TRẠI HOA VÀNG - CHƯƠNG 22 - NGUYỄN NHẬT ÁNH - TRUYỆN THIẾU NHI
TRẠI HOA VÀNG
Tác giả : Nguyễn Nhật Ánh
Thể loại: Truyện Thiếu Nhi, truyện teen
CHƯƠNG 22:
- Việc quái gì phải sợ! Nó giỏi hơn
cả khối đứa nhưng đâu có giỏi hơn mày! - Phú ghẻ trấn an tôi.
Tôi tặc lưỡi:
- Chính vì nó không giỏi hơn tao
nên tao mới sợ!
Phú ghẻ lắc đầu:
- Tao không hiểu! Mày nói gì nghe
bí hiểm quá!
Tôi cười gượng gạo:
- Hai đứa dốt học chung với nhau,
nó hỏi tao, tao trơ mắt ếch, tao hỏi nó, nó giương.... mắt nai, vậy học chung để
làm cái khỉ mốc gì!
Phú ghẻ dòm tôi lom khom:
- Chứ chẳng lẽ mày muốn nó giỏi hơn
mày?
- Không!
Tôi toét miệng cười
-
Tao muốn tao giỏi hơn nó!
- Dễ thôi! Chỉ sợ mày không có quyết
tâm!
Phú ghẻ vừa nói, vừa nhìn tôi bằng
ánh mắt thăm dò.
Tôi nhìn lại nó:
- Làm sao mới gọi là "có quyết
tâm?"
Phú ghẻ liếm môi:
- Mày không được copy bài làm của
tao nữa! Phải tự mình học hành đàng hoàng!
Tôi "xì" một tiếng:
- Tưởng gì! Tao thèm vào cóp-pi bài
làm của mày!
- Mày lại dốc tổ!
Phú ghẻ nheo
nheo mắt.
- Để rồi xem!
Tôi thu nắm tay lại
- Bắt đầu từ ngày mai, tao sẽ cho mày biết tao là một con người như thế nào!
Sau khi tuyên bố một câu chắc nịt
như đinh đóng cột, tôi hầm hầm bỏ về.
Tôi rơi vào kế khích tướng của Phú
ghẻ mà không biết.
Kể từ hôm đó, tôi như trở thành một
con người khác. Hễ đi học về tới nhà, ăn qua loa vài chén cơm xong là tôi ôm tập
ra sau vườn ngồi học. Ngày nào cũng vậy.
Học đến tối mờ tối mịt, đến khi
không còn đọc thấy chữ nữa, tôi mới vứt tập trên bãi cỏ và đứng dậy xách thùng
đi múc nước tưới hoa.
Tưới hoa xong tôi lại vào phòng
chong đèn ngồi... học tiếp.
Thấy tôi đột ngột đổi tính, nhỏ
Châu lạ lắm. Nó tò mò quan sát tôi như thể quan sát một quái vật đến từ... kỷ
Jura.
Nó tò tò đi theo tôi riết đến nỗi
tôi phát bực, gắt:
- Mày làm cái trò gì mà cứ lẽo đẽo
bám theo tao hoài vậy?
Nhỏ Châu gãi tai:
- Em coi thử!
- Coi cái gì?
Tôi hầm hè
- Tao có
phải là khỉ sở thú đâu mà mày theo coi!
Nhỏ Châu chớp mắt:
- Em coi thử tại sao anh siêng học
bất tử như vậy?
Tôi ngẩng mặt nhìn trời:
- Tao học siêng từ hồi nào đến giờ
chứ bộ!
Nhỏ Châu "xì" một tiếng:
- Siêng học mà đòi xuống nhà ngoại
đi chăn bò!
Nhỏ Châu nhắc chuyện cũ khiến tôi đỏ
mặt. Tôi ậm ừ:
- Hồi đó khác, bây giờ khác! Bây giờ
tao lớn rồi, tao phải... có ý thức chứ!
Thấy tôi ăn nói có vẻ chững chạc,
trịnh trọng, nhỏ Châu không dám cà khịa nữa. Nó đứng nhìn sững tôi một hồi, rồi
quay lưng chạy vụt vô bếp. Chắc nó đi kể với mẹ tôi về việc một đứa lười chảy
thây như tôi đột nhiên lại đâm ra "có ý thức" một cách không thể nào
tin nỗi.
Có lẽ nhỏ Châu tỉ tê với mẹ tôi thật.
Nên trong bữa cơm tối hôm đó, tôi thấy mẹ tôi nhìn tôi bằng ánh mắt âu yếm gấp
bội ngày thường.
Và qua ngày hôm sau, trong mâm cơm
thình lình xuất hiện đĩa thịt bò xào thơm phức và chễm chệ một tô canh bí đỏ nấu
với đậu phộng. Người ta đồn, bí đỏ ăn bổ óc. Mẹ tôi cho tôi ăn món này chắc muốn
đầu óc tôi thông minh sáng láng như con người ta. Mẹ tôi sợ tôi biếng nhác lâu
ngày, đầu óc sinh ra mụ mẫm, học trước quên sau, học sau quên trước. Còn dĩa thịt
bò chắc là để tăng thêm chất dinh dưỡng cho một người "suốt ngày chỉ biết
lo học" như tôi.
Lâu nay nhà tôi chỉ toàn ăn cá và
các loại rau củ, nay vớ được đĩa thịt xào, tôi ăn ngấu nghiến, hệt như một kẻ sắp
chết đói, chết khát tới nơi.
Mẹ tôi ngồi bên, không những chẳng
la rầy, chốc chốc lại còn lên tiếng "cổ vũ":
- Ăn đi con! Ăn nữa đi con!
Nhỏ Châu thường ngày hay dành ăn với
tôi, bữa nay hình như nhận hiệu lệnh từ trước, suốt từ đầu đến cuối bữa ăn, nó
tuyệt nhiên không rớ đũa đến đĩa thịt thơm nứt mũi kia lấy một lần, làm như đó
không phải là đĩa thịt bò mà là... một quả bom nguyên tử vậy.
Sự siêng năng đột ngột của tôi lay
động đến cả trái tim sắt đá của ba tôi. Trong bữa ăn, ông không nói gì nhưng đến
tối, lúc tôi đang ngồi học trong phòng, ông lặng lẽ bước vào và tiến sát đến
sau lưng tôi.
Tôi biết ông vào nhưng tôi không ngẩng
đầu lên, cứ chúi mũi vào cuốn tập trước mặt. Mặc dù không làm gì sai trái, hễ
có ông đứng bên, tim tôi lại đập thình thịch. Bao giờ cũng vậy. Điều đó gần như
là một phản ứng tự nhiên, có nguồn gốc từ xa xưa lắm, có lẽ từ ngày tôi lãnh cú
"thiết cước" của ông lần đầu tiên vào mảnh be sườn non nớt.
Tôi hồi hộp ngồi phía trước, ba tôi
câm nín đứng phía sau, hệch như cảnh mèo rình chuột. Mãi một lúc lâu, khi biết
chắc cuốn sách trên tay tôi là cuốn giáo khoa chứ không phải cuốn "tự học
ghi ta" hay một cuốn truyện võ hiệp vớ vẫn nào, ba tôi mới nhẹ bước quay
ra sau khi buông thõng một câu:
- Kêu con Châu làm nước chanh cho
mà uống!
Tính cách của ba tôi hoàn toàn xa lạ
với những biểu hiện mềm yếu. Lần này cũng vậy, giọng nói của ông chẳng có lấy một
chút dịu dàng. Nhưng dù sao, so với vẻ lạnh lẽo thường ngày thì sự quan tâm của
ông đối với tôi như vậy đã là nồng nhiệt lắm. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng biết
đâu ông vừa bước ra khỏi phòng vừa rưng rưng nước mắt, vì không kềm giữ được nỗi
xúc động khi bắt gặp cái cảnh thằng con mình chong đèn ngồi học, cái hình ảnh
mà từ khi sinh ra tôi đến giờ ông chỉ nhìn thấy trong mơ...
Ba tôi, và cả mẹ tôi lẫn em gái tôi
nữa, đâu có biết rằng sở dĩ tôi siêng học bất tử như vậy là vì tôi sợ "quê
mặt" khi học chung với Cẩm Phô chứ chẳng phải tôi "có ý thức ý thiếc"
gì ráo. Nếu học cho tôi hoặc cho gia đình tôi thì ... còn lâu!
Hè vừa rồi học để thi chuyển cấp,
tôi học còn chẳng ra hồn, suýt chút nữa phải "chuyển ngành" về quê
chăn bò cho ngoại, huống chi bây giờ đang giữa năm học, tôi ngu gì gò lưng tôm
học lấy học để cho khổ thân! Nhưng dù vậy, thấy mọi người vì cái sự siêng học đột
xuất của tôi mà đâm ra quấn quít cả lên và thay nhau chăm sóc tôi từng li từng
tí, tôi mơ hồ nhận thấy cái sự siêng năng ở đời xem ra cũng lắm hay ho!
Chỉ có Phú ghẻ là biết rõ "động
cơ đen tối "của tôi. Nhưng nó là thằng kín miệng. Trước sau không hề
"tố giác" bí mật của tôi với bất cứ ai.
Cứ chiều chiều vào khoảng bốn rưỡi,
năm giờ, nó đạp xe đến nhà tôi kèm tôi học. Nó muốn tôi đừng copy nó thì nó phải
có nghĩa vụ làm sao cho tôi nếu không giỏi hơn thì ít ra cũng giỏi bằng nó. Đó
là lẽ đương nhiên.
Phú ghẻ học giỏi, tận tình với bạn
nhưng có cái tật là hay đổ quạu.
Bữa đầu tiên chỉ tôi học, thấy tôi
lơ đãng, nó độp liền:
- Cặp mắt mày để ở đâu vậy?
- Thì vẫn để trên mũi chứ đâu!
- Học ra học, giỡn ra giỡn!
Phú
ghẻ sừng sộ
- Mày mà còn giở cái giọng đó ra lần nữa là tao bỏ về ráng chịu à!
Thấy Phú ghẻ mới làm thầy chưa được
năm phút mà đã bày đặt quát tháo, tôi định ngoác mồm nói "Bỏ về cái đầu
mày!" nhưng sực nhớ lần này tôi học không phải vì tôi mà vì... Cẩm Phô nên
đành đấu dịu:
- Để từ từ tao học! Mày làm gì dữ vậy!
Nhưng hai "thầy trò" chỉ
ngồi với nhau thân ái được chừng mười lăm phút, Phú ghẻ bỗng khám phá ra tôi đần
độn hơn nó tưởng, liền ngả người vào thành ghế, kêu lên bằng một giọng thảm thiết:
- Trời ơi!
- Ơi - Tôi phì cười đáp.
Phú ghẻ đứng phắt dậy, mặt hầm hầm:
- Mày ở đó mà "ơi"! Tao về!
Nói xong, nó đùng đùng bước ra cửa.
Tôi phải chạy theo níu tay nó, miệng
rối rít:
- Thôi, thôi, tao không giỡn nữa!
Phú ghẻ giật tay ra:
- Kệ mày! Tao về!
Tôi lại chộp lấy tay nó:
- Thôi mà! giận hoài!
Thấy tôi nhất định không cho nó về,
Phú ghẻ quay mặt lại:
- Mày thề đi!
- Thề sao?
- Thề sẽ ngồi học đàng hoàng!
Tôi giơ tay lên trời:
- Thề sẽ ngồi học đàng hoàng!
Phú ghẻ nhìn tôi lom khom:
- Đứa nào nói láo thì sao?
Tôi nuốt nước bọt:
- Thì xe cán chết... đứa kia!
"Vù" một cái, Phú ghẻ ra
tới ngoài sân. Lần này không chộp tay nó được, tôi bèn phóng người ôm lấy hai
chân nó. Và nằm lăn dưới đất, tôi ngoác mồm kêu inh ỏi:
- Xe sẽ cán chết đứa nào nói láo
còn đứa kia vô can!
Phú ghẻ lắc đầu vẻ ngán ngẩm. Nó
không nói, cũng không cười, chỉ thất thểu quay vào bàn học. Nó có vẻ khoái làm
bạn tôi hơn là làm thầy tôi.
Nhưng tôi chỉ trêu tức Phú ghẻ mấy
bữa đầu. Những ngày kế tiếp, sự chăm chỉ của tôi khiến Phú ghẻ ngạc nhiên tột độ.
Cũng như nhỏ Châu, nó không tin vào mắt mình. Nó không tin tôi là thằng Chuẩn
nó quen biết từ hồi học lớp sáu. Thằng Chuẩn đó lười kinh người chứ đâu có như
thằng Chuẩn đang ngồi nghểu cổ trước mặt nó và đang há hốc mồm uống từng lời nó
giảng.
Phú ghẻ chơi đòn khích tướng, lừa
cho tôi học. Nhưng đến khi tôi chịu học, mặt nó thuỗn ra vì kinh ngạc. Và cả
sung sướng nữa. Nó hân hoan tuyên bố:
- Nếu cứ như thế này, mày sẽ đứng
nhất lớp!
Tôi vung tay:
- Nhất trường nữa!
- Ngồi lại đàng hoàng đi!
Nhưng chỉ một lát sau, Phú ghẻ quên
ngay trò phá bỉnh của tôi. Nó lại gật gù biểu dương tôi:
- Mày quả sáng dạ hơn tao tưởng!
Nhưng dù "sáng dạ" đến
đâu, tôi cũng không thể đuổi kịp chương trình ở lớp. Bỏ bê bài vở quá lâu nên
dù được Phú ghẻ kè tận lực, tôi cùng chỉ nhúc nhích từng bước một, không thể nhảy
vọt một cái thành nhất trường ngay được.
Cũng vì vậy tôi chưa thể hiên ngang
ôm tập đến nhà chị Cẩm Phiêu để học chung với "chị hai nhỏ Châu", dù
trái tim tôi ngày nào cũng nhắc chằm chặp.
Tôi nấn ná đợi cho trình độ học vấn
của mình nâng cao thêm vài cen-ti-met nữa.
Trong những ngày này, Cẩm Phô chắc
nhớ tôi lắm. Nên một hôm đang ngồi chơi ở nhà Phú ghẻ, tôi thấy thằng Luyện chạy
qua.
- Chị Cẩm Phô hỏi anh sao không đi
học?
Luyện nói, mắt nhìn tôi vẻ dò xét.
Tôi ngơ ngác:
- Hồi sáng tao có đi học mà!
Luyện bằng tuổi tôi, nhưng tôi coi
nó như "em" nên xưng hô "mày tao" thoải mái.
- Đi học thêm kìa!
Luyện nheo
nheo mắt, chắc nó tưởng tôi giả bộ.
Nhưng tôi quên thật. Phải ngớ người
ra một hồi, tôi mới hiểu Luyện muốn nói gì.
- À!
Tôi khịt mũi
- Mày về nói với
Cẩm Phô là vài bữa nữa tao mới đi được! Hổm rày tao bận... đi kiếm mấy cây hồng
dại về ghép nhánh!
Tôi vừa nói vừa dòm chừng Phú ghẻ,
sợ nó ngứa miệng nói bậy. Nhưng Phú ghẻ chỉ ngồi cười cười. Sao tự dưng nó bỗng
dễ thương ghê vậy không biết?
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment