THẦN GIỮ CỦA
Ngày xưa ở vạn Lai-triều thuộc trấn Sơn-nam có
một người lái buôn nước ngoài sang ta sinh cơ lập nghiệp. Sau mấy chục năm nhờ
có mánh khóe tích trữ: buôn lúc đầu mùa, bán khi giáp hạt, lãi mẹ đẻ lãi con,
hắn trở nên giàu có lớn. Trong nhà hắn vàng bạc châu báu kể có ức vạn, những
tay vương hầu cơ hồ không ai ăn đứt.
Khi trong tay đã có tiền ròng bạc chảy, hắn nghĩ đến chuyện
chuyền của về nước để cho con cháu bên đó hưởng. Nhưng ngặt một nỗi hồi ấy
triều đình ta có lệnh cấm rất nghiêm, không cho khách nước ngoài đưa vàng bạc
ra khỏi bờ cõi. Đã có nhiều người lén lút đưa ra nhưng không che được mắt nhà
chức trách nên của cải bị tịch thu, còn người thì bị đuổi ra khỏi nước.
Vì thế, hắn mới nghĩ ra cách giấu một số vàng bạc ở bên này để
rồi ngày sau, chờ khi có cơ hội tốt, con cháu hắn sẽ sang lấy về. Hắn chuẩn bị
việc đó rất kỹ lưỡng. Lấy cớ thờ Phật, hắn sẽ xin phép làng sở tại dựng một ngôi
chùa trên một cái đồi hoang gần nhà. Và trong khi đào móng làm chùa, hắn sẽ bí
mật xây một cái hầm chôn của ăn sâu xuống dưới đất. Còn việc bảo đảm cho của
khỏi mất, hắn sẽ tìm một người con gái còn đồng trinh chôn luôn bên cạnh vàng
bạc để làm thần giữ của. Nếu không phải là người hô đúng tín hiệu mà hắn ước
hẹn với thần thì đừng hòng đưa một ly của cải lên khỏi mặt đất. Thần sẽ vật
chết bất cứ một người lạ nào đến cửa hầm. Khi mưu tính đã kỹ lưỡng, hắn bèn để
ý đi tìm một người con gái còn đồng trinh.
Hồi ấy ở trong vùng có một ông giám sinh, nhà không một mảnh đất
cắm dùi. Ông có một cô con gái tuổi mới mười tám, chưa có chồng. Nghe tin,
người khách buôn vội mang cau rượu đến hỏi cô gái về làm vợ lẽ. Tuy biết hắn
giàu có, con mình có thể được nơi nương tựa, nhưng ông giám sinh không chút
bằng lòng vì không những ông không muốn gả con cho người nước ngoài mà ông còn
ghét cái thói con buôn, cho vay nặng lãi của những bọn như hắn. Hắn cũng biết
thế, bèn đặt lên mâm một trăm lạng vàng, nói là xin đưa làm sính lễ. Trông thấy
những nén vàng sáng chói, ông giám sinh nghĩ đến mấy món nợ chưa cách gì trả
được. Cuối cùng ông đành nhận lời gả con cho hắn.
Từ khi lấy vợ về, người khách buôn cho nàng ở một buồng riêng.
Hắn rất chăm chút, rất ghen tuông, nhưng có một điều là chẳng bao giờ ăn nằm
với nàng. Cả đến cá thịt hành tỏi hắn cũng không cho ăn lấy cớ là phải ăn chay
niệm Phật. Ba tháng một lần, hắn lại cho nàng một bộ xống áo mới.
Cứ như thế sau hai năm, cô gái vẫn phòng không bóng chiếc.
Một hôm, nàng cố xin phép chồng về nhà thăm cha. Từ chối mãi
không được, bất đắc dĩ hắn phải để cho đi nhưng căn dặn phải kiêng khem và phải
trở về ngay. Cha con lâu ngày không gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Ống giám sinh
tỉ tê hỏi:
- Từ khi con ra đi, cha rất hối hận. Nếu nhà ta không túng đói
thì con đâu chịu cảnh lẽ mọn này. Vậy thường ngày nó đối đãi với con ra làm
sao? Vì sao đã hai năm chưa sinh nở gì cả?
Nghe cha hỏi thế, cô gái khóc lóc kể hết sự tình. Ông giám sinh
ngạc nhiên:
- Thôi rồi! Chắc là nó chọn con làm thần giữ của, không nghi ngờ
gì nữa. Vậy con có thấy trong nhà nó có chuyện gì lạ không?
- Trước kia, ăn cơm tối xong là nó khóa cửa ngủ ngay. Chỉ có độ
vài tháng nay tối nào cũng thấy bố con nhà nó vác cuốc thuổng đi, gần sáng mới
lại về.
Nghe nói, ông giám sinh kêu lên: - "Thế là việc sắp đến nơi
rồi đó!". Suy nghĩ một chốc, ông đi lấy hạt vừng và hạt cải gói lại một
gói đưa cho con và dặn rằng:
- Con hãy về sớm cho nó khỏi ngờ. Hễ lúc nào nó đem con đi đâu
thì nhớ rắc những hạt này xuống bên lối đi, để cho cha biết mà tìm.
Từ đó, ông giám sinh đến thăm con luôn: có khi ba ngày một lần,
có khi năm ngày một lần. Ông không vào nhà rể, chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Hễ
thấy mặt con gái, ông mới yên tâm lui gót.
Một lần ông giở bận chút việc chưa đến được. Mãi mười ngày sau
mới tới thì đã không thấy bóng con đâu nữa. Chờ lâu sốt ruột, ông vội bước vào
nhà rể, làm bộ tới hỏi thăm. Người lái buôn thấy ông, lăng xăng tiếp đón ra
chừng thân mật. Hắn cho ông biết là vợ mình còn bận lên kinh đô cất hàng chưa
về. Ông giám sinh vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, nhân lời mời của rể rồi ngồi lại ăn
cơm trưa. Thừa dịp đi tiểu, ông ra sau vườn nhìn quanh nhìn quất, quả thấy hai
bên lối đi dẫn ra đồng, vừng và cải đã mọc xanh lăn tăn như đánh dấu.
Lập tức, ông đi một mạch tới dinh trấn Sơn-nam. Trước mặt quan
trấn thủ, ông trình bày mọi việc xảy ra. Quan trấn thủ liền điểm lấy năm trăm
quân sĩ đi suốt đêm về vạn Lai-triều. Người ta theo chân ông giám sinh lần theo
con đường mà vừng và cải đã kín đáo mách hộ, đi cách nhà người khách chừng nửa
dặm, thì đã thấy một cái am con vừa mới xây xong trên một cái đồi hoang. Ông
giám sinh thưa: - "Hẳn chỗ này chứ không sai. Xin cho đào lên để
khám!". Nhưng người rể của ông nhất định không chịu. Hắn lấy cớ động mạch
đất có quan hệ với vận mệnh nhà hắn nên cố tình không cho lính đào.
Liền đó, quan trấn thủ bắt hai bên làm tờ cam kết. Nếu đào không
thấy gì thì ông giám sinh phải bỏ tiền ra xây lại am và phải bồi thường thiệt
hại cho chàng rể. Trái lại, nếu phát hiện được tiền nong của cải gì thì người
chủ am đó không được nhận. Giấy làm xong, người khách buôn không chịu ký, nhưng
cũng nhất định không chịu thú nhận. Thấy thế, quan lại càng ngờ vực, liền hạ
lệnh cho lính cứ đào ngay, sự chủ muốn hay không cũng mặc.
Mới đào được khoảng một khoảng rộng bằng cái nong thì đã thấy
hiện ra một bờ gạch xây chìm. Bờ gạch chạy dài chừng một gian nhà, sâu xuống
ngập đầu người, trên xây theo lối cuốn bằng gạch Bát-tràng rất kiên cố.
Trong khi người khách buôn lăn ra khóc nức nở thì một toán lính
đã tìm được cửa hầm. Lớp gạch vừa đổ xuống đã hiện ra ánh sáng le lói của hai
ngọn đèn. Họ đi lần vào thì thấy cô gái ngồi bên cạnh đèn, trên một cái ghế dựa
bằng đá, đầu gục xuống, hai chân dạng ra hai bên, mỗi chân đạp lên một cái cong
lớn. Ông giám sinh mếu máo ôm chầm lấy con. Nhưng ông không sao nhấc con lên
được vì hai tay cô gái đã bị trói vào bành ghế mà miệng thì bị gắn kín bằng
nhựa. Nậy nhựa ra thấy có một củ sâm chưa tan hết. Ngực nàng vẫn còn đập thoi
thóp. Người ta vội vực lên để cứu chữa, đồng thời đóng gông tên lái buôn gian
ác giải đi.
Khi toán lính soát mọi vật thì thấy hai cái cong mà cô gái đạp
chân lên, mỗi cong có đề mấy chữ: "Một nghìn cân hoàng kim". Bên tả
bên hữu có hai dãy cong nhỏ mỗi dãy mười cái, ngoài đều có chữ đề: "Năm
trăm cân bạch kim". Mở ra điểm lại đúng như số đã đề. Hai cây đèn cũng một
bằng vàng, một bằng bạc.
Nhờ được sự chăm sóc chu đáo nên cô gái dần dần tỉnh lại. Nghe
kể chuyện, người ta mới biết là cô gái bị chôn sống đã được mười ngày. Quan
trấn chia số của cải ra làm ba: cha con ông giám sinh được hưởng một phần, còn
bao nhiêu tịch thu làm của công. Còn người lại buôn bị đem ra pháp trường xử
trảm[1].
No comments
Post a Comment