LÊ NHƯ HỔ
Ở làng Tiên-châu bây giờ thuộc về tỉnh
Hưng-yên, ngày trước có một anh học trò họ Lê. Người anh to cao, ăn khỏe như
hổ, bởi thế người ta gọi là Như Hổ. Cha mẹ anh nhà nghèo nhưng cũng cố gắng
nuôi con ăn học. Từ lúc Hổ biết làm văn bài, mỗi bữa cha mẹ cho ăn một nổi bảy
cơm. Nhưng chỉ được nửa năm trong nhà hết veo cả gạo, phải cho anh chàng đi gửi
rể.
Nhà ông nhạc Hổ là một ông nhà giàu ở làng Thiện-phiến. Khi rể
mới đến cho ăn mỗi bữa một nồi năm, nhưng vẫn thấy Hổ ăn rồi lại nằm khểnh
không chịu học hành gì cả. Một hôm ông nhạc đến tìm ông thân sinh ra Hổ hỏi: -
"Ông bảo con ông là người chăm học làm sao từ khi nó đến nhà tôi, chẳng
thấy nó học một tiếng nào?". Cha Hổ hỏi lại: - "Mỗi bữa ông cho cháu
ăn bao nhiêu?" - "Một nồi năm" - "Thế thì cháu không học là
phải. Nhà tôi dẫu túng kiết cũng phải cho cháu ăn một nồi bảy".
Từ đó cha vợ bảo thổi cho anh chàng một bữa một nồi bảy, mới
thấy Hổ cầm sách học được một hai tiếng. Người mẹ vợ thấy vậy tỏ ý không bằng
lòng. Một hôm bà phàn nàn với chồng:
- Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống, ông chọn phải đồ ăn hại,
chả làm nên được tích sự gì cả.
Chồng đáp:
- Nó có sức ăn hơn người chắc có tài hơn người. Đừng lo!
- Nếu thế thì chúng ta có mấy mẫu ruộng hoang, thử bảo nó ra đấy
vỡ xem có làm nổi hay không thì biết.
Người cha vợ liền bảo Hổ vỡ ruộng giúp. Hổ nhận ngay, nói rằng:
- Được, ngày mai cứ nấu cơm cho ăn, con sẽ xin làm chu tất.
Qua ngày mai, ăn xong, Hổ cầm con dao lớn ra đầu làng ngồi dưới
gốc đa. Nhân có gió mát chàng thiu thiu ngủ và làm luôn một giấc ngon lành. Đến
khi mẹ vợ đi chợ về qua thấy Hổ vẫn còn ngáy rống dưới bóng cây, tất tả chạy về
bảo chồng:
- Ông còn thổi nhiều cơm cho nó ăn nữa thôi!... Ông ra mà xem nó
vỡ ruộng dưới gốc đa kia kìa. Thật là đồ ăn hại đái nát!
Không ngờ khi bà mẹ vợ gặp Hổ, chính là lúc Hổ sắp tỉnh giấc.
Anh chàng vươn vai rồi cầm dao xuống ruộng, chỉ một buổi phát luôn ba mẫu cỏ.
Hổ phát nhanh đến nỗi cá chạy không kịp, chết trôi nổi đầy đồng, bắt không biết
bao nhiêu mà kể. Đến khi cha mẹ vợ ra ruộng thăm, thì ruộng cỏ đã phát xong lại
được thêm mấy thùng cá. Họ mới biết chàng rể nhà mình là người có tài, tấm tắc
khen ngợi.
Khi lúa chiêm đã chín vàng, người mẹ vợ bảo Hổ đi mượn lấy hai
mươi công gặt. Anh chàng bỏ đi chơi đâu một lúc lâu rồi về cho biết là không
mượn được một người nào cả. Nhưng lúc bấy giờ đã thổi xong một nồi ba mươi cơm,
chỉ còn đợi thợ gặt đến ăn. Hổ bảo: - "Họ không chịu đến gặt, âu là con
xin cố sức giúp thầy mẹ". Thế là Hổ ngồi một mình tỳ tỳ chén hết cả một
bung lớn tướng cơm. Thấy mẹ vợ có ý không bằng lòng, anh chàng thưa: -
"Mấy mẫu lúa ấy cứ để mặc con gặt và gánh chỉ trong một ngày là xong hết".
Nói đoạn Hổ cầm dao chặt tre chẻ lạt mang đi. Hổ gặt độ nửa ngày là xong hai
mẫu lúa, thế rồi bó tất cả lại thành bốn năm gánh lớn tướng lần lượt quẩy về.
Và chỉ đến chập tối là xong tất. Từ đó người mẹ vợ mến phục con rể, cho Hổ ăn
đầy đủ để chàng an tâm học tập.
Hổ học đến đâu nhớ đến đấy, không bao lâu thi đậu ông nghè.
Trong thời gian đi thi Hổ đánh bạn với một anh chàng cũng nổi
tiếng ăn khỏe tên là Nguyễn Thanh, người trong xứ Thanh. Khi chia tay, mời bạn
đến nhà, Hổ hỏi bỡn:
- Nhà bác có đủ cho tôi ăn một tháng không?
Nguyễn Thanh trả lời:
- Bác đừng lo. Cứ đến chơi, thế nào cũng đủ.
Sau đó ít lâu, Hổ cùng một người đầy tớ hẹn đến chơi nhà Nguyễn
Thanh. Bấy giờ ông Thanh đi vắng, Hổ bảo vợ bạn:
- Ông nhà ta có hẹn tôi đến chơi. Nay tôi có việc qua đây, thầy
tớ độ ba mươi người, nhờ bác biện cho một bữa.
Vợ ông Thanh lập tức bảo người nhà thổi một nồi 50 cơm và mổ một
con lợn to làm thành sáu mâm cỗ bưng lên. Trước mặt người đàn bà, Hổ sai người
hầu làm bộ lăng xăng vờ ra gọi tất cả đầy tớ vào ăn. Nhưng cuối cùng chỉ một
thầy một tớ ngồi chén tỳ tỳ hết mâm này đến mâm kia. Xong đâu đó, Hổ cáo từ ra
về.
Hôm sau, ông Thanh trở về nhà, người vợ kể lại chuyện cho biết,
ông Thanh nói:
- Thôi đích là Lê Như Hồ rồi!
Năm sau, một mình ông Thanh tìm đến chơi nhà Hổ, Hổ sai mổ hai
con lợn và bốn mâm xôi làm cỗ đãi khách. Người nhà bưng cho chủ và khách mỗi
người một con lợn và một mâm xôi. Còn Hổ ngốn hết phần ăn của mình rồi lại ăn
trèo sang mâm của bạn. Nguyễn Thanh cả sợ nói:
- Sức ăn của bác thật là như hổ. Cơ nghiệp nhà tôi giàu lắm cũng
chỉ thết quan bác được mươi bữa mà thôi!
Về sau, Lê Như Hổ làm quan to trong triều. Một lần vâng lệnh vua
đi sứ Trung-quốc, Hổ đưa theo một người hàng thịt có tài biện bác để theo hầu.
Khi sứ bộ đến kinh đô, vua Trung-quốc nghe tiếng sứ giả nước Nam là người ăn
khỏe khác thường, mới sai dọn yến để xem thử thế nào. Vua bảo đặc biệt sai dọn
18 mâm cỗ đặt lên 18 tầng cao. Cỗ ở tầng thứ 18, vua sai đầu bếp giỏi lấy đầu
cá làm thành một cái đầu trông như thật để dọa sứ giả. Đoạn sai mời riêng Hổ
vào ăn, Hổ đập bụng ăn hết cỗ tầng dưới rồi trèo lên ăn cỗ tầng trên, liên tiếp
một mạch không nghỉ. Ăn đến cỗ ở tầng thứ 18, Hổ thấy cái đầu người, nhìn qua
biết là cái đầu cá, liền cầm đầu đũa móc con mắt giơ lên cho mọi người xem rồi
bảo người hầu:
- Ta xưa nay chưa biết mùi thịt người là thế nào, nay được hoàng
đế cho ăn đầu người phương Bắc thật là quý. Vậy hãy đem dao lại đây cho ta.
Mọi người đứng dưới đều bịt mắt không dám trông lên. Việc đến
tai vua, vua rất kính phục, nhưng cho câu nói của Hổ xúc phạm đến quốc thể, mới
sai người hầu bưng đầu đi. Rồi vua sai lấy sơn gắn mắt Hổ lại, giữ riêng ở một
nơi. Ba hôm sau, vua sai dắt Hổ đi khắp mọi nẻo trong hoàng thành rồi lại dắt
trở về chỗ ăn yến cũ, hỏi: -"Chỗ này là chỗ nào?". Hổ đáp: -
"Đây là chỗ tôi ngồi ăn yến hôm nọ". Vua khen là người là có tài, bèn
tha cho Hổ không phải gắn mắt nữa.
Bấy giờ Trung-quốc trời làm hạn hán suốt ba tháng không có lấy
một giọt mưa. Nhân có sứ giả các nước bốn phương đến chầu, vua mới hạ chiếu cho
các sứ thần làm lễ cầu đảo. Ai cầu được ứng nghiệm sẽ được phong tước và trọng
thưởng. Hổ nhờ người hàng thịt xem tượng trời biết là còn lâu mới mưa, nên tâu rằng:
- "Nước chúng tôi là nước bé, xin để sứ giả các nước lớn cầu đảo trước đi
đã". Vua y theo. Sứ giả các nước lần lượt vào làm lễ đều chả ăn thua gì.
Đến lượt sứ giả Việt-nam, Hổ tâu vua rằng: - "Trong sứ bộ chúng tôi có một
người có phép hô phong hoán vũ. Nếu bệ hạ muốn dùng xin để gọi vào". Vua
lập tức cho đi gọi. Hổ đưa người hàng thịt đến cho vua. Người hàng thịt thấy
trời chưa có dấu hiệu gì tỏ ra sắp có mưa nên lúc đến nơi, tâu vua: - "Xin
bệ hạ cho xây một cái đài cao 10 trượng: trên đó phải sắm đủ lễ vật cần thiết.
Thần sẽ chọn ngày tốt để trai giới lên đàn rồi gọi mưa đến". Công việc cứ
dềnh dàng mãi cho đến lúc rễ si và cỏ gà đều đâm nõn trắng, họ mới tâu vua xin
bắt đầu làm lễ. Cúng ngày hôm trước thì hôm sau trời liền đổ mưa suốt hai ngày
đêm. Người Trung-quốc từ vua chí dân đều mừng rỡ, khen sứ giả Việt-nam có bụng
chân thành làm cảm động đươc trời đất. Vua Trung-quốc bèn phong cho người hàng
thịt làm "Lưỡng quốc quốc sư" còn Hổ thì phong làm "Lưỡng quốc
thượng thư".
Thấy Hổ có tài, vua Trung-quốc lưu lại bắt dạy hoàng tử. Hổ tuy
muốn về lắm nhưng không thể chối được, bất đắc dĩ phải ở lại dạy học. Theo phép
dạy của Hổ thì "trước học lễ, sau mới học văn". Hễ hoàng tử hơi có tí
lỗi là Hổ cầm roi vụt ngay vào đít. Hoàng hậu thương con hay phải đòn, mới xin
vua chọn một ông thầy khác. Vì thế Hổ ta được trở về nước. Lúc hai thầy trò Hổ
về, vua Việt-nam cho là họ có công lao, phong thưởng rất hậu. Khi Hổ chết, vua
Trung-quốc sai sứ sang điếu và ban cho một cái áo quan bằng đồng[1].
KHẢO DỊ
Trong Công dư tiệp ký còn có truyện Hai anh em Lê Nại, Lê Đỉnh
trong đó có Lê Nại sức ăn rất khỏe phần nào giống với Lê Như Hổ. Nhà Nại nghèo
được ông Thượng Vũ Quỳnh gả con gái cho. Trong khi ở gửi rể, Nại hết ăn no lại
nằm không chịu học hành gì cả. Cha vợ tìm đến nhà cha Nại hỏi: - "Nghe nói
con ông là một người chăm học thế mà từ khi đến ở nhà tôi thì hết sức
lười". Cha Nại hỏi: - "Mỗi bữa ông cho nó ăn bao nhiêu?" -
"Một nồi hai cơm" - "Thế thì nó không chịu học là phải. Ngay như
nhà tôi mà mỗi bữa cũng phải thổi cho nó ăn nồi năm".
Ông thượng rõ chuyện, mới về bảo người nhà thổi một nồi ba cơm
cho chàng rể ăn thì ông Nại học đến canh ba, sau lại cho ăn nồi tư thì lại học
đến canh tư, cho ăn nồi năm thì học đến sáng. Ông Thượng mừng, nói: - "Rể
ta có sức ăn hơn người tất có tài hơn người". Từ đó sai thổi cơm nồi mười
cho rể ăn. Quả nhiên ông Nại học thâu đêm suốt sáng, ít khi ngớt tiếng. Về sau
ông thi đậu Trạng cùng làm đến thượng thư như cha vợ. Cha vợ có làm thơ tặng
con rể:
Tiên sinh Mộ-trạch, ăn khỏe nổi danh,
Mười tám bát cơm, mười hai bát canh.
Đi thi đỗ Trạng, tên trùm lang Nho,
Chứa vào càng khỏe, phát ra càng to.
Đồng bào Tây-nguyên có truyện Bớt Rơ kén rể và chuyện Chàng Rá,
cũng nói đến một nhân vật đi làm rể, ăn khỏe và ngủ nửa ngày mới dậy, nhưng làm
việc thì như thần (hoặc nhờ có phép thần):
Trong truyện Bớt Rơ kén rể (của người Bahnar) thì ông Rơ có bốn
cô gái, ông sai con gái đi làm đổi công cho các gia đình để tìm một người rể
lao động khỏe. Đầu tiên, ông gặp Néc Ne, rồi gặp Hơ-le Hờ-lép. Những anh chàng
này chỉ nhờ thức khuya dậy sớm lao động hùng hục nên ông không vừa ý. Sau ông
gặp Ma-toong Ma Oắt lao động cừ, ông gả ngay hai cô gái đầu. Sau gặp Đam Trong
cũng giỏi, gả cô thứ ba cho y. Còn cô gái út xinh nhất ông không thấy người nào
vừa ý cả. Có anh chàng Rết xấu xí ăn mặc lôi thôi, lại ngủ trưa mãi đến lúc mặt
trời mọc cao mới đi làm. Ấy vậy mà khi làm anh ta nhờ phép thần có một sức mạnh
không ai bì kịp, vỡ cả một khu rừng mênh mông trong một loáng, rồi lại đốt rất
nhanh. Qua nhiều lần thử thách ông Rơ biết Rết có tài phép bèn gả con gái cho
chàng tuy hình thức bề ngoài khù khờ xấu xí bị mọi người dè bỉu.
Ở truyện Chàng Rá (của người Hrê) thì có một bà cụ nghèo sinh
một đứa con xấu xí tròn như quả bầu đặt tên là Rá. Rá ăn rất khỏe, mới lọt lòng
đã ăn hết đấu gạo. Lớn lên đi ở với một tù trưởng, ai cũng ghét trừ có cô Tám
là thương Rá, nhận hàng ngày đưa cơm cho anh. Khi đến nơi thấy Rá còn ngủ,
tiếng ngáy như sấm. Cô gái chờ Rá dậy, đưa cơm cho Rá ăn, rồi đứng rình xem thì
thấy Rá bỗng tách đôi thành nhiều người rất khỏe, đẹp, hát hay và chia nhau
chặt cây, chỉ một loáng là xong. Sau cô gái ôm tương tư đòi lấy chàng Rá. Bố mẹ
thuận gả nhưng đuổi hai vợ chồng ra khỏi nhà. Nhờ có phép, Rá trở nên giàu có,
còn tù trưởng thì sau hóa thành hổ.
No comments
Post a Comment