BẾN XE - CHƯƠNG 13 - THƯƠNG THÁI VI - TRUYỆN NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC

BẾN XE

Tác giả : Thương Thái Vi
Thể loại: Ngôn tình, ngược

CHƯƠNG 13: 


Nhưng sau đó, đối diện với những lời ca tụng không ngừng nghỉ, với các loại hoạt động và phỏng vấn liên tiếp, tâm trạng hưng phấn nhanh chóng biến mất, thay vào đó là nỗi bực dọc. Liễu Địch từ chối buổi báo cáo của nhà trường và các cuộc phỏng vấn không cần thiết. Cuối cùng, để né tránh đám phóng viên dai như đỉa đói, Liễu Địch trốn ở văn phòng thầy Chương cả ngày không ra ngoài. Dù sao từ trước đến nay, văn phòng của thầy Chương cũng là "cấm địa". Không được phép của thầy, ngay cả thị trưởng thành phố cũng không thể vào bên trong. Thầy Chương vẫn bình thản như thường lệ, nghe tin thành tích môn ngữ văn của lớp do thầy dạy đứng đầu toàn tỉnh, thầy đều không ngẩng đầu. Chỉ khi nghe tin Liễu Địch đạt thành tích tốt, gương mặt thầy mới để lộ ý cười vui mừng.

Tiếp theo là đợi thông báo trúng tuyển.

Những trường đại học trọng điểm gửi thông báo trúng tuyển, không có tên Liễu Địch.

Các trường đại học hạng hai gửi thông báo trúng tuyển, vẫn không có tên Liễu Địch.

Bố mẹ Liễu Địch hoảng hốt. Bọn họ bắt đầu nhờ người hỏi thăm tình hình khắp nơi, nhưng không có kết quả. Bố Liễu Địch thậm chí gọi điện tới tận đại học Bắc Kinh, nhưng câu trả lời của đối phương vừa khách sáo vừa mơ hồ, khiến bố Liễu Địch chẳng biết đường nào mà lần.

Liễu Địch cũng sốt ruột lo lắng. Nghe nói, thành tích của cô vượt xa điểm chuẩn, tại sao không được tuyển? Là bị bỏ sót hay nhầm lẫn ở đâu? Hay là thông báo trúng tuyển gửi chậm trễ? Các loại suy đoán và nghi hoặc khiến Liễu Địch rối bời, nhưng cô vẫn không tìm ra đầu mối.

Nên biết, một trường đại học lớn như Bắc Đại, điểm số không phải là điều kiện tuyển chọn duy nhất. Có mấy chục lý do bị loại, ai mà biết cô rơi vào trường hợp nào?

Sau khi biết tin, đám phóng viên lập tức thay đổi thái độ. Một số hoạt động Liễu Địch nhận lời trước đó, bỗng dưng bị hủy bỏ bởi các lý do "hợp tình hợp lý". Liễu Địch từ đứa con cưng của thượng đế, trở thành con chim sẻ bị quên lãng trong mùa đông. Việc từ thiên đường rơi xuống địa ngục trong giây lát khiến Liễu Địch không chịu đựng nổi.

Đúng lúc này, tin đồn không biết bắt nguồn từ đâu âm thầm lan truyền với tốc độ chóng mặt, nào là "điểm số công bố sai", "lúc khớp điểm xảy ra vấn đề"...Có người nói Liễu Địch gian lận trong thi cử, bị người khác tố cáo nên bị hủy tư cách tuyển chọn. Các loại tin đồn tồi tệ khiến một cô gái chững chạc như Liễu Địch cũng không thể kiềm chế, cô cảm thấy bản thân sắp phát điên.

Ở trường, Liễu Địch phải đối diện với vô số ánh mắt nghi ngờ dò hỏi. Ở nhà, cô phải đối diện với gương mặt u ám của bố mẹ. Mặc dù thế giới rộng lớn như vậy nhưng cô không có chốn dung thân. Chỉ trong văn phòng nhỏ của thầy Chương, Liễu Địch mới được yên tĩnh.

Đúng vậy, kể từ lúc công bố điểm thi, Liễu Địch chiều nào cũng đến văn phòng của thầy Chương chờ thông báo nhập học. Thầy Chương ngày ngày đến trường cùng cô chờ đợi. Hai thầy trò thường lặng lẽ ngồi trong văn phòng cả buổi chiều. Đến giờ tan tầm, Liễu Địch lại tiễn thầy Chương ra trạm xe buýt.

Liễu Địch từng khuyên thầy Chương đừng đội nắng nóng đến trường cùng cô, nhưng thầy chỉ cố chấp lắc đầu. Trên thực tế, Liễu Địch rất mong thầy Chương ở bên cạnh cô. Không hiểu tại sao, gương mặt điềm tĩnh và lạnh nhạt của thầy Chương, mang đến cho cô một sức mạnh và niềm an ủi khó hình dung, nó có tác dụng hơn bất cứ lời nói nào. Ngắm nhìn bộ dạng thản nhiên và trầm tĩnh của thầy, tâm trạng lo lắng bất an của Liễu Địch lắng xuống như có phép lạ.

Cô lại nhớ đến câu nói của thầy Chương: 

"Tôi dám dùng sinh mạng bảo đảm, em nhất định sẽ thi đỗ vào Bắc Đại." 

Câu nói kiên định đó đã trở thành trụ cột tinh thần duy nhất của Liễu Địch trong những ngày tháng hỗn loạn này. Tuy nhiên, trụ cột cũng có lúc dao động. Mấy lần, Liễu Địch không kìm nén nổi tâm trạng sốt ruột. Cô đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Những lúc như vậy, thầy Chương sẽ pha cho cô một cốc trà, sau đó thầy dò dẫm ngắt một bông hoa nhài nhỏ trên cửa sổ, lặng lẽ bỏ vào cốc trà. Thầy Chương ăn mặc tiết kiệm, nhưng việc thưởng thức trà tương đối cầu kỳ. Nhìn cánh hoa nhỏ màu trắng dập dềnh trong cốc nước, ngửi mùi hương hoa dìu dịu khắp căn phòng, Liễu Địch liền cảm thấy một sự yên bình không nói thành lời. Tâm trạng sốt ruột thấp thỏm cũng lặng lẽ biến mất.

Nếu không có thầy Chương, Liễu Địch thật sự không biết vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào. Nhưng tháng tám đã trôi qua hai phần ba thời gian, đến bạn học có điểm thi thấp nhất của lớp cũng nhận được giấy gọi nhập học của một trường hạng hai, vậy mà thông báo trúng tuyển của Liễu Địch vẫn bặt vô âm tín.

Trong một buổi chiều chờ đợi như vậy, lúc Liễu Địch chán nản đến mức gần tuyệt vọng, cửa văn phòng thầy Chương đột nhiên có tiếng gõ cộc cộc.

Nghe tiếng gõ cửa, thầy Chương và Liễu Địch đều giật mình kinh ngạc. Cả hai thầy trò đều ý thức được điều gì trong giây lát. Nhất định là ông Lý. Thầy Chương từng dặn dò, một khi nhận được thông báo trúng tuyển từ Bắc Đại, ông Lý sẽ mang ngay đến văn phòng của thầy Chương cho Liễu Địch.

Liễu Địch cảm thấy tim cô sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, máu trong người dồn hết lên não bộ. Cô vội vàng đứng dậy, quay người đi mở cửa.

Cánh cửa mở ra, Liễu Địch ngẩn người. Bên ngoài là một ông già tóc bạc không quen biết.

"Cháu là Liễu Địch phải không?"

 Ông già mỉm cười đi vào văn phòng. Liễu Địch mở to mắt quan sát, ông già có mái tóc bạc trắng, đeo kính trắng gọng vàng, bộ dạng vừa thân thiện, nhân từ và phong độ. Toàn thân ông toát ra vẻ cao quý, nho nhã, tựa hồ một học giả bước ra từ phòng đọc sách.

Phát hiện Liễu Địch đang nhìn mình bằng ánh mắt dò xét, ông già cất giọng ôn hòa, giới thiệu bản thân:

 "Tôi họ Tô, là thầy giáo khoa Trung văn đại học Bắc Kinh."

Đến từ Bắc Đại? Trong lòng Liễu Địch hồi hộp vô cùng. Thầy Chương dường như cũng kinh ngạc, thầy ngồi thẳng người, chiếc ghế dưới thân thầy phát tiếng cót két khe khẽ.

"Tôi vì việc tuyển chọn của cháu nên mới đến đây."

 Thầy Tô đi thẳng vào vấn đề: 

"Chuyện là thế này. Sau khi công bố điểm thi, chúng tôi có xem lại bài thi môn ngữ văn của cháu. Bởi vì trong mấy năm gần đây, chúng tôi chưa từng gặp điểm số cao như vậy. Có thể nói, bài thi ngữ văn của cháu tương đối hoàn hảo, đặc biệt là bài làm văn. Ba thầy chấm thi đều cho cháu điểm tối đa. Tuy nhiên, trong lúc cho điểm, họ đồng thời viết thêm nhận xét của mình..." 

Thầy Tô rút trong túi ra một bài thi:

 "Cháu có thể đọc những lời nhận xét này."

Liễu Địch vội vàng nhận bài thi. Ba thầy chấm thi đúng là đều có lời nhận xét. Một thầy viết: 

"Bài văn ly kỳ đến mức khiến tôi không thể không cho điểm cao". 

Một thầy viết: 

"Tôi chưa bao giờ gặp một câu chuyện xa rời thực tế nhưng chân thực như vậy". 

Người thứ ba thẳng thắn nhận xét:

 "Tôi không tin câu chuyện này tồn tại trong cuộc sống".

"Ba lời nhận xét rất rõ ràng." 

Thầy Tô nhận lại bài thi bỏ vào túi: 

"Cả ba thầy chấm thi đều nghi ngờ tính chân thực trong bài văn của cháu, nhưng họ đều cảm động. Nói một cách khác, họ bị thuyết phục bởi tình cảm của người viết văn, vì vậy họ không hẹn cùng cho điểm số cao nhất. Khi chúng tôi đọc bài văn của cháu, nói thật, chúng tôi cũng không tin câu chuyện kể trong bài văn. Đặc biệt, thầy ngữ văn của các cháu lại là người khiếm thị."

Ngừng một hai giây, thầy Tô nói tiếp: 

"Nhưng chúng tôi cũng như ba thầy chấm điểm thi, bị thứ tình cảm đẹp đẽ, chân thành, sâu sắc và thuần khiết trong bài văn chinh phục. Tiếp theo là vấn đề tuyển chọn cháu, khoa xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược. Có ý kiến cho rằng, nếu bài văn này là hư cấu, thì không phù hợp với yêu cầu của đề thi, bài văn không thể cho điểm số cao như vậy, tác giả của bài văn không có tư cách vào Bắc Đại. Ý kiến khác cho rằng, tình cảm thể hiện trong bài văn là rất chân thực và cảm động, tác giả của bài văn là kỳ tài. Bỏ qua một nhân tài, là điều đáng tiếc của Bắc Đại. Hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt. Cuối cùng, nhà trường quyết định cử tôi đến tận trường của cháu để điều tra, xem câu chuyện kể trong bài văn có chân thực hay không? Nếu là sự thật, tôi sẽ trao thông báo trúng tuyển cho cháu ngay tại chỗ."

Liễu Địch hoàn toàn sửng sốt. Cô nằm mơ cũng không ngờ, bài văn của cô lại gây ra sự ngờ vực và tranh luận ở Bắc Đại, hơn nữa còn làm cô suýt nữa bị đánh trượt.

Liễu Địch đưa mắt về phía thầy Chương vẫn im lặng từ đầu đến giờ. Vẻ mặt thầy rất kỳ lạ, tựa hồ đang suy ngẫm nghiên cứu điều gì đó, lại như chìm trong hồi ức, thần sắc vừa tập trung vừa xúc động. Nghe những lời nói kinh tâm động hồn của thầy Tô, thầy Chương vẫn không lên tiếng nói hộ Liễu Địch. Liễu Địch hơi thất vọng, cô đành tự mình giải thích: 

"Thầy Tô, bài văn của cháu..."

"Cháu không cần giải thích." 

Thầy Tô mỉm cười cắt ngang lời Liễu Địch, nụ cười của thầy ôn hòa thân thiện, như ngọn gió xuân tháng ba: 

"Vừa rồi tôi đã đến phòng hiệu trưởng, tôi đã nắm được tình hình cần tìm hiểu. Câu chuyện kể trong bài văn không ngờ lại là sự thật. Xin thứ lỗi tôi dùng từ "không ngờ", bởi vì tôi thật sự không nghĩ ra từ khác thể hiện sự kinh ngạc của tôi. Cho đến bây giờ tôi mới hiểu, trong cuộc sống đúng là xảy ra những chuyện chúng ta không thể tin nổi. Những câu chuyện khó tin đó, ở một thời điểm đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, xảy ra trên những con người đặc biệt sẽ là hợp tình hợp lý. Ví dụ như thầy giáo khiếm thị mà bài văn của cháu đề cập." 

Ánh mắt ông chuyển sang thầy Chương: 

"Nếu tôi không nhầm, vị này chính là thầy Chương trong bài văn."

Đúng vậy, thời gian không còn nhiều. Từ lúc kết thúc kỳ thi đại học đến khi nhận được thông báo trúng tuyển của Bắc Đại, Liễu Địch trải qua hơn bốn mươi ngày chờ đợi căng thẳng. Trong khi đó, khoảng thời gian từ lúc nhận được giấy gọi cho đến ngày nộp hồ sơ chỉ có chín ngày.

Trong chín ngày này, phần lớn thời gian Liễu Địch dùng để chuẩn bị hành lý. Cô có tính tự lập từ nhỏ, bình thường không cần bố mẹ lo lắng và bận tâm. Nhưng đây là lần đầu tiên con gái đi xa, người làm bố làm mẹ không thể yên lòng. Mẹ Liễu Địch giúp cô sắp xếp quần áo, còn cô sắp xếp sách vở và đồ dùng học tập vào một chiếc va ly. Liễu Địch hết mở va ly rồi lại đóng vào, đóng vào lại mở ra, chỉ sợ bỏ sót thứ gì đó. Cô hận đến mức không thể dọn cả căn phòng nhỏ của cô đi Bắc Đại.

Bố Liễu Địch không có việc gì để làm nên ngày ngày căn dặn, dạy bảo Liễu Địch nhiều điều. Ông cứ nói mãi nói mãi, đạo lý của ông có thể thu thập thành một cuốn luận văn. Có lẽ đây là đặc điểm của các học giả.

Còn bạn bè thân hữu gần xa, không biết chui từ đâu ra, suốt ngày xuất hiện ở nhà Liễu Địch chúc mừng này nọ. Tuy Liễu Địch không thích nhưng vẫn tiếp đón theo phép lịch sự. Tóm lại, Liễu Địch trải qua chín ngày cuối cùng trong trạng thái khẩn trương, bận rộn nhưng cũng rất thỏa mãn.

Mặc dù bận đến mức nào, Liễu Địch cũng không quên thầy Chương. Bên tai cô thường vang lên câu nói khẩn thiết của giáo sư Tô 

"Hãy ở bên cạnh thầy Chương nhiều hơn". 

Do đó, mỗi buổi chiều, Liễu Địch đều giành thời gian đến trường tìm thầy Chương. Nhưng kể từ lúc Liễu Địch nhận được thông báo trúng tuyển, thầy Chương không còn xuất hiện ở trường. Một tuần liền, Liễu Địch không có cơ hội gặp thầy.

Trước hôm lên đường, Liễu Địch mạnh dạn tới nhà thầy Chương.

Vừa vào đến sân nhỏ, Liễu Địch phát hiện, cửa nhà thầy Chương mở toang, cửa sổ cũng không treo tấm rèm. Đi đến cửa ra vào, Liễu Địch có thể thấy toàn bộ tình hình ở trong nhà. Thầy Chương đang giặt quần áo, tuy mắt không nhìn thấy nhưng thầy giặt đồ hết sức kỹ càng, chăm chú và thành thạo.

Liễu Địch kinh ngạc phát hiện, hôm nay thầy Chương không mặc áo trắng quần đen như thường lệ, mà thầy mặc áo sơ mi màu mận và quần jeans màu xanh đậm. Khi thầy Chương đứng dậy giũ quần áo, Liễu Địch mới chú ý, thân hình thầy cao lớn, đôi chân thầy vừa dài vừa thẳng tắp trong chiếc quần jeans. Thầy có mái tóc ngắn đen nhánh, đường nét gương mặt cương nghị, đôi mắt đã thay cặp kính màu nâu trà. Không quan sát kỹ, khó phát hiện thầy là người mù.

Thầy Chương bây giờ không còn vẻ âm trầm, nghiêm túc và lạnh lẽo như trước. Trông thầy trẻ trung, khỏe mạnh và rất...nam tính. Liễu Địch không nhịn được hét lên:

 "Thầy Chương, em không ngờ thầy đẹp trai như vậy."

Thầy Chương ngẩn người:

 "Liễu Địch đấy à?" 

Thầy giũ quần áo rồi lấy mấy cái kẹp:

 "Đẹp trai? Cám ơn em. Đã năm năm, tôi chưa từng nghe lời tán dương tương tự."

 Thầy nhún vai tự giễu rồi cầm quần áo ra ngoài sân phơi.

Năm năm chưa từng nghe qua? Vậy năm năm trước, chắc thầy thường xuyên nhận được lời tán dương từ người khác. Liễu Địch trầm tư đi vào nhà. Cô mang theo hai tấm lưới cửa sổ màu xanh lá cây, treo chúng lên hai cửa sổ nam và bắc. Có tấm lưới này, gian nhà được thông thoáng, ánh nắng rọi vào, mà người ở bên ngoài lại không nhìn thấy cảnh tượng ở trong nhà, một mũi tên trúng ba đích.

Liễu Địch lờ mờ cảm thấy, thầy Chương cũng thích màu xanh lá cây nhạt giống cô. Rất nhiều đồ ở trong nhà thầy có màu này, ví dụ ga trải giường, tấm vải phủ hòm gỗ, đèn bàn, đồng hồ báo thức, cốc chén uống trà. Cô không rõ tại sao thầy lại thích màu xanh lục, có lẽ thầy cũng giống cô, cho rằng màu xanh lá cây là tượng trưng của sự sống.

Thầy Chương đi vào nhà. Thầy đã đổ hết nước bẩn, rửa tay sạch sẽ. 

"Liễu Địch, bao giờ em lên đường?" 

Thầy trầm tư hỏi.

"Ngày mai ạ. Chuyến tàu lúc bảy giờ rưỡi tối."

Thầy Chương hít một hơi sâu: 

"Nhanh thật đấy."

Liễu Địch không tiếp lời. Cô tìm đến cây đàn ghita cũ của thầy Chương. Nó được thầy Chương đặt ở góc bờ tường phía Bắc. Sau đó, Liễu Địch lấy ra sáu sợi dây đàn cô mới mua. Thế nhưng, Liễu Địch chưa bao giờ thay dây đàn, cô không biết tháo cũng không biết lắp dây đàn, càng không biết dùng dụng cụ nào. Sợi dây đàn gỉ sét phát tiếng kêu tưng tưng khi Liễu Địch chạm vào. Một lúc sau, Liễu Địch mồ hôi nhễ nhại, nhưng cô vẫn không thay nổi một sợi dây đàn.
truyenhoangdung.blogspot.com




No comments

Powered by Blogger.