LAU LÁCH VEN SÔNG - CHƯƠNG 09 - ĐINH NGỌC HÙNG - TRUYỆN THIẾU NHI
LAU LÁCH VEN SÔNG
Tác giả: Đinh Ngọc Hùng
Thể loại: Truyện ngắn, truyện teen
CHƯƠNG 09: MIẾU THỔ THẦN MỘT PHEN HÚ VÍA
Chập tối, lũ trẻ trong làng đã có mặt
đông đủ ngoài miếu thổ thần. Là con gái nhưng Keng cũng ra nhập bọn. Thằng Kình
vào bờ, dẫn theo cả con Vện chạy lăng xăng phía sau. Được lên bờ, con Vện khoái
trá sục mõm vào hết bụi rậm này đến bụi rậm khác.
Thằng Ca chắp tay mạng sườn hất hàm
hỏi thằng Kình:
- Mày cũng đúng hẹn đấy. Chuẩn bị
xong chưa?
- Tao chờ đây.
Thằng Kình nhún vai lắc đầu giãn
gân cốt trả lời rành mạch. Hai thằng bắt đầu đi vòng quanh như đô vật ra sới vờn
nhau. Thấy hai thằng vào cuộc, bọn trẻ liền túm tụm cả lại.
Mảnh trăng non đã tụt xuống phía
chân trời đằng tây. Toàn cảnh ngôi miếu trong đêm thật âm u tịch mịch.
Thằng Ca đã túm được một cánh tay
thằng Kình giật mạnh. Thế là cả hai thằng xông vào nhau gồng tay ghì. Thằng nào
cũng cố để vật đối phương ngã xuống mặt đất. Chẳng khác hồi chiều, bãi đất phù
sa lại lầm lên bốc bụi.
- Cho mày ngã này!
Thằng Ca vừa vặn mình vừa hét, cốt
để quật thằng Kình xuống. Như một cây chuối, thằng Kình đổ ầm xuống. Nhưng chẳng
biết nó dùng mẹo thế nào mà lúc ngã, nó nghiêng nửa người khiến thằng Ca ngã
theo và người chạm đất trước không phải là thằng Kình mà chính là thằng Ca. Chỉ
đợi có thế, thằng Kình chồm tới ngồi hẳn lên bụng thằng Ca, đè hai cánh tay nó
xuống đất. Bị hạ quá nhanh, thằng Ca vòng hai chân lộn ngược lại khiến thằng
Kình đang ngồi trên bụng bị ngã nhào về trước. Nhanh như cắt, thằng Ca chồm lên
đè nghiến thằng Kình. Giãy giụa vẫn không thoát khỏi, thằng Kình vặn mình như
con rắn lăn tròn. Lập tức, hai thằng quấn lấy nhau lăn như sợi dây thừng. Co
kéo một hồi khá lâu, hai thằng không phân thắng bại.
Chợt con Vện từ ngoài lao
thẳng tới chỗ thằng Ca và thằng Kình quần đảo cắn nhăng nhẳng. Nó xô tới hai thằng
nhưng khi vào gần, nó lại ăng ẳng bổ ra hốt hoảng. Thằng Kình sau một phút ngạc
nhiên cũng hiểu ra con Vện định thông báo điều gì. Nó dùng hết sức cố thoát khỏi
sự khống chế của thằng Ca. Mặt nó tái mét, mồm nó méo mó như muốn nói câu gì đó
mà không thành tiếng. Ngược lại, thằng Ca càng đè thật chặt khiến thằng Kình ngộp
thở. Thằng Kình cố hết sức, một tay chống cự thằng Ca, một tay khua khoắng cố vớ
lấy cái gì đó xung quanh. Cuối cùng, thằng Kình cũng vớ được một thanh củi bằng
gióng trâu, thẳng cánh giơ lên. Thằng Ca tối mắt tưởng thằng Kình sẽ giáng
thanh củi đó vào mình, đưa cả hai tay giữ lấy.
- Bỏ ra... Rắ... ắn...!
Thằng Kình nói ấp úng. Thằng Ca
không hiểu. Chẳng còn cách nào khác, thằng Kình đành há mồm cắn một nhát thật mạnh
vào tay thằng Ca khiến nó rú lên buông tay ra. Chỉ đợi có thế, thằng Kình vung
tay giáng xuống mặt đất đánh chát. Con Vện cũng bổ vào chộp một cái gì đó nom
loằng ngoằng. Thằng Kình bồi thêm vài cú giáng nữa mới buông que củi ra, nằm đưỡn
trên mặt đất thở hổn hển, mồm lắp bắp:
- R... Rắ... n!
Thằng Ca há hốc mồm. Từ chỗ thằng
Kình vừa bổ xuống và con Vện vừa buông ra, một thân hình loằng ngoằng uốn éo quấn
vào tay nó. Nó tốc dậy dùng tay kia gỡ cái mớ ấy ra. Cái thân hình loằng ngoằng
đó bị rũ xuống đất như mớ dây thừng. Qua ánh trăng, một cái đầu rắn hổ mang
bành hiện ra. Chao! Con rắn hổ dài gần bằng đòn gánh. Đầu nó đã bị con Vện cắn
dập nát. Nếu vừa rồi con Vện không phát hiện con rắn, nếu thằng Kình không chộp
được cây củi thì không khéo cả hai thằng đã bị con rắn hổ đớp cho, cầm chắc cái
chết.
Sau phen chết hụt, cả thằng Ca và
thằng Kình còn chưa hết sợ. Cuộc đấu giờ đây đã chẳng còn ý nghĩa. Câu chuyện của
chúng chuyển sang xoay quanh con rắn độc. Lũ trẻ cũng trố mắt vì lần đầu được
nhìn con rắn hổ to đến vậy. Sau phút cứu chủ, con Vện ngồi nghếch mõm thè lưỡi
nhìn lũ trẻ bàn tán xôn xao. Cuối cùng, thằng Ca đến ngồi xuống bên thằng Kình,
rụt rè.
- Hôm nay, chính mày đã cứu cả hai
thằng.
- Cũng là bất đắc dĩ thôi. Thú thực,
tao cũng không muốn đối đầu với mày.
- Ừ. Cũng chỉ tại tao hơi ích kỷ.
Rồi thằng Ca lại chỗ Mín ngồi:
- Cả mày nữa. Hãy bỏ qua chuyện cũ,
nhé!
Rồi nó móc túi lấy ra đồng xu cái
đưa cho Mín:
- Trả lại mày đồng xu này. Nó không
phải là của tao nên tao không muốn giữ nó. Tao định trả lại mày từ lâu rồi,
nhưng còn tự ái.
Mín cầm lấy đồng xu cái. Vậy là cuối
cùng, đồng xu cái bao ngày thất lạc lại trở về với Mín.
- Cuối cùng thì mày cũng không tệ
như tao tưởng, Ca ạ. Tự nhiên tao lại thèm chơi trò đánh cái quá!
Cả bọn phá lên cười.
- Còn con rắn này thì sao nhỉ?
Thằng
Ca hỏi.
- Mang đến chỗ lão Bộc cho lão ngâm
rượu. Lão vẫn ước ao bắt được một con rắn hổ mà chưa có!
Mín nói.
- Phải đấy. Mình cùng đi thôi.
Thằng Kình cầm con rắn đi trước, bọn
trẻ lục tục kéo đi sau. Phút chốc, miếu thổ thần đã trở lại hoang vu vắng vẻ.
Phía trời tây, trăng non cũng vừa lặn.
Nhìn con rắn trên tay thằng Kình,
lão Bộc gật gù:
- Ừ! Loại rắn hổ này lão đang cần,
nhưng phải còn sống cơ. Bị đập chết thế này, ngâm rượu không còn được nữa. Được
rồi, mấy đứa ngồi cả đấy, để lão đi nấu cháo rắn cho ăn.
Cả bọn ngơ ngác. Chúng chưa từng
nghe ai bảo nấu cháo rắn bao giờ. Trông nó thế kia, nấu lên ai mà dám ăn. Lão Bộc
cười khà khà:
- Sợ hả? Nhưng rồi sẽ thích ngay. Nấu
lên thơm nức mũi, ai mà chịu được.
Chỉ một loáng, nồi cháo đã được bắc
lên bếp. Nhóm lửa cháy, lão Bộc mới mổ rắn. Lão Bộc treo con rắn lên cành cây
si ở cửa lều, dùng dao cắt quanh cổ con rắn cho đứt lớp da rồi dùng tay cầm chỗ
da ở cổ tuốt xuống. Như có phép mầu, cả bộ da con rắn bị bóc tuồn tuột, lộ ra
phần thịt trắng nõn. Lột da xong, lão Bộc dùng dao rạch bụng con rắn moi hết ruột
gan. Đến chỗ mật rắn, lão Bộc bóc lấy, cho vào miệng nuốt chửng! Mấy đứa dúm hết
cả lại. Chặt đầu, rửa sạch, lão Bộc không chặt con rắn ra từng khúc mà cứ để
con rắn đuôn đuỗn thế thả vào nồi.
Keng ghé tai Mín:
- Khiếp thế ai mà dám ăn, nhỉ!
Mín muốn nói câu gì đó cho Keng yên
lòng nhưng thấy Keng đang có vẻ lo lắng, Mín nảy ý trêu:
- Sao lại không dám? Nấu cháo rắn
người ta phải để cả thế ăn mới ngon chứ. Tí nữa ăn, cứ cầm thế mà tuốt.
Nói vậy chứ Mín cũng chẳng hiểu sao
lão Bộc lại để nguyên cả con thế. Lão Bộc hỏi:
- Sao mấy đứa lại bắt được con rắn
này?
Thằng Ca thuật lại mọi chuyện. Lão
Bộc lắc đầu:
- Lần sau buổi tối đừng có rủ nhau
ra miếu nữa. Ở đó vắng vẻ, nhiều bụi rậm nên lắm rắn rết lắm, chẳng may bị nó cắn
cho một cái là chết như chơi.
Thấy nói đến miếu thổ thần, thằng
Ca hỏi:
- Hôm rồi có người gặp ma ở miếu thổ
thần, phải không ông?
- Ta cũng nghe đồn thế, còn chuyện
thực hư thế nào cũng chưa rõ.
- Đã bao giờ ông gặp ma chưa?
Thằng
Kình hỏi.
- Ma à? Có, mà cũng chẳng biết là
có đúng không.
- Từ bao giờ cơ?
Thằng Kình lại hỏi.
- Đó là lần lâu lắm rồi. Năm đó,
tóc ta còn chưa bạc như bây giờ. Mà chính ở cái cống này này. Hôm đó, trời mưa
phùn, ta ra vó bè muộn. Lúc ta ra đến cống này, thấy một người mặc quần áo trắng
ngồi câu cá ở đây. Ta ngạc nhiên tự hỏi: trời tối như vậy, không biết người này
nhìn thế nào được cá cắn câu? Mà câu không có cước thì câu làm sao? Tò mò, ta lại
bên cất tiếng hỏi người đó. Thấy ta hỏi, tự dưng người đó nhảy tùm xuống cống
biến mất. Bàng hoàng một lúc, ta trở về lều nằm thở. Có lẽ đúng là ta đã gặp
ma.
Cả bọn lặng đi vì câu chuyện của
lão Bộc. Nồi cháo trên bếp đã sủi ùng ục. Mùi thịt rắn thơm phức theo khói bay
ra khiến mấy đứa trẻ tứa nước dãi.
- Ông còn gặp ma lần nào nữa không?
Thằng Ca có vẻ không sợ hỏi tiếp.
- Ta chỉ gặp lần đó thôi, còn chuyện
ma thì khối!
Mở vung, bỏ nắm lá răm vào quấy,
lão Bộc lại ngồi trầm ngâm, tiếp:
- Có một bà hẹn người hàng xóm sớm
mai đi chợ. Nửa đêm, đã thấy người kia đến gọi. Dù biết trời còn sớm nhưng bà
cũng quẩy hàng cùng đi. Bà nghĩ, đường xa, đi sớm, đến chợ càng chọn được chỗ tốt.
Thế là hai người cứ vừa đi, vừa tỉ tê nói chuyện. Đến chỗ chiếc cầu đá, người
kia bảo bà ngồi nghỉ cho đỡ mỏi chân. Thấy sáng trăng, người kia bảo bà xõa tóc
để người kia bắt chấy cho. Bà này thấy lạ quá, vì trời sáng trăng thật nhưng mắt
người thường làm sao nhìn thấy chấy mà bắt? Thế mà bà thấy người kia vạch tóc
mình rồi nhúm chấy cho vào mồm cắn lép bép. Đến lượt bà bắt chấy cho người kia,
sờ vào đầu thấy lùng nhùng toàn thịt. Bà sinh nghi hỏi:
- Đầu gì mà mềm như đầu ma thế?
Người kia bèn cười khanh khách,
nói:
- Hay ta là ma thật?
Rồi nhảy tùm xuống nước biến mất.
Bà này lúc đó mới biết là mình bị ma trêu, lầm bầm chửi thầm mãi.
Cả bọn lại một phen nữa im thít.
Lão Bộc mở vung nồi cháo xem thử.
- Được rồi! Nào, xích cả đây lão
múc cháo cho ăn. Cháo rắn hổ, ngon phải biết!
Lão Bộc dùng đũa cả gắp con rắn
lên. Mặc con rắn còn nóng, bốc hơi ngùn ngụt, lão cầm xương cổ, dùng đũa tuốt dọc
theo thân rắn. Thịt ở mình rắn cứ thế theo cạnh đũa tróc ra, còn trơ lại chiếc
xương sống. Lão Bộc với cái thìa múc ra bát, đưa lại trước mặt bọn trẻ.
- Ăn đi. Cháo nóng húp quanh. Thử một
miếng xem có ngon đúng như lời lão già này nói không?
Cả bọn xuýt xoa vì nóng. Loay hoay
một lúc, mấy đứa cũng đã xì sụp húp. Keng còn chưa dám ăn, cứ bê khư khư ở trên
tay.
- Ôi! Ngon thật!
Thằng Ca vừa rời miệng bát, nói
ngay. Lúc đầu sợ, bây giờ nom bát cháo toàn thịt nạc, lại thấy ngon. Ngay miếng
đầu, Mín cũng nhận ngay ra điều ấy. Thằng Kình thì húp soàn soạt, chẳng hề kêu
nóng, có lẽ là người làng chài nên nó đã quen ăn nóng.
- Húp thử đi Keng!
Thằng Kình động
viên.
Keng nhăn mặt đưa lên mũi thử rồi
cũng húp được một hớp. Cái mặt đang nhăn nhó của Keng chợt giãn ra ngay sau khi
miếng cháo vào miệng. Đúng là vừa ngon vừa lạ. Thấy mọi người cùng cười, Keng cũng
nhoẻn những chiếc răng sún, cười toe toét.
- Sao! Ăn hết đi rồi lão đây múc tiếp.
Lão Bộc lôi ở gầm phản ra chai rượu,
rót lấy một chén ngồi nhấm nháp, miệng lẩm bẩm:
- Cháo rắn nhắm với rượu, thật là
đã.
- Ma nước thế nào hả ông? Cháu đi
thuyền đêm nhiều nhưng sao chưa giáp mặt? Có ma nước không ông?
- Người ta bảo nó thường biến thành
cá chép quẫy ủng oẳng trêu người đánh dậm. Rõ ràng thấy cá quẫy lùng nhùng bên
trong dậm nhưng nhấc lên lại chẳng thấy gì. Có khi chỉ là nắm rêu, nắm cỏ. Những
lúc tắm sông, nó trêu mình dìm tới ngạt thở. Là cũng nghe vậy thôi...
Lão Bộc buông chén rượu, với lấy sợi
dây thừng lớn kéo vó lên. Trong đêm tối, chỉ nghe tiếng gọng vó kẽo kẹt và tiếng
nước lách tách rơi xuống. Lẫn với những âm thanh ấy có cả tiếng cá lạch đạch quẫy
trên vó rồi tụt vào chiếc giỏ ở đáy...
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment