TRUYỆN CỔ TÍCH - SỰ TÍCH CÂY CHUỐI

SỰ TÍCH CÂY CHUỐI










Ngày xưa, rất xưa, cứ ba năm một lần. Thần Cây lại mở cuộc thi cây. Các con của Thần, cứ ba năm một lần, lại mang về những giống cây mới để Thần chấm giải. Lần thi ấy, người con út của Thần Cây tên là Tiêu Lá vừa lấy vợ và Sinh được đứa con trai đầu lòng rất xinh đẹp. Tiêu Lá yêu quý con, suốt ngày cứ ngắm nó mãi không chán. Một hôm, đang ngắm con, Tiêu Lá bỗng nảy ra cái ý định sẽ tạo nên một giống cây vừa bụ bẫm và xinh đẹp như con vừa có thể cho con nhiều thứ vui chơi và có quả ngon thơm nuôi con chóng lớn. Tiêu Lá nghĩ ra một giống cây hoàn toàn mới lạ. Thân của nó sẽ tròn trĩnh như tay chân của con, mát mẻ như da thịt của con. Lá của nó sẽ không nhiều nhưng rất to và nhìn giống như những cái lông chim khổng lồ buộc túm lại xòe ra bốn phía. Lên năm, lên sáu, con có thể bẻ từng lá che đầu đi chơi không sợ mưa, không sợ nắng. Quả của cây sẽ giống như ngón tay con trẻ và sẽ xếp thành dài dọc theo sống lá. Đến lúc chín quả sẽ thơm ngọt như có mùi sữa và mật quyện vào nhau. Con lớn lên chỉ cần với tay là hái được quả, bóc lấy mà ăn.
Nhưng có một điều đáng lo ngại là năm đó tự nhiên có một con chim ác xuất hiện. Nó to lớn, lông rằn ri như vảy rắn. Từ một nơi nào đó rất xa bay đến, nó chuyên lấy cắp những hạt giống của các thứ cây quý rồi bay đi. Vậy thì làm thế nào để cho giống cây mới của mình không bị con chim ác kia đánh cắp được? Tiêu Lá bèn nghĩ ra cách không cho giống cây mới Sinh ra cây con bằng hạt mà Sinh ra từ gốc, từ củ. Để trêu con chim ác, Tiêu Lá vẫn cho quả giống cây có hạt, nhưng hạt ấy dù có gieo xuống đất, có chăm sóc mấy, nó cũng chẳng bao giờ nảy mầm và Sinh ra cây con.
Con chim ác hình như đoán biết điều ấy. Nó bèn tìm cách phá hoại cây. Những quả đầu tiên của giống cây quý Tiêu Lá đã tạo nên, vừa đón đủ nắng để chín thì con chim ác đã bay tới. Nó chỉ bay tới trong đêm. Cái mỏ to quặm và sắc nhọn của nó mổ phá ngay những quả quý của Tiêu Lá. Tiêu Lá giận lắm. Đêm đến, Tiêu Lá cứ thức và rình chộp bắt cho được con chim ác nọ. Nhưng nó cũng tinh khôn vô cùng. Nó đánh hơi rất tài. Biết có Tiêu Lá rình nấp và đang thức, nó chỉ bay vụt qua rồi biến mất. Nhưng khi chàng vừa chợp mắt ngủ quên là nó đã lao đến mổ phá những quả quý kia ngay… Tiêu Lá đành phải cố thức suốt cả đêm. Có một lần, vừa chợt tỉnh giấc. Tiêu Lá đã suýt chộp được con chim ác nọ. Không may cho Tiêu Lá là chàng chỉ chộp được một túm lông và con chim ác đã vẫy vùng bay thoát. Nhưng từ đó, nó rất sợ hình dáng cái bàn tay của Tiêu Lá chộp nó. Tiêu Lá đoán biết được điều này và lập tức chàng nảy ra một ý định mới. Chàng sẽ không cho những quả cây quý ấy xếp dọc từng quả một theo gân lá nữa. Chàng sẽ xếp chúng lại thành từng khóm, giống hệt hình các bàn tay xòe ra như để sẵn sàng vồ lấy con chim ác. Và những bàn tay bằng quả ấy, cứ xếp xoay tròn, bàn này ở trên, bàn kia ở dưới, nối tiếp nhau…
Con chim ác quả nhiên không dám bay đến phá phách nữa. Mà hình dáng những quả cây quý xếp theo cách ấy nhìn cũng rất đẹp rất vui, vì nó giống như bàn tay của con trẻ đang xòe múa. Tiêu Lá rất vui lòng. Con trai của chàng cũng rất thích. Tiếng trống báo mùa thi cây đã đến, vang lừng khắp cả gần xa. Những người anh của Tiêu Lá từ các nơi đã lục tục mang cây về dự giải. Thôi thì đủ các hình dáng, đủ các màu sắc, đủ các hương vị, cây to, cây nhỏ, quả ngọt, quả chua… Tiêu Lá là người mang cây đến sau cùng nên giống cây của chàng được xếp ở hàng cuối. Đến sáng ngày thi, Thần Cây râu tóc bạc trắng, tươi cười từ trên núi cao đi xuống. Thần rất vui mừng vì kỳ thi này tất cả ba mươi sáu người con của Thần đều đủ mặt và người nào cũng đều mang những giống cây mới về dự. Thần Cây dừng lại trước từng giống cây một, nghe từng người dự giải nói về cái hay, cái quý của giống cây mình mới tạo nên. Thần Cây càng xem càng vui, nét mặt cứ rạng rỡ lên vì công trình của các con mình.
Nhưng phải đến lúc đứng trước giống cây rất mới lạ, vừa xinh đẹp, vừa mang đầy tình yêu thương con trẻ của Tiêu Lá, Thần Cây mới ha hả cười to lên và tuyên bố Tiêu Lá được giải nhất. Cây ấy là cây Chuối ngày nay. Nhưng tại sao lại gọi là cây Chuối thì có lẽ vì lần ấy, hỏi xem cây nào được giải nhất, ai cũng đáp: Cây cuối! Cây cuối! (tức là xếp ở hàng cuối) nên sau này đọc chệch ra, tiếng cuối biến dần thành tiếng chuối. Còn vì sao mà những “bàn tay” chuối đến nay không phải chỉ có năm ngón, năm quả mà có khi đếm đến hàng chục, hàng hai chục thì điều ấy rất dễ hiểu: thấy các em ưa thích ăn chuối, nên các bàn tay chuối cứ tự động sinh thêm ngón, thêm quả cho các em vui lòng. Và đó cũng là một cách cây muốn tỏ ra mình rất hiểu bụng người đã tạo nên cây. Đó là lòng yêu con, yêu trẻ của Tiêu Lá, người con út của Thần Cây.

No comments

Powered by Blogger.