GIA TÀI NGƯỜI MẸ - CHƯƠNG 11 - DƯƠNG NGHIỄM MẬU - TRUYỆN THIẾU NHI

GIA TÀI NGƯỜI MẸ 

Tác giả : Dương Nghiễm Mậu
Thể loại: truyện thiếu nhi, teen, tình cảm.

CHƯƠNG 11:




Nhẫn đi từ ngoài vào, nàng nhìn khuôn mặt lạnh lùng của Thạch quay đi sang phía hiên. Thạch co một chân lên cho đỡ mỏi và tì má vào cánh tay vịn. Chàng đã bỏ đi vì tiếng gọi của bạn hữu, thêm một mối bất mãn với gia đình.Chàng đã thấy rõ sự vô dụng của mình bởi mặc cảm có tội. Chàng thấy đời sống sung sướng nhàn hạ của mình như một cái tội, một tội lớn là khác. 

Nhất nữa là chung quanh chàng bao nhiêu sự thật vây bủa những sự thật nhắm mắt lại chàng cũng thấy. Tại sao những đứa như thằng Tuấn còn có thể lớn tiếng vênh vang. 

Đầu tiên nó không có chung với chàng một chút máu mủ, nó thuộc dòng riêng của bố nó. Bố nó là hạng người sống trong căn nhà ba gian hai chái, có cột lớn, cột con gian giữa thờ tổ tiên, gian bên trái thờ thổ công, gian bên phải thờ thầy học. Ngoài sân có cây hương. Trước cửa nhà có bùa có dấu. Ở trong nhà đó họ lớn tiếng khuyên bảo con cái sống theo đạo thánh hiền. Từ trong đó họ hành động giữ lấy hàng rào, giữ lũy tre xanh, giữ từng mảnh đất và phân cách những tầng lớp sinh hoạt khác nhau. 

Nhưng họ đã hỏng rồi, họ đã thất thế một cách thảm hại giữa dòng thay đổi của nhịp sống, họ không còn sức nữa. Khởi đầu những thất bại từ nơi mòn rữa những giáo điều công thức trở thành bạc nhược lệch lạc, tệ đoan, họ lùi dần để chì còn đủ sức có chân nằm trên tấm phản trong buồng tối bên ngọn đèn dầu lạc xanh lè tiêu hao sinh lực, và nằm trong đó họ tự buộc tội, thanh minh sự thất thế như một vẻ vang cần loan truyền. 

Nhưng họ không được yên, với những kẻ da trắng da đen có sức mạnh, kết quả đầu tiên nhìn thấy là dấu vết con bé da đen lai làm mẹ chàng phải hứng chịu kia. Không phải lỗi mẹ chàng, lỗi ở bố thằng Tuấn, ở sự bạc nhược hèn yếu không còn đủ sức kháng cự, bảo vệ. Sự có mặt của con Nhẫn bây giờ đã hiển nhiên không sao trốn tránh được. 

Nhưng chàng muốn nó chỉ tới đó không được hơn nữa. Phải có một đời sống khác. Mọi người phải được sống hợp lý. Nhưng Thạch vẫn tự hỏi: làm sao để có được một cuộc sống như thế? Tiếng kêu réo như thôi thúc: phải phá vỡ tất cả, phải dựng lại hoàn toàn. Tất cả mọi người phải kết hợp nhau lại thành một khối đồng nhất. Nhưng thế nào là đồng nhất khi mỗi cá nhân có một đời sống nội tâm riêng rẽ? Hãy quên nó. Nhưng quên làm sao? Trên chiếc ghế Tuấn vẫn ngồi yên như pho tượng đá, chung quanh chừng như nấm mốc đã mọc .

- Anh mang em về để lấp bỏ khoảng trống phải không? 

Tự anh, chính tự anh làm anh đơn độc, sức em không làm gì được đâu. Anh đã tự cắt đứt với dòng sống, anh lơ lửng như một cù lao. Vô ích lắm anh ạ, khi anh chỉ còn một chút gì phảng phất trong huyết quản anh. Còn bao nhiêu những cái khác đều trôi đi, đều tan loãng và mất hút

 - Chẳng lẽ tôi lại bất lực đến cuối cùng sao? 

Không, chàng đang đứng ở dưới chân bức tường màu xám đầy tối, hay đứng ở ven một bờ vực. Ở mé sau bức tường, ở dưới sâu vực thẳm kia đang chờ. Một chàng còn, hai chàng ở dưới đó. Điều sau chàng không thể chọn. Đứng trước thử thách mất còn bỗng nhiên chàng thấy khỏe mạnh sinh lực. Không tiến lên được thì chịu nhưng không thể để bị tiêu diệt. Với sự phá phách của Thạch chàng tự nhiên thấy vững tâm. Chàng hiểu vì đâu Thạch như vậy. Hắn đã sống trong một dòng nước lũ để trôi dạt qua những vùng đất đai tạm bợ cùng với đám đông thay đổi khuôn mặt. Hắn như một kẻ lưu vong ngay trên quê hương, chứng kiến mọi bất công, tù hãm của một lớp người đông đảo.

Người cha bỏ đi để lại dòng máu bất khuất trong người hắn cùng với một gia đình không ra gia đình thì lẽ tất nhiên hắn đòi phá vỡ... Với những nguồn cội khác nhau đó chàng thấu hiểu tấn thảm kịch đang diễn ra trong căn nhà này, cùng mối đau khổ trong lòng người mẹ.

Rồi còn Nhược, còn Nhẫn, còn cháu Dũng - cái lớp người của tương lai đang sống lên giữa cuồng loạn ngất ngư biến chuyển? Bây giờ làm gì đi nữa công việc chính là cho những đứa nhỏ đó không còn phải tham dự tấn bi kịch hiện nay để sống một đời sống hạnh phúc...

- Tôi tưởng anh là một kẻ lạ trong căn nhà này.

Thạch từ cửa đi vào :

- Mày nói sao?

- Tôi bảo: tôi tưởng anh là một kẻ lạ trong căn nhà này.

- Tao sinh ra ở đây, mày phải biết như thế.

- Nhưng anh không sống với nó.

- Thế còn mày, còn thằng Nhược, con Nhẫn...

- Tôi khổ ở đây, Nhược sống ở đây. Nhẫn bơ vơ không có tình thương ở đây.

- Nó sống ở đây, nghe vui lắm, chính nó là con một thằng bất lực làm nhục mẹ tôi, làm nhục tôi.

- Anh không được quyền xỉ vả bố tôi. Anh coi chừng.

- Mày định tạo vây cánh với nó phải không?

- Tôi vây cánh với nó làm gì. Nhưng ít ra nó cũng nuôi và trông nom mẹ.

- Còn con Nhẫn là con kẻ thù của tôi, bố nó làm nhục mẹ.

- Nó còn giết bố tôi.

- Tốt lắm, tao còn dung được nó một phần vì vậy.

- Các anh nói gì vậy?

Tiếng Nhẫn nói bất ngờ làm Thạch quay nhìn. Tuấn đứng lên. Nhẫn đứng sững ở cửa buồng. Không khí ngột ngạt. Tuấn kiếm điếu thuốc châm lửa. Thạch nhìn vào chiếc ghế trống ở góc nhà.

- Trời ơi, các anh, các anh tôi...

Nàng ôm mặt khóc nức nở, đôi bàn tay đen như chân loài quạ đen phủ lấy mặt và mớ tóc rối bời như sắp bốc lửa. Đó là một pho tượng của viện bảo tàng đang chuyển động trong cửa hang đá? Đó là một oan hồn về đòi nợ? Đó là một con ma đói vất vưởng đang kêu gọi. Không. Đó là con kẻ đã làm nhục mẹ Thạch. Đó cũng là ân nhân của Thạch. Đó là sự thật, mối bi đát thảm thương của chính ngôi nhà này, của chính quá khứ những người đang chung sống ở đây. Đó là bằng chứng một đột nhập từ xa lạ đến không ai cưỡng lại được. Tiếng Thạch quát lên :

- Mày hãy lại gần đây, lại gần đây mà khóc.

- Tôi cần cho mẹ biết, mẹ thương tôi, còn các anh...

- Mẹ thương thì đi với mẹ. Mày dọa tao được à? Các anh làm sao? Chúng tao anh em với con một kẻ thù sao?

- Trời, sao anh không giết tôi cho xong.

- Mày còn lu loa lên. Mày muốn mẹ khổ sao?

Nhẫn mỗi lúc một gào lớn. Thạch cáu kỉnh chạy lại nó và văng mạnh ra giữa nhà. Nhẫn bị sức kéo lăn ra một góc.

- Tao bảo im mồm mà.

- Anh giết ngay tôi đi...

Tuấn đi lại bên chỗ Nhẫn đưa tay dắt đứa em đứng dậy :

- Anh Thạch. Anh tưởng chuyện này mẹ không biết sao? Mẹ biết thừa. Nhưng anh không hành động như thế được. Nó là con của mẹ. Và tất nhiên nó là em của anh, em của tôi.

Thạch thừ người, chàng thấy mình bứt rứt khó chịu. U Tám dẫn Dũng đi vào. Tiếng bà mẹ gọi ở phòng bên. U Tám nói :

- Hóa ra không có ai, kìa cô Nhẫn bà gọi.

Nhẫn lặng lẽ lau nước mắt đi ra.

Tôi lẩn tránh mọi người như một con chó ghẻ, tôi không còn đủ sức để nghe những lời bàn tán chung quanh. Người nói ra kẻ nói vào một cách nhục nhã: 

- Mụ ta kìa!!!

 - Cái mụ bị hiếp ấy hả.

- Còn ai vào đấy, mụ sắp làm mẹ một đứa con Tây đen.

 - Được nếm mùi đời sướng nhé.

 - Người thế còn giơ mặt ra sống.

 - Ba đời chồng rồi nhỉ.

 - Biết đâu còn vài đời nữa, tôi nghe mụ ta sắp bỏ lũ con đi tìm thằng Tây đen đấy.

 - Để trả đứa con à?

 - Chắc theo làm vợ nó.

 - Trời ơi, người vậy có đem cho voi nó giày, chớ còn người ngợm gì nữa... 

Mình có thấy những điều ấy không. Ngay từ lúc đó tôi đã cố van mình giữ lấy thân, làm sao cưỡng được nó. Thà cho tôi bị nhục mà còn mình, còn mình tôi đỡ khổ và các con nó được nhờ, mình chẳng chịu mà tôi nào thoát nhục.

Mình chết tôi một thân với cái thai của giặc trong bụng bắt cua bắt ốc, nhặt rau tập tàng nuôi đàn con xanh xao đói khát. Mỗi bữa cơm ngồi nhìn chúng nó ăn cháo, rau với muối, cùng những đứa con dại tôi chỉ còn biết khóc. Tôi nghĩ chỉ còn cách bỏ làng lên tỉnh làm ăn. Tôi đã mang chúng nó đi. Lúc đó tôi đã không hết hối hận khi bỏ nơi này để trở về miền quê đó. Tôi ở lại, tôi không nghe mẹ lấy mình vì mấy đứa cháu mồ côi chắc tôi không khổ. Trời phật đã giúp tôi đủ sức can đảm làm lụng để không những nuôi được các con ăn học mà còn trở nên khá giả.

Nhưng tại sao tôi vẫn khổ, cho đến hôm nay, cho đến khi tôi thấy tôi sắp chết, các con của mình vẫn oán ghét tôi là mẹ ghẻ ác nghiệt. Tôi đã ác nghiệt như thế nào với chúng mà trong ba đứa chỉ thằng Tuấn nó còn nhìn mặt tôi. Hai đứa kia chúng ở lại ngoài đó. 

Trong khi đó con riêng của tôi nó cũng oán tôi tại sao đã lấy người chồng thứ hai. Còn các con của mình và tôi lại cho là tôi đã bênh vực nuông chiều những đứa con riêng kia. Còn đứa con của kẻ đã giết mình thì oán hờn không ai thương nó. Có khi tụ chúng nó lại một lần rồi cho chúng khí giới trong tay chúng sẽ giết nhau không thương tiếc. 

Chúng sẽ giết nhau một cách hả hê vui sướng là khác. Dù vậy tôi vẫn tin rằng tôi sẽ làm cho chúng nó hiểu rằng: chúng nói cùng khổ sở như nhau, chúng nó đã có những quá khứ chung và một tương lai nữa, tôi là sợi dây ở giữa chúng nó. Sao đi nữa chúng cũng không đến nỗi là người dưng khi đã từng ngồi chung một mâm cơm, chung một mái nhà thời nhỏ. Ít nhất chúng cũng cần những thân thích, bởi không chúng sẽ sống với ai? Tôi không oán gì các con. Tôi thương chúng nó. Tôi oán chăng là oán các anh, oán sự bất lực của các anh.
Anh đứng lặng thinh đi, bởi oán các anh cũng có ăn thua gì. Tôi không thể nói điều đó cho các con tôi nghe, như vậy tôi phải nói cho mình nghe, hay nói cho chính tôi nghe.

Các anh bảo các anh phải làm gì lớn lắm, phải làm cho đời các con khỏi khổ. Phải đuổi được giặc... Nhưng rồi đi đến đâu? Một người bỏ xương trong nhà lao. Một nghiện. Đừng nghĩ tôi kể xấu. Đó là lầm lẫn, không làm đúng việc. Các anh bỏ ngay cả phận sự làm bố. Những việc làm sau này của các con tại nơi các anh. Đầu óc chúng lệch lạc và nhiễm độc.

Anh chứng kiến sự giằng co trong tấn thảm kịch ngày nay anh đủ rõ.

Tôi mệt quá sức rồi. Chắc nhiều người mong cái chết đến, còn riêng tôi chưa muốn. Tôi buồn sao mình không sống đến ngày nay. Tiếng súng ngần ấy năm như vẫn còn nổ trong óc tôi những tiếng chát chúa, cùng với lửa đỏ, và tiếng súng đã nổ mang theo viên đạn ghim vào ngực mình. Nhiều lúc tôi còn tưởng như xác mình vẫn còn nằm trong tay tôi im lặng và dòng máu đỏ tươi đang tuôn ra từ ngực. Mình đã chết, đã chết trên tay tôi không nói năng cùng với khuôn mặt nhăn nhó khổ sở, còn làm sao được...

No comments

Powered by Blogger.