TỨ QUÁI TKKG - CHƯƠNG 02 - TẬP 01 - THỦ PHẠM TÀNG HÌNH
TỨ QUÁI TKKG
Tác giả : Stefan Wolf
Thể loại: Phiêu lưu, trinh thám, tiểu thuyết
TẬP 01: THỦ PHẠM TÀNG HÌNH
CHƯƠNG 02: TARZAN GẶP BỌN TRỘM TRANH 2
Tarzan trợn mắt:
- Mày biết phòng mình được Rembrandt gọi là gì không?
Tròn Vo đủng đỉnh:
- Tổ đại bàng.
- Vậy thì đại bàng không thể nào bị... gãy cánh, dù Pauling
đã giương cung.
Kloesen nhăn mặt vì thanh kẹo sắp văng ra:
- Đừng gọi lão là Pauling! Lão là
Rembrandt gian ác.
- Ê, vấn đề tai hại là tao có thể bị
đuổi học nếu thêm một lần cảnh cáo nữa.
- Tao biết.
- Nhưng hề gì, đêm nay tao sẽ dùng pháp
phi thân...
- Sao?
Tarzan tỉnh bơ xỏ chân vào chiếc quần
Jeans bạc phếch. Khuôn mặt của Gaby hiện ra thần thoại hơn bất cứ một cuộc
trừng phạt ngốc nghếch nào. Thầy Pauling là nỗi ám ảnh gì trong đời sống riêng
tư của Tarzan nhỉ. Hãy tưởng tượng đến... Gaby – cô bé có hàng mi chớp chớp...
Tarzan đột nhiên thấy mình mạnh mẽ như
chúa rừng Phi châu:
- Chuẩn bị dây chão cho ta chưa Tròn
Vo? Đêm nay tao có hẹn...
- Cái gì? Mày sẽ bị tống cổ ra khỏi trường, nếu...
- Nếu mày nối sợi dây chão không phải bằng nilông mà bằng
những thỏi sôcôla thì tao sẽ bị... tống cổ xuống đất gãy nát. Yên trí đi
Kloesen.
Làm sao mà Tròn Vo yên trí được, nó đã nghe rất rõ những tiếng
chân rình rập đâu đây. Quả y như rằng, Rembrandt đã đứng sau lưng hai đứa.
- Sắp chín giờ rồi, hi vọng hai chú mày ngủ ngon!
Các thầy giáo khác còn bắt tay, nhưng Rembrandt thì năm ngón
chẳng hề cử động. Ông ta tắt đèn và hắng giọng. Cái giọng khàn đực của một con
quạ có cuống họng bị sưng tấy.
Tarzan phải mất đúng năm phút vận động thính giác trước khi
tuột xuống giường. Ồ, cái thằng Tròn Vo cứ lưu luyến níu tay hắn như sắp bị
giam mình trong một đống kẹo đến nơi.
- Tao mà bớt... chừng sáu kilô là có thể đu dây giống hệt
mày. Mày đi đâu vậy Tarzan?
- Còn bày đặt ngơ ngác. Gặp nhị quái và út quái. Mày không
nhớ Máy Tính Điện Tử và Công Chúa có hẹn với tao sao?
Mặt Tròn Vo buồn thiu:
- Nhớ cẩn thận nghe. Tao và... sợi dây vẫn đợi mày.
***************
Gió ban đêm lồng lộng. Tarzan đưa mắt nhìn sang phía rừng
thùy dương. Mặt trăng tròn vành vạch lơ lửng trên dãy nhà nhiều tầng cao ngất.
Trường nội trú nằm ở ngoại ô thành phố, từ trường ra xa lộ phải qua những cánh đồng
và bãi cỏ. Người ta đang đẩy dần đô thị đến đây theo quy hoạch tương lai, nhưng
bây giờ...
Bây giờ thì con đại bàng đầu tiên của lớp 10A sắp bay ra
khỏi tổ. Hắn chú ý đến những cái móc sắt đỡ giàn nho được đóng vào một số chỗ
trên bờ tường. Hắn liếc qua cái móc trên cùng có một sợi dây chão bằng nilông
nằm khuất dưới tán lá rậm. Hắn bám vào sợi dây như khỉ, chân đạp vào gờ tường
như vượn và nhảy xuống lớp cát phía dưới như một con dã nhân.
Hắn là Peter Carsten, biệt hiệu Tarzan, vua tốc độ một trăm
mét khởi sự vô guồng chạy. Chỉ cần đúng hai mươi hai phút là sẽ đến nhà... Công
Chúa. Ôi, Gaby. Bên vành tai Tarzan ngoài gió còn xào xạc tiếng guitar bài nhạc
phim “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” chẳng thể nào quên được.
Hắn đang chạy qua khu vực quan trọng nằm ngoài rìa thành
phố, nơi gia đình Sauerlich làm chủ một tòa nhà lớn nhất với một khu vườn rộng
nhất cùng một gara chứa nhiều xe hơi nhất. Nghĩ mà tội cho Tròn Vo, chỉ vì quá
mê kẹo sôcôla và Sherlock Holmes mà phải di tản vào trường nội trú, mất dần cái
tên quý tộc Willi Sauerlich lừng danh.
Tarzan nhìn đồng hồ: chín giờ rưỡi. Vượt qua một con đường
nữa, băng hết một bờ rào, chạy trên cỏ, loáng thoáng những bụi cây lướt qua,
hắn tiến vào khu vườn. Những ngôi nhà đột ngột tối om như bị cúp điện. Có lẽ
giờ này Gaby sắp hắt hơi nhảy mũi. Đúng giây phút đó, hắn nghe thấy tiếng chân
người.
Hắn sửng sốt như không tin vào thính giác của mình. Nào,
bình tĩnh lại, khom người xuống như một con... khỉ lẻn về phía các bụi cây rậm
rạp đằng kia.
Khi Tarzan rẽ cành lá định bước ra, hắn giật mình vì một
hình người đàn ông cách hắn không đầy hai bước. Gã đàn ông nhìn lên cửa sân
thượng một ngôi nhà, lưng quay lại Tarzan. Có một cái gì vuông vuông đặt dưới
đất, dựa vào đầu gối gã.
Ngay lúc ấy, trăng ló khỏi đám mây và... tấm kính trên cửa
sân thượng vỡ toang. Gã đàn ông thứ hai xuất hiện. Bất chấp những mảnh kính
vương vãi trên sàn đá, gã đàn ông thứ hai vẫn ôm chặt tấm mền trong tay. Mép
tấm mền tụt xuống. Trời đất, một bức tranh chắc chắn là gia bảo bởi khung tranh
được mạ bằng vàng sáng ngời.
Linh tính trận mạc mách bảo con đại bàng của lớp 10A hãy xòe
cánh. Rõ ràng bọn ăn cắp tranh của các tư gia. Còn gì nữa mà suy đoán, chẳng
phải hơn sáu tháng nay những bức tranh sưu tập quý giá đã lần lượt tàng hình
khỏi các gia trang của những nhà sưu tập và các bảo tàng nhiều địa phương làm
cả thành phố bàng hoàng. Mọi thành tựu của hội họa đều biến mất không một dấu
vết. Giá trị của những tác phẩm mỹ thuật tăng vọt bất ngờ khiến bọn đạo chích
không thèm nhìn đến các thứ tài sản khác. Chúng biết cách di chuyển những bức
tranh vô giá ra khỏi biên giới quốc gia.
- Nhanh lên!
Thằng trộm đứng chờ gầm gừ. Gã mặc một chiếc áo gió màu sẫm.
Thằng kia có vẻ thấp lùn hơn và đi đứng có vẻ vụng về. Chúng trườn giống hai con
sói không một chút lo sợ qua sân thượng, rồi theo con đường xuyên qua các bụi
cây dẫn ra cuối khu vườn.
Tim Tarzan đập thình thịch không thua gì tấm mền gói bức
tranh đang nhấp nhô theo bước đi như chạy của bọn trộm tranh. Nỗi khổ tâm của
một học sinh nội trú leo tường trốn đi chơi là không thể gọi cảnh sát, vì như
vậy hắn tự đút đầu vào sợi dây thòng lọng của Pauling. Lão Rembrandt đó sẽ đuổi
hắn ngay lập tức không do dự.
- Ê, Eddi, tao nghe có tiếng động.
- Hả?
- Tiếng động. Hình như ở trong bụi cây kia.
- Hay là một con mèo động cỡn đó Otto!
Hai gã đàn ông dừng lại. Tarzan nhìn chúng qua kẽ lá. Hắn
cảm thấy da thịt lạnh ngắt. Hắn phải nín thở bởi thằng Otto đã đặt cái bọc đựng
tranh xuống đường và thò tay vào túi.
- Xoẹt, xoẹt.
Lưỡi dao găm nhọn lểu rợn người dưới ánh trăng. Gã đàn ông
có tên Otto tiến về phía bụi cây mà Tarzan đang ẩn nấp. Hai cánh tay đầy vết
xăm của gã vung vẩy như một tên sát thủ điệu nghệ. Nhưng... gã không cần phải
bước tiếp và Tarzan cũng không cần phải mở cuộc thi chạy nước rút bất đắc dĩ,
vì một con chim đêm đã vỗ cánh phành phạch bay lên từ bụi rậm kế bên.
Gã Eddi cười ha hả:
- Mẹ, cái thằng chỉ giỏi tưởng tượng. Đi đêm có ngày gặp...
chim mà. Ha ha...
Otto lầm rầm như đọc kinh:
- Đừng chọc tao. Coi chừng không đến Hội chợ đúng giờ là
mang thêm sẹo cho mày đó.
- Nhưng mày có chắc lão đến nhận hàng không?
- Chính lão còn không biết chắc nữa là tao. Một là khu vực
dành riêng để uống bia ở Hội chợ lúc nửa đêm nay, hai là mười bốn giờ chiều mai
tại chuồng cá sấu ở Vườn Thú như mọi bữa.
Otto thảy vật nhọn kim loại vào túi gọn gàng như một tay mãi
võ chuyên nghiệp. Tarzan không làm sao quên được những con rồng bằng mực Tàu
xăm chằng chịt trên cánh tay vén lên của gã, nó gây cảm giác rùng rợn không
thua gì vết chém lồi ra từ mắt phải xuống cằm của tên Eddi kia. Tuy nhiên hắn
vẫn không một chút e ngại bám dính bước chân của bọn trộm. Trong cuộc đời chỉ
cần vài lần hồi hộp như thế này là có thể ung dung giữa rừng rậm Phi châu hú
lên như Tarzan trong phim nhựa được rồi.
Hắn bị che mắt bởi một cây dẻ bề thế. Đằng sau cây dẻ, tiếng
mở cửa xe và cốp xe vang lên. Hắn dán chặt cái nhìn vào chiếc xe hơi lúc động
cơ nổ giòn hi vọng nhìn được số xe. Trời đất, tiếng máy nổ kinh dị như lúc Tròn
Vo ho sặc vì nuốt vội thanh kẹo. Điều quan trọng nhất mà hắn đã không thực hiện
được là nhìn cho rõ bảng số trước khi xe chạy, bởi bọn trộm chờ cho xe chạy một
đoạn rồi mới bật đèn.
Không hề chi. Chiếc xe hơi có thể biến mất nhưng tiếng động cơ
rền rĩ của nó không bao giờ mất. Nó thuộc về chủng loại xe Kombi hết thời,
tiếng máy kêu ngang ngửa tiếng chó sủa. Chưa kể hai thằng đạo chích đã tự kê
khai lý lịch: Otto và Eddi. Còn nữa, tụi nó sẽ đến khu uống bia ở Hội chợ vào
lúc nửa đêm. Đối với một thám tử tài tình như... Tarzan này thì vài chi tiết
cần thiết đó không đủ làm quà cho Gaby hay sao? Chỉ có một điều thuộc về kinh
nghiệm cá nhân mà cô bé sẽ không bao giờ được biết, tại sao cứ mỗi lần đụng độ
Rembrandt là hắn tiếp xúc với kẻ thù khác lập tức. Quả là lưỡng bề thọ địch. Mà
lưỡng bề thọ địch là gì vậy? Xin thưa, sau lưng, phía trước là ông thầy và bọn
trộm. Toàn những thứ hãi hùng.
truyenhoangdung.blogspot.com
No comments
Post a Comment