghĩ, người có tên Hải Thiên nhất định là người tài hoa và có học vấn. Nhưng người đó có mối quan hệ như thế nào với giáo sư Tô?

Sau đó, giáo sư Tô đưa Liễu Địch tới gian phòng ở phía Tây. Phòng ngủ ở đó có tên "Sảng Ấp Trai", phòng bên cạnh có tên khiến Liễu Địch giật mình "Hải Thiên Thư Ốc"(Phòng sách của Hải Thiên).

Liễu Địch không nhịn nổi, quay người hỏi giáo sư Tô Văn:

 "Giáo sư, Hải Thiên là ai vậy ạ? Nhất định có quan hệ thân thiết với giáo sư đúng không ạ?"

"Tất nhiên!"

 Bác gái Tô ở bên cạnh nở nụ cười hiền từ:

 "Đó là con trai của hai bác."

"Hả? Hóa ra con trai của giáo sư." 

Liễu Địch bỗng hiểu ra vấn đề. Chả trách Hải Thiên tài hoa xuất chúng như vậy. Chỉ qua những câu đối và chữ viết, Liễu Địch có thể đoán đó là người am hiểm văn học cổ điển, có tâm hồn cao quý, thì ra được di truyền từ giáo sư Tô Văn. Liễu Địch đột nhiên nảy sinh lòng ngưỡng mộ với Hải Thiên, cô rất muốn gặp chàng trai "Hải Thiên" đó.

"Anh ấy đang ở đâu ạ? Có ở Bắc Kinh không ạ?" 

Liễu Địch hỏi thăm dò.

"Không, con trai bác không ở Bắc Kinh, nó làm việc ở tỉnh khác."

 Giáo sư Tô Văn trầm ngâm: 

"Hai gian phòng này vốn là của Hải Thiên. Bây giờ nó không ở đây, hai gian phòng để trống mấy năm rồi."

 Ngữ khí của ông có vẻ buồn bã, ánh mắt ông dừng lại ở tấm biển đề "Hải Thiên Thư Ốc", chắc là ông đang nhớ người con trai ở phương xa.

Sau đó, giáo sư Tô đột nhiên quay sang Liễu Địch, ông cất giọng nhiệt tình và chân thành:

 "Liễu Địch, con hãy dọn đến đây sống đi. Dù sao hai gian phòng này cũng bỏ trống, chi bằng con đến ở với hai bác. Hai bác sẽ chăm sóc con."

Liễu Địch ngẩn người, cô không ngờ giáo sư Tô lại đưa ra đề nghị này. Cô mới chỉ gặp giáo sư Tô hai lần, làm sao có thể nhận sự quan tâm yêu thương của ông?

Liễu Địch vội vàng từ chối: 

"Không cần đâu ạ, không cần làm phiền hai bác đâu ạ..."

"Phiền gì chứ?"

 Bác gái Tô tiếp lời. Bà có khí chất cao quý nhưng rất hiền từ và nhiệt tình. Nụ cười của bà rạng rỡ đến tận khóe mắt:

 "Liễu Địch, bác và con tuy lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bác không coi con là người ngoài. Lần trước, bác Tô của con về đến nhà liền kể ngay với bác, ông ấy vừa nhìn thấy con đã thích con ngay. Âu cũng là duyên phận. Con thử nghĩ xem, cả nước có bao nhiêu người thi vào Bắc Đại, vậy mà mỗi bài thi của con xảy ra vấn đề, người đi điều tra lại chính là bác Tô của con, lúc điều tra còn tình cờ gặp..." 

Bác gái Tô im lặng một hai giây rồi nói tiếp: 

"Trùng hợp như vậy, chúng tỏ con và chúng ta rất có duyên đúng không? Ngôi nhà này lớn như vậy, Hải Thiên không biết bao giờ mới quay về. Mấy năm nay chỉ có hai ông bà già này trông nom bảy gian nhà, lạnh lẽo và cô độc biết bao..." 

Thanh âm của bác gái Tô bỗng trở nên thê lương và nặng nề:

 "Hai bác rất hy vọng có ai đó sống cùng hai bác, để hai bác cảm thấy không khí gia đình thật sự."

"Đúng đấy, Liễu Địch." 

Giáo sư Tô Văn nhìn Liễu Địch bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương. Giọng nói của ông trịnh trọng, chân thành và chua xót: 

"Nếu con không không chê, con hãy coi nơi này là ngôi nhà ở Bắc Kinh của con, con hãy coi hai bác là bố mẹ ở Bắc Kinh của con."

Liễu Địch cảm động nhìn hai ông bà già tóc bạc trắng. Ánh mắt buồn bã và sự nhiệt tình của họ khiến cô không thể tiếp tục từ chối.

Thế là Liễu Địch trở thành "khách quen" của Trúc Ngâm Cư. Nói thật, tuy Liễu Địch rất yêu Bắc Đại, nhưng môi trường vệ sinh vừa bẩn vừa loạn ở ký túc xá khiến Liễu Địch phát sợ. Vì vậy, cô cứ cách hai ba ngày lại chạy đến Trúc Ngâm Cư. Hai ngày nghỉ cuối tuần, cô ở lì cả ngày. Cuối cùng, giáo sư Tô cũng có thể thuyết phục Liễu Địch dọn đến "Sảng Ấp Trai". 

Ông nói: 

"Cả hai gian phòng ở phía Tây đều thuộc về con, con có thể sử dụng đồ đạc và sách vở tùy ý, Hải Thiên sẽ không tức giận đâu. Chỗ nó ở bây giờ cũng có rất nhiều sách."Vì vậy, hai gian phòng ở phía Tây trở thành thế giới của Liễu Địch.

Khi mới dọn vào "Sảng Ấp Trai", Liễu Địch có một cảm giác xa xỉ. Không phải bởi vì gian phòng này xa hoa lộng lẫy. Ngược lại, "Sảng Ấp Trai" rất đơn giản. Tường quét vôi màu trắng, nền xi măng sạch sẽ, cửa sổ lớn khiến căn phòng tràn ngập ánh sáng. Bên ngoài cửa sổ đều là cây trúc. Buổi trưa, ánh nắng chiếu qua lá trúc lấp lánh. Bên cửa sổ là một bàn sách, trên bàn là một ngọn đèn làm bằng thân cây trúc. Một chiếc giường gỗ kê sát vào bờ tường, vỏ chăn màu xanh lục nhàn nhạt được thêu tay bốn con tiên nga, sải cánh dài trên tầng mây. Trên tường treo một bức tranh vẽ cây trúc đen rất sống động. Bức tranh không có tiêu đề, cũng không đề tên người vẽ, nhưng xem ra là tác phẩm của chủ nhân gian phòng này.

Đúng vậy, nơi này rất mộc mạc giản dị, nhưng lại toát ra vẻ cao nhã, khiến con người có cảm giác hòa nhập vào thiên nhiên. Liễu Địch rất thích màu xanh lục mát mắt của gian phòng. Buổi tối nằm trên giường, nghe giai điệu của lá trúc, ngắm nhìn hình bóng của cây trúc và cây hải đường giao nhau trên tấm rèm cửa màu xanh nhạt, Liễu Địch mới hiểu hết hàm nghĩa của hai từ "Sảng Ấp"(mát mẻ). Những lúc như vậy, cô bất giác cảm thán trong lòng: "Người viết ra những câu đối tuyệt tác như Hải Thiên, không biết là bậc kỳ tài như thế nào?"

Sau khi khám phá "Hải Thiên Thư Ốc", sự ngưỡng mộ của Liễu Địch về "kỳ tài" Hải Thiên càng tăng thêm mấy phần.

"Hải Thiên Thư Ốc" là một phòng sách nhỏ. Bên trong ngoài một cái bàn và một cái ghế, bốn bề đều là giá sách. Liễu Địch phát hiện, sở thích đọc sách của Hải Thiên khác thầy Chương. Ở đây đa phần là sách tôn giáo, chính trị, địa lý...Những loại sách này gần như vắng bóng trên giá sách của thầy Chương.

Ngoài ra, nơi này không có một cuốn liên quan đến văn học, văn học cổ điển, văn học hiện đại hay những tác phẩm vô danh mà người nước ngoài thích sưu tầm. Không như giá sách của thầy Chương, đều là tác phẩm kinh điển.

Nhưng cũng khó trách, giáo sư Tô chuyên nghiên cứu văn học cổ điển, "Kim Thạch Ốc" của ông có rất nhiều sách văn học cổ điển nên con trai ông cần gì sưu tập mấy thứ đó. Liễu Địch tùy tiện mở ra xem, cô phát hiện mỗi cuốn sách đều có gạch chân những câu cần nhấn mạnh hay viết lời nhận xét. Liễu Địch thấy nét chữ quen quen, nghĩ kỹ mới nhận ra giống chữ viết trên các câu đối ở Trúc Ngâm Cư, đều là bút tích của Hải Thiên. Liễu Địch không thể tưởng tượng, một người còn trẻ tuổi sao có thể đọc nhiều sách như vậy?


truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.